Răng là cơ quan nằm ở bên trong khoang miệng và giữ nhiều chức năng quan trọng. Không giống với những cơ quan khác, răng có cấu tạo rất đặc biệt và được thay thế vào những thời điểm khác nhau. Để hiểu hơn về cấu tạo, phân loại, chức năng của răng, bạn đọc nên tham khảo những thông tin hữu ích trong bài viết sau.
Răng là gì? Răng người có bao nhiêu chiếc?
Răng là cơ quan nằm trên xương hàm có cấu trúc cứng nhờ hiện tượng vôi hóa. Răng có kích thước và hình dáng khá đa dạng tùy vào độ tuổi, gen và yếu tố di truyền. Xung quanh răng được bao bọc bởi nướu/ lợi (mô mềm có màu hồng nhạt). Đây là cơ quan chịu trách nhiệm chính cho hoạt động ăn nhai ở con người và nhiều loài động vật khác.
Trung bình, con người sẽ có 20 chiếc răng sữa và khoảng 28 – 32 chiếc răng vĩnh viễn. Tuy nhiên trên thực tế, cũng sẽ có người có ít hoặc nhiều hơn. Tương tự như các cơ quan khác của cơ thể, răng có cấu tạo đặc biệt và giữ nhiệm vụ không thể thay thế. Chính vì vậy, bảo vệ sức khỏe răng miệng là điều rất cần thiết. Thế nhưng đa phần người Việt đều xem nhẹ vấn đề này và hậu quả là hơn 80% dân số phải đối mặt với các bệnh lý về răng miệng.
Tìm hiểu cấu tạo của răng
Cấu tạo của răng bao gồm 3 phần chính là men răng, ngà răng và tủy răng. Mỗi bộ phận cấu thành răng đều đảm nhiệm vai trò quan trọng. Khi một trong ba cơ quan này gặp vấn đề, răng thường sẽ bị đau nhức và khó có thể hoàn thành chức năng sinh lý, thẩm mỹ. Hiểu rõ cấu tạo của răng sẽ giúp bản thân mỗi người biết cách chăm sóc răng miệng hợp lý và có ý thức phòng ngừa các vấn đề nha khoa.
1. Men răng
Men là lớp ngoài của răng với cấu tạo bao gồm 95 – 96% khoáng chất. Men răng chính là cơ quan cứng chắc nhất trong cơ thể. Nhờ vậy, cơ quan này có thể bảo vệ lớp ngà răng, tủy răng ở bên trong trước tác động của thực phẩm và áp lực trong quá trình ăn nhai. Thành phần chủ yếu của men răng là phosphate và canxi chiếm 99%, kế tiếp là canxi hydroxyapatite, protein, các nguyên tố vi lượng, nước,…
Tùy theo vị trí răng và cơ địa của từng người, men răng sẽ có độ dày khoảng 0.5 – 2.5mm. Nhiều người nhầm tưởng men răng có màu trắng. Tuy nhiên, trên thực tế, lớp men có màu trong suốt và màu trắng chúng ta nhìn thấy chính là màu sắc của ngà răng được phản chiếu dưới ánh sáng. Ngoài ra, men răng cũng có thể bị vàng, ố màu nếu vệ sinh răng miệng kém, thường xuyên hút thuốc lá và dùng thức ăn, đồ uống có màu đậm.
Mặc dù là cơ quan cứng chắc nhất trong cơ thể nhưng men răng cũng có thể bị tổn thương nếu xảy ra va chạm quá mạnh. Bên cạnh đó, axit do vi khuẩn thường trú Streptococcus mutans cũng khiến cho men răng bị phá hủy và hình thành lỗ sâu trên bề mặt. Men răng cũng có thể bị mòn do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, tác động từ các thói quen xấu hoặc do mẹ không cung cấp đủ khoáng chất trong quá trình mang thai, thay răng cho bé.
2. Ngà răng
Ngà răng là cơ quan có kích thước và trọng lượng lớn nhất. Ngà răng nằm chính giữa men răng và ngà răng. Phần ngà răng được chia thành nhiều lớp như ngà vỏ, ngà nguyên phát, ngà thứ phát và ngà thứ ba.
