Các loại kháng sinh giảm đau răng chỉ được sử dụng trong trường hợp cần thiết. Nhóm thuốc này có khả năng kiểm soát viêm nhiễm, ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng, qua đó giảm nhẹ cơn đau và một số triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên, dùng kháng sinh cũng tiềm ẩn không ít rủi ro và tác dụng ngoại ý.
Có nên dùng kháng sinh giảm đau răng? Dùng trong trường hợp nào?
Kháng sinh là một trong những nhóm thuốc được dùng trong điều trị đau nhức răng. Nhóm thuốc này có tác dụng tiêu diệt, ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại bên trong khoang miệng. Ngoài các bệnh lý nha khoa, kháng sinh cũng được sử dụng trong điều trị các bệnh viêm nhiễm hô hấp, da, đường tiêu hóa,…
Tuy nhiên khác với các bệnh viêm nhiễm khác, viêm nhiễm răng miệng chủ yếu do vi khuẩn thường trú gây ra. Do đó, kháng sinh chỉ được sử dụng trong một số trường hợp cần thiết. Khi điều trị đau nhức răng do các bệnh viêm nhiễm răng miệng, nhóm thuốc này chỉ được dùng ngắn hạn (khoảng 5 – 7 ngày) thay vì dùng trong 10 – 15 ngày như tình trạng viêm nhiễm ở các cơ quan khác.
Thực tế, kháng sinh chỉ được dùng trong một số trường hợp đau nhức răng. Để giảm cơn đau, lựa chọn ưu tiên là dùng Paracetamol, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc bôi gây tê và một số dung dịch súc miệng kháng khuẩn.
Kháng sinh giảm đau răng chỉ được dùng trong những trường hợp sau:
- Đau nhức răng sau khi nhổ răng và thực hiện một số phẫu thuật trong miệng
- Đau răng do viêm lợi trùm, viêm tủy răng cấp và áp xe răng
- Răng bị đau nhức do viêm nhiễm răng miệng cấp cũng được xem xét dùng kháng sinh
Với những trường hợp đau nhức răng không do viêm nhiễm (chấn thương, mọc răng,…) hoặc do viêm nhiễm nhẹ, kháng sinh đường uống rất ít khi được chỉ định. Kháng sinh là nhóm thuốc có khả năng dị ứng cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác dụng phụ nên chỉ được xem xét sử dụng trong những trường hợp cần thiết.
Các loại thuốc kháng sinh giảm đau răng thông dụng
Như đã đề cập, phần lớn các trường hợp viêm nhiễm răng miệng đều do vi khuẩn thường trú trong khoang miệng gây ra. Do đó, việc tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn gần như là không thể. Mục tiêu của sử dụng kháng sinh trong trường hợp này là kiểm soát viêm nhiễm và ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng.
Để hạn chế nguy cơ kháng kháng sinh, bác sĩ thường chỉ định dùng Metronidazole với 1 loại kháng sinh khác. Hiện nay, một số thương hiệu dược phẩm cũng đã sản xuất kháng sinh kết hợp thay vì sử dụng 2 loại kháng sinh riêng lẻ.
1. Metronidazole
Metronidazole là kháng sinh phổ rộng, hiệu quả trên vi khuẩn, amip, ký sinh trùng, trùng roi,… Loại thuốc này thường được chỉ định trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng. Tuy nhiên đối với viêm nhiễm răng miệng, Metronidazole là lựa chọn tối ưu vì rất khó để xác định được tác nhân cụ thể gây nhiễm trùng.
Nhờ có phổ kháng khuẩn rộng, Metronidazole có thể kiểm soát gần như toàn bộ các chủng vi khuẩn thường trú trong khoang miệng. Tuy nhiên, dùng Metronidazole đơn độc dễ gây ra tình trạng kháng thuốc nên bác sĩ thường chỉ định dùng kèm với kháng sinh beta-lactam hoặc tetracyclin.
Metronidazole chống chỉ định với người có tiền sử dị ứng với các dẫn chất nitro-imidazol. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và cho con bú cũng không nên sử dụng loại thuốc này. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy, sử dụng Metronidazole có thể gây quái thai và bài tiết vào sữa mẹ khá nhanh, tác động xấu đến sức khỏe của trẻ nhỏ.
2. Kháng sinh beta-lactam
Kháng sinh beta-lactam bao gồm 4 nhóm nhỏ nhưng chỉ có penicillin và cephalosporin được sử dụng phổ biến nhất. Cả 4 nhóm kháng sinh này đều có cấu trúc hóa học chứa vòng beta lactam.
