Chỉ nha khoa là dụng cụ làm sạch kẽ răng có dạng sợi được làm nylon hoặc polymer polytetrafluoroethylene. Song song với việc chải răng 2 – 3 lần/ ngày, mỗi người cần tập thói quen dùng chỉ nha khoa hằng ngày để làm sạch răng miệng hiệu quả.
Chỉ nha khoa là gì?
Chỉ nha khoa (chỉ tơ nha khoa) là loại chỉ đặc biệt được dùng riêng trong lĩnh nha khoa. Thay vì được làm từ vải, loại chỉ này được làm từ sợi nylon hoặc polymer polytetrafluoroethylene có kích thước mảnh, nhỏ được sử dụng để làm sạch kẽ răng. Chỉ nha khoa ra đời với mục đích tăng hiệu quả làm sạch răng miệng bởi bàn chải không thể làm sạch mảng bám và thức ăn thừa ở các kẽ.
Chỉ nha khoa được cho là phát minh của nha sĩ Levi Spear Palmy. Ông đã khuyên mọi người nên bắt đầu làm sạch răng bằng chỉ tơ tằm từ năm 1815. Vào năm 1898, chỉ nha khoa bắt đầu được sản xuất và tập toàn Johnson & Johnson là đơn vị được cấp bằng sáng chế.
Trước đây, thuật ngữ chỉ nha khoa còn khá xa lạ với người Việt. Tuy nhiên trong những năm gần đây, vật dụng này đã được sử dụng phổ biến hơn. Với sự hỗ trợ của chỉ nha khoa, việc chăm sóc răng miệng sẽ diễn ra dễ dàng và mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, chỉ nha khoa rất cần thiết với những người niềng răng và mắc các bệnh nha khoa mãn tính như viêm quanh chân răng, viêm nha chu, viêm lợi,…
Chỉ nha khoa thường có màu trắng nhưng một số thương hiệu cũng có thể sản xuất chỉ có màu sắc khác, được phủ thêm sáp, hương liệu để tạo mùi hương. Ngày nay, có rất nhiều hãng sản xuất chỉ nha khoa và bạn có thể dễ dàng lựa chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu.
Chỉ nha khoa có mấy loại?
Chỉ nha khoa có khá nhiều loại và được phân chia theo nhiều tiêu chí khác nhau. Hiểu rõ các loại chỉ nha khoa sẽ giúp bạn lựa chọn được sản phẩm phù hợp.
1. Phân chia theo hình thức
Dựa vào hình thức, chỉ nha khoa được chia thành 2 loại là chỉ nha khoa dạng cuộn và tăm chỉ nha khoa (tăm chỉ kẽ răng):
- Chỉ tơ nha khoa dạng cuộn: Chỉ tơ nha khoa dạng cuộn là loại chỉ nha khoa được cuộn tròn với chiều dài cố định (khoảng 40 – 50m). Sợi chỉ nha khoa có thể không mùi hoặc có hương thơm. Khi sử dụng, bạn chỉ cần cắt một đoạn vừa phải để làm sạch kẽ răng và cất phần chỉ còn lại để dùng dần. Ưu điểm của chỉ nha khoa dạng cuộn là nhỏ gọn, có thể mang theo bên mình và khá tiết kiệm khi dùng.
- Tăm chỉ nha khoa/ tăm chỉ kẽ răng: Tăm chỉ nha khoa còn được gọi là chỉ nha khoa có cán. Loại này sẽ bao gồm phần cán nhựa dài, phía đầu có hình chữ C và sợi chỉ nha khoa nối giữa 2 đầu. Với tăm chỉ nha khoa, bạn có thể dễ dàng sử dụng để làm sạch kẽ răng ở những răng nằm sâu bên trong. Loại này thường được khuyên dùng cho những người mới bắt đầu sử dụng chỉ nha khoa. Hạn chế của tăm chỉ kẽ răng là khá cồng kềnh và không thể sử dụng cho người đang niềng răng.
Cả hai loại chỉ nha khoa này đều mang lại hiệu quả tương tự trong việc làm sạch. Nếu mới bắt đầu sử dụng, bạn nên dùng tăm chỉ kẽ răng để việc sử dụng trở nên dễ dàng hơn.
2. Phân chia theo đặc điểm của chỉ nha khoa
Ngoài phân chia theo hình thức, chỉ nha khoa cũng được chia thành nhiều loại tùy vào đặc điểm.
