Viêm Tủy Răng Nặng: Dấu Hiệu và Cách Xử Lý

Viêm tủy răng nặng thường không gây đau nhức, ê buốt và khó chịu như ở giai đoạn đầu mà chỉ gây đau nhẹ, âm ỉ kèm theo tình trạng răng lung lay, men răng đổi màu, hôi miệng,… Nếu không được kiểm soát kịp thời, răng có thể bị hư hại nặng dẫn đến tăng nguy cơ mất răng vĩnh viễn. 

viêm tủy răng nặng
Viêm tủy răng nặng xảy ra khi tủy răng bị viêm nhiễm kéo dài và hoại tử (chết tủy)

Các dấu hiệu nhận biết viêm tủy răng nặng

Viêm tủy răng tiến triển theo từng giai đoạn. Ban đầu, bệnh chỉ gây tổn thương một phần nhỏ của tủy răng (viêm tủy răng có hồi phục) và phần tủy hư hại có thể tái tạo, phục hồi nếu được chữa trị sớm. Tuy nhiên, triệu chứng ở giai đoạn này khá mờ nhạt nên đa phần người bệnh đều không phát hiện để điều trị kịp thời.

Sau một thời gian tiến triển, viêm tủy răng tiến triển sang giai đoạn cấp, mãn tính và hoại tử tủy. Trong đó, viêm tủy răng mãn tính và hoại tử tủy (chết tủy) được cho giai đoạn nặng của bệnh. Bởi những giai đoạn này, tủy đã bị hư hại hoàn toàn khiến chức năng thụ cảm và nuôi dưỡng ngà răng mất hẳn.

Khác với giai đoạn mới phát, viêm tủy răng nặng không gây đau nhức hay ê buốt dữ dội. Chính vì các triệu chứng thuyên giảm nên nhiều bệnh nhân lầm tưởng bệnh đã khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên trong giai đoạn nặng, vi khuẩn vẫn tiếp tục phát triển trong khoang tủy khiến răng và các tổ chức nâng đỡ răng bị tổn thương, hư hại nghiêm trọng.

Để kịp thời điều trị, bạn có thể nhận biết viêm tủy răng nặng thông qua các dấu hiệu như sau:

1. Răng mất hoàn toàn cảm giác

Như đã biết, tủy răng là cơ quan chứa mạch máu và dây thần kinh có khả năng thụ cảm và nuôi dưỡng ngà răng. Khi tủy bị hư hại nghiêm trọng, các chức năng của cơ quan này cũng hoàn toàn mất hẳn. Do đó khi viêm tủy răng chuyển biến nặng, răng hầu như không còn cảm giác ngay cả khi tiếp xúc với thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.

Khi dùng tay gõ hoặc chạm vào răng, răng không còn cảm giác đau nhức hay ê buốt như bình thường. Đây là dấu hiệu rõ nhất cho thấy tủy răng đã bị hoại tử hoàn toàn.

2. Răng đổi màu

Ngoài tình trạng răng mất cảm giác, viêm tủy răng nặng còn có thể biểu hiện thông qua triệu chứng men răng đổi màu. Đối với những trường hợp răng đã chết tủy, men răng thường có màu xám hoặc đen do mất hẳn nguồn dinh dưỡng.

viêm tủy răng nặng
Tủy bị hư hại nặng có thể khiến men răng đổi thành màu xám hoặc đen, màu sắc tối hơn so với các răng lân cận

Thông thường, men răng cũng có thể đổi màu do nhiễm hóa chất và kháng sinh. Tuy nhiên, tình trạng men răng đổi màu do viêm tủy răng chỉ xảy ra duy nhất ở 1 răng, ít khi xảy ra cùng lúc trên nhiều răng như những nguyên nhân kể trên. Để chắc chắn, bạn có thể gõ nhẹ vào răng để xem xét phản ứng bởi răng bị viêm tủy nặng hầu như không còn cảm giác đau, ê buốt hay khó chịu.

