Phục hình răng là gì? Các phương pháp phục hình răng phổ biến hiện nay

Phục hình răng là thuật ngữ đề cập đến các phương pháp có khả năng khôi phục hình thể và chức năng của răng. Kỹ thuật này bao gồm 2 phương pháp chính là phục hình răng tháo lắp và phục hình răng cố định.

Phục hình răng là gì
Phục hình răng bao gồm các kỹ thuật có khả năng khôi phục hình thể và chức năng của răng

Phục hình răng là gì?

Phục hình răng là thuật ngữ đề cập đến các phương pháp có khả năng khôi phục lại hình dáng, màu sắc của răng bị tổn thương nhằm phục hồi chức năng sinh lý và thẩm mỹ. Thông qua kỹ thuật này, các khuyết điểm của răng sẽ được sửa chữa, từ đó cải thiện chức năng ăn nhai, hỗ trợ phát âm và tăng tính thẩm mỹ cho hàm răng.

Hiện nay, phục hình răng có rất nhiều phương pháp và được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau. Với từng trường hợp, bác sĩ sẽ đánh giá khuyết điểm của răng, tình trạng sức khỏe và khả năng tài chính để đưa ra giải pháp thích hợp nhất.

Những trường hợp cần phục hình răng

Như đã đề cập, phục hình răng có thể khôi phục lại hình thể của răng đã bị tổn thương và hư hại. Do đó, phương pháp này có thể áp dụng trong nhiều trường hợp như:

phục hình răng là làm gì
Phục hình răng có thể áp dụng cho nhiều trường hợp như mất răng, răng nứt, mẻ, răng bị gãy, mòn men,…
  • Răng bị gãy, nứt mẻ và vỡ do nhai thức ăn khô cứng hoặc do chấn thương, tai nạn
  • Răng bị tổn thương do mắc phải các bệnh lý nha khoa như mòn men răng, sâu răng, thiểu sản men răng, viêm tủy răng,…
  • Răng có các khuyết điểm như hô vẩu nhẹ, răng thưa cũng có thể phục hình răng để khắc phục khuyết điểm và tăng tính thẩm mỹ cho hàm răng, nụ cười
  • Trường hợp mất 1 răng, mất nhiều răng và mất răng toàn hàm cũng có thể phục hình răng để khôi phục chức năng ăn nhai và thẩm mỹ
  • Phục hình răng với mục đích thẩm mỹ có thể áp dụng cho những trường hợp men răng ngả màu nặng, toàn bộ răng trên cung hàm có thân răng ngắn hoặc chiều dài của các răng không đồng đều,…

Hiện nay, phục hình răng được áp dụng trong rất nhiều trường hợp khác nhau. Ngoài những trường hợp được đề cập, phương pháp này có thể áp dụng cho nhiều đối tượng khác. Vì vậy, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu kỹ về những trường hợp có thể can thiệp các kỹ thuật phục hình răng.

Các phương pháp phục hình răng phổ biến

Hiện tại, có rất nhiều phương pháp phục hình răng được áp dụng. Trong đó được chia thành 2 nhóm chính là phục hình răng tháo lắp và phục hình răng cố định.

1. Phục hình răng tháo lắp

Phục hình răng tháo lắp là phương pháp sử dụng hàm giả tháo lắp từng phần/ toàn phần để khôi phục hình dáng của răng bị mất. Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp mất 1 răng, mất nhiều răng liền kề, mất nhiều răng rải rác và mất răng toàn hàm. Hàm giả được chế tác có hình dáng tương tự răng thật và có thể tháo lắp dễ dàng.

Tùy vào tình trạng răng miệng bác sĩ có thể làm hàm giả toàn phần hoặc từng phần. Đây là phương pháp phục hình răng truyền thống và hiện nay vẫn khá được ưa chuộng.

phục hình răng là làm gì
Phục hình răng bằng hàm giả tháo lắp được áp dụng cho những trường hợp bị mất răng

Ưu điểm của phục hình răng tháo lắp là quy trình thực hiện đơn giản, chi phí thấp, có thể tháo lắp dễ dàng nên không ảnh hưởng nhiều đến quá trình vệ sinh răng miệng. Hạn chế của phục hình răng tháo lắp là độ bền kém, hiệu quả thẩm mỹ không cao, có cảm giác không thoải mái, cộm vướng và dễ bung tuột khi ăn nhai.

2. Phục hình răng cố định

Hiện nay, phục hình răng cố định được ưa chuộng hơn so với phục hình răng tháo lắp. Phương pháp này bao gồm các kỹ thuật phục hình sau:

– Trồng răng Implant:

Trồng răng Implant là kỹ thuật phục hình răng hiện đại có nhiều cải tiến hơn so với các phương pháp cũ. Kỹ thuật này được áp dụng trong trường hợp mất 1 răng, mất nhiều răng và mất toàn bộ răng trên cung hàm. Trồng răng Implant sử dụng trụ Implant cấy vào xương hàm để thay thế cho chân răng.

phục hình răng là làm gì
Phục hình răng bằng cấy ghép Implant có thể áp dụng trong trường hợp mất 1 răng, nhiều răng và mất toàn bộ răng trên cung hàm

Sau khoảng 2 – 3 tháng, trụ Implant sẽ tích hợp với xương hàm. Kế tiếp, bác sĩ sẽ dùng mão răng sứ để phục hình trên Implant thông qua khớp nối Abutment. Trồng răng Implant có thể khôi phục hình dáng và các chức năng vốn có của răng đến 90%.

