Ăn uống hợp lý có thể giảm đau nhức, sưng viêm và đẩy nhanh tốc độ phục hồi của mô nướu bị tổn thương. Để xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp trong thời gian điều trị, bạn đọc nên tham khảo thông tin hữu ích về vấn đề “Bị viêm lợi nên ăn gì và kiêng gì?” trong bài viết sau.
Bị viêm lợi nên ăn gì để hỗ trợ quá trình điều trị?
Viêm lợi (viêm nướu răng) là bệnh nha khoa phổ biến ở cả trẻ em và người trưởng thành. Lợi là mô mềm bao xung quanh răng với chức năng chính là cố định chân răng trên cung hàm, bảo vệ răng, giúp răng dễ dàng khi ăn uống và giao tiếp. Khi vệ sinh răng miệng không kỹ, vôi răng có thể tích tụ ở thân răng gây kích ứng và sưng viêm mô nướu.
Viêm nướu răng là bệnh nha khoa có mức độ nhẹ và thuyên giảm nhanh nếu được chăm sóc, điều trị đúng cách. Tuy nhiên nếu chủ quan, vi khuẩn có thể phát triển mạnh gây tổn thương các cơ quan bao xung quanh răng như xương ổ răng, dây chằng nha chu, cement,… dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề.
Bên cạnh các phương pháp điều trị, bạn cũng nên xây dựng chế độ ăn uống hợp lý để giảm mức độ phù nề, sưng viêm và đau nhức. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng khoa học còn giúp tăng cường sức khỏe răng miệng và giảm nguy cơ mắc các bệnh nha khoa khác.
Khi bị viêm lợi, bạn nên tăng cường bổ sung các món ăn, thực phẩm sau:
1. Thức ăn mềm, lỏng và ít gia vị
Viêm lợi răng thường chỉ gây đau nhẹ, sưng và phù nề nướu. Tuy nhiên nếu bị viêm lợi trùm do mọc răng khôn, răng có thể bị đau nhức nhiều. Để giảm nhẹ các triệu chứng này, bạn nên sử dụng thức ăn lỏng, mềm và ít gia vị. Các món ăn lỏng thường dễ nhai nuốt, không làm tăng áp lực lên răng và hầu như không gây kích ứng, tổn thương mô nướu bao xung quanh.
Để nướu răng có điều kiện phục hồi hoàn toàn, nên dùng các món ăn này trong khoảng 5 – 7 ngày. Nếu sử dụng thức ăn cứng, khô và nhiều gia vị cay nóng, mô nướu sẽ bị kích thích liên tục dẫn đến tình trạng sưng viêm, phù nề nặng. Ngoài ra, dùng các món ăn này cũng khiến mức độ cơn đau tăng lên gây mệt mỏi và ăn uống kém.
Các món ăn thích hợp khi bị viêm lợi gồm có canh, cháo, súp, miến, phở,… Khi chế biến, bạn nên giảm lượng muối, đường và các loại gia vị cay nóng để hạn chế mức độ kích thích lên mô lợi bị tổn thương.
2. Tăng cường rau xanh, trái cây
Rau xanh, trái cây là nhóm thực phẩm lành mạnh mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe tổng thể. Nhóm thực phẩm này được biết đến với nhiều tác dụng đối với hệ tiêu hóa như ngăn ngừa táo bón, tăng cường quá trình trao đổi chất, giảm đau dạ dày,… Ngoài ra, chất xơ và các thành phần dinh dưỡng trong rau xanh, trái cây còn giúp tăng cường sức khỏe răng miệng.
Các nghiên cứu cho thấy, chất xơ có khả năng làm sạch và ngăn ngừa hình thành mảng bám. Đồng thời điều hòa hệ vi sinh đường khoang miệng và trung hòa axit do vi khuẩn bài tiết. Với hàm lượng nước dồi dào, rau xanh, trái cây còn giúp làm dịu hiện tượng sưng viêm và phù nề ở mô nướu. Qua đó làm giảm mức độ đau nhức, cải thiện tình trạng chảy máu,…
Trái cây, rau xanh còn chứa hàm lượng dinh dưỡng đa dạng và dồi dào. Các thành phần dinh dưỡng trong nhóm thực phẩm này có khả năng nâng cao sức đề kháng và tăng cường sức khỏe. Từ đó giúp kiểm soát hại khuẩn trong khoang miệng và rút ngắn thời gian điều trị viêm lợi. Hơn nữa, vị ngọt, chua tự nhiên trong hoa quả còn kích thích tiết nước bọt – yếu tố quan trọng đối với sức khỏe răng miệng và góp phần đẩy nhanh tốc độ hồi phục của các bệnh nha khoa.