3. Hơi thở có mùi hôi

Viêm tủy răng nặng còn có thể gây hôi miệng. Vi khuẩn trong khoang tủy phát triển sinh độc tố được xem là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng hơi thở có mùi. Ngoài ra, viêm tủy răng nặng cũng có thể thức ăn lọt vào lỗ sâu lớn, sau đó di chuyển xuống khoa tủy. Vi khuẩn phản ứng với protein và carbohydrate trong thực phẩm gây ra khí sulfate tạo mùi hôi khó chịu.

viêm tủy răng nặng
Viêm tủy răng nặng còn có thể gây hôi miệng do vi khuẩn trú ngụ và phát triển quá mức bên trong khoang tủy

Hơi thở có mùi do viêm tủy răng thường có xu hướng dai dẳng, kéo dài – ngay cả khi đã vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Để khắc phục tình trạng này triệt để, giải pháp tối ưu là kiểm soát bệnh viêm tủy răng hoàn toàn.

4. Răng lung lay

Sau một thời gian tiến triển, viêm tủy răng nặng có thể khiến răng lung lay và giảm khả năng bám trên cung hàm. Tình trạng này thường bắt nguồn từ việc răng không được nuôi dưỡng dẫn đến suy yếu, lung lay, thiếu chắc chắn.

Ngoài ra, răng lung lay cũng có thể xảy ra do viêm nha chu – một dạng nhiễm khuẩn mô nướu, xương ổ răng và dây chằng nha chu (các tổ chức nâng đỡ răng). Khi các cơ quan này bị viêm nhiễm, răng thường dễ bị lung lay – nhất là khi ăn uống. Hơn nữa, vi khuẩn gây viêm nha chu cũng có thể xâm nhập vào kẽ hở của chân răng và gây viêm nhiễm tủy răng.

5. Gây áp xe chân răng

Ngoài những triệu chứng kể trên, viêm tủy răng nặng còn có thể biểu hiện qua tình trạng áp xe chân răng. Áp xe chân răng là tình trạng chân răng (chóp răng) bị viêm nhiễm và hình thành túi mủ (áp xe). Đây là hệ quả do viêm tủy răng không được thăm khám và điều trị kịp thời.

viêm tủy răng nặng
Viêm tủy răng kéo dài còn có thể gây áp xe chân răng – một trong những bệnh nha khoa có mức độ nghiêm trọng

Áp xe chân răng thường gây đau nhức dữ dội, cơn đau nhói lên trong quá trình ăn uống kèm theo hiện tượng sưng lợi, lợi viêm đỏ, dễ chảy máu và hôi miệng. Ngoài ra, áp xe chân răng còn khiến lợi rỉ dịch và chảy mủ.

Viêm tủy răng nặng có nguy hiểm không?

Khác với các bệnh nha khoa thường gặp, viêm tủy răng thường có mức độ nghiêm trọng, đòi hỏi phải được thăm khám và điều trị sớm. Khi bệnh đã chuyển biến nặng, việc điều trị cần phải được thực hiện kịp thời để ngăn ngừa biến chứng.

Nếu không được điều trị và khắc phục, viêm tủy răng nặng có thể gây ra hàng loạt các biến chứng như:

