Uống thuốc giảm đau khi bị viêm lợi trùm răng khôn và lưu ý

Các loại thuốc giảm đau được sử dụng để cải thiện triệu chứng do viêm lợi trùm răng khôn gây ra. Tùy theo mức độ cơn đau và các triệu chứng đi kèm, bác sĩ có thể xem xét chỉ định thuốc giảm đau thông thường (Paracetamol), thuốc giảm đau chống viêm (NSAID) hoặc corticosteroid. 

viêm lợi trùm răng khôn uống thuốc gì
Thuốc giảm đau được sử dụng để cải thiện các triệu chứng do viêm lợi trùm răng khôn gây ra

Các loại thuốc giảm đau được sử dụng khi bị viêm lợi trùm răng khôn

Viêm lợi trùm là tình trạng viêm nhiễm phần lợi xung quanh răng đang mọc (thường là răng khôn/ răng số 8). Tình trạng này có thể kéo dài trong khoảng vài ngày và tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Tuy nhiên, viêm lợi trùm cũng có thể có mức độ nặng do thức ăn, vi khuẩn bám dính vào kẽ hở giữa nướu và răng dẫn đến hiện tượng viêm nhiễm tại chỗ.

Viêm lợi trùm răng khôn là bệnh nha khoa khá phổ biến, ảnh hưởng chủ yếu ở người từ 17 – 29 tuổi (giai đoạn mọc răng khôn). Bệnh lý này điển hình với một số triệu chứng như sưng lợi, hôi miệng, miệng có vị khó chịu, mệt mỏi, sốt, sưng hạch góc hàm, răng đau nhức, khó khăn khi ăn uống,…

Sử dụng thuốc giảm đau là phương pháp phổ biến được áp dụng khi bị viêm lợi trùm răng khôn. Thuốc có tác dụng giảm triệu chứng đau do bệnh lý này gây ra. Tùy theo mức độ triệu chứng, các loại thuốc này có thể được dùng từ 3 – 7 ngày hoặc hơn.

Các loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm lợi trùm răng khôn bao gồm:

1. Thuốc giảm đau thông thường (Paracetamol)

Paracetamol là loại thuốc giảm đau không kê toa được sử dụng rất phổ biến. Loại thuốc này an toàn ở liều điều trị nên được ưu tiên dùng trong trường hợp viêm lợi trùm răng khôn. Với tác dụng chính là giảm đau và hạ sốt, thuốc có thể cải thiện tình trạng sốt cao, đau nhức do viêm lợi trùm và các bệnh nha khoa khác gây ra.

Paracetamol tác động đến vùng dưới đồi, giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên nhằm hạ thân nhiệt ở người bị sốt cao. Thuốc không có hiệu quả với người có thân nhiệt bình thường. Ngoài ra, Paracetamol còn ức chế tổng hợp cyclooxygenase ở hệ thần kinh trung ương, qua đó giảm cơn đau có mức độ từ nhẹ đến trung bình.

viêm lợi trùm răng khôn uống thuốc gì
Thuốc giảm đau (Paracetamol) được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm lợi trùm răng khôn

Thuốc Paracetamol có thể cải thiện nhanh các triệu chứng do viêm lợi trùm răng khôn gây ra. Loại thuốc này có nhiều dạng bào chế như bột sủi, viên sủi và viên nang, nén. Nếu bị chứng khó nuốt, bạn có thể dùng dạng sủi để giảm tình trạng buồn nôn khi sử dụng. Paracetamol tương đối an toàn nên có thể dùng mà không cần toa của bác sĩ.

Liều dùng thông thường:

  • Sử dụng 500mg/ 4 – 6 lần/ ngày
  • Mỗi liều cách nhau ít nhất 4 giờ đồng hồ
  • Liều dùng trên được áp dụng cho người trưởng thành

Chống chỉ định:

  • Mẫn cảm với Paracetamol
  • Thiếu hụt men G6PD
  • Thiếu máu nhiều lần
  • Người mắc các bệnh như thận, gan, tim và phổi

Thận trọng khi dùng Paracetamol cho người đang mang thai, cho con bú, người bị suy gan và suy thận nhẹ. Mặc dù được đánh giá an toàn nhưng Paracetamol vẫn có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng như buồn nôn, nôn mửa, giảm tiểu cầu,…

2. NSAID – thuốc chống viêm không steroid

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có tác dụng chính là chống viêm, giảm đau và hạ sốt (không đặc hiệu). Nhóm thuốc này có hiệu quả mạnh hơn Paracetamol nên được sử dụng khi cơn đau không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau thông thường. Ngoài ra, NSAID còn giúp cải thiện tình trạng lợi sưng, phù nề do bệnh viêm lợi trùm răng khôn gây ra.