Tuy nhiên nếu đang bị viêm lợi răng, bạn nên hạn chế dùng trái cây chứa quá nhiều axit, trái cây cứng, khô và các loại quả có tính nóng như sầu riêng, mít,… Sử dụng các loại quả này có thể gây kích ứng và phù nề viêm nướu. Đồng thời còn tăng nguy cơ bị nhiệt miệng và đau nhức răng.
3. Bổ sung thực phẩm giàu khoáng chất
Khoáng chất là thành phần dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tái khoáng men răng và bảo vệ sức khỏe mô nướu. Vì vậy khi bị viêm lợi, sâu răng, viêm nha chu,… bạn nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất khoáng để cải thiện sức khỏe của răng và tăng độ bám dính của mô nướu.
Các nghiên cứu cho thấy, bổ sung khoáng chất thiết yếu như canxi, phốt pho, fluor, magie, sắt, natri, kali,… giúp răng miệng chắc khỏe, mô nướu giảm sưng viêm và nhanh hồi phục hơn so với bình thường. Hơn nữa, răng được bổ sung đầy đủ khoáng chất sẽ ít gặp phải các vấn đề như sâu răng, viêm nha chu, viêm tủy răng và có tuổi thọ kéo dài.
Vì vậy trong thời gian bị viêm lợi, bạn nên tăng cường bổ sung khoáng chất bằng cách dùng nước khoáng, cá, hải sản, trứng, sữa, các loại đậu, rau xanh đậm, củ,… Bên cạnh những lợi ích đối với sức khỏe răng miệng, chất khoáng còn giúp cải thiện thể trạng và nâng cao hệ miễn dịch. Như đã biết, suy giảm sức đề kháng là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa.
4. Sữa chua – Thực phẩm tốt cho người bị viêm lợi
Sữa chua là một trong những loại thực phẩm tốt cho người mắc các bệnh nha khoa như viêm lợi, viêm nha chu, sâu răng, viêm tủy răng,… Thực phẩm này cung cấp cho cơ thể hàm lượng khoáng chất dồi dào như kẽm, canxi, phốt pho cùng với vitamin D và vitamin nhóm B. Các thành phần dinh dưỡng trong sữa chua góp phần không nhỏ giúp nâng cao thể trạng và cải thiện sức khỏe răng miệng.
Ngoài ra, lợi khuẩn trong sữa chua phần nào có thể đẩy lùi và ngăn chặn sự phát triển quá mức của hại khuẩn. Đồng thời giảm lượng độc tố do vi khuẩn bài tiết, qua đó cải thiện tình trạng sưng nướu và hôi miệng dai dẳng. Hơn nữa, sữa chua là thực phẩm có kết cầu mềm, mát nên có thể làm dịu hiện tượng phù nề ở mô nướu bị tổn thương.
5. Dùng thực phẩm có đặc tính kháng khuẩn
Ngoài giá trị dinh dưỡng, một số loại thực phẩm còn có đặc tính tiêu viêm và kháng khuẩn tự nhiên. Sử dụng các loại thực phẩm này trong thời gian điều trị viêm nướu răng có thể cải thiện mức độ phù nề, sưng viêm và giảm cơn đau đáng kể.
Các thực phẩm có đặc tính kháng khuẩn tốt cho người bị viêm nướu răng bao gồm:
- Mật ong: Mật ong là thực phẩm giàu dinh dưỡng với vô số khoáng chất và vitamin cần thiết. Ngoài ra, mật ong còn chứa defensin-1 (một loại protid có khả năng miễn dịch). Bổ sung mật ong vào chế độ ăn hằng ngày thay cho đường có thể ngăn ngừa hình thành mảng bám và hỗ trợ hoạt động ức chế vi khuẩn của hệ miễn dịch. Hơn nữa, hydrogen peroxide trong thực phẩm này cũng đã được chứng minh có tác dụng sát trùng, tiêu viêm và giảm phù nề hiệu quả.