Penicillin và cephalosporin có tác dụng đối với vi khuẩn gram âm và gram dương. Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định Metronidazole phối hợp với Cefixim, Amoxicillin,… Kháng sinh penicillin có nguy cơ dị ứng cao nên nếu có cơ địa nhạy cảm, bạn nên thông báo với bác sĩ để được chỉ định loại kháng sinh phù hợp nhất.
Đối với những trường hợp dị ứng với kháng sinh beta lactam, bác sĩ thường chỉ định thay thế bằng kháng sinh nhóm Tetracyclin (Tetracyclin, Doxycyclin, Clotetracycin, Oxytetracyclin).
Dùng kháng sinh giảm đau răng trong bao lâu?
Kháng sinh thường được chỉ định dùng trong 7 – 14 ngày để tiêu diệt và kiểm soát hoạt động của các chủng vi khuẩn gây viêm nhiễm. Dùng kháng sinh ngắn hoặc dài ngày hơn đều có thể tăng chủng hại khuẩn không nhạy cảm. Tuy nhiên đối với đau nhức răng do các bệnh viêm nhiễm răng miệng, kháng sinh chỉ được dùng trong 5 – 7 ngày.
Như đã đề cập, hầu hết các trường hợp bị viêm nhiễm răng miệng đều do vi khuẩn thường trú gây ra. Vì vậy, hệ miễn dịch có thể kiểm soát hiện tượng này. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng nước súc miệng sát khuẩn để giảm bớt số lượng vi khuẩn có hại trong khoang miệng nhằm cải thiện tình trạng răng ê buốt và đau nhức.
Tuy nhiên nếu viêm nhiễm răng miệng đang phát triển cấp gây sốt, sưng hạch và đau nhức nhiều, kháng sinh sẽ được xem xét sử dụng. Trong trường hợp này, kháng sinh chỉ có thể kiểm soát viêm nhiễm và ngăn không cho vi khuẩn lây lan. Do đó để hạn chế tình trạng kháng thuốc, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc trong 5 – 7 ngày thay vì 7 – 14 ngày như các trường hợp viêm nhiễm khác.
Uống kháng sinh giảm đau răng có ảnh hưởng gì không?
Kháng sinh là một trong những nhóm thuốc có khả năng dị ứng cao, đồng thời tiềm ẩn không ít rủi ro và tác dụng phụ khi sử dụng. Chính vì vậy khi dùng nhóm thuốc này, bạn có thể gặp phải một số ảnh hưởng như sau:
1. Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
Kháng sinh có tác dụng chính là tiêu diệt và ức chế sự phát triển quá mức của hại khuẩn. Tuy nhiên với cơ chế này, kháng sinh cũng có thể “vô tình” tiêu diệt các chủng lợi khuẩn trong đường tiêu hóa. Vì vậy khi sử dụng kháng sinh, bạn có thể gặp phải một số ảnh hưởng đối với hệ tiêu hóa.
Triệu chứng thường gặp nhất là đau vùng thượng vị, tiêu chảy và đau bụng do rối loạn hệ vi sinh đường ruột. Trường hợp nặng có thể gây viêm đại tràng giả mạc (hay còn gọi là viêm đại tràng do vi khuẩn Clostridium difficult). Clostridium difficult thường trú trong đường ruột và được kiểm soát bởi lợi khuẩn. Khi dùng kháng sinh, số lượng lợi khuẩn giảm thấp khiến Clostridium difficult tăng mạnh gây tổn thương niêm mạc đường ruột.
Phần lớn các triệu chứng bất thường ở hệ tiêu hóa xảy ra khi dùng kháng sinh đều có mức độ nhẹ. Sau khi ngưng thuốc, tình trạng có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Tuy nhiên nếu nhận thấy tiêu chảy nặng, phân có lẫn máu, đau bụng dữ dội kèm theo sốt, bạn nên đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời. Dù không phổ biến nhưng đã có trường hợp viêm đại tràng giả mạc đe dọa đến tính mạng.
2. Phản ứng dị ứng/ quá mẫn
Dị ứng có thể xảy ra khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Tuy nhiên, kháng sinh là nhóm thuốc có nguy cơ dị ứng cao hơn. Mức độ dị ứng có thể nhẹ hoặc nặng tùy theo cơ địa của từng người. Phản ứng dị ứng đặc trưng bởi những triệu chứng như phát ban, nổi mề đay, ngứa ngáy da, sưng mí, sưng lưỡi, khó thở,…
Trường hợp dị ứng nặng có thể bị khó thở, hạ huyết áp, choáng váng và ngất xỉu. Ngay khi nhận thấy các triệu chứng này, bạn nên ngưng sử dụng thuốc và thông báo ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời. Ngoài ra nếu có tiền sử dị ứng với kháng sinh, bạn nên thông báo với bác sĩ để được xem xét dùng loại thuốc phù hợp nhất.
