Răng khôn bị viêm tủy thường nghiêm trọng và khó điều trị hơn so với thông thường. Bởi răng này nằm trong cùng của góc hàm, phát triển với nhiều hình dạng và nhiều kiểu mọc khác nhau. Những trường hợp không điều sớm thường bị áp xe quanh chóp răng, viêm lợi và các hạn chế trong hoạt động ăn uống.
Thế nào là răng khôn bị viêm tủy?
Răng khôn (răng số 8, răng hàm số 3) là chiếc răng vĩnh viễn, nằm ở cuối cung hàm, có 2 răng khôn ở hàm dưới và 2 răng ở hàm trên. Răng này mọc vào giai đoạn trưởng thành (khoảng 17 đến 25 tuổi). Một số trường hợp không mọc đủ 4 răng hoặc không mọc răng khôn.
Răng khôn có mặt nhai lớn, nhiều rãnh kẽ, có 3 hoặc 4 chân răng. Tương tự như những chiếc răng khác, răng khôn được cấu thành từ men răng (lớp ngoài cùng), ngà răng và tủy răng. Trong đó tủy răng gồm mô liên kết chứa mạch máu và dây thần kinh.
Răng khôn bị viêm tủy là tình trạng tủy răng bị tổn thương và viêm nhiễm do vi khuẩn. Hầu hết các trường hợp bị viêm do sâu răng vào tủy. Lỗ sâu làm hỏng men răng và ngà răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn tiếp xúc và gây tổn thương tủy.
Nguyên nhân khiến răng khôn bị viêm tủy
Viêm tủy răng khôn xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập, làm nhiễm trùng và gây viêm. Điều này thường do những nguyên nhân sau:
1. Sâu răng
Sâu răng là nguyên nhân chủ yếu gây viêm tủy răng (trong đó có viêm tủy răng khôn). Đây là một tình trạng nhiễm khuẩn của răng. Trong đó vi khuẩn làm tiêu dần những chất hữu cơ và vô cơ của ngà răng và men răng (hiện tượng hủy khoáng). Cuối cùng hình thành lỗ sâu lớn, có màu đen hoặc nâu.
Ở người bị sâu răng, hiện tượng hủy khoáng không thể phục hồi, kích thước của lỗ sâu có thể phát triển theo thời gian. Khi ngà răng bị tổn thương và lộ buồng tủy, vi khuẩn nhanh chóng xâm nhập vào tủy răng và gây viêm.
2. Viêm nha chu
Viêm nha chu có thể gây viêm tủy răng khôn. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở nướu, xương và dây chằng (tổ chức nâng đỡ răng). Khi viêm nha chu tiến triển, chóp răng nhanh chóng hư hỏng, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây viêm tủy răng khôn.
3. Chấn thương
Trong một số trường hợp, răng khôn bị viêm tủy liên quan đến chấn thương. Chấn thương mạnh có thể làm vỡ thân răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tủy. Ngoài ra chấn thương lặp lại nhiều lần có thể kích thích phản ứng viêm ở lợi và tủy răng.
4. Kỹ thuật nha khoa
Đối với một số kỹ thuật nha khoa (chẳng hạn như hàn trám răng), việc thực hiện sai cách hoặc dụng cụ không đảm bảo vô trùng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển ở răng khôn. Từ đó gây sâu, viêm tủy răng và nhiều tình trạng nghiêm trọng khác.
Yếu tố nguy cơ
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm tủy răng khôn:
- Răng khôn mọc lệch so với các răng hàm khác
- Vệ sinh răng sạch sẽ, vụn thức ăn bám vào răng chưa được làm sạch
- Mòn răng và kích thích viêm tủy do thói quen nghiến răng, nhai nước đá, ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, lệch khớp cắn
- Hút thuốc lá
- Thường xuyên ăn thực phẩm chứa nhiều đường.