  • Nhiễm trùng lan rộng: Vi khuẩn gây viêm nhiễm tủy răng có thể lây lan sang những cơ quan kế cận như xoang hàm, mô nướu, xương ổ răng, sàn miệng, vùng dưới lưỡi, niêm mạc má,… Khi nhiễm trùng lan rộng, việc điều trị sẽ khó khăn hơn và dễ phát sinh biến chứng nếu không kiểm soát kịp thời.
  • Mất răng vĩnh viễn: Viêm tủy răng nặng có thể gây mất răng vĩnh viễn, chân răng và ngà răng bị hư hại trầm trọng. Trong trường hợp này, bác sĩ buộc phải nhổ bỏ răng để giải quyết triệt để ổ viêm nhiễm, ngăn ngừa vi khuẩn lây lan sang các răng khỏe mạnh và một số cơ quan kế cận khác.
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Dù không gây đau nhức nhiều như giai đoạn cấp nhưng viêm tủy răng nặng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Cụ thể, tình trạng răng đổi màu, lung lay và hơi thở có mùi do bệnh lý gây ra tâm lý e ngại, thiếu tự tin khi giao tiếp. Ngoài ra, viêm tủy răng còn khiến răng lung lay, gây ra nhiều khó khăn khi ăn uống và sinh hoạt.

Viêm tủy răng là một trong những bệnh lý nha khoa có mức độ nặng. Vì vậy để phòng tránh các biến chứng do bệnh lý này gây ra, bạn nên chủ động thăm khám và điều trị sớm. Dù không thể phục hồi tủy răng như giai đoạn đầu nhưng điều trị viêm tủy răng nặng kịp thời có thể ngăn ngừa mất răng và hạn chế tình trạng viêm nhiễm lan rộng.

Cách xử lý bệnh viêm tủy răng nặng

Sau khi được thăm khám và chụp X-Quang, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm tủy răng. Đối với những trường hợp bệnh nặng, bác sĩ sẽ lựa chọn 1 trong 2 phương pháp sau:

1. Điều trị nội nha (chữa tủy)

Điều trị nội nha (chữa tủy) là lựa chọn ưu tiên trong điều trị các bệnh viêm tủy răng không hồi phục. Phương pháp này được thực hiện nhằm lấy sạch toàn bộ tủy răng bị tổn thương, sau đó trám bít lại bằng vật liệu nhân tạo để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập. Chữa tủy có thể kiểm soát hoàn toàn ổ viêm nhiễm, ngăn ngừa vi khuẩn lây lan và bảo tồn các răng còn lại.

Ống tủy là cơ quan có cấu tạo và tính chất phức tạp. Do đó, điều trị nội nha phải được thực hiện bởi bác sĩ được đào tạo chuyên sâu với sự hỗ trợ của máy móc và trang thiết bị hiện đại. Rất nhiều trường hợp gặp phải tình trạng chữa tủy răng xong vẫn đau nhức do thực hiện ở những phòng khám kém chất lượng.

viêm tủy răng nặng
Điều trị nội nha (chữa tủy) được xem là giải pháp tối ưu đối với bệnh viêm tủy răng nặng

Quy trình chữa tủy răng theo tiêu chuẩn:

  • Bước 1: Trước khi điều trị nội nha, bác sĩ sẽ tiến hành khám răng miệng tổng quát và chụp X-Quang để đánh giá mức độ tổn thương. Đồng thời xác định độ khó của răng cần chữa tủy để lên phác đồ chữa trị phù hợp.
  • Bước 2: Trong trường hợp tủy răng chưa hoại tử hoàn toàn, bác sĩ sẽ gây tê hoặc sử dụng thuốc mê (nếu dị ứng thuốc tê) để giảm đau trong quá trình điều trị.
  • Bước 3: Sử dụng đê cao su để cách ly răng cần điều trị với vi khuẩn trong nước bọt và khoang miệng. Hơn nữa, sử dụng dụng cụ này còn giúp phòng ngừa tình trạng các dụng cụ y tế, răng bị mẻ, vỡ và miếng trám rơi vào bên trong đường thở. Đồng thời giúp giảm cảm giác khó chịu với mùi thuốc tê và mùi từ các vật liệu nha khoa.
  • Bước 4: Sử dụng mũi khoan để mở đường vào buồng tủy. Đây là bước quan trọng để giúp quá trình lấy tủy và trám bít khoang tủy diễn ra thuận lợi.
  • Bước 5: Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng trâm tay hoặc trâm máy để làm sạch phần tủy răng bị viêm nhiễm. Kết hợp với bơm rửa nhiều lần để tăng hiệu quả làm sạch khoang tủy. Quá trình này phải được thực hiện kỹ lưỡng để tránh tình trạng sót tủy – nguyên nhân gây tái phát viêm tủy răng.
  • Bước 6: Sau cùng, bác sĩ sẽ tiến hành trám bít ống tủy bằng vật liệu nhân tạo. Đối với những trường hợp răng hư hại nặng, bác sĩ có thể kết hợp trám bít cùng với các kỹ thuật phục hình như hàn trám lỗ răng sâu hoặc phục hình răng bằng Inlay/ Onlay, bọc mão răng sứ,…

