Răng thưa có nên bọc sứ không là mối băn khoăn của nhiều bạn đọc. Theo các chuyên gia, tình trạng thưa kẽ có thể được cải thiện bằng phương pháp hàn trám, niềng răng (chỉnh nha) và bọc răng sứ. Do đó, nên xem xét tình trạng răng miệng, độ tuổi và nhu cầu để lựa chọn được giải pháp phù hợp.
Răng thưa có nên bọc răng sứ không?
Răng thưa là tình trạng khoảng cách giữa các răng lớn, dẫn đến hiện tượng kẽ răng bị thưa và lộ ra nhiều. Khuyết điểm này ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ và ngoại hình – đặc biệt là thưa kẽ răng cửa. Ngoài ra, kẽ răng thưa còn tạo điều kiện để thức ăn bám dính vào dẫn đến tích tụ nhiều mảng bám và cao răng.
Có 3 phương pháp có thể khắc phục khuyết điểm này là hàn trám răng bằng composite, niềng răng (chỉnh nha) và bọc răng sứ. Trong đó, hàn trám là phương pháp sử dụng composite để trám vào kẽ răng nhằm cải thiện tình trạng răng thưa. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ mang lại hiệu quả trong trường hợp răng thưa nhẹ (kẽ răng < 2mm).
Chỉnh nha là phương pháp sử dụng khay niềng/ mắc cài để nắn chỉnh các răng về đúng vị trí. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao, lâu dài nhưng mất nhiều thời gian thực hiện (khoảng 1 – 3 năm). Do đó, bọc sứ là phương pháp chỉnh răng thưa được nhiều người lựa chọn.
Bọc sứ là kỹ thuật phục hình sử dụng mão răng được làm từ sứ để khôi phục hình thể và chức năng của răng. Đối với những trường hợp răng thưa, bác sĩ sẽ chế tác mão răng lớn hơn để đảm bảo sau khi phục hình, các răng nằm sát khít, không bị thưa và lộ kẽ. Ngoài hiệu quả chỉnh răng thưa, phương pháp này còn giúp khắc phục một số khuyết điểm khác như răng ngả vàng, răng nứt, mẻ, gãy, mòn men,…
Nếu đang băn khoăn về việc có nên bọc răng sứ chỉnh răng thưa hay không, bạn có thể tham khảo một số lợi ích mà phương pháp này mang lại:
- Không chỉ khắc phục tình trạng răng thưa, bọc răng sứ còn tạo sự đồng đều và hài hòa của hàm trên – hàm dưới. Từ đó tạo nụ cười rạng rỡ và tự nhiên.
- Cải thiện một số khuyết điểm khác của răng như răng ngả màu, nứt mẻ, hình thể răng xấu, răng mọc lộn xộn nhẹ.
- Mão sứ còn có tác dụng bảo vệ cùi răng thật bên trong – đặc biệt là trong trường hợp răng bị mòn men, nhạy cảm, chết tủy và sâu răng nặng
Trong khi đó, những phương pháp khác không thể cải thiện nhiều khuyết điểm như làm răng sứ. Chính vì vậy, bạn nên xem xét tình trạng răng miệng cụ thể để lựa chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất.
Những trường hợp không nên bọc sứ răng thưa
Có thể thấy, bọc răng sứ cho răng thưa mang đến nhiều lợi ích và đặc biệt là hiệu quả thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, phương pháp này không thật sự phù hợp trong những trường hợp sau:
- Răng thưa kết hợp với nhiều khuyết điểm có mức độ nặng như hô (vẩu), móm dẫn đến sai lệch khớp cắn. Trường hợp này cần niềng răng – chỉnh nha để điều chỉnh các răng về đúng vị trí. Nếu có nhu cầu cải thiện hình dáng và màu sắc của răng, có thể bọc sứ sau khi chỉnh nha.
- Chân răng quá yếu do tiêu xương hàm, viêm nha chu,…
- Mắc các bệnh toàn thân như rối loạn đông máu, động kinh, ung thư, tiểu đường,…
- Người dưới 18 tuổi
- Răng quá nhạy cảm (không thể mài cùi răng)
Nếu có nhu cầu bọc sứ chỉnh răng thưa, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Trong trường hợp chống chỉ định với bọc răng sứ, bác sĩ sẽ tư vấn giải pháp thích hợp hơn như trám răng và niềng răng – chỉnh nha.
Quy trình bọc răng sứ cho răng thưa
Tương tự như bọc răng sứ chỉnh móm, hô và răng mọc lộn xộn, bọc răng sứ cho răng thưa cũng được tiến hành theo các bước như sau:
Bước 1: Thăm khám và tư vấn
Bọc răng sứ có thể khắc phục khuyết điểm răng thưa nhưng không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng. Do đó, bác sĩ sẽ khám răng miệng và đo khoảng cách khe thưa để tư vấn phương pháp phù hợp.