Dấu hiệu nhận biết răng khôn bị viêm tủy
Răng khôn bị viêm tủy gây ra những dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Tăng độ nhạy cảm với nhiệt độ
- Đau răng
- Đau nhức răng khi ăn thức ăn quá lạnh hoặc quá nóng, đồ chua, thức ăn chứa nhiều đường
- Cơn đau thường nhẹ và khu trú trong giai đoạn đầu
- Mức độ và tần suất đau tăng dần theo thời gian, đau khi nhai ở bên bị viêm
- Đau nhức nhói, có thể lan rộng sang các vị trí lân cận dẫn đến đau đầu, đau tai… Cơn đau gây khó chịu, mất tập trung, ảnh hưởng đến giấc ngủ và hoạt động ăn uống
- Đột ngột đau khi nhai hoặc gõ vào răng ảnh hưởng, thức ăn mắc kẹt vào lỗ sâu
- Cơn đau thường bùng phát và kéo dài vào ban đêm
- Đau răng có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ
- Răng khôn có một lỗ sâu lớn, kiểm tra thấy ngà răng bị tổn thương
- Đau kèm theo ê buốt răng
- Răng lung lay
Các triệu chứng thường mờ nhạt, đau thoáng qua hoặc không có cảm giác khi bị viêm tủy răng mãn tính. Quan sát có thể thấy răng đổi màu hoặc xuất hiện một khối u bên trong lỗ sâu, sờ thấy u mềm.
Những trường hợp không điều trị dẫn đến viêm tủy răng hoại tử (chết tủy răng). Lúc này răng khôn có xu hướng đen dần, yếu và dễ vỡ do không được nuôi dưỡng.
Răng khôn bị viêm tủy có nguy hiểm không?
Răng khôn bị viêm tủy cần được điều trị sớm để giảm nhẹ các triệu chứng. Những trường hợp không được điều trị có cảm giác ê buốt và đau đớn tăng dần theo thời gian, đau lan rộng lên tai và đầu. Điều này làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, hoạt động ăn uống, gây mất tập trung trong công việc và học tập.
Ngoài ra khi răng khôn bị viêm tủy kéo dài và không được điều trị, người bệnh sẽ gặp thêm nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Viêm lợi (viêm nướu răng)
- Áp xe quanh chóp răng hoặc nhiễm trùng răng
- Viêm tủy răng hoại tử
- Viêm nhiễm ổ xương hàm
- Viêm nhiễm lây lan đến các răng lan cận
- Viêm hạch
- Viêm quanh cuống răng
- Viêm xoang hàm (thường gặp ở người có răng khôn hàm trên bị viêm tủy)
- Nhiễm trùng kéo dài khiến vi khuẩn xâm nhập vào máu, di chuyển và làm tổn thương những cơ quan khác trong cơ thể. Từ đó làm tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc, thấp khớp…
Để ngăn ngừa các biên chứng, viêm tủy răng khôn cần được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Răng khôn bị viêm tủy có chữa được không?
Răng khôn trông giống như những chiếc răng hàm khác. Tuy nhiên cấu trúc giải phẫu của nó khá khác biệt. Các răng khôn có chân răng mọc lệch ra và cách xa nhau. Trong một số trường hợp, răng khôn có chân răng quay ngoắt lại hoặc uốn cong.
Bên cạnh đó nó có thể phát triển ở nhiều hình dạng, kích thước và hướng mọc khác nhau. Những điều này đều có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị tủy răng viêm. Trong đó cấu tạo chân răng có thể quyết định sự thành công sau điều trị tủy răng khôn.
Ngoài ra điều trị tủy răng cũng phụ thuộc vào kiểu mọc của răng khôn, khả năng tiếp cận toàn bộ không gian bên trong của răng. Răng khôn có chân răng càng thẳng càng thể điều trị tủy (lấy tủy), làm sạch bên trong, làm khô và đặt vật liệu trám răng.
Nhiều trường hợp có răng khôn mọc thẳng, kiểu mọc và hướng mọc bình thường như những chiếc răng hàm khác. Những trường hợp này có răng khôn cứng chắc và được xem là có chức năng. Chính vì thế mà việc điều trị tủy răng là cần thiết và có hiệu quả điều trị cao nhất.
Điều trị tủy răng thường khó khăn hơn ở những người có răng khôn mọc lệch, chân răng có góc nhọn hoặc cong. Nhiều trường hợp không thể tiếp cận đầy đủ không gian bên trong của răng, không thể tiến hành điều trị tủy răng, cần phải nhổ bỏ.
