Trám răng bị cộm: Nguyên nhân và cách khắc phục

Trám răng bị cộm là một trong những biến chứng, rủi ro thường gặp sau khi hàn trám. Tình trạng này có thể xảy ra do một số sai sót trong quá trình thực hiện hoặc do chăm sóc không đúng cách. Không chỉ gây ra cảm giác khó chịu, miếng trám bị cộm còn làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề nha khoa.

Trám răng bị cộm
Tình trạng cộm miếng trám là vấn đề thường gặp sau khi hàn trám răng

Các dấu hiệu nhận biết trám răng bị cộm

Trám răng (hàn răng) là phương pháp phục hình răng đơn giản, sử dụng các vật liệu như amalgam, composite, vàng, bạc, sứ, GIC,… để phục hồi lại các mô răng bị khiếm khuyết. Phương pháp này được thực hiện trong nhiều trường hợp khác nhau như sâu răng, mòn men răng, răng thưa, răng nứt, mẻ và ố màu.

Hàn trám răng là thủ thuật nha khoa đơn giản nên rất ít có trường hợp gặp phải biến chứng sau khi thực hiện. Tuy nhiên do một số sai sót trong quá trình hàn trám và chăm sóc, miếng trám có thể bị cộm gây khó khăn khi ăn uống và sinh hoạt.

Trám răng bị cộm sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Chính vì vậy, cần phát hiện sớm tình trạng này để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng. Bởi nếu để lâu dài, răng có thể bị đau nhức và ê buốt nhiều.

Các dấu hiệu nhận biết miếng trám răng bị cộm:

  • Có cảm giác cộm khi đưa lưỡi vào phần răng mới hàn trám
  • Trường hợp miếng trám bị cộm nhiều có thể gây khó khăn khi ăn nhai và nói chuyện
  • Đôi khi miếng trám có thể ma sát với niêm mạc dẫn đến tình trạng chảy máu và đau rát
  • Miếng trám chênh, cộm khiến thức ăn dễ bám dính vào gây hôi miệng và tăng tích tụ mảng bám, cao răng

Trám răng bị cộm thường do miếng trám bị chênh hoặc thừa. Để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng, bạn nên thăm khám và điều trị sớm nếu nhận thấy những triệu chứng kể trên.

>> Tham khảo thêm: Trám răng bao nhiêu tiền?

Nguyên nhân gây trám răng bị cộm

Trám răng bị cộm là tình trạng miếng trám bị thừa hoặc chênh tạo ra cảm giác cộm, khó chịu khi giao tiếp và ăn uống. Tình trạng này bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính là do tay nghề của bác sĩ và chế độ chăm sóc không hợp lý.

1. Do tay nghề của bác sĩ

Đa phần những trường hợp miếng trám bị cộm đều do sai sót của bác sĩ trong quá trình hàn trám răng.

  • Tạo hình miếng trám quá lớn là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng cộm sau khi trám răng.
  • Không mài miếng trám hoặc kỹ thuật mài không chuẩn cũng có thể khiến miếng trám chênh, lệch gây cộm, khó khăn khi ăn uống và sinh hoạt
  • Kỹ thuật hàn trám lạc hậu khiến miếng trám không bám chắc chắn vào răng thật dẫn đến tình trạng chênh, cộm.

2. Trám răng bị cộm do chăm sóc không đúng cách

Sau khi trám răng, răng chỉ bị ê buốt, đau nhức nhẹ nên hoàn toàn có thể ăn uống như bình thường. Tuy nhiên, miếng trám cần một thời gian để ổn định nên cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách, ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Nếu không chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ, miếng trám có thể bị xô lệch dẫn đến chênh, cộm và khó chịu.

Trám răng bị cộm
Chải răng quá mạnh là một trong những nguyên nhân khiến miếng trám bị xê dịch, lệch và gây ra cảm giác cộm

Trám răng bị cộm có thể bắt nguồn từ những thói quen sau:

  • Ăn uống ngay sau khi hàn trám răng, nhất là với những miếng trám lớn có thể khiến trám bị xê dịch dẫn đến chênh và cộm. Để miếng trám ổn định, bạn nên tránh ăn uống sau khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ.
  • Dùng thức ăn quá cứng, khô và dai sau khi hàn trám cũng có thể gây cộm miếng trám.
  • Chải răng quá mạnh cũng có thể là nguyên nhân làm xê dịch và cộm miếng trám. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sau khi hàn trám. Thực tế cũng cho thấy, người Việt thường có thói quen chải răng theo chiều ngang và chải mạnh tay.
  • Miếng trám dễ bị lệch, cộm do thói quen nghiến răng. Áp lực khi hai mặt nhai ma sát vào nhau sẽ khiến vật liệu bị bong, nứt mẻ và cộm. Ngoài ra, thói quen này còn là nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm và mòn men răng.

Ngoài ra, chăm sóc không hợp lý còn gây ra nhiều vấn đề khác như nứt, mẻ và làm giảm tuổi thọ của miếng trám.

Cách khắc phục tình trạng trám răng bị cộm

Trám răng bị cộm không chỉ gây khó khăn trong quá trình ăn uống, sinh hoạt mà còn tăng nguy cơ bị viêm tủy răng và sâu răng. Ngoài ra sau một thời gian, miếng trám có thể bị hở dẫn đến tình trạng ê buốt và đau nhức răng.

Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường sau khi hàn trám, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được xử lý kịp thời. Trong trường hợp nghi ngờ tình trạng này do sai sót của bác sĩ, nên lựa chọn bệnh viện uy tín để khám và điều trị, tránh quay trở lại phòng khám đã thực hiện ban đầu.

Tùy theo tình trạng cụ thể của miếng trám, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp khắc phục như sau:

1. Mài miếng trám dư + thay miếng trám

Miếng trám thừa do không được mài kỹ sau khi hàn là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng cộm, khó chịu. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị để loại bỏ phần miếng trám bị thừa và đánh bóng để giảm cảm giác cộm.

Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có hiệu quả nếu phát hiện và khắc phục sớm. Nếu để một thời gian dài, vi khuẩn, axit từ thức ăn, đồ uống và áp lực trong quá trình ăn nhai có thể phá hủy phần ngà răng bên trong. Trong trường hợp này, bác sĩ phải loại bỏ miếng trám cũ, tạo hình xoang trám và hàn trám răng lại từ đầu.

2. Can thiệp các biện pháp phục hình khác

Trong trường hợp miếng trám cộm, chênh khiến răng tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ sẽ loại bỏ miếng trám và yêu cầu thực hiện một số biện pháp phục hình khác như bọc răng sứ. Bọc răng sứ sử dụng chất liệu sứ để tạo hình mão sứ rỗng có hình dáng như thân răng.

Trám răng bị cộm
Trong trường hợp răng bị tổn thương do miếng trám chênh, cộm lâu ngày, bác sĩ sẽ chỉ định bọc răng sứ

Sau đó, mão sứ được đặt lên chân răng để bảo vệ cùi răng thật, đồng thời phục hồi hình dáng và màu sắc của răng. Ngoài hiệu quả phục hình và cải thiện khả năng ăn nhai, bọc răng sứ còn giúp kéo dài tuổi thọ của răng. Phương pháp này được khuyến khích thực hiện trong trường hợp răng hư tổn nặng, răng đã bị lấy tủy,…

3. Chăm sóc răng miệng đúng cách

Sau khi can thiệp các biện pháp khắc phục, bạn nên chăm sóc răng miệng đúng cách để hạn chế tình trạng miếng trám chênh, cộm và hở. Ngoài ra, chăm sóc hợp lý còn giúp kéo dài tuổi thọ của miếng trám và phòng ngừa các bệnh nha khoa hiệu quả.

Cách chăm sóc răng miệng sau khi hàn trám răng:

  • Nên hạn chế ăn uống sau khi hàn trám khoảng 2 giờ đồng hồ. Ăn uống quá sớm có thể làm bong, hở và cộm miếng trám.
  • Chải răng nhẹ nhàng để tránh làm tăng áp lực lên miếng trám. Ngoài ra, bạn nên học cách chải răng đúng cách để đảm bảo hiệu quả làm sạch và hạn chế tình trạng mòn men. Bên cạnh việc chải răng, nên thực hiện thêm một số biện pháp vệ sinh răng miệng như súc miệng và dùng chỉ nha khoa.
  • Dùng thức ăn mềm, lỏng và ít gia vị để làm giảm áp lực lên răng và đặc biệt là miếng trám. Đồng thời tránh dùng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng, độ bền của miếng trám.
  • Miếng trám cũng có thể bị cộm, xê dịch do thói quen nghiến răng khi ngủ. Nếu có thói quen này, bạn nên sử dụng máng chống nghiến răng để giảm áp lực lên miếng trám. Ngoài ra, nên giải tỏa căng thẳng và điều chỉnh cảm xúc để khắc phục tình trạng nghiến răng triệt để.
  • Miếng trám răng thường có xu hướng bong, hở sau một thời gian. Vì vậy, cần tập thói quen khám nha khoa định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện và điều chỉnh những vấn đề bất thường ở miếng trám.

Phòng ngừa tình trạng trám răng bị cộm

Trám răng bị cộm có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết đều có liên quan đến những nguyên nhân chủ quan như sai sót trong quá trình thực hiện, cách chăm sóc không hợp lý,… Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa tình trạng này bằng một số biện pháp đơn giản.

Trám răng bị cộm
Lựa chọn phòng khám nha khoa uy tín khi có nhu cầu trám răng để hạn chế rủi ro và biến chứng

Cách phòng ngừa tình trạng trám răng bị cộm:

  • Lựa chọn địa chỉ đáng tin cậy nếu có ý định hàn trám răng. Thực tế, phần lớn những rủi ro và biến chứng xảy ra sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa đều bắt nguồn từ kỹ thuật, tay nghề của bác sĩ.
  • Chăm sóc đúng cách sau khi trám răng theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tái khám theo lịch hẹn hoặc có thể chủ động tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường.

Trám răng bị cộm có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Phần lớn các trường hợp đều được khắc phục triệt để nếu đến bệnh viện/ phòng khám sớm. Ngược lại nếu chủ quan,  vi khuẩn có thể xâm nhập vào bên trong gây hư hại ngà và tủy răng. Vì vậy sau khi hàn trám, nên chú ý những biểu hiện bất thường và chủ động khám – điều trị trong thời gian sớm nhất.

Tham khảo thêm:

5/5 - (3 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!