- Nha đam: Nha đam không chỉ là loại thực phẩm đơn thuần mà còn được tận dụng để chăm sóc da, tóc, móng và cải thiện chứng táo bón. Bên cạnh đó, loại thực phẩm này cũng góp phần không nhỏ vào việc kiểm soát các bệnh lý nha khoa. Các nghiên cứu cho thấy, Emodin và Aloin trong nha đam có tác dụng giảm viêm, chống virus, vi khuẩn và làm dịu da, mô nướu bị phù nề. Nha đam còn chứa các enzyme tự nhiên có thể tăng tốc độ phục hồi, tái tạo mô nướu và ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn.
- Gừng tươi: Gừng tươi là loại gia vị quen thuộc được sử dụng để chế biến món ăn và thức uống. Ngoài tác dụng tăng hương vị, gừng còn giúp giảm tình trạng hôi miệng, kháng viêm và chống khuẩn tốt. Các hiệu quả này của gừng đã được chứng minh trên cơ sở khoa học. Vì vậy, bạn có thể dùng trà gừng hoặc thêm gừng vào các món ăn hằng ngày để hỗ trợ điều trị bệnh viêm lợi.
- Các thực phẩm khác: Bạn cũng có thể cải thiện tình trạng viêm nướu răng bằng một số loại thực phẩm có đặc tính kháng khuẩn, tiêu viêm khác như tỏi (tránh dùng quá nhiều vì có thể gây hôi miệng), hạt thìa là, bạc hà, cỏ xạ hương, hương thảo, củ nghệ,…
Bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh kể trên có thể giảm mức độ phù nề và sưng viêm do viêm nướu răng gây ra. Ngoài ra, các loại thực phẩm này cũng góp phần nâng cao sức khỏe và tăng cường chức năng miễn dịch.
Người bị viêm lợi nên kiêng ăn gì?
Mô nướu có thể bị kích thích, sưng viêm và chậm phục hồi nếu sử dụng các loại thực phẩm, thức uống không phù hợp. Chính vì vậy bên cạnh việc bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh kể trên, bạn cũng nên hạn chế các món ăn, đồ uống sau:
1. Món ăn cứng, khô và nhiều gia vị
Như đã đề cập, sử dụng các món ăn chứa nhiều gia vị (muối, ớt, mù tạt, tiêu,…), thực phẩm khô cứng và dai như gân bò, khô mực, khô cá, trái cây sấy, các loại hạt, đậu rang khô,… đều gây kích thích lên mô nướu và răng bị tổn thương. Các món ăn này có thể làm tăng mức độ đau nhức và khiến bệnh viêm nướu răng chậm phục hồi hơn.
Ngoài ra, gia vị cay nóng còn làm chậm tốc độ phục hồi các vùng niêm mạc bị tổn thương, gây nổi nhiệt miệng, áp tơ,… Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, các món ăn này còn tác động tiêu cực đến hoạt động của ống tiêu hóa và chức năng gan – mật.
2. Thực phẩm, thức uống chứa nhiều đường
Thực phẩm, thức uống chứa nhiều đường là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nha khoa. Nếu bị viêm nướu răng, bạn nên hạn chế đường trong chế độ ăn để kiểm soát vi khuẩn và giúp mô nướu được phục hồi hoàn toàn. Khi dung nạp đường, vi khuẩn sẽ phát triển quá mức gây bài tiết axit. Axit từ vi khuẩn có thể hòa tan các mô cứng của răng gây sâu răng và kích thích mô nướu dẫn đến viêm nướu hay nặng hơn là viêm nha chu.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, đường là thức ăn ưa thích của vi khuẩn trong khoang miệng – đặc biệt là Streptococcus mutans và Streptococcus sobrinus. Vì vậy, chế độ ăn chứa nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa và tạo điều kiện để viêm nướu răng tiến triển nặng, gây ra nhiều ảnh hưởng và biến chứng.
Trong thời gian điều trị viêm lợi, bạn nên hạn chế dùng nước ngọt có gas, nước ép trái cây đóng gói, bánh kẹo, socola, sữa đặc,… để kiểm soát vi khuẩn trong khoang miệng. Ngay cả khi không mắc các bệnh lý nha khoa, bạn vẫn nên tránh sử dụng đường để bảo vệ sức khỏe răng miệng và phòng ngừa bệnh đái tháo đường.
