Thuốc trị viêm lợi có mủ thường là những loại thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm và giảm đau. Những loại thuốc này có tác dụng ức chế/ tiêu diệt vi khuẩn gây viêm lợi, giảm tụ mủ. Đồng thời cắt giảm cơn đau và tình trạng sưng tấy mô nướu. Các thuốc cần được sử dụng dựa trên chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Top 5 thuốc trị viêm lợi có mủ hiệu quả
Viêm lợi có mủ xảy ra từ viêm lợi (viêm nướu răng) không được điều trị. Vi khuẩn phát triển gây tổn thương mô nướu và viêm nặng, dẫn đến ứ mủ và rỉ dịch có mùi hôi tanh khó chịu. Tình trạng này khiến nướu sưng đỏ, phù nề, đau nướu và đau răng từ âm ỉ đến dữ dội, hôi miệng dai dẳng, mô nướu nhạy cảm và dễ chảy máu.
Ngoài ra viêm lợi có mủ gây sốt, nổi hạch và chán ăn, nhìn thấy ổ mủ xung quanh răng hoặc rỉ dịch/ mủ. Để ngăn vi khuẩn lan rộng, gây tổn thương răng và xương hàm, các phương pháp điều trị cần được áp dụng sớm.
Hầu hết các trường hợp được yêu cầu dùng thuốc trị viêm lợi có mủ. Dưới đây là những loại thuốc mang đến hiệu quả điều trị cao:
1. Thuốc kháng sinh
Trước khi can thiệp những phương pháp chữa trị chuyên sâu khác, thuốc kháng sinh (bôi + uống) sẽ được chỉ định. Chẳng hạn như:
- Kháng sinh chứa Beta-lactam, macrolide
- Kháng sinh nhóm Macrolid (như Spiramycin)
- Kháng sinh kỵ khí Metronidazol
- Kháng sinh Penicillin (như Amoxicillin)…
Nhóm thuốc, dạng điều chế và liều dụng cụ thể được sử dụng dựa trên loại vi khuẩn gây viêm lợi có mủ và mức độ nghiêm trọng. Những trường hợp nhẹ có thể dùng kháng sinh dạng bôi nhằm tiêu diệt ổ vi khuẩn khu trú tại vùng nướu viêm, ngăn nhiễm trùng lây lan đến răng và các cơ quan khác.
Những trường hợp nặng, có vi khuẩn phát triển nhanh và lan rộng sẽ được chỉ định kháng sinh đường uống. Thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn trong ổ mủ và vùng nướu tổn thương hoặc ức chế hoạt động lây lan và nhân lên của vi khuẩn. Từ đó điều trị viêm lợi có mủ, ngăn vi khuẩn gây viêm nha chu, tránh các triệu chứng thêm nghiêm trọng.
Thuốc kháng sinh thường gây tác dụng phụ ở đường tiêu hóa (như đau dạ dày), tăng độ nhạy cảm với ánh sáng, răng đổi màu ở trẻ em, nhiễm nấm âm đạo… Do đó nhóm thuốc này cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân tuân thủ liều dùng để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tối đa.
2. Thuốc giảm đau hạ sốt (Paracetamol)
Đây là một trong các thuốc trị viêm lợi có mủ thường được chỉ định. Phần lớn bệnh nhân bị viêm lợi có mủ kèm theo sốt, đau nhức răng/ nướu dữ dội hoặc âm ỉ. Khi sử dụng, Paracetamol giúp giảm đau và hạ sốt hiệu quả.
Trong điều trị sốt, Paracetamol giúp giãn mạch, tăng lưu lượng máu ngoại biên và tác động vào vùng dưới đồi. Từ đó giảm thân nhiệt (hạ sốt) nhanh chóng. Trong điều trị đau, Paracetamol giúp giảm nhẹ cơn đau theo hai cơ chế gồm ngoại vi và trung ương.
