Sâu răng có lây không? Có di truyền không?

Sâu răng có lây không, di truyền không là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Theo các bác sĩ Răng hàm mặt, vi khuẩn gây sâu răng hoàn toàn có thể lây sang người khác thông qua hôn môi, ăn uống chung,… Mặc dù có khả năng lây lan nhưng sâu răng hoàn toàn không phải là bệnh lý di truyền. 

răng sâu liệu có lây không
Sâu răng có lây không? Có di truyền không?

Sâu răng có lây không?

Sâu răng là bệnh nha khoa phổ biến nhất, có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Sâu răng là tình trạng mất mô cứng của răng do tác động của vi khuẩn (chủ yếu là vi khuẩn thường trú trong khoang miệng). Ban đầu, sâu răng chỉ gây đổi màu men răng. Tuy nhiên theo thời gian, hiện tượng khử khoáng kéo dài khiến men răng và ngà răng bị phá hủy dẫn đến hình thành các lỗ sâu lởm chởm.

Sâu răng ít khi đe dọa đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình, thẩm mỹ và hoạt động ăn uống. Hơn nữa nếu không điều trị kịp thời, sâu răng có thể tiến triển nặng dẫn đến viêm nha chu, viêm tủy cấp/ mãn tính, viêm quanh chân răng và hàng loạt các vấn đề nha khoa khác.

Ngoài những thắc mắc về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị sâu răng, “Sâu răng có lây không?” cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Nếu đang băn khoăn về vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo thông tin giải đáp được tổng hợp trong nội dung sau:

1. Sâu răng liệu có lây sang người khác không?

Sâu răng thực chất là một dạng nhiễm khuẩn răng được gây ra bởi các vi khuẩn thường trú trong khoang miệng, trong đó tác nhân chủ yếu là Streptococcus mutans. Tương tự như các loại vi khuẩn khác, Streptococcus mutans có thể lây sang người khác thông qua các hoạt động như hôn môi, ăn uống chung, giao tiếp và tiếp xúc thân mật.

răng sâu liệu có lây không
Hôn môi có thể khiến vi khuẩn gây bệnh sâu răng lây cho người khác

Tuy nhiên trên thực tế, việc lây truyền vi khuẩn Streptococcus mutans thông qua ăn uống, hôn môi không phải là nguyên nhân trực tiếp gây sâu răng. Bởi vi khuẩn này thường trú trong khoang miệng và chỉ phát triển khi có những yếu tố thuận lợi. Tức là ở những người có chế độ chăm sóc răng miệng đúng cách và ăn uống khoa học, vi khuẩn Streptococcus mutans chỉ tồn tại mà không gây tổn thương men răng hay ngà răng.

Vi khuẩn Streptococcus mutans chỉ phát triển trong các mảng bám (hình thành do thức ăn thừa không được làm sạch). Khi ăn uống, vi khuẩn có thể tiếp xúc với carbohydrate (có trong thực phẩm chứa nhiều đường) và tiết ra axit tại chỗ. Axit từ vi khuẩn này chính là nguyên nhân gây hòa tan tinh thể khoáng chất ở men răng, ngà răng

Dù không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng các hoạt động hôn môi, ăn uống chung, tiếp xúc thân mật,… có thể gây lây nhiễm vi khuẩn và làm tăng nguy cơ sâu răng. Các nghiên cứu cho thấy, nguy cơ sâu răng ở trẻ nhỏ tăng lên đáng kể nếu người lớn thường xuyên hôn môi và mớm thức ăn. Thống kê cho thấy, hơn 30% trẻ 3 tháng tuổi có vi khuẩn sâu răng trong khoang miệng do lây từ bố mẹ và người thân.

Do đó khi bị sâu răng, bạn cần có ý thức giữ gìn vệ sinh răng miệng trước khi hôn môi hoặc tiếp xúc thân mật với người khác. Đối với các bậc phụ huynh, cần tránh hôn và mớm cơm để phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn Streptococcus mutans cho trẻ nhỏ.