Chức năng chính của ngà răng là bảo vệ tủy răng và cung cấp dưỡng chất để nuôi dưỡng men răng, từ đó giúp răng duy trì sự cứng chắc. Ngoài ra, ngà răng cũng chịu trách nhiệm truyền tín hiệu ở bề mặt men răng đến tủy răng, sau đó truyền đến hệ thần kinh trung ương nhằm giúp chúng ta cảm nhận được nhiệt độ nóng, lạnh và hương vị của món ăn.
Ngà răng có màu vàng nhạt nhưng cũng có thể có màu xám hoặc đen. Vì vậy, màu sắc của răng ở mỗi người là không giống nhau. Ngà có đặc tính xốp, tính đàn hồi và tính thấm cao. Do chứa hàm lượng khoáng chất thấp hơn men răng nên khi vi khuẩn phá hủy lớp men, ngà răng sẽ bị tấn công và phá hủy một cách nhanh chóng. Đây là lý do cần phải thăm khám và điều trị sớm các vấn đề nha khoa để tránh biến chứng nghiêm trọng.
3. Tủy răng
Khác hẳn với men răng và ngà răng, tủy răng là mô liên kế đặc biệt nằm bên trong. Tủy kéo dài từ phần thân răng cho đến chân răng và nối liền với các mạch máu, dây thần kinh ở bên ngoài. Thành phần chính của tủy là nước – chiếm 75% và 25% còn lại là chất hữu cơ.
Chức năng của tủy là tái tạo, nuôi dưỡng ngà răng, qua đó ngà răng cung cấp dưỡng chất để giúp men răng giữ được độ cứng chắc. Tủy răng chứa nhiều dây thần kinh có khả năng thụ cảm và dẫn truyền tín hiệu về hệ thần kinh trung ương. Một chức năng khác của tủy mà ít người biết đến là tủy răng sản sinh các tế bào miễn dịch để ngăn ngừa viêm nhiễm răng miệng bao gồm bạch cầu đơn nhân, tế bào lympho,…
Phân loại răng
Mỗi người trung bình sẽ có từ 28 – 32 chiếc răng, đôi khi cũng có nhiều trường hợp có ít hoặc nhiều hơn số răng trên. Tuy nhiên về cơ bản, răng được chia thành 4 nhóm bao gồm răng cửa, răng nanh, răng hàm nhỏ và răng hàm.
1. Răng cửa (8 chiếc)
Răng cửa sẽ bao gồm 8 chiếc (4 chiếc hàm dưới và 4 chiếc hàm trên). Răng nằm ở vị trí trung tâm của mỗi hàm và được gọi tên khác nhau tùy vào vị trí. Trong đó, 2 răng cửa chính giữa được gọi là răng cửa giữa và 2 răng cửa nằm bên cạnh được gọi là răng cửa bên.
Răng cửa hàm trên thường có kích thước lớn hơn răng cửa hàm dưới nhưng đều có hình dáng và cấu tạo tương tự nhau. Đặc điểm của nhóm răng cửa là rìa cắn nhỏ để thuận tiện cho việc cắn, xé thức ăn. Răng có tiết diện nhỏ nhưng mặt ngoài – mặt trong của răng khá lớn và bằng phẳng.
Vì nằm ở vị trí trung tâm nên răng cửa có vai trò quan trọng đối với ngoại hình, thẩm mỹ. Răng cửa thường sẽ có kích thước đồng đều, cân đối với các răng còn lại trong cung hàm, rìa cắn tạo thành một đường thẳng và các răng nằm sát nhau. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp răng cửa mọc không đều, chen chúc, mọc thưa, móm hoặc vẩu.
2. Răng nanh (4 chiếc)
Răng nanh là 4 chiếc răng nằm cạnh bên răng cửa và mỗi hàm có 2 chiếc. Răng nanh có kích thước khá nhỏ nhưng tiết diện lớn hơn răng cửa. Đặc điểm của răng nanh là rìa cắn hình chữ V nhọn. Chức năng chính là cắn xé thức ăn nhưng vai trò không rõ rệt như răng cửa.
Răng nanh có 1 chân răng giống như nhóm răng cửa nhưng đây là chiếc răng có chân dài nhất. Răng nanh thường mọc sau khi thay xong 8 chiếc răng cửa. So với răng cửa, răng tiền hàm và răng hàm, răng nanh ít giữ chức năng ăn nhai mà chủ yếu có vai trò thẩm mỹ.
