Đang Cho Con Bú Có Lấy Tủy Răng Được Không? Giải đáp

Đang cho con bú có nên lấy tủy răng không là vấn đề được nhiều mẹ bỉm quan tâm. Theo bác sĩ Răng hàm mặt, phương pháp này không có chống chỉ định tuyệt đối với người đang nuôi con bằng sữa mẹ và phụ nữ mang thai. Vì vậy trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ xem xét lấy tủy để bảo tồn răng và ngăn ngừa biến chứng. 

lấy tủy răng khi đang cho con bú
Có nên lấy tủy răng khi đang cho con bú?

Đang cho con bú có lấy tủy răng được không?

Phụ nữ đang cho con bú là đối tượng nhạy cảm, dễ gặp phải các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc và can thiệp một số kỹ thuật nha khoa. Do đó, rất nhiều mẹ bỉm thắc mắc về vấn đề “Đang cho con bú có nên lấy tủy răng không?”.

Lấy tủy răng/ diệt tủy răng là kỹ thuật nha khoa được ứng dụng phổ biến trong điều trị viêm tủy răng không hồi phục và những trường hợp tủy răng bị hoại tử (do viêm nhiễm tiến triển hoặc do chấn thương nặng). Kỹ thuật này thực hiện bằng cách bộc lộ khoang tủy, làm sạch phần tủy răng bị viêm nhiễm, sau đó trám bít bằng vật liệu nhân tạo để ngăn sự xâm nhập của vi khuẩn.

Lấy tủy răng giúp làm sạch ổ viêm nhiễm, ngăn ngừa tình trạng vi khuẩn lây lan sang những cơ quan khác như mô nướu, sàn miệng, niêm mạc má, lưỡi, vòm họng, amidan và mô xoang hàm. Ngoài ra, loại bỏ tủy răng kịp thời còn giúp bảo tồn răng, hạn chế tình trạng chân răng bị hư hại nặng, lung lay buộc phải nhổ bỏ.

Được biết, tất cả các kỹ thuật nha khoa đều tiềm ẩn rủi ro và tác dụng ngoại ý. Tuy nhiên, lấy tủy răng vẫn có thể được thực hiện đối với phụ nữ đang cho con bú trong một số trường hợp cần thiết. Vì là đối tượng nhạy cảm nên bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi chỉ định phương pháp này.

1. Trường hợp nên lấy tủy răng

Lấy tủy răng là kỹ thuật nha khoa khá phức tạp nhưng chủ yếu tác động tại chỗ, hiếm khi sử dụng các loại thuốc toàn thân. Do đó, kỹ thuật này hầu như không ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ.

lấy tủy răng khi đang cho con bú
Trường hợp viêm tủy răng không hồi phục sẽ được cân nhắc lấy tủy răng khi đang cho con bú

Lấy tủy răng khi đang cho con bú được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Viêm tủy răng không hồi phục: Đối với trường hợp tủy răng bi viêm nhiễm không còn khả năng hồi phục, giải pháp tối ưu là lấy tủy răng. Bởi đây là phương pháp giúp giải quyết triệt để ổ viêm nhiễm và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Khi được chẩn đoán bị viêm tủy răng, bạn nên chữa tủy răng trong thời gian sớm nhất để tránh tình trạng chuyển biến nặng.
  • Răng chấn thương gây lộ tủy, hoại tử tủy: Chấn thương mạnh có thể khiến răng mẻ, lộ tủy hoặc bị hoại tử tủy ngay lập tức. Tương tự như viêm tủy răng không hồi phục, tủy bị hoại tử không còn khả năng tái tạo. Do đó, phụ nữ đang cho con bú sẽ được chỉ định lấy tủy nhằm bảo tồn răng và phòng ngừa các biến chứng nặng nề.

Ngoài những trường hợp trên, chữa tủy răng cũng có thể được thực hiện trong một số trường hợp khác nếu có chỉ định của bác sĩ.

2. Trường hợp không nên chữa tủy răng

Lấy tủy răng có vai trò quan trọng giúp bảo tồn răng và kiểm soát viêm nhiễm. Tuy nhiên, phương pháp này có thể không được chỉ định trong những trường hợp sau:

