Sau khi chữa tủy, răng không được nuôi dưỡng nên sẽ trở nên giòn, ố màu, dễ nứt và tổn thương theo thời gian gian. Để bảo vệ và kéo dài tuổi thọ cho răng, bạn cần lên kế hoạch chăm sóc răng sau khi lấy tủy.
Cần kiêng cữ gì sau khi lấy tủy răng?
Lấy tủy răng (chữa tủy, diệt tủy răng) là kỹ thuật nha khoa phổ biến, được ứng dụng trong điều trị viêm tủy răng và hoại tử tủy. Tủy răng là cơ quan giữ nhiều chức năng quan trọng. Tuy nhiên khi tủy bị viêm nhiễm nặng và không còn khả năng hồi phục, lựa chọn ưu tiên là loại bỏ tủy để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan và bảo tồn răng kịp thời.
Tủy răng có vai trò vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng nuôi dưỡng ngà răng và dẫn truyền cảm giác lên não bộ. Nhờ có tủy răng, răng có thể cảm nhận được thức ăn nóng, lạnh khi ăn uống. Ngoài ra, các chất dinh dưỡng từ tủy còn giúp cải thiện độ cứng chắc của răng và tái tạo, phục hồi các mô bị tổn thương.
Vì một số lý do, tủy răng cần phải được loại bỏ để tránh viêm nhiễm và hư hại chân răng nghiêm trọng. Tuy nhiên lấy tủy đồng nghĩa với việc răng không còn nguồn nuôi dưỡng và có xu hướng giòn, suy yếu dần theo thời gian. Vì vậy sau khi lấy tủy, bạn cần phải kiêng cữ một số món ăn, thức uống và thay đổi thói quen xấu để tránh gây tổn thương răng.
1. Kiêng dùng món ăn cứng, khô
Sau khi lấy tủy, răng sẽ bị ê buốt và đau nhức nhẹ trong khoảng 3 – 5 ngày. Đây là phản ứng sinh lý của cơ thể và có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Tuy nhiên nếu sử dụng các món ăn cứng, khô, mức độ cơn đau có thể tăng lên đáng kể. Do đó, bạn nên kiêng cữ các thực phẩm cứng, khó nhai như gân bò, khô bò, khô mực, đồ sấy khô,…
Khi sử dụng các món ăn này, răng phải chịu áp lực lớn. Tác động này sẽ kích thích cơn đau và cảm giác ê buốt bùng phát. Ngoài ra, trong quá trình ăn, nhai, miếng trám có thể bị bong hoặc vỡ. Vì vậy sau khi chữa tủy khoảng 5 – 7 ngày, bạn nên hạn chế các món ăn cứng, khô và cần hạn chế nhai trực tiếp lên vị trí răng bị tổn thương.
2. Hạn chế món ăn, thức uống chứa nhiều đường
Khoang miệng chứa khoảng 50 tỷ vi khuẩn bao gồm cả hại khuẩn và lợi khuẩn. Việc duy trì hệ vi sinh ở mức cân bằng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên nếu sử dụng món ăn và thức uống chứa nhiều đường, hại khuẩn trong khoang miệng sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển ồ ạt.
Hại khuẩn thường trú trong khoang miệng là tác nhân chính gây sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu,… Đối với răng sau khi chữa tủy, vi khuẩn còn làm chậm quá trình hồi phục và kích thích cơn đau bùng phát mạnh. Do đó sau khi lấy tủy, bạn nên hạn chế các món ăn và thức uống chứa nhiều đường như bánh, kẹo, siro, socola, nước ngọt có gas,…
3. Sau khi lấy tủy răng nên kiêng đồ uống chứa cồn
Đồ uống chứa cồn là tác nhân gây mòn men răng khiến răng nhạy cảm và dễ bị ê buốt. Cụ thể, alcohol (cồn) gây hòa tan các mô cứng của men răng, dần dần răng bị mài mòn và trở nên nhạy cảm với nhiệt độ từ món ăn và thức uống. Ngoài ra, cồn còn phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn trong khoang miệng, tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển mạnh gây tổn thương mô nướu và men răng.