- Chỉ nha khoa không sáp
Chỉ nha khoa không sáp (Unwaxed floss) là một trong những loại chỉ nha khoa đầu tiên được sản xuất. Loại chỉ này được làm từ các sợi nylon mỏng và thường bao gồm khoảng 30 – 35 sợi xoắn lại. Ưu điểm của chỉ nha khoa không sáp là kích thước rất nhỏ nên có thể len lỏi vào bên trong kẽ răng, kể cả kẽ răng hẹp do hai răng nằm sát nhau.
Ngoài ra, do không sử dụng sáp nên sợi chỉ sẽ không có mùi hương và hóa chất, thích hợp với những người có mô nướu nhạy cảm. Tuy nhiên, hạn chế của loại chỉ này là dễ bị dứt và nếu sử dụng không quen có thể gây đau tay.
- Chỉ nha khoa có sáp
Chỉ nha khoa có sáp (Waxed Floss) có cấu tạo tương tự như chỉ nha khoa không sáp. Tuy nhiên, bên ngoài sợi chỉ sẽ được phủ một lớp sáp mềm, mỏng nên sợi chỉ sẽ dễ dàng di chuyển trong kẽ răng giúp làm sạch thức ăn thừa, mảng bám. Ngoài ra, lớp sáp bên ngoài thường được có chứa hương thơm bạc hà, trái cây nên sẽ giúp khoang miệng có mùi thơm sau khi sử dụng.
Nhược điểm của chỉ nha khoa có sáp là kích thước dày hơn nên khó len lỏi vào những kẽ răng hẹp. Hơn nữa, mùi hương nồng cũng gây ra cảm giác khó chịu đối với một số người.
- Băng nha khoa
Băng nha khoa (Dental Tape) là một loại chỉ nha khoa khá đặc biệt. Băng nha khoa phẳng hơn, co giãn tốt hơn và thường được làm từ sợi nylon hoặc sợi polythene. Về kích thước, băng nha khoa có kích thước lớn hơn nhưng phẳng nên có thể làm sạch kẽ răng tốt hơn so với chỉ nha khoa.
Tuy nhiên, do có kích thước khá lớn nên băng nha khoa không thể len lỏi vào kẽ răng hẹp. Ngoài ra, loại chỉ nha khoa này chưa thực sự phổ biến ở nước ta.
- Siêu chỉ nha khoa
Siêu chỉ nha khoa (Super Flosses) là loại chỉ nha khoa được khuyên dùng cho người đang niềng răng (chỉnh nha). Loại chỉ này có cấu tạo giống chỉ nha khoa thông thường. Tuy nhiên, chỉ thường có phần cứng ở đầu để dễ dàng đưa vào kẽ răng.
- Chỉ nha khoa điện
Bên cạnh sự ra đời của bàn chải điện, chỉ nha khoa điện cũng được ra đời. Tuy nhiên, loại chỉ nha khoa này còn khá mới và chưa có nước ta. Theo nhiều thông tin, chỉ nha khoa điện sẽ giúp cho việc làm sạch kẽ răng diễn ra dễ dàng, hiệu quả, đồng thời kích thích nướu nhằm cải thiện sức khỏe răng miệng.
- Chỉ nha khoa PTFE
Chỉ nha khoa PTFE được làm từ polymer polytetrafluoroethylene. Loại chỉ này có độ dai và bền hơn so với sợi nylon nên được đánh giá cao về hiệu quả làm sạch. Sợi chỉ được làm từ PTFE có độ an toàn cao, lành tính và hầu như không gây kích ứng. Hạn chế duy nhất của của chỉ nha khoa PTFE là chi phí cao.
Sử dụng chỉ nha khoa có tác dụng gì?
Bên trong khoang miệng chứa hàng tỷ vi khuẩn. Chính vì vậy, cần vệ sinh răng miệng hằng ngày để ngăn chặn vi khuẩn phát triển và phòng ngừa các vấn đề nha khoa. Ngoài việc đánh răng 2 – 3 ngày, bạn cũng cần dùng chỉ nha khoa thường xuyên bởi thói quen này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích như sau:
1. Tối ưu hiệu quả làm sạch răng
Bàn chải đánh răng chỉ có thể làm sạch mặt trong, mặt ngoài và mặt nhai của răng. Với kẽ răng, sợi lông có khó len lỏi vào bên trong – đặc biệt là với kẽ răng có không gian nhỏ và hẹp. Lâu dần, thức ăn sẽ tích tụ ở vị trí này tạo thành vôi răng. Vôi răng là môi trường để vi khuẩn phát triển và tăng nguy cơ bị sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu và các bệnh về răng miệng thường gặp khác.