Ngay cả khi được tiếp cận, những trường hợp có chân răng cong khó có thể được khử trùng đầy đủ và đặt vật liệu trám răng đúng cách. Chính vì thế mà răng khôn bị viêm tủy có điều trị được hay không còn phụ thuộc vào khả năng tiếp cận với răng khôn, chân răng, hướng và kiểu mọc của răng khôn.
Chẩn đoán răng khôn bị viêm tủy
Để xác định một chiếc răng khôn bị viêm tủy, nha sĩ tiến hành kiểm tra lâm sàng và xác định mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Quá trình này thường bao gồm:
- Quan sát, xác định lỗ sâu răng
- Hỏi bệnh nhân về tần suất và mức độ đau
- Thử nghiệm kiểm tra độ nhạy để xác định mức độ khó chịu và ê buốt ở răng ảnh hưởng, thời gian phản ứng với những chất kích thích
- Gõ nhẹ vào vòi răng bị ảnh hưởng để xác định mức độ viêm
- Kiểm tra mức độ lung lay của răng
Sau kiểm tra lâm sàng, người bệnh được chụp X-quang răng khôn để xác định mức độ sâu răng và viêm tủy răng. Đồng thời xác định phương pháp điều trị thích hợp.
Điều trị răng khôn bị viêm tủy
Cách điều trị răng khôn bị viêm phụ thuộc vào tình trạng răng. Đối với những chiếc răng mọc thẳng, bác sĩ có thể tiến hành điều trị tủy để bảo tồn răng thật. Với những chiếc răng khôn mọc lệch, chân răng cong và không thể tiếp cận đầy đủ không gian bên trong, nhổ răng khôn là phương pháp điều trị tốt nhất, đảm bảo độ an toàn.
Do răng khôn không có chức năng cụ thể trên cung hàm nên việc nhổ bỏ không làm ảnh hưởng đến chức năng nhai cũng như khả năng ăn uống bình thường.
Dưới đây là những phương pháp điều trị răng khôn bị viêm tủy:
1. Dùng hydroxit canxi
Dùng hydroxit canxi che tủy cho những trường hợp có răng khôn bị viêm tủy ở mức độ nhẹ, có khả năng hồi phục, không bị hở tủy, răng mọc thẳng. Hydroxit canxi có tính kháng khuẩn. Việc sử dụng giúp tạo một lớp màng bao bọc và bảo vệ ống tủy, ngăn vi khuẩn xâm nhập và mô tủy có thời gian phục hồi.
Khi che tủy bằng hydroxit canxi, máy khoan được sử dụng để bọc lộ rõ xoang sâu, làm sạch phần ngà bị hoại tử và xoang hàn. Sau đó lau khô và phủ kín đáy xoang hàn bằng hydroxit canxi (che phủ từng lớp), làm phẳng bề mặt. Cuối cùng sử dụng những vật liệu thích hợp để trám bít xoang hàn.
2. Điều trị nội nha
Điều trị nội nha (điều trị tủy) được áp dụng cho những trường hợp có răng khôn mọc thẳng, kiểu mọc bình thường tương tự như những chiếc răng hàm khác. Phương pháp này giúp loại bỏ tủy viêm, giảm đau và ê buốt, bảo tồn răng thật.
Quy trình thực hiện:
- Gây tê
- Cách ly răng khôn với nướu và lưỡi
- Mở tủy răng bằng mũi khoan
- Dùng trâm máy hoặc trâm tay làm sạch tủy răng viêm (lấy tủy)
- Bơm rửa nhiều lần để làm sạch và đảm bảo khoang tủy vô khuẩn
- Dùng vật liệu nhân tạo trám bít ống tủy
- Kiểm tra răng khôn để đảm bảo khoang tủy được trám kín hoàn toàn.
3. Dùng thuốc
Trong quá trình điều trị răng khôn bị viêm tủy, một số loại thuốc có thể được sử dụng.
- Kháng sinh: Một loại thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định cho những người có ổ vi khuẩn lớn và lan rộng. Thuốc này có tác dụng ức chế khả năng lây lan và hoạt động của vi khuẩn, trị nhiễm trùng, ngăn vi khuẩn lây lan đến những cơ quan khác và gây biến chứng.