Hầu hết các loại đồ uống chứa cồn đều có độ axit cao (đặc biệt là rượu vang đỏ). Sắc tố chromoges trong rượu có thể khiến răng xỉn màu dần thời gian. Khác với răng khỏe mạnh, răng sau khi lấy tủy không được nuôi dưỡng liên tục nên sẽ có hiện tượng sẫm màu hơn bình thường. Nếu sử dụng rượu bia trong thời gian này, men răng sẽ nhanh chóng ố màu, ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ và sự tự tin khi giao tiếp.
Các loại đồ uống chứa cồn không chỉ gây hại cho răng mà còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Sử dụng các loại đồ uống này thường xuyên có thể khiến sức đề kháng suy giảm và ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ hồi phục sau khi lấy tủy răng. Do đó sau khi chữa tủy, bạn nên kiêng các loại đồ uống chứa cồn như rượu, bia, cocktail,…
4. Không hút thuốc sau khi chữa tủy
Ngoài các loại thực phẩm và đồ uống cần kiêng cữ, bạn cũng nên tránh hút thuốc lá sau khi chữa tủy răng. Khói thuốc không chỉ là tác nhân gây ra các bệnh về phổi, gan và thực quản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của răng miệng. Nicotine, axit cyanhydric trong thuốc lá đã được chứng minh có thể gây tổn thương men răng, xương ổ răng, mô nướu và dây chằng nha chu.
Nếu hút thuốc lá sau khi chữa tủy, răng sẽ bị đau nhức, ê buốt dai dẳng và chậm phục hồi hơn so với bình thường. Bên cạnh đó, thói quen này còn gây ra chứng khô miệng. Nước bọt có vai trò quan trọng đối với sức khỏe răng miệng như làm mềm, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, trung hòa axit từ vi khuẩn, tái khoáng men răng,… Vì vậy khi bị khô miệng, men răng dễ suy yếu và hại khuẩn sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh.
5. Kiêng dùng răng cắn, xé vật cứng
Thực tế cho thấy, nhiều người có thói quen dùng răng để cắn, xé bao bì và một số vật dụng. Tuy nhiên, thói quen này có thể khiến men răng bị mài mòn, răng sứt mẻ và dễ nứt, gãy. Với răng bị loại bỏ tủy, chất răng sẽ giòn hơn bình thường. Do đó, áp lực từ hoạt động cắn, xé các vật cứng có thể răng đau nhức và lung lay dần theo thời gian.
6. Kiêng một số thói quen xấu
Ngoài ra, bạn cũng cần hạn chế một số thói quen xấu cho răng sau khi lấy tủy:
- Không nhai đá lạnh
- Tránh nghiến răng (cải thiện bằng cách giảm căng thẳng và sử dụng hàm trainer)
- Kiểm soát chứng trào ngược dạ dày để tránh gây tổn thương men răng và mô nướu
Cách chăm sóc răng sau khi lấy tủy khoa học
Chăm sóc hợp lý có thể giảm mức độ đau nhức và ê buốt sau khi lấy tủy răng. Ngoài ra, duy trì các thói quen tốt còn giúp phòng ngừa các vấn đề nha khoa và kéo dài tuổi thọ của răng đã loại bỏ tủy.
Các biện pháp răng sau khi lấy tủy răng:
1. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn
Sau khi chữa tủy răng, bác sĩ chỉ hẹn lịch tái khám và ít khi chỉ định dùng thuốc. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh và giảm đau để kiểm soát viêm nhiễm, cải thiện các triệu chứng đau nhức và khó chịu sau khi chữa tủy.
Nếu được kê toa thuốc, bạn nên sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý ngưng thuốc và thay đổi liều dùng khi chưa tham vấn y khoa. Trong trường hợp không được chỉ định thuốc nhưng cơn đau bùng phát gây khó chịu và mệt mỏi, bạn có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp.
2. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Răng sau khi loại bỏ tủy sẽ trở nên nhạy cảm và có xu hướng suy yếu dần theo thời gian. Do đó, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề vệ sinh răng miệng. Giữ vệ sinh răng miệng tốt giúp phòng ngừa các bệnh lý nha khoa và hạn chế những tác động xấu đến răng đã bị loại bỏ tủy. Về lâu dài, thói quen này còn giúp bảo tồn và tăng tuổi thọ của răng.