Paracetamol phù hợp với những người có cơn đau nhẹ và vừa. Thuốc thường mang đến hiệu quả nhanh chóng, hiếm khi gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Tùy thuộc vào độ tuổi, thuốc giảm đau hạ sốt Paracetamol được sử dụng với liều lượng không giống nhau.
Liều dùng khuyến cáo:
- Người lớn: Uống 1 viên 500mg Paracetamol/ lần, cách mỗi 4 hoặc 6 giờ 1 lần.
- Trẻ em trên 11 tuổi: Uống 325mg/ lần, cách mỗi 4 hoặc 6 giờ 1 lần.
Dùng Paracetamol cho trẻ em cần có sự theo dõi và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
3. Thuốc gây tê dạng bôi
Nếu viêm lợi có mủ gây đau nhiều, một số thuốc gây tê dạng bôi sẽ được chỉ định. Nhóm thuốc này chứa những chất gây tê cục bộ như Lidocaine, Benzocaine. Thuốc có tác dụng làm mất cảm giác tạm thời ở niêm mạc và da. Từ đó xoa dịu cơn đau do viêm lợi có mủ và những tổn thương khác.
Khi sử dụng thuốc gây tê dạng bôi, cần làm sạch và lau khô niêm mạc. Sau đó lấy một lượng thuốc vừa đủ, tạo thành lớp mỏng lên vùng nướu sưng đau. Sau bôi thuốc, cơn đau sẽ nhanh chóng thuyên giảm.
- Liều dùng khuyến cáo: Bôi 2 – 3 lần/ ngày.
4. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
NSAID là thuốc điều trị viêm lợi có mủ được chỉ định cho những người có mô nướu sưng viêm và tấy đỏ nghiêm trọng kèm theo sốt, đau đớn ở mức trung bình. Thuốc này có tác dụng trị viêm, giảm đau, hạ sốt và chống kết tập tiểu cầu.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có gần 20 hoạt chất, được xếp vào các nhóm gồm NSAID ức chế chọn lọc COX-2, NSAID ức chế không chọn lọc (COX-1, COX-2), NSAID kê đơn và NSAID không kê đơn (OTC). Mặc dù vậy, các hoạt chất đều có cơ chế hoạt động giống nhau.
Khi sử dụng, thuốc chống viêm không steroid ngăn quá trình sinh tổng hợp Prostaglandin, ức chế chất trung gian của phản ứng viêm. Từ đó giảm sưng, viêm và tấy đỏ do viêm lợi có mủ.
Ngoài ra thuốc có tác dụng làm dịu các dây thần kinh cảm giác, giảm tính cảm thụ với các chất gây đau. Điều này giúp giảm nhanh những cơn đau ở mức trung bình. Tác dụng hạ sốt của NSAID cũng được ghi nhận ở người bị viêm lợi có mủ, thuốc làm tăng quá trình thải nhiệt và điều chỉnh trung tâm nhiệt, mang đến cảm giác dễ chịu hơn.
Một số loại thuốc chống viêm không steroid thường được sử dụng gồm:
- Ibuprofen
- Naproxen
- Celecoxib
- Naproxen Natri
Thuốc chống viêm không steroid mang đến hiệu quả nhanh nhưng thường gây tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa, đau đầu, phát ban. Vì thế nhóm thuốc này cần được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc ức chế bơm proton có thể được sử dụng kết hợp để giảm tác dụng phụ.
5. Corticosteroid
Người bệnh được chỉ định điều trị với Corticosteroid khi viêm lợi có mủ ở mức độ nặng, các triệu chứng (sưng đỏ, đau nhức…) nghiêm trọng, không đáp ứng tốt với NSAID. Đây là một nhóm thuốc kháng viêm mạnh.
Thuốc có tác dụng trị viêm ở mức độ vừa và nặng, giảm đau do viêm, ức chế miễn dịch và chống dị ứng. Ngoài ra Corticosteroid còn có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, trị tình trạng ứ mủ và rỉ dịch do viêm lợi.
