Bọc răng sứ cho trẻ em có thể cản trở quá trình phát triển của răng vĩnh viễn và cấu trúc xương hàm. Chính vì vậy, phương pháp này thường chỉ được áp dụng cho người từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên trên thực tế, một số trẻ nhỏ vẫn có thể bọc răng sứ trong các trường hợp cần thiết.
Có nên bọc răng sứ cho trẻ em? Khi nào nên bọc?
Bọc răng sứ là giải pháp giúp khôi phục hình thể và chức năng của răng. Phương pháp này được thực hiện trong nhiều trường hợp khác nhau như răng nứt, mẻ, răng vỡ, gãy do chấn thương, răng bị tổn thương do sâu răng nặng, răng mòn men, ngả màu,… Ngoài ra, những trường hợp có răng không đồng đều cũng có thể bọc răng sứ để cải thiện tính thẩm mỹ.
Thông thường, các kỹ thuật phục hình răng chỉ được thực hiện cho người trên 18 tuổi. Do đó, vấn đề “Có nên bọc răng sứ cho trẻ em không?” là mối bận tâm của nhiều bậc phụ huynh. Bọc răng sứ can thiệp vào phần men răng nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của trẻ về sau. Chính vì vậy, trẻ nhỏ thường không được khuyến khích bọc răng sứ.
Nếu gặp phải các khuyết điểm như răng thưa, lệch lạc, chen chúc, hô, vẩu, mẹ có thể cho trẻ niềng răng (chỉnh nha) khi đã đủ 12 tuổi. Ngoài ra, có thể hàn trám răng trong trường hợp răng bị sâu và nứt, mẻ. Những phương pháp này có thể thay thế cho bọc răng sứ trong nhiều trường hợp khác nhau.
Tuy nhiên, bọc răng sứ vẫn có thể thực hiện cho trẻ em trong các trường hợp sau:
- Răng sữa bị sâu nặng: Trong trường hợp răng sữa bị sâu nặng không thể hàn trám, bác sĩ sẽ nạo bỏ phần men và ngà răng bị sâu. Sau đó, chỉ định dùng mão răng tạm thời phục hình lên phía trên để bảo vệ cùi răng thật bên trong. Khi thay răng vĩnh viễn, răng sữa và cùi răng sẽ rơi ra bên ngoài. Vì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn nên bác sĩ sẽ lựa chọn các mão răng có giá thành thấp để tiết kiệm chi phí.
- Răng vĩnh viễn bị tổn thương nặng: Răng vĩnh viễn cũng có thể bị hư hại nặng do sâu răng, gãy, nứt, vỡ lộ tủy do chấn thương/ tai nạn, răng chết tủy,…. Những trường hợp này gần như không thể cải thiện bằng kỹ thuật hàn trám. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định bọc răng sứ để bảo vệ cùi răng thật bên trong. Vì răng của trẻ đang còn phát triển nên khi bọc răng sứ, phụ huynh cần đưa trẻ thăm khám thường xuyên và thay mới mão sứ khi cần thiết.
Tóm lại, bọc răng sứ không được khuyến khích thực hiện cho trẻ nhỏ. Phương pháp này chỉ được cân nhắc khi không còn lựa chọn nào khác.
Các ảnh hưởng khi bọc răng sứ cho trẻ em
Đối với người trưởng thành, bọc răng sứ mang đến nhiều lợi ích như hiệu quả thẩm mỹ cao, có thể khôi phục chức năng ăn nhai và bảo vệ cùi răng thật ở bên trong. Tuy nhiên với trẻ em, phương pháp này gây ra khá nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Dưới đây là một số ảnh hưởng khi bọc răng sứ cho trẻ em:
1. Cản trở quá trình mọc răng vĩnh viễn
Răng sữa của trẻ sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn trong giai đoạn từ 6 – 10 tuổi. Bọc răng sứ trong giai đoạn này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình mọc răng. Hơn nữa khi bọc răng sứ, bác sĩ phài mài một lớp men răng mỏng. Tác động từ quá trình này có thể ảnh hưởng đến mầm răng ở bên dưới.
Mặt khác, mão răng sứ có thể chèn ép các mô răng lân cận dẫn đến cản trở sự phát triển của răng vĩnh viễn. Từ đó tác động tiêu cực đến chức năng ăn nhai và tính thẩm mỹ của hàm răng sau khi đã thay toàn bộ răng sữa.
2. Gây tâm lý sợ hãi cho trẻ
Trẻ nhỏ vốn có tâm lý sợ hãi khi đến phòng khám và bệnh viện. Khi bọc răng sứ, bác sĩ phải dùng thiết bị chuyên dụng để mài bớt lớp men răng bên ngoài. Quá trình mài răng sẽ có sự hỗ trợ của thuốc tê nên hầu như không gây đau nhức hay ê buốt. Tuy nhiên sau khoảng 2 – 3 ngày, răng sẽ có hiện tượng đau và khó chịu do lớp men ngoài cùng đã bị mài mỏng.
