Trám răng Inlay/ Onlay là kỹ thuật hàn trám hiện đại. Không giống với các kỹ thuật hàn răng thông thường, Inlay/ Onlay tạo hình miếng trám trước khi gắn lên răng. Phương pháp này được xem xét thực hiện cho những trường hợp răng bị tổn thương nghiêm trọng.
Trám răng Inlay/ Onlay là phương pháp gì?
Inlay/ Onlay là một trong những phương pháp hàn trám răng được ưa chuộng hiện nay. Khác với các vật liệu hàn trám thông thường, Inlay/ Onlay là các miếng trám được chế tác bên ngoài, sau đó đặt lên phần răng bị khiếm khuyết nhằm phục hồi hình thể và màu sắc của răng.
Inlay là miếng trám có khả năng phục hồi một bề mặt tổn thương (thường là mặt nhai). Trong đó, Onlay là miếng trám có kích thước lớn hơn, có khả năng phục hồi hai bề mặt của răng (mặt nhai + mặt trong/ mặt ngoài răng). Inlay/ Onlay được chế tác từ nhiều chất liệu như composite, nhựa, kim loại, titan và sứ nhưng hiện nay, sứ là chất liệu được ưa chuộng nhất.
Trám răng Inlay/ Onlay là kỹ thuật phức tạp hơn so với các phương pháp hàn trám thông thường. Do đó để hoàn tất việc trám răng, bạn cần phải đến nha khoa 2 buổi thay vì 1 buổi như hàn trám bằng các vật liệu lỏng.
Khi nào cần trám răng Inlay/ Onlay?
Trên thực tế, Inlay/ Onlay chỉ được áp dụng trong một số trường hợp bởi kỹ thuật này phức tạp và có chi phí cao hơn các vật liệu hàn trám thông thường. Trám răng Inlay/ Onlay được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Răng bị tổn thương nặng và mất nhiều mô cứng nên Inlay/ Onlay thay vì hàn trám bằng các vật liệu thông thường. Bởi Inlay/ Onlay có khả năng tạo hình trong khi các vật liệu khác chỉ có hiệu quả che phủ và lấp đầy các hố rãnh, lỗ sâu.
- Trường hợp miếng trám bị bong tróc nhiều lần cũng nên xem xét trám răng Inlay/ Onlay để tăng độ bền, hạn chế tình trạng miếng trám bị hở, nứt và tróc ra sau một thời gian ngắn.
Trám răng Inlay/ Onlay là lựa chọn tối ưu trong trường hợp răng bị hư hại và tổn thương nặng. Tuy nhiên nếu đang bị viêm nhiễm cấp, bạn cần kiểm soát nhiễm trùng trước khi thực hiện phương pháp này để tránh rủi ro và biến chứng.
Quy trình trám răng Inlay/ Onlay
Trám răng Inlay/ Onlay (hàn răng gián tiếp) là kỹ thuật phức tạp hơn so với trám răng bằng các vật liệu thông thường. Kỹ thuật này tạo hình miếng trám bằng chất liệu chuyên dụng, sau đó đặt vào mô răng bị khiếm khuyết để phục hồi hình thể và màu sắc của răng.
Trám răng Inlay/ Onlay mất khoảng 2 buổi hẹn, mỗi buổi kéo dài từ 30 – 45 phút. Kỹ thuật này được thực hiện theo tình tự như sau:
Bước 1: Khám, chụp phim và tư vấn
Trước khi can thiệp bất cứ phương pháp này, bác sĩ đều phải khám răng miệng trực tiếp và chụp phim để đánh giá cấu trúc răng hàm của từng trường hợp. Qua hình ảnh X-Quang, bác sĩ có thể xác định được mức độ tổn thương của răng và xem xét phương pháp hàn trám phù hợp nhất.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tư vấn cụ thể về cơ chế, quy trình và chi phí khi trám răng Inlay/ Onlay. Tương tự như các kỹ thuật hàn trám khác, phương pháp này chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của bệnh nhân.
