Viêm lợi khi đang niềng răng: Nguyên nhân và cách chữa trị

Viêm lợi là bệnh nha khoa thường gặp khi đang niềng răng. Nguyên nhân gây ra bệnh lý này là do vệ sinh răng miệng kém khiến mảng bám, cao răng tích tụ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Nếu không kiểm soát triệt để, viêm lợi có thể làm tổn thương răng và mô nha chu, gây gián đoạn và ảnh hưởng đến hiệu quả niềng răng.

bị viêm lợi khi niềng răng
Viêm lợi (viêm nướu) là vấn đề nha khoa thường gặp trong quá trình niềng răng

Viêm lợi khi niềng răng – Dấu hiệu nhận biết

Niềng răng là phương pháp chỉnh nha sử dụng hệ thống mắc cài để điều chỉnh răng về vị trí mong muốn. Phương pháp này được thực hiện để khắc phục tình trạng răng hô, móm, vẩu, răng mọc lệch, chen chúc, răng thưa, sai khớp cắn,… Hiện nay, niềng răng trở nên phổ biến và được ưa chuộng nhờ mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, phương pháp này có thể làm tăng nguy cơ gặp phải một số vấn đề răng miệng – chẳng hạn như viêm lợi (viêm nướu răng).

Viêm lợi là tình trạng mô lợi (mô mềm bao xung quanh răng) bị sưng viêm, phù nề, đau nhức do vi khuẩn xâm nhập. Thông thường, vi khuẩn chỉ tồn tại với một số lượng hạn chế nhưng nếu có mảng bám và cao răng, số lượng vi khuẩn sẽ tăng lên đáng kể khiến mô nướu bị viêm nhiễm và phù nề.

Viêm lợi khi đang niềng răng là tình trạng khá phổ biến. Nếu chăm sóc và điều trị tốt, bệnh có thể được kiểm soát sau khoảng vài tuần. Tuy nhiên, viêm lợi cũng có thể tiến triển nặng gây ra nhiều vấn đề nha khoa nặng khiến quá trình niềng răng bị trì hoãn, gián đoạn. Để hạn chế tình trạng này, bạn cần phải phát hiện và điều trị sớm chứng bệnh này.

bị viêm lợi khi niềng răng
Viêm lợi khi niềng răng có một số biểu hiện như mô lợi sưng viêm, dễ chảy máu, đau nhức, hôi miệng,…

Các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm lợi khi đang niềng răng:

  • Mô lợi xung quanh có màu đỏ hoặc hồng sẫm kèm theo hiện tượng sưng viêm, phù nề
  • Nướu trở nên nhạy cảm và dễ chảy máu, đặc biệt là khi đánh răng và dùng các loại thực phẩm khô, cứng, chứa nhiều gia vị
  • Nhận thấy răng lung lay nhẹ do khả năng bám dính của mô nướu và răng giảm đi đáng kể
  • Răng nhạy cảm, dễ đau nhức khi ăn uống
  • Hơi thở có mùi hôi

Viêm lợi là bệnh nha khoa có mức độ nhẹ nên triệu chứng khá mờ nhạt. Nếu không chú ý, bạn có thể bỏ qua các dấu hiệu của bệnh khiến hiện tượng viêm nhiễm mô nướu chuyển biến nặng, lợi sưng đỏ, chảy máu và đau nhức nhiều. Vì vậy trong thời gian niềng răng, cần chú ý các biểu hiện của răng và nướu để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý nha khoa.

Nguyên nhân gây viêm lợi khi đang niềng răng

Viêm lợi thường bắt nguồn từ mảng bám và cao răng tích tụ trong thời gian dài. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm, tổn thương mô nướu bao xung quanh răng. Khi đang niềng răng, nguy cơ mắc bệnh lý này sẽ tăng lên đáng kể vì những yếu tố, nguyên nhân sau:

1. Mắc cài khiến thức ăn dễ dàng bám dính

Hệ thống mắc cài được sử dụng để dịch chuyển răng về vị trí mong muốn, khắc phục tình trạng răng chen chúc, lệch lạc, răng hô, móm,… Mắc cài được gắn trực tiếp lên mặt trong hoặc mặt ngoài của răng bằng loại keo chuyên dụng. Tuy nhiên khi gắn mắc cài lên răng, thức ăn sẽ dễ dàng bám dính tạo thành mảng bám và cao răng.

bị viêm lợi khi niềng răng
Hệ thống mắc cài được sử dụng trong quá trình niềng răng khiến thức ăn dễ bám dính và hình thành mảng bám, cao răng

Mắc cài cũng khiến cho quá trình làm sạch răng miệng diễn ra khó khăn hơn bình thường. Do đó, mảng bám có thể tích tụ lâu ngày khiến cao răng hình thành, vi khuẩn phát triển mạnh dẫn đến viêm lợi và nhiều vấn đề nha khoa khác. Thực tế cho thấy, viêm lợi ảnh hưởng nhiều đến người niềng răng bằng mắc cài truyền thống, ít gặp ở trường hợp niềng răng bằng máng trong suốt Invisalign (máng đeo có thể tháo gỡ khi ăn uống và vệ sinh răng miệng).

2. Vệ sinh răng miệng kém

Hệ thống mắc cài gây cản trở quá trình vệ sinh răng miệng nên thức ăn dễ dàng bám dính và hình thành mảng bám. Chính vì vậy khi thực hiện phương pháp này, bạn cần vệ sinh răng miệng bằng các dụng cụ chuyên dụng (bàn chải, chỉ nha khoa cho người niềng răng).

