Mọc răng chậm là tình trạng khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến với sự phát triển thể chất, khả năng phát âm, phản xạ nhai,… Chính vì vậy, bố mẹ nên chủ động tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
Thế nào là mọc răng chậm?
Trẻ sẽ bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên vào tháng thứ 6 – 7 và hoàn tất bộ răng sữa trong khoảng 2 – 2.5 tuổi. Đây là lịch trình mọc răng chuẩn và đôi khi trẻ có thể mọc răng sớm hoặc muộn hơn với thời gian không đáng kể. Mọc răng muộn được xác định khi trẻ chưa mọc bất cứ chiếc răng nào sau 12 tháng tuổi.
Chậm mọc răng gây ra nhiều phiền toái cho quá trình ăn uống vì trẻ không thể nhai các loại thực phẩm mà chỉ có thể uống sữa và dùng các món ăn lỏng, mềm như súp, bột, cháo. Ngoài ra, tình trạng mọc răng chậm cũng ảnh hưởng đến cấu trúc răng vĩnh viễn và để lại nhiều hậu quả lâu dài.
Theo tiêu chuẩn chung, trẻ sẽ mọc răng cửa vào tháng thứ 6 – 7, sau đó mọc đầy đủ các răng cửa bên, răng nanh, răng hàm nhỏ và răng hàm. Bộ răng sữa của trẻ sẽ tồn tại từ 1 – 6 tuổi và sẽ bước sang quá trình thay răng vĩnh viễn trong giai đoạn từ 6 – 12 tuổi. Thông thường trẻ mọc răng chậm có hiện tượng suy dinh dưỡng, chậm lớn và xanh xao. Tuy nhiên, cũng có nhiều trẻ phát triển khỏe mạnh nhưng vẫn bị mọc răng chậm.
Các nguyên nhân khiến bé mọc răng chậm
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé mọc răng chậm, bao gồm các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tìm hiểu nguyên nhân sẽ giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về tình trạng này và có biện pháp khắc phục phù hợp.
1. Do di truyền
Di truyền là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mọc răng chậm. Nếu bố mẹ và anh chị ruột trong gia đình cũng gặp phải tình trạng này, khả năng cao trẻ cũng sẽ gặp phải hiện tượng mọc răng chậm. Nguyên nhân là do gen di truyền quyết định cấu trúc, hình thái và thời điểm răng mọc. Nếu các thành viên trong gia đình đều gặp phải tình trạng này, bố mẹ không nên quá lo lắng vì trẻ hoàn toàn không gặp phải bất cứ vấn đề sức khỏe nào.
Ngoài ra, di truyền cũng là yếu tố quyết định tình trạng răng khôn có mọc hay không, răng khôn mọc lệch, mọc thẳng hay mọc ngang. Di truyền là yếu tố không thể thay đổi. Tuy nhiên, gia đình có thể nhận biết sớm tình trạng này và có biện pháp khắc phục để giúp trẻ mọc răng sớm hơn.
2. Nhiễm khuẩn khoang miệng
Nhiễm khuẩn khoang miệng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mọc răng chậm. Trong đó, tình trạng nhiễm khuẩn thường gặp nhất là viêm lợi (viêm nướu răng). Mặc dù chưa mọc răng nhưng trong khoang miệng của trẻ cũng có rất nhiều vi khuẩn. Khi bú mẹ và ăn dặm, thức ăn sẽ bám vào nướu, tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển.
Viêm lợi khiến cho cấu trúc răng bên dưới bị kích thích và thường có hiện tượng chậm mọc hơn so với bình thường. Trong trường hợp này, mẹ sẽ thấy con trẻ có hiện tượng sưng nướu, lợi đỏ, ngứa ngáy và khoang miệng có mùi hôi khó chịu.
3. Do trẻ sinh non, thiếu tháng
Ngoài di truyền và nhiễm khuẩn khoang miệng, trẻ cũng có thể gặp phải tình trạng mọc răng chậm do sinh non và sinh thiếu tháng. Khi sinh ra thiếu tháng, các cơ quan bên trong chưa phát triển hoàn chỉnh, bao gồm cả cấu trúc răng sữa bên dưới nướu. Do đó, trẻ thường có xu hướng mọc răng chậm hơn so với các trẻ khác.