3. Răng hàm nhỏ/ răng tiền hàm (8 chiếc)
Răng hàm nhỏ còn được gọi là răng tiền hàm hoặc răng tiền cối. Mỗi người sẽ có tổng cộng 8 chiếc răng tiền hàm, răng nằm ở hai bên răng nanh và mỗi hàm sẽ gồm có 4 chiếc. Răng hàm nhỏ có kích thước lớn hơn răng nanh và không có rìa cắn thay vào đó là mặt nhai có kích thước vừa phải để hỗ trợ cho răng hàm trong quá trình nghiền nát thức ăn.
Răng hàm nhỏ mọc ở giai đoạn từ 10 – 12 tuổi hoặc sớm hơn tùy theo cơ địa của từng người. Nhóm răng này sẽ có 1 – 2 chân răng tùy vào vị trí (răng hàm nhỏ số 1 hay số 2, hàm dưới hay hàm trên). Ngoài ra, yếu tố này cũng phụ thuộc vào gen di truyền.
4. Răng hàm/ răng cối (8 -10 chiếc)
Răng hàm còn được gọi là răng cối. Đây được xem là nhóm răng quan trọng nhất và có vai trò chính là đảm nhiệm chức năng ăn nhai. Răng hàm sẽ bao gồm 8 – 10 chiếc bởi một số người không mọc răng hàm số 3 (còn được gọi là răng khôn).
Răng hàm không chỉ được gọi tên theo số thứ tự mà còn được chia thành 2 nhóm bao gồm răng cấm (răng hàm số 1 – 2) và răng khôn. Răng khôn là chiếc răng đặc biệt, mọc khá muộn từ giai đoạn 17 – 25 tuổi. Tuy nhiên, một số người không mọc răng khôn hoặc có thể mọc nhưng không có đủ 4 chiếc.
Răng hàm có kích thước lớn nhất trong cung hàm. Răng có chiều cao khá ngắn nhưng mặt nhai lớn, có nhiều rãnh để thuận tiện cho việc ăn nhai. Tùy vào vị trí răng và cơ địa của từng người, răng hàm sẽ có từ 2 – 4 chân răng. Nhóm răng này có nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa cao nhất do thường xuyên tiếp xúc với thức ăn, bề mặt răng có nhiều rãnh, kẽ và nằm ở vị trí khuất nên rất khó vệ sinh.
Cách đọc thứ tự răng theo vị trí
Để thuận tiện cho việc thăm khám và điều trị các bệnh về răng miệng, tất cả các răng trên cung hàm đều được đặt tên theo vị trí. Các răng đối xứng trên cung hàm sẽ có tên gọi giống nhau và để phân biệt hàm dưới – hàm trên, tên răng sẽ được gọi cùng với tên hàm để tránh bị nhầm lẫn (Chẳng hạn: Răng số 1 hàm trên, răng số 3 hàm dưới,…).
Tùy vào vị trí, răng sẽ được gọi tên như sau:
- Răng số 1: Răng số 1 chính là 2 răng cửa giữa của hàm trên và hàm dưới. Răng số 1 thường sẽ có kích thước lớn hơn răng cửa bên.
- Răng số 2: Răng số 2 chính là 2 răng cửa bên. Đặc điểm của răng cửa bên là nhỏ hơn răng cửa giữa nhưng giống nhau về hình dáng và cấu tạo. Răng cửa bên sẽ hỗ trợ răng cửa giữa trong việc cắn, xé thức ăn. Mỗi người sẽ có 4 răng số 2, bao gồm 2 răng hàm trên và 2 răng hàm dưới.
- Răng số 3: Răng số 3 chính là vị trí của răng nanh.
- Răng số 4: Răng số 4 là răng tiền cối 1 (tiền hàm 1)
- Răng số 5: Răng số 5 nằm ở vị trí răng tiền cối 2 (tiền hàm 2)
- Răng số 6: Răng số 6 chính là răng hàm đầu tiên. Răng ở vị trí này còn được gọi là răng cối 1 hoặc răng cấm số 1. Đây là một trong những vị trí răng giữ vai trò quan trọng đối với chức năng ăn nhai.