Trẻ nhỏ dưới 15 tuổi rất dễ bị tổn thương tâm lý và hình thành cảm giác lo sợ khi đến phòng khám nha khoa nếu can thiệp các phương pháp phục hình quá sớm. Vì vậy, với những trẻ có tâm lý nhạy cảm, phụ huynh nên cân nhắc trước khi quyết định cho trẻ làm răng sứ.
3. Phải thay mão răng thường xuyên do cùi răng thật phát triển
Khi chưa đủ 18 tuổi, răng và xương hàm vẫn sẽ tiếp tục phát triển. Do đó, cùi răng thật bên trong mão sứ sẽ tăng dần kích thước sau một thời gian. Khi bọc răng sứ cho bé, phụ huynh cần cho trẻ khám định kỳ để bác sĩ đánh giá tình trạng răng miệng và thay mão sứ khi cần thiết.
Với những trẻ làm răng sứ quá sớm, cần phải thay mão sứ liên tục để tránh gây tổn thương xương hàm. Điều này không chỉ gây hao tốn tài chính mà còn làm phát sinh nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Độ tuổi nên bọc răng sứ cho bé
Như đã đề cập, bọc răng sứ thường không được khuyến khích thực hiện cho trẻ vì gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên nếu phải bọc răng sứ, phụ huynh cần lựa chọn thời điểm phù hợp. Theo các chuyên gia, có thể bọc răng sứ cho bé khi đủ 15 tuổi vì lúc này răng sữa đã bị thay thế hoàn toàn và cấu trúc răng cũng đã tương đối ổn định.
Những trường hợp răng sữa bị sâu, hư tổn nên bọc răng sớm để bảo vệ cùi răng thật bên trong. Trong trường hợp này, nên lựa chọn mão răng tạm thời để tiết kiệm chi phí và tránh gây ảnh hưởng đến sự phát triển của các răng khác trên cung hàm.
Lựa chọn mão răng sứ phù hợp với trẻ nhỏ
Khác với người trưởng thành, trẻ nhỏ có cấu trúc răng chưa ổn định nên cần phải lựa chọn mão răng có chất liệu phù hợp. Tùy theo tình trạng răng miệng và độ tuổi của trẻ, bác sĩ sẽ xem xét phục hình bằng 1 trong 4 loại mão răng sau:
1. Mão răng bằng nhựa composite
Mão răng bằng nhựa composite có màu sắc tương tự như răng thật, trọng lượng nhẹ và chi phí thấp. Đây là loại mão răng được ưu tiên sử dụng cho trẻ em vì hiệu quả thẩm mỹ tương đối và có thể bảo vệ được cùi răng thật ở bên trong. Vì có chi phí thấp nên việc thay thế mão răng thường xuyên cũng không gây hao tốn tài chính.
Mão răng bằng nhựa composite thường được sử dụng cho cả hệ răng sữa và răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, mão răng được làm từ chất liệu này không có khả năng chống bám nên dễ bị ngả màu sau một thời gian sử dụng. Nhựa composite là vật liệu lành tính, an toàn nên vẫn được ưu tiên sử dụng trong phục hình răng cho trẻ nhỏ.
2. Mão răng bằng thép không gỉ
Mão răng bằng thép không gỉ là mão đã được đúc sẵn thay vì phải chế tác như các loại răng sứ thông thường. Chính vì vậy, loại mão sứ này được sử dụng như biện pháp tạm thời. Với trẻ nhỏ, mão răng thép không gỉ được sử dụng để bảo vệ răng sữa bị sâu nặng. Sau khi răng sữa rụng để mọc răng vĩnh viễn, mão sứ cũng sẽ rơi ra và hoàn toàn không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cung hàm.
Hạn chế của mão răng bằng thép không gỉ là màu sắc khác biệt so với răng thật nên ít nhiều ảnh hưởng đến sự tự tin và tâm lý của trẻ khi giao tiếp. Tương tự như mão răng composite, mão răng bằng thép không gỉ có chi phí thấp hơn so với các loại mão răng sứ.
3. Răng sứ kim loại
Răng sứ kim loại cũng là một trong những vật liệu được sử dụng để bọc răng sứ cho trẻ em. Loại răng sứ này có khung sườn được làm từ kim loại hoặc hợp kim và được phủ nhiều lớp men ở bên ngoài. Răng sứ kim loại có độ bền cao khoảng 5 – 7 năm và khả năng chịu lực tốt.
So với mão răng bằng thép không gỉ và nhựa composite, răng sứ kim loại có giá thành cao hơn. Loại răng sứ này thường được dùng cho trẻ đã hoàn thiện bộ răng vĩnh viễn. Sau một thời gian sử dụng, trẻ cần thay mão răng mới để tránh tình trạng mão răng bị chật do cùi răng thật phát triển.