- Thuốc kháng viêm: Răng khôn bị viêm tủy thường gây đau đớn và khiến nướu bao quanh bị sưng viêm. Chính vì thế một loại thuốc kháng viêm (như Prednisolone) sẽ được sử dụng để giảm sưng viêm và giảm đau.
- Acetaminophen: Những trường hợp đau nhức nhiều, chưa thể điều trị tủy có thể dùng Acetaminophen để làm dịu cơn đau tạm thời. Thuốc có tác dụng hạ sốt và điều trị những cơn đau ở mức độ nhẹ và vừa.
4. Nhổ răng
Nhổ răng khôn nên được thực hiện cho những trường hợp có răng khôn mọc lệch, chân răng cong hoặc co quắp, không đủ diện tích để tiếp xúc đầy đủ với không gian bên trong của răng.
Trong quá trình này, các dụng cụ chuyên dụng được sử dụng để làm giãn nở xương ổ, tách rời nướu răng và lấy răng khôn ra khỏi ổ răng. Ở những trường hợp khó, vết cắt có thể lớn, răng khôn được tách thành nhiều phần để đảm bảo toàn bộ răng đều được lấy ra dễ dàng.
Nhổ răng giúp loại bỏ răng khôn bị viêm tủy, ngăn tình trạng viêm nhiễm tiến triển gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Do có vết cắt lớn và làm tổn thương nhiều mô, người bệnh thường bị sưng má và đau đầu sau khi nhổ răng khôn. Đây là một tình trạng bình thường, thường giảm nhanh bằng những biện pháp chăm sóc.
Phòng ngừa răng khôn bị viêm tủy
Răng khôn bị viêm tủy gây đau đớn nhiều, ê buốt, ảnh hưởng đến quá trình ăn uống và các hoạt động. Để ngăn ngừa, bạn có thể áp dụng những biện pháp sau:
- Khám nha khoa 2 lần/ năm để kiểm tra răng miệng và sớm phát hiện những bệnh lý tiềm ẩn. Từ đó có những phương pháp xử lý kịp thời.
- Làm sạch răng miệng, loại bỏ vụn thức ăn sau khi ăn xong.
- Chải răng 2 – 3 lần/ ngày. Chải răng nhẹ nhàng, chải sâu trong góc hàm và đầy đủ các mặt răng trong 3 phút. Điều này giúp đảm bảo thức ăn thừa được làm sạch. Từ đó phòng ngừa sâu răng và viêm tủy răng khôn.
- Dùng bàn chải có kích thước đầu chải nhỏ, lông chải mềm và mảnh. Thay bàn chải khi đầu chải mòn hoặc sau 3 – 4 tháng.
- Dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng để tăng khả năng làm sạch, bảo vệ răng miệng.
- Sử dụng kem đánh răng có chứa flour để tăng độ chắc khỏe cho răng, tái khoáng răng, tạo thêm lớp bảo vệ giúp phòng ngừa sâu răng.
- Hạn chế ăn những loại thực phẩm quá nhiều đường và nước ngọt có gas.
- Hạn chế hút thuốc lá và uống rượu bia.
- Không nên ăn những loại thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh. Ngoài ra không nên nhai vật quá dai hoặc quá cứng.
- Uống nhiều nước để giữ ẩm khoang miệng, giảm nguy cơ sâu răng và viêm tủy răng.
- Tăng cường bổ sung khoáng chất (đặc biệt là canxi) bằng cách ăn nhiều động vật có vỏ, sữa chua, phô mai, sữa, các loại hạt, đậu, rau lá xanh… Bởi các khoáng chất có thể tăng độ chắc khỏe cho răng, phòng ngừa sâu răng và viêm tủy hiệu quả.
Răng khôn bị viêm tủy gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, dễ phát sinh biến chứng viêm nha chu, áp xe quanh chóp răng, nhiễm trùng lan rộng do không điều trị. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, răng khôn có thể bị nhổ bỏ hoặc điều trị tủy để bảo tồn.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm tủy răng khi mang thai và cách điều trị an toàn
Đang Cho Con Bú Có Lấy Tủy Răng Được Không? Giải đáp
Viêm tủy răng ở trẻ em có nguy hiểm không?
Răng Ngả Màu Sau Lấy Tủy: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!