Bước 2: Vệ sinh răng miệng và gây tê
Trong khoang miệng chứa khoảng 50 tỷ vi khuẩn với 200 – 300 chủng loại khác nhau. Do đó, vệ sinh răng miệng là biện pháp cần phải thực hiện trước khi can thiệp bất cứ thủ thuật nha khoa nào. Tùy theo tình trạng răng miệng của từng trường hợp, bác sĩ có thể làm sạch mảng bám và cạo vôi răng nếu cần thiết.
Khi trám răng Inlay/ Onlay, bác sĩ cần phải tạo xoang trám để đảm bảo miếng trám tương thích hoàn toàn với mô răng bị khiếm khuyết và hư tổn. Tuy nhiên, việc tạo xoang và làm sạch phần mô răng bị mục nát, nhiễm khuẩn có thể gây đau nhức. Vì vậy sau khi vệ sinh răng miệng, bác sĩ sẽ gây tê trước khi thực hiện những bước tiếp theo.
Bước 3: Tạo xoang trám
Bác sĩ sử dụng mũi khoan để làm các mô răng bị viêm nhiễm và mục nát. Sau đó, sát trùng để tiêu diệt các vi khuẩn có hại. Tạo xoang trám sẽ giúp cho quá trình chế tác Inlay/ Onlay diễn ra thuận lợi và dễ dàng hơn. Nếu không tạo xoang, việc chế tác thường mất nhiều thời gian và miếng trám có thể không tương thích với mô răng bị khiếm khuyết, hư hại.
Bước 4: Lấy dấu hàm
Sau khi tạo xoang, bác sĩ sẽ lấy dấu mẫu hàm để chế tác miếng trám Inlay/ Onlay. Tùy theo lựa chọn của từng bệnh nhân, miếng trám có thể được chế tác bằng sứ, composite, nhựa hoặc kim loại.
Bước 5: Gắn miếng trám Inlay/ Onlay
Thời gian chế tác Inlay/ Onlay mất khoảng 2 – 3 ngày. Do đó sau khi lấy mẫu hàm, bạn có thể quay trở về nhà. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ dùng vật liệu trám tạm nhằm hạn chế cảm giác đau nhức và ê buốt khi ăn uống. Sau đó, miếng trám Inlay/ Onlay sẽ được gắn lên răng bằng keo dán chuyên dụng. Để tăng liên kết giữa keo, răng và miếng trám, bác sĩ sẽ sử dụng thêm công nghệ laser.
Bước 6: Hướng dẫn cách chăm sóc
Trám răng Inlay/ Onlay là giải pháp tối ưu trong trường hợp răng bị tổn thương nặng. Tuy nhiên để tăng độ bền của miếng trám, bác sĩ sẽ hướng dẫn một số cách chăm sóc răng miệng và những vấn đề cần lưu ý khi ăn uống, sinh hoạt.
Cách chăm sóc sau khi trám răng Inlay/ Onlay
Trám răng Inlay/ Onlay có thể phục hồi hình dáng và chức năng sinh lý của răng. Phương pháp này khá đơn giản và có thể hoàn tất chỉ sau 2 buổi hẹn. Sau khi thực hiện Inlay/ Onlay, bạn nên thực hiện một số biện pháp chăm sóc để tăng độ bền của miếng trám và hạn chế tình trạng miếng trám bong, nứt nẻ và hở.
Cách chăm sóc sau khi trám răng Inlay/ Onlay:
- Sau khoảng vài giờ, bạn có thể ăn uống trở lại. Tuy nhiên, cần tránh thức ăn quá nóng/ lạnh, thực phẩm cứng, khô và dài. Để miếng trám ổn định, bạn nên dùng các món mềm, lỏng trong khoảng vài ngày.
- Miếng trám Inlay/ Onlay có thể bị ố màu do dùng thức ăn và đồ uống có màu đậm. Do đó sau khi trám răng, nên hạn chế dùng các loại đồ ăn, thức uống như cà phê, socola, bánh kẹo, rượu vang, nước ngọt có gas,…
- Để kéo dài tuổi thọ cho miếng trám, cần hạn chế thức ăn và đồ uống chứa nhiều axit. Bên cạnh đó, nên hạn chế lượng đường trong chế độ dinh dưỡng để phòng ngừa sâu răng và các vấn đề răng miệng khác.