Đối với những trường hợp có thể thực hiện cả 3 phương pháp, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về ưu nhược điểm để bạn có thể lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với khả năng tài chính và nhu cầu. Khi đã đồng ý bọc răng sứ, bác sĩ sẽ lên kế hoạch cụ thể và điều chỉnh một số mục (hình dáng mão sứ, vật liệu, số lượng răng cần phục hình,…) theo ý muốn của khách hàng.
Bước 2: Gây tê và mài cùi
Mài cùi là bước quan trọng trong kỹ thuật bọc răng sứ. Mài cùi giúp mão răng được cố định trên cung hàm và có thể sát khít với chân răng hoàn toàn. Tuy nhiên, quá trình mài cùi ít nhiều sẽ gây đau nhức và ê buốt. Do đó, bác sĩ sẽ gây tê trước khi thực hiện. Những trường hợp dị ứng thuốc gây tê sẽ được cân nhắc gây mê nếu có đủ điều kiện sức khỏe.
Bước 3: Lấy dấu mẫu hàm
Sau khi răng đã mài cùi, bác sĩ sẽ lấy dấu mẫu hàm và gửi về hệ thống labo để chế tác răng sứ. Răng sứ được chế tác bằng các công nghệ hiện đại sẽ có độ chính xác cao và thời gian thực hiện nhanh hơn so với răng được chế tác bằng phương pháp truyền thống.
Bước 4: Gắn răng tạm
Thời gian chế tác mão răng sẽ dao động khoảng từ 2 – 3 ngày. Trong thời gian chờ đợi phục hình bằng mão sứ cố định, bạn sẽ được gắn răng tạm để có thể ăn uống thoải mái trong vài ngày. Mão răng tạm thường được làm từ nhựa composite nên vẫn đảm bảo hiệu quả thẩm mỹ, không ảnh hưởng đến giao tiếp và các hoạt động thường ngày.
Bước 5: Thử răng sứ và gắn răng
Sau khi mão sứ được chế tác, bác sĩ sẽ kiểm tra màu răng để đảm bảo răng có màu sắc phù hợp với màu da và độ tuổi. Sau đó, gắn răng sứ bằng vật liệu gắn tạm để kiểm tra độ chênh, cộm và chỉnh sửa. Sau đó, bác sĩ sử dụng keo dán để cố định mão răng lên răng thật.
Răng sứ mang lại cảm giác ăn nhai tương tự răng thật và độ bền cao, khả năng chịu lực tốt. Tuy nhiên, để kéo dài tuổi thọ của răng sứ, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc hợp lý (ăn uống + sinh hoạt + vệ sinh răng miệng). Ngoài ra, bạn cũng cần tái khám 6 tháng/ lần để được lấy vôi răng, kiểm tra tình trạng răng sứ và đánh giá sức khỏe răng miệng thường xuyên.
Bọc sứ chỉnh răng thưa có giá bao nhiêu tiền?
Bọc răng sứ chỉnh thưa có thể phải phục hình từ 2 – 10 răng tùy theo tình trạng thưa kẽ. Nếu chỉ bị thưa răng cửa, bạn chỉ cần phục hình 2 răng. Tuy nhiên trong trường hợp răng thưa toàn hàm, cần bọc răng sứ nguyên hàm để đảm bảo hiệu quả tối ưu. Chi phí bọc răng sứ phụ thuộc vào chất liệu sứ mà bạn lựa chọn, trong đó răng sứ kim loại có giá dao động từ 1.5 – 2.5 triệu đồng/ răng và răng toàn sứ có giá 4.5 – 9 triệu đồng/ răng.
Chi phí làm răng toàn hàm tương ứng với giá thành 1 răng * số lượng răng cần phục hình. Một số cơ sở nha khoa có các chương trình giảm giá từ 10 – 30% cho khách hàng làm răng toàn hàm. Do đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ/ nhân viên để được tư vấn cụ thể về vấn đề này.
Răng thưa hoàn toàn có thể bọc răng sứ để cải thiện. Tuy nhiên, bạn nên xem xét tình trạng răng miệng và khả năng tài chính để lựa chọn được giải pháp phù hợp. Trước khi thực hiện, nên trao đổi với bác sĩ để được cho lời khuyên hữu ích.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
So Sánh Răng Sứ Zirconia Và Cercon: Loại Nào Tốt Nhất?
Răng Sứ Andes – Giải Pháp Thẩm Mỹ Hàng Đầu Tại ViDental Clinic
5 Cách Chăm Sóc Răng Sứ Hiệu Quả Nhất Từ Chuyên Gia
Bọc Răng Sứ Bị Đen Nướu: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!