Viêm tủy răng cấp tính là tình trạng tủy răng bị viêm nhiễm đột ngột gây đau nhức nhiều và dai dẳng. Bệnh thường xảy ra do chấn thương, viêm nha chu và bệnh sâu răng tiến triển. Giải pháp tối ưu đối với bệnh lý này là điều trị nội nha để giảm đau và kiểm soát viêm nhiễm.
Viêm tủy răng cấp là gì?
Viêm tủy răng cấp tính là một trong những giai đoạn của viêm tủy răng không hồi phục. Thuật ngữ này đề cập đến hiện tượng tủy răng bị viêm nhiễm gây ra các triệu chứng đột ngột như đau nhức, ê buốt – đặc biệt là khi có các kích thích cơ học và vật lý. Phần lớn các trường hợp viêm tủy răng cấp đều bắt nguồn từ răng sâu ăn vào tủy.
Khi vi khuẩn xâm nhập vào ống tủy, tủy sẽ có phản ứng bằng cách phóng thích các hóa chất trung gian gây viêm như serotonin, bradykinine, histamine và interleukin dẫn đến phản ứng viêm của tủy răng. Viêm tủy răng được chia thành 2 nhóm là viêm tủy răng có hồi phục và viêm tủy răng không hồi phục (bao gồm viêm tủy cấp và viêm tủy mãn).
Viêm tủy răng cấp bùng phát triệu chứng đột ngột, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Các triệu chứng của bệnh lý này có thể gây mệt mỏi, chán ăn, ăn uống kém và thậm chí là mất ngủ, giảm hiệu suất học tập và lao động.
Nguyên nhân gây viêm tủy răng cấp tính
Viêm tủy răng cấp tính xảy ra do vi khuẩn xâm nhập vào khoang tủy theo 1 trong 3 đường sau:
- Xâm nhập trực tiếp qua men răng, ngà răng và di chuyển vào khoang tủy (thường gặp nhất)
- Viêm tủy răng ngược dòng do viêm nha chu (vi khuẩn đi từ xương ổ răng vào kẽ hở ở chóp răng, sau đó đi vào khoang tủy và gây viêm nhiễm tủy răng)
- Vi khuẩn khu trú trong máu, sau đó đi đến tủy răng và gây tổn thương cơ quan này
Các nguyên nhân có thể gây ra bệnh viêm tủy răng cấp tính:
- Sâu răng: Sâu răng là nguyên nhân gây viêm tủy răng thường gặp nhất. Như đã biết, vi khuẩn gây sâu răng sẽ ăn mòn men răng đến ngà răng. Nếu không được điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể xâm nhập vào khoang tủy gây viêm nhiễm. Một số trường hợp sâu răng nặng còn có thể gây vỡ, mẻ răng và áp xe quanh chóp răng (chân răng).
- Chấn thương: Viêm tủy răng cấp cũng có thể xảy ra đột ngột do chấn thương mạnh khiến mạch máu nuôi tủy bị đứt và kích thích phản ứng viêm ở tổ chức mạch máu bên trong khoang tủy. Trường hợp chấn thương nặng có thể gây hoại tử tủy tức thì.
- Răng mẻ, vỡ: Răng mẻ, vỡ có nguy cơ bị viêm tủy răng cao vì lúc này vi khuẩn dễ dàng đi qua men răng, sau đó di chuyển đến ngà răng và gây tổn thương khoang tủy. Ngoài ra, viêm tủy răng cấp còn có thể xảy ra men răng bị mài mòn quá mức.
- Viêm nha chu: Viêm nha chu là một dạng nhiễm khuẩn răng miệng có mức độ nghiêm trọng. Bệnh lý này đặc trưng bởi hiện tượng viêm nhiễm tổ chức nâng đỡ răng bao gồm mô nướu, xương ổ răng, dây chằng,… Nếu không được thăm khám và điều trị sớm, vi khuẩn có thể đi qua kẽ hở ở chóp răng vào khoang tủy và gây viêm tủy cấp tính.
- Biến chứng của kỹ thuật nha khoa: Viêm tủy răng cấp cũng có thể là biến chứng sau khi thực hiện các kỹ thuật nha khoa như hàn trám răng, lấy dấu, mài răng,… Biến chứng thường xảy ra do thực hiện sai kỹ thuật hoặc do quá trình vô khuẩn dụng cụ, thiết bị diễn ra không đảm bảo.