- Không dùng răng cắn, xé các vật cứng. Thói quen này có thể làm bong miếng trám, mòn men răng và gia tăng nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề nha khoa khác.
- Bên cạnh chế độ ăn uống, cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách sau khi trám răng Inlay/ Onlay. Ngoài đánh răng 2 – 3 lần/ ngày, nên thực hiện thêm một số biện pháp như súc miệng và dùng chỉ nha khoa.
- Đến nha khoa khám định kỳ 6 tháng/ lần để cạo vôi răng và đánh giá tình trạng của miếng trám. Sau một thời gian, miếng trám Inlay/ Onlay cần được thay thế để đảm bảo hiệu quả. Tình trạng hở miếng trám không được xử lý sớm có thể làm tăng nguy cơ bị sâu răng và viêm tủy răng.
Những ưu điểm – hạn chế của phương pháp trám răng Inlay/ Onlay
Trám răng Inlay/ Onlay có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng cũng tồn tại một số hạn chế. Nếu đang có ý định thực hiện phương pháp này, bạn nên xem xét ưu – nhược điểm trước khi đưa ra quyết định.
Ưu điểm của trám răng Inlay/ Onlay:
- Miếng trám Inlay/ Onlay được chế tác bằng sứ có màu sắc tương tự răng thật nhưng ít bị đổi màu như trám răng bằng composite và xi măng silicat (các vật liệu trám răng thông thường).
- Phục hồi hình dáng răng trong trường hợp răng bị hư hại nặng không thể hàn trám bằng chất liệu thông thường.
- Miếng trám Inlay/ Onlay có độ bám dính cao hơn so với một số vật liệu hàn trám thông thường. Do đó, quá trình ăn uống và vệ sinh răng miệng cũng diễn ra dễ dàng, thuận lợi hơn.
Hạn chế của phương pháp trám răng Inlay/ Onlay:
- Chi phí cao hơn so với hàn răng thông thường
- Mất đến 2 buổi hẹn trong khi các kỹ thuật trám răng khác chỉ mất 1 buổi
- Rất dễ gặp phải tình trạng miếng trám bị chênh, hở nếu thực hiện ở những cơ sở kém chất lượng
- Trường hợp răng hư tổn quá nặng (trên 50%) có thể phải bọc răng sứ thay vì trám răng Inlay/ Onlay
Trám răng Inlay/ Onlay giá bao nhiêu?
Ngoài quy trình, ưu điểm, hạn chế, chi phí trám răng Inlay/ Onlay cũng là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm. Thực tế, chi phí trám răng Inlay/ Onlay phụ thuộc vào chất liệu chế tác miếng trám và cơ sở thực hiện. Ngoài ra, một số cơ sở còn giảm chi phí cho những đối tượng tham gia bảo hiểm.
Chi phí trám răng Inlay/ Onlay tham khảo:
- Trám răng Inlay/ Onlay bằng composite có giá 1.5 – 2.5 triệu đồng
- Trám răng Inlay/ Onlay kim loại có giá 1.5 – 2.5 triệu đồng
- Inlay/ Onlay Titan có giá khoảng 3 – 5 triệu đồng
- Trám răng Inlay/ Onlay bằng chất liệu sứ có giá 4 – 6 triệu đồng
- Chi phí trên được áp dụng đối với 1 răng
Để được tư vấn chính xác chi phí khi trám răng Inlay/ Onlay, bạn nên liên hệ trực tiếp với phòng khám/ bệnh viện có ý định thực hiện.
Trám răng Inlay/ Onlay là một trong những kỹ thuật hàn trám răng được ưa chuộng hiện nay. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về quy trình, ưu điểm – hạn chế và chi phí của phương pháp này. Qua đó xem xét và cân nhắc lựa chọn được kỹ thuật trám răng phù hợp với nhu cầu.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Trám răng có đau không? Có chích thuốc tê không?
Răng Bị Mẻ Có Sao Không? Nguyên Nhân và Cách Khắc Phục
Trám răng rồi có bị sâu lại không? Chăm sóc thế nào?
Răng cửa bị mẻ trám có được không? Có bền không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!