Bị viêm lợi nên uống, bổ sung vitamin gì tốt là vấn đề được nhiều người quan tâm. Thực tế, sức khỏe răng miệng bị chi phối bởi chế độ ăn uống và sinh hoạt. Việc thiếu hụt một số loại vitamin cần thiết có thể khiến mô nướu dễ tổn thương, viêm nhiễm dai dẳng và tái phát thường xuyên.
Bị viêm lợi nên bổ sung vitamin gì để cải thiện?
Viêm lợi là bệnh nha khoa thường gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành. Bệnh lý này thực chất là tình trạng viêm nhiễm mô nướu bao xung quanh răng. Khởi nguồn của viêm lợi cũng như viêm nha chu là sự tích tụ của mảng bám và cao răng do vệ sinh răng miệng kém. Vi khuẩn sẽ phát triển trong cao răng dẫn đến viêm nhiễm và tổn thương mô nướu.
Viêm lợi khiến lợi đổi màu, phù nề, dễ đau nhức và chảy máu. Nếu không điều trị sớm, vi khuẩn có thể phát triển mạnh, lây lan và gây tổn thương các cơ quan khác như dây chằng nha chu, cement và xương ổ răng. Ngoài các phương pháp điều trị, bạn nên bổ sung một số loại vitamin cần thiết để mô lợi khỏe mạnh và nhanh chóng hồi phục.
“Bị viêm lợi nên uống vitamin gì?” là thắc mắc của nhiều bạn đọc. Vitamin là nhóm hợp chất hữu cơ có trong nhiều thực phẩm giữ nhiều vai trò đối với hệ miễn dịch và các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả nướu răng.
Để nướu răng khỏe mạnh và hỗ trợ đẩy lùi bệnh viêm lợi, bạn nên bổ sung các loại vitamin sau:
1. Vitamin A
Vitamin A được biết đến với nhiều lợi ích đối với mắt như cải thiện tình trạng khô mắt, tăng cường thị lực, phòng ngừa thoái hóa điểm vàng,… Ngoài những lợi ích kể trên, loại vitamin này còn giữ nhiều chức năng quan trọng đối với sức khỏe răng miệng.
Cụ thể, vitamin A tham gia vào các mô liên kết của nướu răng giúp nướu khỏe và bám dính chặt vào chân răng. Đồng thời ổn định lượng nước bọt trong khoang miệng. Không chỉ có tác dụng làm mềm và phân giải dinh dưỡng trong thức ăn, nước bọt còn nuôi dưỡng mô nướu và tái khoáng men răng. Ổn định lượng nước bọt trong khoang miệng là yếu tố quan trọng giúp duy trì sức khỏe răng miệng và giảm nguy cơ mắc các bệnh nha khoa hiệu quả.
Vitamin A cũng là thành phần dinh dưỡng cần thiết để duy trì chức năng và tính toàn vẹn cấu trúc của các tế bào miễn dịch (bạch cầu trung tính, đại thực bào,…). Suy giảm sức đề kháng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm lợi và khiến bệnh tiến triển dai dẳng, mãn tính. Bằng cách bổ sung vitamin A, bạn có thể tăng cường hệ miễn dịch và kiểm soát bệnh viêm lợi hiệu quả.
2. Vitamin nhóm B tốt cho răng
Ngoài vitamin A, vitamin nhóm B cũng là thành phần dinh dưỡng cần thiết để duy trì sức khỏe răng miệng và hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm lợi. Các nghiên cứu cho thấy, thiếu hụt vitamin B khiến nướu trở nên nhạy cảm, dễ đau nhức và tụt lợi hở chân răng.
