Răng hàm là răng có kích thước lớn, mặt nhai rộng, nhiều rãnh kẽ và cấu tạo khoang tủy phức tạp hơn so với răng ở những vị trí khác. Do đó, Lấy tủy răng hàm có đau không? Mất bao lâu? là vấn đề được nhiều người quan tâm khi có ý định chữa tủy răng.
Lấy tủy răng hàm mất khoảng bao lâu?
Mỗi người có khoảng 12 răng hàm, bao gồm 4 răng hàm số 1, 4 răng hàm số 2 và 4 răng hàm số 3. Tuy nhiên, số lượng răng hàm có thể ít hơn do một số người không mọc răng hàm số 3 (răng số 8, răng khôn) hoặc mọc ít hơn 4 chiếc. Răng hàm có kích thước lớn và mặt nhai rộng, giữ chức năng chính trong hoạt động nhai, nghiền nát thức ăn.
Với mặt nhai lớn, có nhiều rãnh và nằm ở cuối cung hàm, răng hàm dễ mắc phải các vấn đề nha khoa hơn so với răng ở những vị trí khác. Lấy tủy răng hàm được chỉ định trong trường hợp viêm tủy răng tiến triển nặng, không còn khả năng hồi phục và hoại tử tủy (chết tủy).
So với các răng khác trên cung hàm, răng hàm có đến 2 khoang tủy và cấu trúc tủy cũng phức tạp hơn. Chính vì vậy khi lấy tủy răng hàm, thời gian thực hiện sẽ kéo dài hơn so với lấy tủy răng cửa và răng nanh. Vậy, lấy răng hàm trên, dưới mất khoảng bao lâu?
Thông thường, điều trị nội nha (lấy tủy răng) kéo dài từ 1 – 2 lần hẹn. Đối với răng hàm trên và hàm dưới, quá trình chữa tủy cần khoảng 2 lần hẹn, mỗi lần kéo dài từ 15 – 90 phút tùy theo tình trạng viêm nhiễm, vị trí và cấu trúc của răng.
- Trong lần hẹn đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành khám, chụp X-Quang, bộc lộ tủy răng và làm sạch phần tủy bị hư hại để ngăn chặn vi khuẩn phát triển. Sau đó, bác sĩ sẽ trám tạm khoang tủy nhằm sát trùng và ngăn không cho vi khuẩn, thức ăn lọt vào trong lỗ sâu, khoang tủy.
- Ở lần hẹn thứ 2, bác sĩ sẽ tiếp tục làm sạch khoang tủy để chắc chắn loại bỏ hoàn toàn tủy bị viêm nhiễm. Đồng thời sát trùng, làm khô và trám bít khoang tủy bằng chất liệu nhân tạo. Tùy theo mức độ tổn thương của răng và nhu cầu của bệnh nhân, bác sĩ có thể trám bít hố rãnh trên răng hoặc lắp mão sứ để bảo vệ răng tốt hơn.
Trên thực tế, đối với răng hàm bị viêm nhiễm nặng và cấu tạo khoang tủy phức tạp, quá trình chữa tủy có thể kéo dài hơn trong vài tiếng và cần nhiều hơn 2 lần hẹn. Ngoài ra nếu viêm tủy răng xảy ra trên nhiều răng, thời gian điều trị có thể kéo dài hơn.
Lấy tủy răng hàm trên/ hàm dưới có đau không?
Ngoài thắc mắc về vấn đề “Lấy tủy răng hàm mất bao lâu?” thì vấn đề “Chữa tủy răng hàm trên/ hàm dưới có đau không?” cũng là mối bận tâm của nhiều người – đặc biệt là với những người chịu đau kém. Có thể nói, cảm giác ê buốt và đau nhức răng thật sự rất khó chịu. Với những trường hợp nặng, cơn đau có thể bùng phát vào cả ban đêm và ban ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ăn uống, làm việc, học tập và giấc ngủ.
Trước khi lấy tủy răng, bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê hoặc đặt thuốc diệt tủy tăng để giảm cảm giác đau nhức và khó chịu. Đối với những trường hợp hoại tử tủy hoàn toàn, bác sĩ sẽ tiến hành lấy tủy trực tiếp mà không cần thực hiện các biện pháp trên. Vì lúc này, tủy răng đã chết hoàn toàn, không thể cảm nhận được cơn đau hay bất cứ cảm giác nào khác.
Tuy nhiên, trong quá trình lấy tủy răng, bạn cũng có thể gặp phải cảm giác đau nhức nhẹ do tác động trong khoang tủy kích thích các dây thần kinh ở mô nướu. Cảm giác ê buốt và đau nhức sẽ kéo dài trong khoảng vài ngày và mức độ thường nhẹ, không đau dữ dội như khi bị viêm tủy răng cấp tính.