– Bọc răng sứ:

Bọc răng sứ sử dụng mão răng được làm từ sứ để khôi phục hình thể của răng. Trước đây, phương pháp này chỉ được áp dụng trong những trường hợp răng hư hại nặng (nứt, mẻ, gãy) nhưng vẫn còn chân răng. Tuy nhiên hiện nay, bọc răng sứ đã được cải tiến nên có thể ứng dụng để phục hình răng trong trường hợp răng ngả màu, mất 1 răng và mất nhiều răng trên cung hàm.

phục hình răng là làm gì
Bọc răng sứ là phương pháp phục hình răng được ưa chuộng trong thời gian gần đây

Bọc răng sứ có nhiều phương pháp khác nhau như:

  • Bọc răng sứ truyền thống (chụp mão sứ trực tiếp lên răng thật)
  • Cầu răng sứ
  • Dán sứ Veneer
  • Mão sứ cũng được sử dụng để phục hình răng trên trụ Implant trong kỹ thuật trồng răng Implant

– Trám răng:

Trám răng là kỹ thuật phục hình răng đơn giản nhất. Khác với bọc răng sứ, phương pháp này dùng vật liệu ở dạng lỏng để khôi phục lại phần men răng, ngà răng bị mất. Sau đó, sử dụng tia laser để làm đông vật liệu và tăng độ bám dính với răng thật.

Hiện nay ngoài trám răng trực tiếp bằng amalgam, GIC, composite,… trám răng gián tiếp bằng Inlay/ Onlay cũng được ứng dụng để phục hình răng. Inlay/ Onlay là kỹ thuật dùng sứ để chế tác thành miếng trám có hình dáng tương ứng với phần răng bị mất, sau đó gắn lên răng bằng keo dán chuyên dụng.

phục hình răng là làm gì
Trám răng là phương pháp phục hình đơn giản, có hiệu quả trong trường hợp răng tổn thương nhẹ

Trước đây, trám răng chủ yếu được áp dụng để phục hình răng sâu, răng nứt, mẻ nhẹ. Tuy nhiên hiện nay, kỹ thuật này cũng được áp dụng để khắc phục tình trạng răng thưa nhẹ (khoảng cách giữa 2 răng không quá 2mm), mòn men răng, răng bị ngả màu ở một vài vị trí.

Một số lưu ý khi phục hình răng

Phục hình răng là kỹ thuật quan trọng trong lĩnh vực nha khoa. Trước khi áp dụng kỹ thuật này, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Phục hình răng có thể áp dụng cho nhiều trường hợp khác nhau. Tuy nhiên, bạn cần xem xét tình trạng răng (mất răng, răng nứt, mẻ, nhiễm màu, răng thưa,…) để lựa chọn giải pháp phù hợp. Lựa chọn ưu tiên vẫn là những phương pháp có mức độ xâm lấn thấp, có thể bảo tồn răng và chi phí hợp lý.
  • Hầu hết các phòng khám/ bệnh viện đều thực hiện các kỹ thuật phục hình răng. Tuy nhiên, nên lựa chọn địa chỉ uy tín để đảm bảo quá trình phục hình răng diễn ra thuận lợi và mang lại hiệu quả cao.
  • Phục hình răng sử dụng vật liệu nhân tạo để khôi phục hình thể và chức năng của răng. Mỗi vật liệu sẽ có đặc điểm và tuổi thọ nhất định. Bạn nên chú ý về vấn đề này để thay miếng trám/ mão sứ kịp thời, tránh gây ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và sức khỏe răng miệng.
  • Sau khi phục hình răng, nên chú ý ăn uống, sinh hoạt hợp lý và chăm sóc răng miệng đúng cách để phòng ngừa các bệnh lý nha khoa, đồng thời kéo dài tuổi thọ của vật liệu được sử dụng trong kỹ thuật phục hình.
  • Nếu có vấn đề bất thường sau khi phục hình răng, nên đến ngay phòng khám để được kiểm tra và khắc phục. Trong trường hợp để lâu dài, bạn có thể phải thay mới miếng trám/ răng giả và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng.

Phục hình răng bao gồm nhiều kỹ thuật có khả năng khôi phục hình thể và chức năng của răng. Để lựa chọn được kỹ thuật phù hợp, bạn đọc nên xem xét về tình trạng răng miệng, sức khỏe tổng thể và khả năng tài chính. Nếu cần thiết, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để nhận được lời khuyên hữu ích.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!