Mặc dù có hiệu quả cao nhưng nhóm thuốc này tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng nên chỉ được dùng trong thời gian ngắn. NSAID tác động đến cyclooxygenase 1 và 2, từ đó dẫn đến giảm sinh tổng hợp prostaglandin – thành phần trung gian trong phản ứng gây viêm, đau nhức.

thuốc giảm đau viêm lợi
NSAID – thuốc chống viêm không steroid được sử dụng để giảm đau và cải thiện tình trạng lợi sưng viêm, phù nề

Tuy nhiên vì làm giảm prostaglandin toàn thân và gây ức chế tập kết tiểu cầu nên NSAID có thể gây ra một số biến chứng như chảy máu dạ dày, loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa trên và dưới. Do đó, thuốc thường không được dùng quá 5 – 10 ngày, đồng thời cần tránh sử dụng cho người có tiền sử xuất huyết tiêu hóa, người bị rối loạn đông máu và đang bị viêm loét dạ dày tiến triển.

Các loại thuốc NSAID được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm lợi trùm răng khôn bao gồm:

  • Diclofenac
  • Naproxen
  • Ibuprofen
  • Celecoxib
  • Flurbiprofen

Để giảm thiểu tác dụng phụ khi dùng thuốc chống viêm không steroid, bạn nên dùng thuốc sau khi đã ăn no và hạn chế rượu bia, thức uống chứa axit trong thời gian này. Ngoài ra, nên chú ý các biểu hiện của cơ thể và thông báo ngay với bác sĩ nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường.

3. Corticosteroid – thuốc chống viêm chứa steroid

Corticosteroid (thuốc chống viêm chứa steroid) cũng có thể được sử dụng trong điều trị viêm lợi trùm răng khôn. Thuốc có tác dụng tương tự như hormone costisol được vỏ tuyến thượng thận bài tiết. Tác dụng chính của nhóm thuốc này là kháng dị ứng, chống viêm và ức chế miễn dịch. Đối với viêm lợi trùm răng khôn, bác sĩ sẽ chỉ định các loại Corticosteroid có tác dụng kháng viêm mạnh như Prednison, Dexamethason.

Corticosteroid được sử dụng nhằm làm giảm tình trạng mô lợi phù nề, đau nhức. Thuốc có hiệu quả mạnh hơn so với NSAID nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng. Do đó, nhóm thuốc này chỉ được dùng với liều thấp trong thời gian ngắn.

Chống chỉ định:

  • Viêm loét dạ dày
  • Tiền sử xuất huyết tiêu hóa
  • Suy gan, suy thận
  • Người bị cao huyết áp
  • Tiểu đường
  • Người có chức năng miễn dịch kém
  • Suy tuyến thượng thận

Sử dụng Corticosteroid có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như cao huyết áp, da mỏng, nổi mụn, kích ứng dạ dày, chậm lành vết thương, giảm thị lực, yếu cơ,… Trường hợp nặng có thể dẫn đến chứng loãng xương ở người lớn và chậm phát triển ở trẻ em.

Lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau khi bị viêm lợi trùm

Thuốc giảm đau là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến khi điều trị viêm lợi trùm răng khôn bên cạnh kháng sinh, thuốc gây tê tại chỗ, dung dịch súc miệng sát khuẩn,… Tuy nhiên khi sử dụng nhóm thuốc này, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:

1. Tham khảo ý kiến của dược sĩ/ bác sĩ

Các loại thuốc giảm đau được dùng trong quá trình điều trị viêm lợi trùm răng khôn có thể sử dụng mà không cần kê toa như Paracetamol và một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn nên trao đổi với dược sĩ trước khi dùng. Nếu có ý định dùng Corticosteroid, cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ vì loại thuốc này tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nghiêm trọng.

thuốc giảm đau viêm lợi
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng thuốc giảm đau viêm lợi trùm răng khôn

Trước khi dùng thuốc, cần thông báo với dược sĩ/ bác sĩ những vấn đề sau:

  • Triệu chứng gặp phải
  • Tiền sử dị ứng thuốc
  • Tình trạng sức khỏe (mang thai, tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn tuyến giáp, suy gan, suy thận,…)
  • Lịch sử dùng thuốc (trong khoảng 14 ngày)

Thông báo những vấn đề này giúp bác sĩ xác định đúng vấn đề mà bạn gặp phải và xem xét về loại thuốc phù hợp nhất. Thực tế cho thấy, nguy cơ gặp phải tác dụng phụ do sử dụng thuốc có thể tăng lên khi mắc các bệnh nội khoa, người có cơ địa mẫn cảm và sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc khác nhau. Nếu không thông báo trước với bác sĩ, bạn có thể gặp phải nhiều tác dụng ngoại ý trong thời gian điều trị.