Sử dụng chỉ nha khoa sẽ giúp làm sạch thức ăn thừa bên trong các kẽ răng, từ đó giảm lượng vôi răng và giúp răng khỏe mạnh, trắng sáng. Chỉ nha khoa có kích thước nhỏ nên có thể loại bỏ cả thức ăn thừa ở các răng nằm sâu bên trong cung hàm.
2. Hạn chế tình trạng hơi thở có mùi
Vi khuẩn thường tích tụ và phát triển bên trong kẽ răng khiến cho khoang miệng có mùi hôi mặc dù đã chải răng đầy đủ 2 – 3 lần/ ngày. Thói quen dùng chỉ nha khoa có thể hạn chế tình trạng hơi thở có mùi. Các loại chỉ nha khoa có phủ sáp sẽ mang lại mùi thơm mát tự nhiên.
3. Giảm lượng cao răng tích tụ
Cao răng (vôi răng) là kết quả của quá trình khoáng hóa mảng bám. Vôi răng có kết cấu cứng và bám chặt vào bề mặt răng nên không thể làm sạch bằng chải răng thông thường. Lượng cao răng tăng lên sẽ khiến cho số lượng vi khuẩn tăng lên nhanh chóng dẫn đến tình trạng hôi miệng và các bệnh nha khoa khác.
Như đã đề cập, chải răng 2 – 3 lần/ ngày không thể làm sạch hoàn toàn thức ăn thừa bên trong kẽ răng. Do đó, kẽ răng sẽ là vị trí tích tụ nhiều cao răng nhất. Nếu duy trì thói quen dùng chỉ nha khoa hằng ngày, lượng cao răng tích tụ sẽ giảm đi đáng kể.
4. Ngăn ngừa các bệnh về răng miệng
Dùng chỉ nha khoa hằng ngày có thể ngăn ngừa các bệnh lý nha khoa thường gặp như sâu răng, viêm lợi (viêm nướu răng), viêm tủy răng, viêm nha chu và nhiều bệnh lý khác. Chỉ nha khoa giúp làm sạch thức ăn thừa, qua đó loại bỏ mảng bám và ngăn ngừa sự tích tụ cao răng. Nhờ đó, thói quen này có thể ngăn ngừa các bệnh lý về răng miệng hiệu quả.
5. Kéo dài tuổi thọ của răng
Các bệnh lý nha khoa không chỉ khiến răng đau nhức và gặp phải vấn đề khi ăn nhai mà còn khiến cho tuổi thọ của răng giảm thấp. Vì vậy, thói quen dùng chỉ nha khoa hằng ngày có thể kéo dài tuổi thọ của răng và củng cố sức khỏe răng miệng.
Hướng dẫn sử dụng chỉ nha khoa đúng cách
Làm sạch răng bằng chỉ nha khoa là thói quen tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sử dụng chỉ nha khoa đúng cách. Tùy vào loại chỉ nha khoa, bạn cần sử dụng đúng để làm sạch kẽ răng hiệu quả và không gây tổn thương nướu răng.
1. Cách dùng chỉ nha khoa dạng cuộn
Chỉ nha khoa dạng cuộn sẽ bao gồm khoảng 50m chỉ nha khoa. Khi sử dụng, bạn cần ước tính chiều dài sợi chỉ để có thể làm sạch kẽ răng hiệu quả. Trong những lần đầu sử dụng, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc ước lượng chiều dài và khá lúng túng khi di chuyển chỉ trong kẽ răng. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng vài ngày, bạn có thể dùng chỉ một cách thành tạo.
Hướng dẫn cách dùng chỉ nha khoa dạng cuộn chi tiết từng bước:
- Sử dụng một đoạn chỉ nha khoa khoảng 40 – 50cm, sau đó cố định 2 đầu vào hai ngón tay trỏ (cuộn chỉ quanh 2 ngón tay vài vòng để cố định chắc chắn)
- Sau đó, dùng ngón trỏ và ngón cái giữ sợi chỉ. Đưa chỉ vào kẽ răng và di chuyển từ bên dưới lên trên để làm sạch thức ăn thừa cùng với mảng bám.
- Thực hiện từng kẽ răng và nên thao tác nhẹ nhàng, kỹ lưỡng để đảm bảo kẽ răng được làm sạch hoàn toàn.