Bổ sung vitamin B đầy đủ có thể cải thiện sức khỏe mô nướu, giảm tình trạng viêm lợi và làm lành các vết loét ở niêm mạc miệng. Trong đó, vitamin B6 là thành phần tham gia vào quá trình miễn dịch của cơ thể. Các vitamin nhóm B khác cũng có nhiều chức năng quan trọng như thúc đẩy sự tăng trưởng của tế bào, làm lành niêm mạc tổn thương, ngăn ngừa thiếu máu,…
3. Vitamin C giúp cải thiện viêm lợi
Vitamin C là một trong những loại vitamin cần thiết cho sức khỏe răng miệng. Cụ thể, loại vitamin này tham gia vào quá trình tổng hợp collagen – một loại protein đặc biệt có vai trò liên kết các mô trong cơ thể như da và niêm mạc. Thiếu hụt vitamin C khiến mô nướu trở nên lỏng lẻo, chân răng lung lay do giảm độ bám dính với lợi.
Ngoài ra, vitamin C còn là loại vitamin cần thiết cho hệ miễn dịch. Các nghiên cứu cho thấy, vitamin C có khả năng tăng số lượng và chức năng của các tế bào miễn dịch của cơ thể như lympho B, T, bạch cầu trung tính, đại thực bào,… Tăng cường bổ sung loại vitamin này trong thời gian điều trị viêm lợi giúp nướu răng chắc khỏe và hỗ trợ đẩy lùi vi khuẩn có hại.
Bên cạnh những lợi ích đối với da, vitamin C còn mang đến nhiều công dụng khác như tăng khả năng hấp thụ sắt, cải thiện thị lực, làm chậm quá trình lão hóa, cải thiện sức khỏe làn da, mái tóc, ngăn ngừa dị ứng,… Hơn nữa, bổ sung vitamin C thường xuyên còn giúp phòng ngừa tình trạng chảy máu chân răng do bệnh scorbut.
4. Vitamin D tốt cho men răng, mô nướu
Vitamin D là loại vitamin cần thiết cho răng và mô nướu. Chính vì vậy, thành phần này được khuyến khích bổ sung trong quá trình điều trị viêm lợi và sâu răng. Vitamin D có khả năng tăng hấp thu canxi từ chế độ dinh dưỡng để tái tạo men răng và hệ thống xương. Không cung cấp đủ vitamin D có thể làm tăng đào thải canxi qua đường tiểu, dẫn đến tình trạng không có đủ canxi để tái khoáng men răng khiến răng suy yếu và dễ tổn thương.
Ngoài ra, vitamin D còn tham gia vào hoạt động đề kháng của cơ thể. Loại vitamin này có vai trò quan trọng trong quá trình sản sinh và kiểm soát cách thức hoạt động của các tế bào miễn dịch. Thiếu hụt vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh tự miễn hoặc suy giảm chức năng đề kháng – yếu tố thuận lợi để bệnh viêm lợi bùng phát và tiến triển dai dẳng.
Vitamin D có trong nhiều loại thực phẩm và ánh nắng mặt trời nên rất ít khi bị thiếu hụt. Tuy nhiên ở phụ nữ mang thai, nhu cầu vitamin D sẽ tăng lên đáng kể. Nếu không cung cấp đủ, mô lợi bao xung quanh răng sẽ trở nên suy yếu và dễ bị viêm nhiễm hơn bình thường.
5. Vitamin K
Osteocalcin là một loại protein không collagen có trong ngà răng và xương. Loại protein này được tổng hợp bởi vitamin K. Chức năng chính của osteocalcin là vận chuyển canxi đến chỗ cần thiết để tái tạo mô xương và ngà răng giúp răng chắc khỏe, ít đau nhức. Do đó, khi mắc bệnh viêm lợi và các bệnh nha khoa, bạn nên bổ sung vitamin K để tổng hợp osteocalcin nhằm cải thiện sức khỏe răng miệng.
Ngoài ra, vitamin K còn tham gia vào quá trình đông máu. Thiếu hụt loại vitamin này khiến nướu răng trở nên nhạy cảm, phù nề và dễ chảy máu chân răng khi ăn uống, đánh răng. Nếu thường xuyên bị chảy máu ở mô nướu, nên tăng cường bổ sung vitamin K vào chế độ ăn để tăng cường sức khỏe răng miệng.