Các biện pháp giảm đau sau khi lấy tủy răng hàm
Sau khi lấy tủy, răng thường có cảm giác ê nhẹ kèm theo đau nhức khi chạm vào và khi ăn uống. Các triệu chứng này thường kéo dài khoảng 3 – 5 ngày và tự thuyên giảm khi răng đã hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể kiểm soát cơn đau và một số triệu chứng xảy ra sau khi chữa tủy bằng các biện pháp đơn giản sau:
1. Chườm đá
Thông thường, cơn đau sau khi lấy tủy răng có mức độ nhẹ nên không nhất thiết phải sử dụng thuốc. Trong trường hợp này, bạn có thể chườm đá để giảm đau nhức và làm dịu mô nướu sưng viêm.
Chườm đá giúp làm co mạch máu, giảm lượng máu tuần hoàn về răng bị tổn thương. Điều này giúp kiểm soát phần nào cảm giác nóng rát và khó chịu ở mô nướu bao xung quanh răng. Ngoài ra, nhiệt độ lạnh còn làm tê liệt các dây thần kinh ở mô nướu khiến khả năng thụ cảm cơn đau của não bộ bị gián đoạn, ức chế.
Hướng dẫn cách chườm đá giảm đau sau khi lấy tủy răng:
- Cho đá hoặc nước đá vào túi chườm
- Áp túi chườm vào vùng má ngoài cùng bên với răng bị đau nhức
- Chườm liên tục trong 15 – 20 phút để làm co mạch máu giúp giảm viêm và đau nhức
- Có thể thực hiện nhiều lần trong ngày để giảm đau và cải thiện các triệu chứng khó chịu đi kèm
2. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn
Giữa các lần hẹn lấy tủy, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc để kiểm soát viêm nhiễm và giảm đau nhức. Nếu được chỉ định thuốc, bạn nên sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, có thể thông báo với bác sĩ về tình trạng răng ê buốt, đau nhức sau khi chữa tủy để được tư vấn các loại thuốc giảm đau phù hợp.
3. Dùng nguyên liệu tự nhiên
Ngoài những cách trên, bạn cũng có thể giảm đau nhức răng sau khi lấy tủy bằng một số nguyên liệu tự nhiên như:
- Tinh dầu đinh hương: Đinh hương thường được sử dụng để cải thiện tình trạng hơi thở có mùi và làm sạch khoang miệng. Ngoài ra với hoạt chất Eugenol, đinh hương có tác dụng làm mát mô nướu, giảm sưng đau và kháng khuẩn mạnh. Để cải thiện cơn đau và cảm giác ê buốt sau khi lấy tủy, bạn có thể dùng tinh dầu đinh hương hòa với 200ml nước nguội và dùng súc miệng hằng ngày.
- Bạc hà: Hoạt chất menthol trong lá bạc hà có tác dụng tương tự như Eugenol trong đinh hương. Hoạt chất này giúp làm dịu cảm giác sưng nóng và đau nhức ở mô nướu. Ngoài ra, tinh dầu tự nhiên trong lá bạc hà còn giúp khử mùi hôi trong khoang tủy và kẽ răng. Bạn có thể dùng nước sắc bạc hà súc miệng hoặc nhai trực tiếp lá bạc hà để giảm nhẹ cơn đau sau khi lấy tủy răng hàm.
- Đắp gel nha đam: Gel nha đam chứa hàm lượng nước dồi dào cùng với nhiều khoáng chất và chất chống viêm tự nhiên. Đắp gel nha đam lên mô nướu xung quanh răng vừa lấy tủy có thể giảm hiện tượng đau nhức và sưng nóng. Ngoài ra, hoạt chất chống oxy hóa trong thảo dược này còn giúp kháng khuẩn, kiểm soát sự phát triển của virus và nấm men.
Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc “Lấy tủy răng hàm có đau không? Mất bao lâu?” và gợi ý một số cách giảm đau sau khi lấy tủy răng. Răng hàm là răng có cấu tạo phức tạp và giữ nhiều chức năng quan trọng. Vì vậy, bạn nên thăm khám sớm nếu nghi ngờ răng bị viêm nhiễm tủy.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Răng Ngả Màu Sau Lấy Tủy: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Viêm tủy răng để lâu có sao không? Có gây biến chứng nguy hiểm?
Răng đã lấy tủy rồi có niềng được không? Giải đáp
Lấy Tủy Răng Không Sạch: Hậu Quả Và Biện Pháp Xử Lý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!