Tủy răng là nơi chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh. Do đó khi cơ quan này bị viêm nhiễm, răng thường bị đau nhức nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Triệu chứng của bệnh viêm tủy răng cấp
Viêm tủy răng cấp tính là giai đoạn có các triệu chứng điển hình và dễ nhận biết nhất. Nếu chủ quan, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn viêm tủy răng mãn tính và hoại tử tủy.
Các triệu chứng nhận biết bệnh viêm tủy răng cấp tính:
- Răng bị đau từng cơn hoặc đau liên tục, có thể đau âm ỉ hoặc đau nhói, đau buốt
- Đau tự phát kéo dài, đặc biệt là khi về đêm
- Cơn đau do viêm tủy răng cấp tính có thể khu trú hoặc lan tỏa
- Thời gian đau có thể kéo dài trong vài phút nhưng cũng có những trường hợp cơn đau kéo dài đến hàng giờ liền
- Cơn đau bùng phát mạnh khi thức ăn lọt vào lỗ sâu, thay đổi tư thế, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh
- Ở giai đoạn đầu, cơn đau thường có xu hướng lan tỏa nên rất khó để xác định chính xác răng bị đau nhức
Viêm tủy răng cấp tính có nguy hiểm không?
Viêm tủy răng cấp tính là bệnh nha khoa có mức độ nặng cần được điều trị sớm. Ở giai đoạn cấp, các triệu chứng của bệnh thường bùng phát với tần suất thường xuyên gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ăn uống, sinh hoạt, giấc ngủ, quá trình học tập và lao động.
Nếu không được điều trị sớm, viêm tủy răng cấp có thể chuyển sang giai đoạn viêm tủy mãn tính và hoại tử tủy. Ở những giai đoạn này, triệu chứng có thể giảm về mức độ và tần suất nhưng tủy răng đã bị phá hủy trầm trọng. Ngoài ra, viêm tủy cấp tính không được kiểm soát còn có thể làm tăng nguy cơ áp xe chân răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây tổn thương các cơ quan khác trong khoang miệng.
Chẩn đoán bệnh viêm tủy răng cấp tính
Viêm tủy răng cấp tính cần được chẩn đoán trước khi can thiệp điều trị. Chẩn đoán bệnh lý này bao gồm các bước như sau:
- Khám lâm sàng: Khám lâm sàng ở những trường hợp bị viêm tủy răng cấp tính thường có các dấu hiệu như răng sâu nặng dẫn đến lộ tủy, hở miếng trám, xung quanh răng có túi nha chu. Bác sĩ cũng có thể tạo các kích thích lên răng (gõ, nhiệt độ lạnh, nóng,…) để đánh giá phản ứng.
- X – Quang: Viêm tủy răng cấp tính chưa có sự thay đổi trên X-Quang, trừ những trường hợp đi kèm với viêm quanh chóp cấp. Tuy nhiên, qua hình ảnh từ X-Quang, bác sĩ có thể phân biệt với một số bệnh lý có triệu chứng tương tự.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm tủy răng cấp
Viêm tủy răng cấp tính cần được điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng. Vì tủy không còn khả năng hồi phục nên điều trị ưu tiên đối với bệnh lý này là chữa tủy (điều trị nội nha).
1. Điều trị nội nha (chữa tủy)
Điều trị nội nha là phương pháp được ưu tiên trong điều trị bệnh viêm tủy răng cấp tính. Phương pháp này được thực hiện nhằm làm sạch mô tủy bị hoại tử kết hợp với dẫn lưu dịch tiết để giảm đau. Sau khi loại bỏ tủy, bác sĩ sẽ sử dụng dung dịch sát khuẩn để vô trùng ống tủy trước khi trám bít bằng vật liệu nhân tạo.
Tủy răng là cơ quan nuôi dưỡng ngà răng và dẫn truyền tín hiệu thần kinh lên não bộ. Khi cơ quan này bị loại bỏ, răng sẽ suy yếu dần theo thời gian. Do đó sau khi điều trị nội nha, bác sĩ thường đưa ra lời khuyên nên bọc mão răng sứ để bảo vệ và tăng tuổi thọ của răng.
2. Nhổ bỏ răng
Trong trường hợp tủy răng bị viêm nặng, răng mất chất và tổn thương nhiều, bác sĩ sẽ xem xét nhổ bỏ răng. Thực tế, phương pháp này không được ưu tiên vì nhổ răng đồng nghĩa với việc răng mất hoàn toàn chức năng sinh lý và thẩm mỹ. Hơn nữa, chi phí phục hình răng sau khi nhổ cũng tương đối cao, không phù hợp với tất cả bệnh nhân.