Quá trình điều trị nội nha có thể thực hiện trong 1 – 2 lần hẹn. Giữ các lần hẹn bác sĩ sẽ trám tạm khoang tủy để ngăn không cho vi khuẩn và thức ăn xâm nhập vào.

2. Nhổ răng

Nhổ răng được xem xét trong trường hợp răng lung lay mức độ nặng không còn khả năng hồi phục. Nếu không nhổ bỏ, vi khuẩn có thể lây lan sang các răng khỏe mạnh và một số cơ quan trong khoang miệng gây viêm nhiễm lan rộng. Vì vậy, nhổ bỏ răng trong trường hợp này được xem là giải pháp tối ưu.

Sau khi nhổ răng, bạn cần phải trồng răng giả để phục hồi chức năng nhai và thẩm mỹ. Trong tất cả các phương pháp, cấy ghép Implant được xem là giải pháp phục hình tối ưu bởi phương pháp này có thể phục hình tất cả chức năng của răng, đồng thời không gây teo nướu và tiêu xương hàm như cầu răng sứ và phục hình răng giả tháo lắp.

Phòng ngừa viêm tủy răng nặng bằng cách nào?

Viêm tủy răng nặng gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống. So với giai đoạn đầu, quá trình điều trị ở giai đoạn này thường phức tạp hơn do tủy đã bị tổn thương nặng. Không chỉ mất nhiều thời gian điều trị, chi phí chữa viêm tủy răng nặng cũng cao hơn rất nhiều.

viêm tủy răng nặng
Thăm khám và điều trị sớm có thể phòng ngừa bệnh viêm tủy răng tiến triển nặng

Để phòng ngừa viêm tủy răng nặng, bạn cần thực hiện một số biện pháp sau:

  • Thăm khám và điều trị sớm ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh viêm tủy răng như răng đau nhức, ê buốt, đau tự phát vào ban đêm, mô nướu bao xung quanh răng sưng đỏ, viêm, dễ chảy máu,…
  • Lựa chọn các nha khoa, bệnh viện uy tín để điều trị. Thực tế cho thấy, chữa trị ở những cơ sở kém chất lượng có thể khiến bệnh không được điều trị triệt để và có thể chuyển biến nặng hơn theo thời gian.
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách và thay đổi các thói quen xấu (hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng răng cắn xé các vật cứng,…) có thể phòng ngừa viêm tủy răng và các bệnh nha khoa thường gặp.
  • Chủ động điều trị sâu răng và viêm nha chu – hai bệnh lý có thể tiến triển nặng dẫn đến viêm tủy răng có hồi phục và không hồi phục.
  • Khám răng miệng định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các vấn đề nha khoa tiềm ẩn.

Bài viết đã tổng hợp dấu hiệu nhận biết và cách xử lý, phòng ngừa bệnh viêm tủy răng nặng. Khác với giai đoạn mới phát, bệnh ở giai đoạn nặng có thể chuyển biến xấu gây ra vô số ảnh hưởng và biến chứng nguy hiểm. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể dễ dàng nhận biết và khắc phục bệnh lý này kịp thời.

Tham khảo thêm:

4.5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!