- Khi sợi chỉ dính thức ăn thừa, có thể di chuyển đến đoạn chỉ mới
- Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ có thể thực hiện cho trẻ hoặc cho trẻ dùng tăm chỉ nha khoa.
2. Cách dùng tăm chỉ nha khoa
Tăm chỉ nha khoa hay chỉ nha khoa dạng cán được thiết kế cho những người mới sử dụng và gặp khó khăn khi dùng chỉ nha khoa dạng cuộn. Vì có cán nên bạn sẽ dễ dàng đưa chỉ vào phần kẽ răng, thao tác đưa lên đưa xuống để làm sạch thức ăn thừa cùng với mảng bám. Cán chỉ nha khoa tương đối dài nên có thể thao tác ở những kẽ răng nằm sâu bên trong cung hàm.
Tăm chỉ nha khoa thường được làm từ sợi PTFE nên sợi khá trơn, mảnh, đường kính nhỏ và bền. Do đó, sử dụng loại chỉ nha khoa này sẽ ít gặp phải tình trạng tưa và đứt. Chỉ nha khoa dạng cán dễ sử dụng hơn so với chỉ nha khoa dạng cuộn nên rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, loại này không thể dùng cho người niềng răng mắc cài.
Dùng chỉ nha khoa mấy lần 1 ngày?
Nếu như bạn phải đánh răng 2 – 3 lần/ ngày thì với chỉ nha khoa, bạn chỉ cần sử dụng 1 lần/ ngày. Chỉ nha khoa có dạng mảnh, mềm nên không gây mòn men. Tuy nhiên, sử dụng chỉ nha khoa quá thường xuyên hoặc thao tác quá mạnh có thể gây chảy máu, tổn thương nướu và lâu dần dẫn đến tình trạng tụt lợi.
Cách chọn chỉ nha khoa phù hợp
Chỉ nha khoa có nhiều loại khác nhau nên bạn có thể lựa chọn được loại phù hợp với tình trạng răng miệng. Nếu đang băn khoăn khi lựa chọn loại chỉ nha khoa, bạn có thể tham khảo thông tin sau:
- Chọn chỉ nha khoa cho trẻ em: Nên dùng chỉ tăm nha khoa để thuận tiện cho việc sử dụng và ưu tiên dùng các loại chỉ mảnh, mềm. Hiện nay, đã có nhiều thương hiệu chuyên sản xuất chỉ nha khoa cho trẻ. Vì vậy, bạn có thể dễ dàng lựa chọn được loại chỉ phù hợp.
- Chỉ nha khoa cho người niềng răng: Nếu đang niềng răng, bạn phải lựa chọn chỉ nha khoa có phần nhựa cứng ở đầu để có thể đưa vào kẽ răng một cách dễ dàng. Khi chỉnh nha, bạn không thể sử dụng tăm chỉ nha khoa vì mắc cài sẽ cản trở khiến chỉ không thể làm sạch hết kẽ răng.
- Trường hợp răng thưa: Đối với những người có kẽ răng thưa, nên sử dụng băng nha khoa hoặc các loại chỉ nha khoa có kích thước lớn để làm sạch răng hiệu quả.
- Chọn chỉ nha khoa cho người có nướu răng nhạy cảm: Nếu có nướu răng nhạy cảm, bạn nên dùng chỉ nha khoa không phủ sáp. Hạn chế của loại chỉ này là dễ đứt nhưng bù lại không sử dụng hóa chất và hương liệu tạo mùi.
- Chỉ nha khoa dành cho người bận rộn: Nếu không có nhiều thời gian, bạn nên chọn chỉ nha khoa dạng cán hoặc các loại chỉ nha khoa đã được đo – cắt từ trước.
Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bạn đọc đã hiểu hơn về chỉ nha khoa cũng như cách dùng, phân loại, tần suất sử dụng và cách lựa chọn loại chỉ phù hợp. Từ đó duy trì cho bản thân thói quen dùng chỉ nha khoa 1 lần/ ngày để tối ưu việc làm sạch răng miệng và ngăn ngừa hiệu quả các bệnh nha khoa.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Kem Đánh Răng Than Hoạt Tính có tác dụng gì? Loại nào tốt?
Vecni Flour là gì? Dùng cho trẻ mấy tuổi? Cách sử dụng
Top 10 Kem Đánh Răng Trắng Răng Hiệu Quả Nhất Nên Dùng
8 Loại Kem Đánh Răng Trị Viêm Lợi Tốt Nha Sĩ Khuyên Dùng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!