3. Đồ uồng chứa cồn
Đồ uống chứa cồn (rượu bia) là thức uống yêu thích của nhiều người. Hầu hết các loại thức uống này đều chứa axit có thể gây mòn men răng và kích thích mô nướu. Với người đang bị viêm lợi, cồn trong rượu bia có thể làm tăng mức độ phù nề và đau nhức. Đồng thời gây gián đoạn quá trình tái khoáng men răng và phục hồi của mô nướu.
Sử dụng đồ uống chứa cồn thường xuyên còn làm giảm sản sinh nước bọt gây ra chứng khô miệng, hôi miệng và tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa như sâu răng, viêm nha chu, viêm lợi, viêm tủy răng, áp xe chân răng,… Hơn nữa, các thành phần tạo màu trong rượu bia còn gây ố màu men răng dẫn đến tâm lý kém tự tin và e ngại trong quá trình giao tiếp.
4. Thức ăn quá nóng và quá lạnh
Thức ăn quá nóng và quá lạnh đều có thể kích thích lên mô nướu bị viêm nhiễm khiến mức độ sưng viêm và đau nhức tăng lên đáng kể. Do đó khi bị viêm lợi, bạn nên tránh dùng kem, thức uống chứa đá lạnh, món ăn quá nóng,… Thay vào đó, nên dùng món ăn và thức uống có nhiệt độ vừa phải để giảm kích thích lên nướu răng bị tổn thương.
Không chỉ gây tổn thương nướu, thức ăn quá nóng và quá lạnh còn mài mòn men răng khiến răng trở nên nhạy cảm và ê buốt. Thói quen này còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa như sâu răng, viêm tủy răng,… Vì vậy ngay cả khi không bị viêm lợi, bạn cũng nên tránh dùng món ăn quá nóng và quá lạnh.
5. Thực phẩm có thể kích thích phản ứng viêm
Trên thực tế, một số loại thực phẩm có thể làm nghiêm trọng phản ứng viêm ở mô nướu và một số cơ quan khác trong cơ thể. Để nướu răng được hồi phục trong thời gian ngắn, bạn nên hạn chế các loại thực phẩm sau:
- Các món ăn từ gạo nếp: Gạo nếp là nhóm thực phẩm có tính nóng nên nếu ăn nhiều có thể làm tăng mức độ viêm ở các cơ quan bị tổn thương. Hơn nữa, loại thực phẩm có này có kết cấu dẻo, dính nên khó làm sạch và dễ hình thành mảng bám ở các kẽ.
- Chất béo chuyển hóa: Tránh sử dụng các loại thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa như thức ăn nhanh, bơ thực vật,… trong thời gian bị viêm lợi. Bởi các loại thực phẩm này có thể kích thích phản ứng viêm ở mô nướu và khiến cơ quan này chậm hồi phục hơn bình thường.
- Carbohydrate tinh chế: Carbohydrate là thức ăn ưa thích của vi khuẩn có hại trong khoang miệng. Đây là chất nền trong chế độ dinh dưỡng của cơ thể nên không thể kiêng cữ hoàn toàn. Tuy nhiên để giảm mức độ viêm ở mô nướu, bạn nên hạn chế dùng các loại thực phẩm chứa carbohydrate tinh chế như bột mì, bánh mì trắng,…
- Các loại thịt chế biến sẵn: Các loại thịt chế biến sẵn như khô bò, jambon, xúc xích,… không chỉ gây tăng cân, rối loạn mỡ máu mà còn làm tăng mức độ viêm ở mô nướu và các cơ quan tổn thương. Nguyên nhân là trong các loại thực phẩm này chứa glycat hóa bền vững có thể kích thích sản sinh các chất trung gian gây viêm.
Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị các bệnh nha khoa nói chung và viêm lợi nói riêng. Hy vọng qua những thông tin giải đáp “Bị viêm lợi nên ăn gì, kiêng gì tốt nhất?”, bạn đọc có thể xây dựng được chế độ ăn phù hợp để kiểm soát nhanh các triệu chứng đau nhức, sưng mô nướu, đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Viêm nướu triển dưỡng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm Lợi Trùm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm Lợi Trùm Răng Cửa: Dấu Hiệu Và Cách Chữa Dứt Điểm
10 Nước Súc Miệng Trị Viêm Nướu (Lợi) Tốt Nhất Hiện Nay
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!