- Răng số 7: Răng số 7 chính là răng hàm thứ 2 hay còn gọi là răng cối thứ 2 và răng cấm thứ 2. Răng nằm ở cạnh răng số 6, tương đồng về cấu tạo, hình dáng nhưng thường sẽ có kích thước lớn hơn.
- Răng số 8: Răng số 8 chính là răng khôn – chiếc răng nằm ở cuối cung hàm. Răng số 8 còn được gọi là răng hàm số 3 hoặc răng cối số 3. Răng khôn mọc khá muộn nên đa phần đều mọc lệch, mọc ngầm nhưng nếu mọc thẳng, răng vẫn đảm nhiệm vai trò nghiền nát thức ăn như răng số 6 và số 7. Thực tế, răng khôn không quá quan trọng nên những trường hợp không mọc răng khôn hoặc đã nhổ bỏ đều không ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai.
Quá trình phát triển của răng
Răng không sẵn có như những cơ quan khác trên cơ thể. Khi sinh ra, chúng ta hoàn toàn không có răng và chỉ mọc răng khi đến 6 tháng tuổi, sau đó tiếp tục mọc đủ răng trên cung hàm (răng sữa). Vào khoảng 6 – 7 tuổi, răng sữa sẽ bị rụng và được thay thế bằng răng vĩnh viễn.
Theo các chuyên gia Răng hàm mặt, quá trình phát triển răng được chia thành 2 giai đoạn chính:
- Tạo mầm răng bên dưới cung hàm, sau đó vôi hóa và tiếp tục phát triển
- Mọc răng, tiếp tục hiện tượng vôi hóa để hoàn thiện phần chân răng
Răng của tất cả mọi người đều có quá trình phát triển tương tự nhau. Tuy nhiên, thời gian mọc răng có thể chênh lệch ít nhiều tùy thuộc vào cơ địa, di truyền, sắc tộc, môi trường sống, dinh dưỡng và tình trạng sức khỏe.
Sự phát triển của răng cũng có điểm khác biệt giữa răng sữa và răng vĩnh viễn.
1. Quá trình phát triển của răng sữa
Răng sữa bao gồm tổng cộng 20 chiếc được mọc từ 6 tháng tuổi và hoàn tất vào năm 2 – 3 tuổi. Các chuyên gia cho biết, mầm răng sữa đã được hình thành từ tuần thứ 13 – 16 của thai kỳ. Vào tuần 18 – 20, các mầm răng đều bắt đầu hiện tượng ngấm vôi (vôi hóa) và quá trình này diễn ra cho đến khi sinh nở.
Khi bé được 6 – 8 tháng tuổi, chiếc răng sữa đầu tiên sẽ mọc (thường là răng cửa dưới) và lần lượt những chiếc răng khác sẽ mọc cho đến khi đủ 20 chiếc (khoảng 2 – 3 tuổi). Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trẻ sinh ra đã nhú thân răng cửa.
Đặc điểm của răng sữa là kích thước nhỏ, cấu tạo mềm và răng nằm khá thưa. Răng sữa sẽ dần lung lay và rụng hoàn toàn từ năm 7 – 11 tuổi. Vị trí răng rụng sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn.
2. Sự phát triển của răng vĩnh viễn
Răng vĩnh viễn là răng thay thế cho răng sữa, bắt đầu mọc từ 6 – 7 tuổi và hoàn thiện từ 10 – 12 tuổi. Tuy nhiên, mầm răng vĩnh viễn đã bắt đầu hình thành từ khi trẻ còn 1 tuổi (mầm răng của răng cửa giữa, răng cửa bên, răng nanh, răng cối thứ nhất).
Vào giai đoạn từ 2 – 4 tuổi, mầm răng của răng cối nhỏ và răng cối lớn thứ II sẽ bắt đầu hình thành. Đến năm 6 – 7 tuổi, các mầm răng khôn sẽ bắt đầu hình thành nhưng cũng có những trường hợp không mọc răng khôn hoặc không có đủ 4 mầm răng khôn.
Răng vĩnh viễn có màu ngà và trong hơn răng sữa, đồng thời kích thước cũng lớn hơn và cấu trúc cứng, có khả năng chịu lực tốt. Khác với răng sữa, răng vĩnh viễn sẽ tồn tại suốt đời. Tuy nhiên, răng sẽ bị rụng, lung lay và tổn thương nếu có va chạm, chấn thương mạnh hoặc mắc phải các vấn đề nha khoa.
