Cạo vôi răng bằng sóng siêu âm: Ưu nhược điểm và chi phí

Cạo vôi răng bằng sóng siêu âm có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với kỹ thuật lấy cao răng thủ công. Với sự hỗ trợ của sóng siêu âm, liên kết giữa cao răng và men răng sẽ bị phá vỡ nên bác sĩ có thể dễ dàng loại bỏ mảng bám và cao răng tích tụ.

Cạo vôi răng bằng sóng siêu âm
Cạo vôi răng bằng sóng siêu âm được cải tiến nhằm khắc phục các hạn chế của kỹ thuật lấy cao răng thủ công

Cạo vôi răng bằng sóng siêu âm là phương pháp gì?

Cạo vôi răng là kỹ thuật làm sạch răng miệng được thực hiện tại phòng khám/ bệnh viện. Vôi răng (cao răng) là mảng bám đã được khoáng hóa bởi vi khuẩn và khoáng chất có trong nước bọt nên có kết cấu cứng, bám chắc vào men răng. Vì vậy, các biện pháp làm sạch thông thường không thể loại bỏ cao răng dễ dàng như mảng bám. Đây là lý do vì sao các nha sĩ luôn khuyến khích mỗi người nên lấy cao răng 1 – 2 lần/ năm.

Tuy nhiên, không ít người e ngại khi lấy cao răng do cảm giác đau nhức, ê buốt và khó chịu. Để khắc phục các hạn chế của kỹ thuật cạo vôi răng truyền thống, lấy cao răng bằng sóng siêu âm được ra đời. Phương pháp này sử dụng sóng siêu âm để phá vỡ liên kết của vôi răng, từ đó giúp bác sĩ dễ dàng tách cao răng ra khỏi bề mặt răng một cách nhẹ nhàng và hoàn toàn không gây ê buốt, đau nhức.

Trong khi đó, kỹ thuật cạo vôi răng truyền thống sử dụng dụng cụ cầm tay để cạo trực tiếp vôi răng. Vì phải dùng một lực tương đối nên kỹ thuật này gây đau nhức và ê buốt nhiều. Hơn nữa, lực từ dụng cụ cạo vôi ít nhiều cũng sẽ gây tổn thương men răng.

Cạo vôi răng bằng sóng siêu âm ra đời nhằm khắc phục hạn chế của kỹ thuật truyền thống. Đồng thời giúp tăng hiệu quả làm sạch cao răng tích tụ ở phần chân răng bên dưới nướu. Với sự hỗ trợ của phương pháp này, quy trình cạo vôi răng diễn ra nhanh chóng, nhẹ nhàng và thoải mái hơn.

Cạo vôi răng bằng sóng siêu âm
Sóng siêu âm có khả năng phá vỡ liên kết của cao răng nên không phải sử dụng lực quá mạnh như lấy cao răng truyền thống

Tương tự như cạo vôi răng thông thường, kỹ thuật này có thể áp dụng cho nhiều trường hợp khác nhau như:

  • Cạo vôi răng định kỳ
  • Lấy vôi răng khi chuẩn bị thực hiện các kỹ thuật nha khoa
  • Cạo vôi răng để ngăn ngừa tiến triển của bệnh nha chu

Vì không tác động quá nhiều lực lên răng nên cạo vôi răng bằng sóng siêu âm có thể thực hiện cho cả trẻ em và người lớn. Ngoài ra, người có nền răng yếu cũng có thể áp dụng phương pháp này để giảm mức độ ê buốt và hạn chế tình trạng chảy máu chân răng.

Lấy cao răng bằng sóng siêu âm có đau không?

Lấy cao răng bằng sóng siêu âm tạo ra độ rung dao động phá vỡ liên kết giữa các phân tử cao răng. Do đó, bác sĩ có thể dùng dụng cụ để loại bỏ cao răng tích tụ ở thân răng và chân răng một cách dễ dàng. Đặc biệt, sóng siêu âm chỉ tác động đến phần vôi răng bên ngoài, hoàn toàn không ảnh hưởng đến mô nướu hay men răng.

Nhờ tính năng cảm ứng điện tử, thiết bị lấy cao răng siêu âm có thể xác định hợp chất cứng của muối vô cơ (thành phần chính của cao răng). Do đó, hiệu quả làm sạch của phương pháp này được đánh giá cao hơn so với cạo vôi răng thủ công. Trong kỹ thuật truyền thống, bác sĩ phải dùng mắt để xác định vị trí cao răng. Đối với các mảng vôi răng chưa ngả màu, rất dễ xảy ra tình trạng bỏ sót.

Không chỉ khác biệt về nguyên lý, đầu máy được sử dụng trong cạo vôi răng siêu âm cũng được thiết kế thông minh giúp bác sĩ dễ dàng loại bỏ vôi răng ở mọi tư thế. Đồng thời có thể len lỏi vào các vị trí hẹp để làm sạch mảng bám và cao răng tích tụ.

Với những đặc tính này, cạo vôi răng siêu âm gần như không gây đau nhức khi thực hiện. Đối với người có răng nhạy cảm, quá trình thực hiện có thể gây ê buốt nhẹ nhưng không đáng kể. Cũng vì mức độ đau ít hơn nên cạo vôi răng bằng sóng siêu âm được nhiều người lựa chọn hơn so với lấy cao răng thủ công.