Ở liều khuyến cáo, Corticosteroid nhanh chóng xoa dịu cơn đau, giảm tình trạng tấy đỏ và phù nề mô nướu, ngăn viêm lợi phát triển. Tuy nhiên thuốc cần được sử dụng với liều lượng thích hợp và theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ . Một số tác dụng phụ có thể gặp gồm khô da, giãn mao mạch xuất huyết, ngứa rát…
Thuốc kháng viêm Corticosteroid thường được sử dụng ở dạng kem bôi. Cách sử dụng như sau:
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và lau khô vùng nướu viêm
- Lấy một lượng thuốc thích hợp, bôi trực tiếp lên mô nướu
- Thoa đều để tạo một lớp mỏng
Lưu ý khi dùng thuốc trị viêm lợi có mủ
Trước khi áp dụng các phương pháp điều trị chuyên sâu (chích rạch mủ, cạo vôi răng, cắt lợi trùm…), viêm lợi có mủ và các triệu chứng cần được kiểm soát tốt bằng thuốc. Hầu hết bệnh nhân được dùng thuốc kháng sinh kết hợp với thuốc giảm đau hạ sốt hoặc/ và thuốc kháng viêm.
Các thuốc trị viêm lợi có mủ thường được sử dụng trong vòng 5 – 7 ngày, thuốc mang đến hiệu quả cao và nhanh chóng. Tuy nhiên bất kỳ loại thuốc nào cũng cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị và tránh gây tác dụng phụ.
Ngoài ra người bệnh cần lưu ý thêm một số vấn đề khi dùng thuốc trị viêm lợi có mủ, bao gồm:
- Thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe và loại thuốc đang dùng trước khi được chỉ định một loại thuốc điều trị.
- Thăm khám kỹ lưỡng và đánh giá viêm lợi có mủ để được chỉ định thuốc điều trị thích hợp.
- Thông báo với bác sĩ nếu:
- Loại thuốc đang dùng không có hiệu quả
- Dị ứng hoặc khởi phát các tác dụng phụ.
- Nên kết hợp dùng thuốc trị viêm lợi có mủ với những biện pháp chăm sóc để tăng hiệu quả điều trị, ngăn ổ mủ và vi khuẩn phát triển. Cụ thể:
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách chải răng 2 lần/ ngày kết hợp dùng nước súc miệng và chỉ nha khoa. Biện pháp này giúp hỗ trợ điều trị và loại bỏ mùi hôi miệng. Tránh chải răng quá mạnh hoặc ăn thức ăn khô cứng để không làm vỡ ổ mủ và chải máu nướu răng.
- Tránh ăn thức ăn nhiều đường, có nhiều gia vị cay nóng, hạn chế uống rượu bia và nước ngọt có ga… để tránh tăng phản ứng viêm.
- Không hút thuốc lá.
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc gắng sức hoặc căng thẳng quá mức để không ảnh hưởng đến quá trình hồi phục.
- Tăng cường bổ sung vitamin C, D, E, magie, canxi cùng các khoáng chất khác từ chế độ ăn uống lành mạnh. Những chất này giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, giảm viêm, kháng khuẩn và giảm sưng đau do viêm lợi có mủ.
- Súc miệng với nước muối ấm, dùng tinh dầu hoặc trà thảo dược (như trà hoa cúc, dầu cỏ xạ hương…) giúp giảm nhanh các triệu chứng.
- Tái khám định kỳ để theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị.
Trên đây là 5 thuốc trị viêm lợi có mủ được dùng phổ biến và mang đến hiệu quả điều trị cao. Những loại thuốc này có khả năng điều trị viêm, ức chế vi khuẩn và giảm nhẹ các triệu chứng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, thuốc cần được dùng dựa trên chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Thuốc Sindolor Trị Viêm Lợi: Cách dùng, Thành phần, Review
Nướu răng nổi cục thịt nguyên nhân từ đâu? Cách trị hiệu quả
Viêm lợi khi đang niềng răng: Nguyên nhân và cách chữa trị
Cách Chữa Viêm Lợi Cho Trẻ Tại Nhà Cha Mẹ Nên Thử
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!