Chức năng của răng người
Răng là một trong những cơ quan quan trọng của cơ thể. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ các chức năng của cơ quan này. Dưới đây là 3 chức năng chính của răng:
1. Chức năng ăn nhai
Có thể nói, ăn nhai là chức năng chính và quan trọng nhất của răng. Đây cũng là lý do răng được hình thành và nằm ở trên cung hàm thay vì những vị trí khác. Được biết, bộ răng hiện tại của con người đã được tiến hóa theo thời gian để phù hợp hơn với thói quen ăn uống.
Để có thể chịu được áp lực trong quá trình ăn nhai, chân răng sẽ cắm sâu xuống xương hàm và được bao bọc, bảo vệ bởi tổ chức nha chu (bao gồm dây chằng nha chu, cement và mô nướu). Hoạt động ăn nhai của răng đòi hỏi sự kết hợp nhịp nhàng giữa cơ hàm, cơ lưỡi, tuyến nước bọt, khớp thái dương hàm và nhiều cơ quan khác.
Mặc dù có cùng chức năng là ăn nhai nhưng nhiệm vụ của từng nhóm răng có sự khác biệt rõ rệt. Trong đó, răng cửa có vai trò cắn, xé thức ăn để dễ dàng nghiền nát. Răng nanh có vai trò hỗ trợ răng cửa trong trường hợp thức ăn có kích thước lớn và dai.
Răng hàm có nhiệm vụ chính là nghiền nát thức ăn để dạ dày, đường ruột dễ dàng tiêu hóa. Tương tự nhóm răng cửa – răng nanh, răng tiền hàm sẽ hỗ trợ răng hàm thực hiện nhiệm vụ này. Có thể thấy, tất cả các răng trên cung hàm đều có nhiệm vụ riêng của mình. Vì thế, chỉ cần một răng gặp phải vấn đề, chức năng ăn nhai đều sẽ bị ảnh hưởng.
2. Hỗ trợ trong quá trình phát âm
Một chức năng khác của răng mà ít người biết đến là hỗ trợ trong quá trình phát âm. Để phát âm chuẩn, cần có sự phối hợp giữa lưỡi, cơ miệng và răng. Đây là lý do vì sao việc trẻ mọc răng chậm cần phải can thiệp để tránh tình trạng nói ngọng và phát âm sai.
3. Chức năng thẩm mỹ
Vai trò cuối cùng của răng chính là chức năng thẩm mỹ. Trong đó, các răng nằm ở vị trí trung tâm như răng cửa, răng tiền hàm sẽ có chức năng quan trọng hơn. Trong khi đó, khuyết điểm ở răng hàm sẽ khó nhận thấy khi cười và giao tiếp do răng ở vị trí khuất. Răng chỉ mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao khi mọc thẳng, không gặp phải tình trạng chen chúc, lệch lạc, mọc thưa hoặc hô/ vẩu. Ngoài ra, màu sắc của răng cũng ảnh hưởng đến chức năng thẩm mỹ.
Hiện nay, ngoài các phương pháp chăm sóc và điều trị răng miệng, các bệnh viện/ phòng khám cũng cung cấp dịch vụ thẩm mỹ nha khoa. Nếu răng có khuyết điểm, bạn có thể chọn phương pháp phù hợp như tẩy trắng răng, trám răng, bọc răng sứ, chỉnh nha – niềng răng, dán sứ Veneer và trồng răng Implant.
Có thể thấy, răng có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và ngoại hình. Hy vọng qua những thông tin hữu ích trong bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về cấu tạo, chức năng và biết cách gọi tên răng theo từng nhóm, vị trí. Để phòng tránh các vấn đề nha khoa, mỗi người cần biết cách bảo vệ sức khỏe răng miệng phù hợp và khoa học.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Cách Để Mọc Răng Khểnh Tự Nhiên Tại Nhà Cực Đơn Giản
Ngà Răng Là Gì? Cấu Tạo, Phân Loại Và Chức Năng
Khớp Cắn Sâu: Nguyên nhân, tác hại và cách điều trị
Con Người Có Bao Nhiêu Cái Răng: Kiến thức cần biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!