2. Sâu răng có bị lây sang răng khác không?

Sâu răng có bị lây sang răng khác không cũng là mối bận tâm của nhiều bạn đọc. Thực tế cho thấy, sâu răng có thể làm tăng nguy cơ sâu răng ở những vị trí lân cận – nhất là trong trường hợp ổ sâu xảy ra ở kẽ răng. Bởi vi khuẩn bên trong lỗ sâu có thể tiết ra nhiều axit dẫn đến giảm độ pH của nước bọt. Điều này không chỉ gây hòa tan các mô cứng ở răng bị tổn thương mà còn “vô tình” phá hủy các răng lân cận.

sâu răng có bị lây sang răng khác không
Sâu răng không được điều trị có thể lây lan sang các răng lân cận

Do đó để được tránh lây lan sang các răng lân cận, bạn nên thăm khám và điều trị sớm. Nếu không được xử lý kịp thời, sâu răng có thể lây lan sang các răng khỏe mạnh khiến chức năng nhai và thẩm mỹ bị ảnh hưởng nhiều.

>>>> Tìm hiểu thêm: Các loại Thuốc trị Sâu răng hiệu quả

Bệnh sâu răng có di truyền không?

Sâu răng và các vấn đề nha khoa do viêm nhiễm hầu như không có tính di truyền. Thực nghiệm lâm sàng trên động vật và con người đã khẳng định rõ điều này. Tuy nhiên, các yếu tố làm tăng nguy cơ sâu răng có thể di truyền từ người thân cận huyết.

Như đã biết, sâu răng là bệnh lý đa nguyên nhân, trong đó luôn phải có sự tham gia của vi khuẩn và carbohydrate trong thực phẩm. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh lý này còn có thể tăng lên khi có những yếu tố di truyền như răng khấp khểnh, mọc chen chúc, men răng mỏng, răng nhạy cảm,…

Các biện pháp phòng ngừa sâu răng lây lan

Sâu răng không chỉ lây cho người khác mà còn lây lan sang các răng khỏe mạnh. Tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến chức năng nhai, tâm lý và ngoại hình. Do đó, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa sâu răng lây lan như:

sâu răng có bị lây sang răng khác không
Thăm khám và điều trị sâu răng triệt để là biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa sâu răng lây lan
  • Thăm khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu sâu răng như bề mặt men răng đổi màu, xuất hiện các lỗ sâu có màu nâu đen, bờ lởm chởm, răng ê buốt và đau nhức.
  • Điều trị triệt để sâu răng để ngăn ngừa lây lan sang các răng khỏe mạnh. Tùy theo mức độ sâu, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp như sử dụng fluor, trám răng, điều trị nội nha (điều trị tủy),…
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách (chải răng 2 – 3 lần/ ngày, súc miệng với nước muối và dùng chỉ nha khoa). Ngoài ra, nên hạn chế ăn đồ ngọt và các thức uống chứa nhiều đường, axit.
  • Sâu răng hầu như không gây ra triệu chứng nào khác thường ở giai đoạn đầu. Vì vậy, bạn nên khám răng miệng định kỳ 1 – 2 lần/ năm. Khi khám định kỳ, bác sĩ sẽ tiến hành cạo vôi răng để ngăn ngừa sự phát triển của các chủng vi khuẩn có hại.
  • Dự phòng sâu răng lây lan bằng cách dùng các dung dịch sát khuẩn có chứa Chlorhexidin. Các sản phẩm này có hiệu quả ngừa sâu răng, viêm nướu và viêm nha chu hiệu quả. Tuy nhiên, Chlorhexidin có thể gây đổi màu răng (có hồi phục) nên chỉ được khuyến khích dùng trong thời gian ngắn. Sau đó có thể đổi sang các nước súc miệng thông thường và dùng lại sau một thời gian nhất định.
  • Hạn chế ăn uống chung với người khác. Thói quen này có thể gây lây nhiễm vi khuẩn Streptococcus mutans và nhiều chủng vi khuẩn, virus khác. Với các bậc phụ huynh, nên tránh mớm thức ăn và hôn môi con trẻ.

Bài viết đã tổng hợp thông tin giải đáp “Sâu răng có lây không? Di truyền không?” và hướng dẫn một số biện pháp phòng ngừa sâu răng lây lan hiệu quả. Để có hướng điều trị phù hợp nhất, bạn đọc nên tìm gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy răng có ổ sâu, ê buốt và đau nhức khi ăn uống.

>>>> Đọc thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!