đang cho con bú có nên chữa tủy răng
Chữa tủy răng không được chỉ định nếu bị dị ứng thuốc tê, mắc các bệnh về máu và các bệnh lý tim mạch
  • Dị ứng thuốc tê: Để chữa tủy răng, bác sĩ buộc phải gây tê nếu tủy răng chưa hoại tử hoàn toàn nhằm giảm cảm giác đau nhức và khó chịu trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên nếu bị dị ứng thuốc tê, bác sĩ sẽ yêu cầu dùng thuốc diệt tủy răng thay vì lấy tủy răng như thông thường.
  • Có một số bệnh lý đặc biệt: Nếu mắc các bệnh tim mạch, rối loạn đông máu hoặc đang bị viêm cấp tính trong khoang miệng, lấy tủy răng thường không được chỉ định. Chữa tủy trong những trường hợp này có thể gây ra một số rủi ro và tác dụng ngoại ý. Do đó để đảm bảo an toàn, bác sĩ thường không chỉ định lấy tủy răng ở những đối tượng có nguy cơ cao.
  • Viêm tủy răng hồi phục: Viêm tủy răng hồi phục là tình trạng răng sâu vào tủy nhưng chỉ gây viêm nhiễm một phần tủy rất nhỏ, tủy còn khả năng tái tạo và chữa lành. Với trường hợp này, lựa chọn ưu tiên là trám bít bằng Ca(OH)2 – vật liệu có khả năng sát trùng và kháng khuẩn nhằm thúc đẩy tủy răng tái tạo, phục hồi. Điều trị tủy trong trường hợp này không thật sự cần thiết. Ngược lại còn có thể giảm tuổi thọ và làm suy yếu men răng sau khi tủy bị loại bỏ.
  • Răng hư hại nặng: Lấy tủy chỉ được thực hiện khi răng chưa bị hư hại quá nặng và tủy răng không còn khả năng hồi phục. Đối với răng bị hư hại nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ. Chữa tủy trong trường hợp này không mang lại kết quả vì chân răng đã bị phá hủy và sẽ rụng hoàn toàn sau một thời gian ngắn. Để giảm thiểu những can thiệp không cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ răng thay vì chữa tủy.

Lấy tủy răng không có chống chỉ định tuyệt đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Do đó, bạn hoàn toàn có thể can thiệp phương pháp này trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên trước khi thực hiện, nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn hướng xử lý an toàn, phù hợp nhất.

Lưu ý khi chữa tủy răng khi đang cho con bú

Dù không có chống chỉ định tuyệt đối nhưng phụ nữ đang cho con bú là đối tượng nhạy cảm. Vì vậy khi can thiệp phương pháp lấy tủy răng, bạn cần phải chú ý những vấn đề sau:

1. Thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe

Để giảm thiểu rủi ro phát sinh, bạn nên thông báo với bác sĩ việc đang nuôi con bằng sữa mẹ. Bác sĩ có thể cân nhắc một số phương pháp điều trị khác (nếu có thể) để tránh những tác động tiêu cực đến nguồn sữa. Ngoài ra, cần chủ động báo với bác sĩ tiền sử dị ứng thuốc, lịch sử dùng thuốc, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề có liên quan để được xem xét về nguy cơ khi can thiệp kỹ thuật lấy tủy răng.

Thực tế, rủi ro khi khi chữa tủy có thể tăng lên ở những đối tượng có các bệnh lý nền. Vì vậy, bạn nên báo với bác sĩ để hạn chế những biến chứng và tác dụng phụ phát sinh trong quá trình điều trị.

2. Không tự ý dùng thuốc

Sau khi chữa tủy, răng thường bị ê buốt và đau nhức – nhất là khi ăn uống. Trong trường hợp này, bạn nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê toa.

đang cho con bú có nên chữa tủy răng
Sau khi chữa tủy răng, mẹ bỉm không nên dùng thuốc giảm đau nếu không có sự cho phép của bác sĩ

Khác với người bình thường, phụ nữ đang cho con bú có thể gặp phải một số tác dụng phụ do tự ý dùng thuốc. Cụ thể, các loại thuốc này có thể bài tiết qua sữa mẹ và ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ.

3. Thực hiện các biện pháp chăm sóc

Ngoài ra sau khi lấy tủy răng, mẹ bỉm cũng nên thực hiện các biện pháp chăm sóc để kiểm soát nhanh cơn đau và cảm giác ê buốt. Đồng thời giúp răng phục hồi hoàn toàn và tránh viêm nhiễm tái phát.

Cách chăm sóc sau khi lấy tủy răng:

  • Vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng 2 – 3 lần/ ngày. Cần lựa chọn bàn chải có lông mềm, mảnh và kích thước phù hợp để làm sạch mặt nhai, mặt trong và mặt ngoài của răng một cách dễ dàng. Ngoài ra, nên thay bàn chải khi nhận thấy lông chải bị sờn hoặc thay định kỳ 3 – 4 tháng/ lần.
  • Kết hợp chải răng với súc miệng và sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng miệng hoàn toàn. Nếu có thể, bạn nên đầu tư một số sản phẩm hỗ trợ như bàn chải điện và máy tăm nước để tăng hiệu quả làm sạch.
  • Không nhai mạnh vào vị trí răng vừa chữa tủy trong ít nhất 5 – 7 ngày. Ngoài ra sau loại bỏ tủy răng, bạn cũng nên hạn chế các món ăn cứng, dai, món ăn chứa nhiều muối và gia vị cay nóng.
  • Tránh xa các loại thức uống gây hại cho men răng như rượu bia, đồ uống có gas và các loại thức uống có màu đậm.
  • Răng sau khi chữa tủy sẽ dễ suy yếu và nhạy cảm hơn so với bình thường. Do đó, bạn cũng nên thay đổi các thói quen sinh hoạt như hút thuốc lá, dùng răng cắn, xé các vật cứng, thở bằng miệng,…

Hy vọng qua những thông tin giải đáp “Có nên lấy tủy răng khi đang cho con bú không?”, mẹ bỉm sẽ hiểu rõ hơn về lợi ích và rủi ro của phương pháp này. Để được tư vấn cụ thể, bạn nên tìm gặp và trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt.

Tham khảo thêm:

5/5 - (3 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!