Ngoài ra, răng của trẻ sinh non, sinh thiếu tháng thường yếu hơn trẻ sinh đủ ngày do thiếu vitamin và khoáng chất. Do đó với trẻ sinh thiếu tháng, gia đình cần chăm sóc đặc biệt để giúp con bắt kịp đà tăng trưởng của các trẻ đồng trang lứa.
4. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng
Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng cũng là nguyên nhân thường gặp khiến trẻ mọc răng chậm hơn bình thường. Trong đó thường gặp nhất là thiếu vitamin D, canxi, vitamin K2,… Các loại vitamin và khoáng chất này đều tham gia vào quá trình hình thành xương và răng cho trẻ. Vì vậy nếu thiếu hụt một trong những chất dinh dưỡng cần thiết, trẻ thường mọc răng chậm hơn bình thường.
Ngoài ra, tình trạng dư thừa photpho cũng là nguyên nhân khiến trẻ chậm mọc răng. Nguyên nhân là do hàm lượng photpho quá cao làm giảm hấp thu canxi và nhiều vitamin cần thiết cho quá trình tái tạo tế bào xương, răng. Bên cạnh đó, tình trạng này còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác như suy thận, tim phình to và xơ cứng mạch máu.
5. Do ảnh hưởng của một số bệnh lý
Trong một số trường hợp, mọc răng chậm có thể xảy ra do ảnh hưởng của các bệnh lý như suy dinh dưỡng, hội chứng Down và suy tuyến giáp. Các bệnh lý này khiến trẻ chậm phát triển và mọc răng muộn hơn so với bình thường. So với những nguyên nhân trên, tình trạng mọc răng chậm do ảnh hưởng của bệnh lý thường có mức độ nghiêm trọng và khó cải thiện hơn.
Mọc răng chậm và một số biến chứng
Mọc răng chậm là tình trạng đáng lưu tâm ở trẻ nhỏ. Răng sữa có chức năng ăn nhai và hỗ trợ trẻ trong việc phát âm. Do đó, tình trạng răng mọc chậm sẽ gây ra nhiều biến chứng và ảnh hưởng lâu dài. Hơn nữa, tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Các biến chứng, ảnh hưởng của tình trạng răng mọc chậm:
- Mọc răng chậm khiến cho quá trình thay răng vĩnh viễn diễn ra chậm hơn và răng vĩnh viễn có khả năng cao mọc lệch, mọc nghiêng.
- Trẻ chậm nói, phát âm không chuẩn.
- Phản xạ nhai chậm do răng sữa mọc muộn hơn bình thường.
- Đôi khi xuất hiện biến chứng “hàm răng đôi” do răng sữa và răng vĩnh viễn mọc cùng một lúc. Trường hợp này bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật và chỉnh nha để điều chỉnh lại cấu trúc của răng.
- Răng mọc chậm khiến trẻ có nguy cơ gặp phải các bệnh lý nha khoa cao hơn so với bình thường.
- Hiện tượng răng sữa mọc chậm còn là dấu hiệu cho thấy trẻ thiếu hụt vi chất dinh dưỡng và có thể mắc phải một số bệnh lý nội khoa.
Trẻ mọc răng chậm gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và quá trình phát triển. Do đó, gia đình cần chú ý đến vấn đề này để có biện pháp khắc phục kịp thời và đưa trẻ đến gặp bác sĩ trong những trường hợp cần thiết.
Cách xử lý khi trẻ mọc răng chậm bố mẹ nên biết
Mọc răng chậm là tình trạng khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Đa phần tình trạng này đều có thể được cải thiện nếu bố mẹ phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp khắc phục kịp thời. Phần lớn trẻ mọc răng sữa muộn đều do thiếu chất dinh dưỡng nên mẹ cần bổ sung cho trẻ đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết. Ngoài ra, gia đình cũng nên xem xét cho trẻ đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy trẻ ốm yếu, chậm tăng cân và xanh xao.