4. Răng sứ toàn sứ
Răng sứ toàn sứ là vật liệu được sử dụng phổ biến trong bọc răng sứ thẩm mỹ. Đối với trẻ nhỏ, bác sĩ thường không khuyến khích lựa chọn loại răng sứ này.
Răng toàn sứ có chi phí cao, độ bền lâu dài, khả năng chịu lực tốt và hiệu quả thẩm mỹ tối ưu. Tuy nhiên khác với người trưởng thành, trẻ nhỏ phải thay thế mão răng thường xuyên để tránh đau nhức và ê buốt do cùi răng thật bên trong phát triển quá mức. Do đó, việc sử dụng mão răng toàn sứ sẽ gây hao tốn tài chính nếu phải thay mão răng liên tục.
Lựa chọn ưu tiên khi bọc răng sứ cho trẻ em là sử dụng các mão răng tạm thời, mão răng làm bằng nhựa composite và răng sứ kim loại. Khi trẻ đủ 18 tuổi, phụ huynh có thể cân nhắc bọc răng sứ bằng mão toàn sứ để đảm bảo mang lại hiệu quả thẩm mỹ tối ưu và độ bền lâu dài.
Quy trình bọc răng sứ cho trẻ em
Bọc răng sứ cho trẻ em chỉ được thực hiện trong những trường hợp cần thiết. Tương tự như ở người lớn, phương pháp này được thực hiện theo trình tự như sau:
- Thăm khám và tư vấn
- Vệ sinh răng miệng và cạo vôi răng
- Mài răng và lấy dấu mẫu hàm
- Gắn răng tạm
- Phục hình bằng mão răng đã được chế tác
Những trường hợp sử dụng mão răng sẵn có (mão thép không gỉ) sẽ được phục hình ngay sau khi mài cùi răng. Vì không được chế tác riêng nên bác sĩ sẽ lựa chọn mão sứ có kích thước phù hợp nhất với cung hàm của bé. Mão răng này vẫn có thể khôi phục được hình dáng và các chức năng sinh lý của răng.
Một số lưu ý khi bọc răng sứ cho trẻ
Bọc răng sứ cho trẻ nhỏ chỉ được thực hiện trong trường hợp răng sữa bị sâu nặng, răng vĩnh viễn bị chết tủy, sâu răng ăn vào tủy, răng nứt mẻ, gãy lộ tủy,… Mặc dù có thể khôi phục hình dáng và chức năng của răng nhưng phương pháp này ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển của răng vĩnh viễn và cấu trúc xương hàm.
Chính vì vậy khi bọc răng sứ cho trẻ, phụ huynh nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Cho trẻ thăm khám tại các bệnh viện/ phòng khám uy tín để được bác sĩ tư vấn phương pháp phù hợp nhất. Kỹ thuật bọc răng sứ được thực hiện bởi những bác sĩ có kinh nghiệm sẽ diễn ra nhanh chóng, an toàn và không gây tổn thương các răng kế cận.
- Nếu có thể, nên hàn trám, tẩy trắng răng và niềng răng – chỉnh nha cho bé thay vì bọc răng sứ thẩm mỹ. Trong trường hợp có ý định phục hình răng sứ toàn hàm, nên đợi đến khi trẻ đủ 18 tuổi.
- Các mão răng được sử dụng trong phục hình răng cho trẻ thường có độ bền kém và dễ bám màu. Để giữ màu mão răng, phụ huynh nên hướng dẫn trẻ cách vệ sinh răng miệng và ăn uống, sinh hoạt khoa học.
- Sau khi bọc răng sứ, mẹ nên cho bé đến gặp nha sĩ 6 tháng/ lần để được kiểm tra tình trạng răng miệng và đổi mão sứ nếu cần thiết.
- Tuổi thọ của mão răng sứ có thể giảm đi đáng kể nếu trẻ có các thói quen xấu. Ngoài hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách, phụ huynh cũng nên rèn cho trẻ thay đổi những thói quen xấu như mút tay, nghiến răng khi ngủ, nhai cố định 1 bên cung hàm, giảm lượng đường trong chế độ ăn,…
Bọc răng sứ cho trẻ em được áp dụng trong trường hợp răng sữa bị sâu nặng, răng vĩnh viễn bị gãy, chết tủy, mòn men nặng,… Bên cạnh những lợi ích mang lại, phương pháp này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro và tác động tiêu cực. Do đó, phụ huynh chỉ nên cho trẻ thực hiện phương pháp này khi thật sự cần thiết.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Răng Mọc Lộn Xộn Nên Niềng Hay Bọc Sứ?
Răng Bọc Sứ Bị Viêm Tuỷ Nguyên Nhân Do Đâu? Cách Điều Trị
Mách bạn 5 cách giữ răng sứ luôn trắng sau khi bọc
Răng bé bị sún cụt viêm tủy: Cách chăm sóc, điều trị tại nhà
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!