Ưu nhược điểm của phương pháp cạo vôi răng bằng sóng siêu âm

Cạo vôi răng bằng sóng siêu âm có những ưu điểm nổi trội so với kỹ thuật lấy cao răng truyền thống. Đầu rung của sóng siêu âm hoạt động với công suất tối ưu từ 10 – 30W nên có khả năng làm sạch sâu nhưng không gây tổn thương nướu và men răng. Nếu đang băn khoăn lựa chọn giữa kỹ thuật này với lấy cao răng truyền thống, bạn nên tham khảo ưu nhược điểm của phương pháp để có hình dung cụ thể và khách quan hơn.

Ưu điểm của cạo vôi răng bằng sóng siêu âm:

  • Sóng siêu âm có khả năng tác động sâu đến vôi răng ở thân răng và chân răng, hiệu quả với cả cao răng mới hình thành và cao răng lâu năm.
  • Với sự hỗ trợ của sóng siêu âm, quy trình lấy cao răng diễn ra nhanh chóng chỉ khoảng 15 – 30 phút và không gây đau nhức răng hay ê buốt.
  • So với lấy cao răng thủ công, cạo vôi răng bằng sóng siêu âm ít tác động đến mô nướu nên tỷ lệ chảy máu sau khi lấy vôi răng cũng được giảm thiểu.
  • Hiệu quả làm sạch tốt hơn so với kỹ thuật lấy cao răng truyền thống. Nhờ vậy, bạn có thể giảm thiểu được số lần đến phòng khám nha khoa cạo vôi định kỳ.

Nhược điểm của phương pháp cạo vôi răng bằng sóng siêu âm:

  • Chi phí cao hơn so với kỹ thuật lấy cao răng truyền thống
  • Một số nha khoa nhỏ vẫn chưa ứng dụng kỹ thuật này

Nhìn chung, cạo vôi răng bằng sóng siêu âm là phương pháp có nhiều ưu điểm. Nếu có thể, bạn nên lựa chọn kỹ thuật này thay vì cạo vôi răng thủ công để hạn chế cảm giác khó chịu trong quá trình thực hiện.

Quy trình cạo vôi răng bằng sóng siêu âm

Cạo vôi răng bằng sóng siêu âm có quy trình tương tự như lấy cao răng thông thường. Tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ của sóng siêu âm, phương pháp này có thời gian thực hiện nhanh chóng hơn. Trung bình, lấy cao răng bằng sóng siêu âm chỉ mất khoảng 15 – 30 phút tùy theo lượng cao răng của từng người.

Cạo vôi răng bằng sóng siêu âm
Quy trình cạo vôi răng bằng sóng siêu âm chỉ diễn ra trong khoảng 15 – 30 phút

Bước 1 – Khám tổng quát và tư vấn

Trước tiên, bác sĩ sẽ khám tổng quát để xác định mức độ cao răng và phát hiện các bệnh lý nha khoa. Nếu không tích tụ quá nhiều vôi răng, bạn có thể không nhất thiết phải cạo vôi. Sau khoảng vài tháng, bạn có thể quay trở lại phòng khám để lấy vôi răng nhằm hạn chế chi phí.

Trong trường hợp vôi răng tích tụ đáng kể, bác sĩ sẽ chỉ định làm sạch vôi răng và tư vấn các phương pháp thực hiện. Nếu có nhu cầu cạo vôi bằng sóng siêu âm, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn điểm khác nhau và so sánh chi phí với lấy cao răng thủ công.

Bước 2 – Vệ sinh răng miệng

Sau khi tư vấn, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ để làm sạch mảng bám và thức ăn thừa bên trong khoang miệng. Đây là bước đơn giản nhưng có vai trò quan trọng khi thực hiện các thủ thuật nha khoa. Vệ sinh răng miệng giúp quá trình cạo vôi răng diễn ra thuận lợi và hạn chế nguy cơ viêm nhiễm.

Bước 3 – Tiến hành cạo vôi răng siêu âm

Bác sĩ sử dụng thiết bị cạo vôi răng với tần số thích hợp để phá vỡ liên kết giữa các phân tử vôi răng. Sau đó, dùng dụng cụ để loại bỏ mảng bám và vôi răng tích tụ. Trong quá trình thực hiện sẽ có sự hỗ trợ của phụ tá để đảm bảo cạo vôi răng diễn ra thuận lợi và nhanh chóng. Tùy theo mức độ cao răng, thời gian cạo vôi sẽ dao động từ 15 – 30 phút.

Bước 4 – Tư vấn cách chăm sóc răng miệng

Sau cùng, bác sĩ sẽ kiểm tra lại tình trạng răng miệng để hạn chế tình trạng sót cao răng. Nếu mắc các bệnh lý nha khoa, bạn cần thực hiện thêm các phương pháp điều trị sau khi lấy cao răng. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn các biện pháp chăm sóc và làm sạch răng miệng để hạn chế mảng bám, vôi răng tích tụ.

Cạo vôi răng bằng sóng siêu âm có giá bao nhiêu?

Cạo vôi răng bằng sóng siêu âm có giá khoảng 150 – 350.000 đồng tùy theo lượng cao răng và cơ sở thực hiện. Trong khi đó, lấy cao răng thủ công chỉ có giá khoảng 80.000 – 120.000 đồng. Có thể thấy, kỹ thuật này có chi phí cao hơn nhưng không đáng kể. Vì vậy, bạn nên cân nhắc lựa chọn để hạn chế cảm giác đau nhức, ê buốt khi thực hiện.

Cạo vôi răng bằng sóng siêu âm là kỹ thuật được cải tiến với nhiều ưu điểm vượt trội. Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về phương pháp này và dễ dàng lựa chọn được kỹ thuật cạo vôi răng phù hợp. Ngoài lấy cao răng tại phòng khám, bạn cũng cần thực hiện các biện pháp vệ sinh răng miệng tại nhà để hạn chế hình thành mảng bám.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!