Khi nhận thấy trẻ mọc răng chậm, gia đình có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện như sau:
1. Cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho trẻ
Như đã đề cập, trẻ mọc răng chậm đa phần do thiếu vitamin và khoáng chất cần thiết. Vì vậy, mẹ có thể bổ sung vi chất dinh dưỡng để kích thích răng sữa mọc. Ngoài ra, bổ sung đầy đủ khoáng chất và vitamin cũng giúp trẻ phát triển toàn diện, tăng cân và phát triển chiều cao đều đặn.
Hướng dẫn mẹ cách bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ mọc răng chậm:
- Cân đối thành phần dinh dưỡng trong các bữa ăn của trẻ. Ngoài sữa mẹ, có thể cho trẻ bổ sung các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua và dùng thêm sữa công thức.
- Cung cấp khoáng chất, vitamin và các thành phần dinh dưỡng thiết yếu khác thông qua chế độ ăn lành mạnh. Khi chế biến món ăn cho bé, nên cho thêm dầu cá vào để cung cấp Omega 3 và các khoáng chất cần thiết.
- Ngoài các bữa ăn chính, mẹ nên cho trẻ dùng thêm các bữa phụ với những món ăn tốt cho sức khỏe như sinh tố, nước ép trái cây, sữa chua, bánh flan, váng sữa,…
- Cho trẻ tắm nắng để thúc đẩy quá trình tổng hợp vitamin D, qua đó củng cố độ chắc khỏe của xương khớp và thúc đẩy răng mọc nhanh chóng.
- Nếu cần thiết, có thể cho trẻ uống vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Đối với trẻ còn bú mẹ, mẹ nên đa dạng chế độ ăn để đảm bảo nguồn sữa dồi dào dinh dưỡng. Các vi chất dinh dưỡng trong sữa mẹ sẽ thúc đẩy răng, xương cứng cáp và giúp cải thiện tình trạng răng mọc chậm.
Chế độ ăn uống khoa học không chỉ giúp cải thiện tình trạng răng mọc chậm mà còn nâng cao sức khỏe thể chất của bé. Do đó, mẹ nên duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh ngay cả khi trẻ không gặp vấn đề về răng mọc chậm hay các bệnh lý thể chất khác.
2. Khuyến khích bé vận động, vui chơi
Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh nên thường có khả năng hấp thu dinh dưỡng kém. Để trẻ dung nạp tốt vitamin D, canxi và các vi chất dinh dưỡng thiết yếu khác, bố mẹ nên khuyến khích trẻ vận động và vui chơi.
Hoạt động thể chất giúp xương, răng hấp thu canxi và trở nên cứng chắc. Điều này sẽ giúp răng mọc nhanh chóng và khỏe hơn. Bên cạnh đó, trẻ vận động và vui chơi thường xuyên còn có hệ miễn dịch tốt nên ít gặp phải các bệnh truyền nhiễm như cảm, cúm, viêm họng,…
3. Cho trẻ thăm khám khi cần thiết
Nếu tình trạng răng mọc chậm không được cải thiện sau một thời gian áp dụng các biện pháp khắc phục trên, gia đình nên cho trẻ đến gặp bác sĩ. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên xem xét cho trẻ đến bệnh viện nếu nhận thấy trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng, cơ thể xanh xao, chán ăn, chậm lớn,…
Mặc dù không phổ biến nhưng nhiều trẻ mọc răng chậm do ảnh hưởng của các bệnh lý tiềm ẩn. Nếu không phát hiện sớm, các bệnh lý này sẽ khiến trẻ chậm phát triển về thể chất và phải đối mặt với nhiều biến chứng nặng nề. Hơn nữa, mọc răng sữa quá muộn cũng khiến trẻ gặp nhiều vấn đề về phản xạ nhai và phát âm.
Trẻ mọc răng chậm là tình trạng khá phổ biến và có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hy vọng qua bài viết, bố mẹ đã tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục hiệu quả. Ngoài ra, nên chủ động cho trẻ đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy trẻ ốm yếu, chậm lớn, chán ăn,…
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Danh Sách 13 Nước Súc Miệng Trẻ Em Được Khuyên Dùng
Khớp Cắn Ngược Ở Trẻ Nhỏ: Nguyên nhân và Phương pháp khắc phục
Răng bé bị sún cụt viêm tủy: Cách chăm sóc, điều trị tại nhà
Răng Bé Bị Xỉn Đen là do đâu? Có thể khắc phục được không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!