Cách bổ sung vitamin khi bị viêm lợi (viêm nướu răng)
Vitamin là nhóm thành phần dinh dưỡng có trong nhiều loại thực phẩm. Vì vậy, bạn có thể bổ sung các loại vitamin tốt cho mô lợi, răng thông qua các thực phẩm lành mạnh. Tuy nhiên trong trường hợp thiếu hụt nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định dùng các viên uống tổng hợp để cung cấp vitamin cần thiết.
1. Bổ sung qua chế độ dinh dưỡng
Như đã đề cập, vitamin có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. Cách đơn giản nhất để cung cấp vitamin tốt cho răng, lợi là dùng các loại thực phẩm lành mạnh. Các loại thực phẩm này còn chứa nhiều chất xơ, protein, khoáng chất,… cần thiết cho sức khỏe.
- Vitamin A: Vitamin A có trong nhiều loại thực phẩm như các loại rau lá xanh, khoai lang, khoai tây, cà rốt, cà chua, đu đủ, bí đỏ, dứa, ớt chuông, bông cải xanh, gan động vật,…
- Vitamin B: Bổ sung vitamin B bằng cách dùng các loại thực phẩm lành mạnh như hàu, hến, đậu, tôm, thịt lợn, thịt bò, sữa, trứng, rau lá xanh, cá hồi, quả hạch,…
- Vitamin C: Vitamin C có trong nhiều loại trái cây họ cam chanh, dâu tây, lựu, quả thơm, thanh long, dâu tây,…
- Vitamin D: Bổ sung vitamin D cho răng, mô nướu thông qua các nhóm thực phẩm lành mạnh như tôm, hàu, lòng đỏ trứng, cá hồi, cá ngừ, nấm,… Ngoài ra, bạn cũng có thể cung cấp loại vitamin này cho cơ thể bằng cách tắm nắng từ 10 – 15 phút/ ngày.
- Vitamin K: Vitamin K có trong hầu hết các loại rau xanh như bông cải xanh, rau bina, cải xoăn,… Bạn cũng có thể bổ sung loại vitamin này qua một số nhóm thực phẩm khác như sữa nguyên kem, dầu đậu nành và dâu tây.
Hầu hết những loại vitamin tốt cho răng đều có trong các loại thực phẩm thường dùng. Vì vậy bên cạnh các phương pháp y tế và biện pháp vệ sinh răng miệng, bạn nên bổ sung thêm các loại thực phẩm kể trên để cải thiện sức khỏe răng miệng và hỗ trợ điều trị bệnh viêm lợi hiệu quả.
2. Dùng viên uống
Rất ít trường hợp phải sử dụng viên uống bổ sung vitamin. Tuy nhiên nếu viêm lợi tái phát thường xuyên và kéo dài mãn tính do suy giảm miễn dịch (stress quá mức, tiểu đường, nhiễm HIV, mang thai,…), bác sĩ có thể chỉ định dùng viên uống để cung cấp vitamin cần thiết cho cơ thể.
Khác với bổ sung vitamin qua chế độ ăn, cung cấp vitamin bằng cách sử dụng viên uống tiềm ẩn không ít rủi ro. Do đó, các loại viên uống bổ sung vitamin được dùng thường là vitamin C, B và D vì có ít tác dụng phụ nhất. Những loại viên uống chứa vitamin khác chỉ được sử dụng khi thật sự cần thiết.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Bị viêm lợi nên bổ sung loại vitamin gì?”. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc có thể hiểu rõ về các loại vitamin tốt cho sức khỏe răng miệng và lợi ích cụ thể của các loại vitamin này. Bên cạnh bổ sung vitamin, bạn cũng cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng để điều trị bệnh triệt để.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm Lợi Mãn Tính Có Nguy Hiểm Không? Điều Trị Thế Nào?
Sưng Nướu Răng Và Nổi Hạch Là Bệnh Gì? Cách Chữa Trị
Bị viêm lợi mãi không khỏi nên làm gì?
Viêm lợi có tự khỏi không? Bao lâu thì khỏi?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!