3. Tăng nguy cơ kháng kháng sinh
Kháng kháng sinh là hiện tượng vi khuẩn biến đổi dần theo thời gian nhằm đối kháng lại với cơ chế của các loại kháng sinh. Điều này dẫn đến tình trạng viêm nhiễm kéo dài và gây ra hàng loạt các biến chứng, hệ lụy nặng nề. Kháng kháng sinh xảy ra do dùng kháng sinh quá thường xuyên, dùng không đúng liều lượng,…
Vì vậy đối với đau nhức răng, bác sĩ chỉ xem xét dùng kháng sinh trong trường hợp viêm nhiễm nặng. Đối với những trường hợp không do viêm nhiễm hoặc hiện tượng viêm nhiễm có mức độ nhẹ, lựa chọn ưu tiên là dùng các loại nước súc miệng chứa hoạt chất sát khuẩn tại chỗ.
Do đó, bạn chỉ nên dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ. Tùy tiện dùng kháng sinh chính là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ kháng kháng sinh trong cộng đồng. Hiện nay, tỷ lệ kháng kháng sinh đã tăng lên đáng kể. Điều này gây ra không ít khó khăn và hệ lụy khi điều trị các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là với các chủng vi khuẩn chưa có kháng sinh đặc hiệu.
4. Một số tác dụng phụ khác
Ngoài ra, sử dụng kháng sinh giảm đau răng còn có thể gây ra một số tác dụng phụ khác như:
- Nhiễm nấm âm đạo do mất cân bằng hệ vi sinh trong môi trường âm đạo
- Đổi màu răng (xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 8 tuổi)
- Có thể gây dị ứng nghiêm trọng
Ngoài những tác dụng phụ được đề cập trong bài viết, kháng sinh giảm đau răng còn gây ra nhiều rủi ro khác. Nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường trong thời gian sử dụng, bạn nên thông báo với bác sĩ để được xử trí kịp thời.
Lưu ý khi dùng kháng sinh giảm đau nhức răng
Kháng sinh giảm đau nhức răng có thể kiểm soát viêm nhiễm, qua đó giảm đau nhức răng và sưng đỏ mô nướu. Tuy nhiên, nhóm thuốc này gây ra không ít rủi ro và tác dụng phụ khi sử dụng. Chính vì vậy trước khi dùng kháng sinh, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Chỉ sử dụng kháng sinh để giảm đau nhức răng khi có chỉ định của bác sĩ. Nếu chưa thể đến phòng khám/ bệnh viện, có thể giảm đau bằng cách dùng Paracetamol và một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
- Thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng, các vấn đề sức khỏe (nếu có), lịch sử dùng thuốc,… để được chỉ định kháng sinh phù hợp.
- Chú ý các tác dụng phụ xảy ra trong thời gian dùng thuốc. Nếu nhận thấy biểu hiện bất thường, nên thông báo với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cách xử trí.
- Trong thời gian dùng kháng sinh, không nên dùng kết hợp với các loại thuốc điều trị khác nếu chưa tham vấn y khoa. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ tương tác thuốc và dẫn đến nhiều rủi ro.
- Không sử dụng rượu bia, thuốc lá, hạn chế dùng thức ăn cay nóng và khó tiêu hóa để giảm thiểu tác dụng phụ khi dùng kháng sinh. Ngoài ra, nên bổ sung nhiều rau xanh, nước và thực phẩm giàu probiotic (lợi khuẩn) để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, nhiễm nấm âm đạo,…
- Dùng kháng sinh chỉ có thể kiểm soát viêm nhiễm tạm thời. Vì vậy sau 5 – 7 ngày dùng thuốc, bạn cần quay trở lại phòng khám để can thiệp các phương pháp điều trị chuyên sâu nhằm khắc phục đau nhức răng triệt để.
Dùng kháng sinh giảm đau răng chỉ được xem xét trong những trường hợp cần thiết. Để hạn chế rủi ro và tác dụng phụ, bạn chỉ nên dùng nhóm thuốc này khi có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, nên dùng thêm thuốc chống viêm, giảm đau để giảm đau hiệu quả.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Đau Răng Nên Ăn Cháo Gì Tốt? 7 món cháo giúp giảm đau bổ dưỡng
Mẹo trị đau răng bằng rượu cau bạn nên thử
Bị đau răng uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ phải làm sao?
Bị đau răng sưng má có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!