2. Không lạm dụng quá mức

Các loại thuốc giảm đau chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng đau, phù nề và sưng viêm mô nướu bao quanh răng bị tổn thương. Đối với trường hợp răng mọc thẳng, tình trạng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khoảng vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên nếu răng khôn mọc lệch, mọc ngầm, các triệu chứng có thể tái phát thường xuyên do mảng bám, cao răng tích tụ ở kẽ hở giữa nướu và răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh.

Chính vì vậy, rất nhiều người phụ thuộc vào thuốc giảm đau khi gặp phải tình trạng viêm lợi trùm răng khôn. Thực tế, sử dụng thuốc chỉ có thể làm giảm triệu chứng, hoàn toàn không thể cải thiện viêm lợi trùm răng khôn một cách dứt điểm. Nếu răng mọc ngầm, mọc lệch hoặc mô nướu bị viêm nhiễm dai dẳng, bạn nên can thiệp các phương pháp chuyên sâu như cắt lợi trùm, dẫn lưu mủ (nếu có ổ áp xe) và nhổ bỏ răng (nếu răng mọc ngầm, lệch lạc).

Lạm dụng thuốc giảm đau quá mức gây ra không ít rủi ro và tác dụng phụ. Hơn nữa, tình trạng này còn khiến viêm lợi trùm tiến triển dai dẳng, tăng nguy cơ viêm nha chu, áp xe chân răng và dẫn đến tình trạng chen chúc các răng khác trên cung hàm.

3. Tránh sử dụng rượu bia khi dùng thuốc

Hầu hết các loại thuốc giảm đau được sử dụng khi bị viêm lợi trùm răng khôn đều tác động tiêu cực đến gan, dạ dày và các cơ quan tiêu hóa khác. Do đó để giảm thiểu tác dụng phụ khi dùng nhóm thuốc này, bạn nên tránh sử dụng rượu bia.

thuốc giảm đau viêm lợi
Sử dụng rượu bia làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc giảm đau viêm lợi

Dùng rượu bia trong thời gian này làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày, chảy máu tiêu hóa và tích tụ độc tố ở gan. Hơn nữa, rượu bia còn làm tăng mức độ viêm, phù nề mô lợi và ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phục hồi mô nướu bao xung quanh răng. Ngoài rượu bia, bạn cũng nên tránh dùng thức ăn, đồ uống chứa nhiều axit, món ăn cay nóng,… để giảm tác dụng phụ lên cơ quan tiêu hóa.

4. Các lưu ý khác

Ngoài ra khi sử dụng thuốc giảm đau trong điều trị viêm lợi trùm răng khôn, bạn nên lưu ý một số vấn đề khác như:

  • Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc khi chưa có chỉ định. Ngoài ra, nên thông báo với bác sĩ nếu các triệu chứng không thuyên giảm khi dùng thuốc.
  • Không tự ý phối hợp các loại thuốc với nhau nếu chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Chú ý các biểu hiện trong thời gian dùng thuốc và thông báo với bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường.
  • Sau khi tình trạng viêm được kiểm soát, bạn nên can thiệp các phương pháp chuyên sâu như cắt lợi trùm, nhổ răng khôn,… để điều trị bệnh dứt điểm (nếu cần thiết).
  • Khi bị viêm lợi và viêm lợi trùm, cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm tiến triển nặng và dai dẳng. Ngoài chải răng 2 – 3 lần/ ngày, nên súc miệng với dung dịch sát khuẩn và dùng chỉ nha khoa thường xuyên.
  • Chú ý một số thói quen ăn uống trong thời gian điều trị. Ngoài việc kiêng rượu bia và một số loại thức ăn cay nóng, nhiều axit, bạn nên tránh món ăn cứng, khô vì có thể gây kích ứng và chảy máu mô nướu. Hơn nữa, các thói quen này còn khiến cho quá trình điều trị viêm lợi trùm răng khôn bị gián đoạn và kéo dài.
  • Với trường hợp cơn đau không quá nghiêm trọng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau tại nhà như chườm lạnh, ngậm nước muối ấm, sử dụng thảo dược tự nhiên (đinh hương, nha đam, bạc hà,…). Các biện pháp này có thể giảm cơn đau đáng kể và an toàn hơn so với sử dụng thuốc.

Sử dụng thuốc giảm đau khi bị viêm lợi trùm có thể giảm nhanh tình trạng đau nhức và một số triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và biến chứng. Do đó, chỉ nên dùng thuốc khi cần thiết và cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ.

Tham khảo thêm:

5/5 - (3 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!