Nhổ bỏ răng là giải pháp cuối cùng khi điều trị nội nha không có đáp ứng với viêm tủy răng cấp tính. Tuy nhiên nếu viêm tủy răng xảy ra ở răng khôn, bác sĩ có thể chỉ định nhổ răng để tránh biến chứng và phòng ngừa tái phát. Bởi răng khôn (răng số 8) thường không giữ chức năng quan trọng như các răng khác trên cung hàm.
3. Mẹo cải thiện tại nhà
Ngoài các phương pháp y tế, bạn cũng có thể giảm nhẹ cơn đau do viêm tủy răng cấp tính bằng một số mẹo đơn giản tại nhà như:
- Súc miệng với nước trà xanh: Nước trà xanh có đặc tính sát trùng và kháng khuẩn tự nhiên. Súc miệng với nước trà xanh có thể làm giảm sưng đau ở răng bị viêm tủy. Ngoài ra, tinh dầu từ lá trà còn giúp khử mùi hôi do vi khuẩn bài tiết.
- Chườm đá: Chườm đá là biện pháp giảm đau nhức răng an toàn và khá hiệu quả. Biện pháp này giúp cải thiện nhanh cảm giác đau nhức, phù nề và sưng nóng ở mô nướu bao xung quanh răng. Trong giai đoạn cấp, nên chườm đá thường xuyên (khoảng 3 – 4 lần/ ngày), mỗi lần kéo dài từ 15 – 20 phút.
- Ngậm nước muối ấm: Ngậm nước muối ấm từ 2 – 3 phút có thể giảm nhanh cảm giác đau nhức và khó chịu ở răng bị viêm tủy. Ngoài ra, muối biển còn chứa nhiều chất khoáng tốt cho răng như magie, canxi, phốt pho,…
Phòng ngừa bệnh viêm tủy răng cấp
Viêm tủy răng cấp tính là một trong những bệnh nha khoa có mức độ nặng cần được thăm khám và điều trị sớm. Bệnh không chỉ gây đau nhức, khó chịu mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm tủy răng mãn tính, áp xe răng, hoại tử tủy,… nếu không được kiểm soát kịp thời.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm tủy răng cấp tính, bao gồm:
- Chủ động điều trị sâu răng và viêm nha chu ngay từ những giai đoạn đầu. Thực tế cho thấy, đa phần các trường hợp bị viêm tủy răng đều phát triển từ sâu răng không được kiểm soát.
- Khám răng miệng định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện và xử lý sớm các vấn đề nha khoa tiềm ẩn. Ngoài ra, cần chú ý cạo vôi răng 2 – 3 lần/ năm để ngăn sự phát triển quá mức của vi khuẩn.
- Đối với răng bị sứt mẻ, nứt, nên hàn trám hoặc bọc mão răng sứ để bảo vệ răng, ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào ngà răng, khoang tủy gây viêm tủy răng.
- Đánh răng 2 – 3 lần/ ngày, súc miệng và dùng chỉ nha khoa để làm sạch hoàn toàn khoang miệng. Giữ vệ sinh răng miệng là biện pháp có hiệu quả nhất trong phòng ngừa viêm tủy răng cấp và các bệnh nha khoa khác.
- Không dùng răng cắn, cạy những vật cứng và thận trọng khi sinh hoạt, lao động để phòng ngừa chấn thương.
- Bổ sung fluor thông qua chế độ ăn uống hoặc bổ sung bằng cách sử dụng các sản phẩm chăm sóc răng miệng như nước súc miệng, kem đánh răng, gel bôi chứa fluor,… Fluor là khoáng chất cần thiết giúp tái khoáng men răng và bảo vệ tủy răng khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn.
- Thay đổi các thói quen ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng như nghiến răng, lạm dụng đồ uống chứa cồn, hút thuốc lá, thở bằng miệng,…
Viêm tủy răng cấp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề nếu không được điều trị sớm. Để bảo vệ sức khỏe răng miệng và phòng ngừa biến chứng, nên chủ động tìm gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy các triệu chứng khác thường.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Lấy Tủy Răng Không Sạch: Hậu Quả Và Biện Pháp Xử Lý
Viêm tủy răng mãn tính là gì? Có nguy hiểm không?
Viêm tủy răng để lâu có sao không? Có gây biến chứng nguy hiểm?
Tủy Răng Bị Nhiễm Trùng: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Điều Trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!