Cách vệ sinh răng miệng sau khi chữa tủy răng:
- Sử dụng bàn chải có kích thước vừa phải, lông chải mềm, mảnh để làm sạch mặt nhai và kẽ răng. Nên chải răng 2 – 3 lần/ ngày và cần thao tác nhẹ nhàng để tránh gây đau nhức, tổn thương răng đã được lấy tủy.
- Dùng các loại nước súc miệng chứa fluor để tăng cường men răng và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng. Nên dùng nước súc miệng sau khi chải răng và cần hạn chế ăn uống trong ít nhất 30 phút.
- Với mảng bám và thức ăn thừa ở kẽ răng, bạn có thể sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch. Ngoài ra, có thể dùng máy tăm nước để tăng hiệu quả làm sạch răng miệng và ngăn ngừa mảng bám hình thành ở những răng nằm cuối cung hàm.
- Uống nhiều nước và nhai kẹo cao su không đường sau mỗi bữa ăn để kích thích khoang miệng tiết nước bọt. Nước bọt giúp làm sạch mảng bám và ngăn ngừa hình thành cao răng. Qua đó có thể phòng ngừa sâu răng, viêm nướu răng và nhiều bệnh lý nha khoa thường gặp khác.
- Nếu không tiện chải răng ngay sau bữa ăn, bạn có thể làm sạch răng bằng cách súc miệng bằng nước lạnh. Sau đó, sử dụng các loại thực phẩm chứa chất xơ như táo, dưa leo, lê,… để làm sạch mảng bám một cách tự nhiên.
3 .Ăn uống hợp lý
Như đã đề cập, răng bị loại bỏ tủy không được nuôi dưỡng nên sẽ nhạy cảm, dễ giòn, nứt, mẻ,… hơn so với các răng khỏe mạnh. Do đó ngoài việc chú ý vệ sinh răng miệng, bạn cần ăn uống hợp lý để giảm tác động lên răng.
Chế độ ăn uống sau khi lấy tủy:
- Dùng các món ăn mềm như bún, miến, cháo, phở, canh, súp,… để làm giảm áp lực lên răng. Nên dùng các món ăn này trong khoảng 3 – 5 ngày để răng có thời gian hồi phục hoàn toàn.
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu khoáng chất như cá, hàu, tôm, mực, nghêu,… Khoáng chất trong các loại thực phẩm có khả năng tăng cường men răng và cải thiện sức đề kháng tự nhiên của răng miệng.
- Tăng lượng chất xơ trong bữa ăn bởi ngoài tác dụng đối với hệ tiêu hóa, chất xơ còn mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe răng miệng. Cụ thể, chất xơ làm tăng số lượng lợi khuẩn, ngăn ngừa hình thành mảng bám và trung hòa các sản phẩm axit do hại khuẩn bài tiết.
- Tránh các loại thực phẩm và thức uống gây hại cho răng như nước ngọt có gas, rượu bia, bánh kẹo,…
4. Tái khám theo lịch hẹn
Sau khi lấy tủy răng, bạn cần quay lại phòng khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Tái khám giúp bác sĩ đánh giá tình trạng khoang tủy và mức độ phục hồi của răng. Ngoài ra, bạn cũng cần tập thói quen khám răng miệng định kỳ 1 – 2 lần/ năm để lấy vôi răng, phát hiện và điều trị sớm các bệnh nha khoa tiềm ẩn.
Bài viết đã tổng hợp thông tin giải đáp “Kiêng gì sau khi chữa tủy răng?” và hướng dẫn một số biện pháp chăm sóc răng sau khi lấy tủy. Để được tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Thuốc diệt tủy răng có độc không? Nuốt phải có sao không?
Diệt tủy răng có hại hay ảnh hưởng gì tới sức khỏe không?
Lấy Tủy Răng Có Chích Thuốc Tê Không?
Răng Chết Tủy Tồn Tại Được Bao Lâu? Giải đáp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!