Nếu vệ sinh răng miệng kém, vi khuẩn sẽ dễ dàng phát triển trong các mảng bám tạo thành vôi răng (cao răng). Theo thời gian, vôi răng tích tụ dần ở chân răng gây tổn thương và chảy máu mô nướu. Nếu không được điều trị sớm, vi khuẩn trong mô nướu có thể bùng phát mạnh gây tổn thương các cấu trúc bao xung quanh răng như xương ổ răng, dây chằng nha chu và cement.

Ngoài bệnh viêm lợi, thói quen vệ sinh kém còn gia tăng nguy cơ gặp phải các bệnh nha khoa thường gặp khác như sâu răng, viêm nha chu, viêm tủy răng, áp xe chân răng,…

3. Thiếu hụt dinh dưỡng

Khi niềng răng, răng ít nhiều sẽ bị đau nhức và khó khăn khi ăn uống. Trong giai đoạn đầu, rất nhiều người gặp phải tình trạng chán ăn, ăn uống kém do ảnh hưởng của phương pháp niềng răng – chỉnh nha. Tình trạng này không chỉ tác động đến sức khỏe mà còn làm suy giảm sức khỏe răng miệng và tăng nguy cơ bị viêm lợi, sâu răng,…

Hơn nữa khi niềng răng, hệ thống mắc cài sẽ tạo ra lực nhất định để dịch chuyển răng về vị trí mong muốn. Điều này khiến cho độ liên kết giữa răng và nướu bị ảnh hưởng, tạo điều kiện để thức ăn lọt vào hình thành mảng bám và cao răng. Ăn uống không điều độ khiến hệ miễn dịch suy giảm sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh gây ra nhiều vấn đề răng miệng trong thời gian niềng răng.

4. Các nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân kể trên, bệnh viêm lợi khi đang niềng răng cũng có thể xảy ra do các yếu tố như:

bị viêm lợi khi niềng răng
Nguy cơ bị viêm lợi khi niềng răng có thể tăng lên đáng kể nếu có thói quen hút thuốc lá
  • Sử dụng các loại thuốc gây khô miệng trong thời gian niềng răng
  • Uống ít nước gây giảm tiết nước bọt, tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển mạnh gây viêm nhiễm mô nướu và các tổ chức bao quanh răng
  • Thường xuyên sử dụng thức ăn chứa nhiều đường, axit, đồ uống chứa cồn
  • Hút thuốc lá thường xuyên
  • Stress, căng thẳng kéo dài cũng khiến hệ miễn dịch suy giảm dẫn đến tăng nguy cơ bị viêm lợi trong quá trình niềng răng

Viêm lợi khi đang niềng răng có nguy hiểm không?

Viêm lợi là bệnh nha khoa phổ biến và thường có mức độ không quá nghiêm trọng. Bệnh lý này có thể cải thiện nhanh chóng ngay khi áp dụng các biện pháp chăm sóc và điều trị. Trên thực tế, bệnh viêm lợi thuyên giảm nhanh chỉ sau khoảng 2 – 3 tuần.

Tuy nhiên nếu chủ quan, vi khuẩn bên trong mô nướu có thể đi sâu vào các tổ chức nâng đỡ răng như dây chằng nha chu, xương ổ răng và cement dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề. Nếu không được điều trị sớm, viêm lợi khi đang niềng răng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng, biến chứng như:

bị viêm lợi khi niềng răng
Viêm lợi khi niềng răng kéo dài có thể gây ra tình trạng hơi thở có mùi
  • Viêm lợi không được thăm khám và chữa trị sớm có thể tiến triển thành viêm nha chu – bệnh nha khoa có mức độ nặng có thể gây áp xe răng, viêm tủy răng và thậm chí là mất răng vĩnh viễn
  • Viêm lợi khi đang niềng răng khiến tổ chức nâng đỡ răng suy yếu, răng lung lay và dễ bị tổn thương dưới lực kéo của hệ thống mắc cài. Để hạn chế nguy cơ răng lung lay và gãy, rụng, bác sĩ sẽ có thể phải ngưng niềng răng khiến quá trình niềng bị gián đoạn và kéo dài.
  • Viêm lợi còn khiến hơi thở có mùi gây ra không ít phiền toái trong quá trình sinh hoạt và làm việc

Có thể thấy, bệnh viêm lợi khi đang niềng răng gây ra nhiều ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe răng miệng. Chính vì vậy nếu nghi ngờ mắc bệnh lý này, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt trong thời gian sớm nhất.

Cách chữa trị bệnh viêm lợi khi đang niềng răng

Để quá trình niềng răng diễn ra thuận lợi, bạn nên can thiệp các phương pháp điều trị viêm lợi ngay trong giai đoạn mới phát. Nếu chủ quan, bệnh có thể tiến triển nặng dẫn đến viêm nha chu, viêm tủy răng, áp xe răng và gây gián đoạn quá trình niềng răng – chỉnh nha.

Viêm lợi là bệnh nha khoa có mức độ nhẹ và dễ dàng kiểm soát thông qua một số biện pháp sau:

1. Lấy cao răng định kỳ

Cao răng có kết cấu cứng, bám chặt vào răng nên không thể làm sạch bằng cách chải răng như mảng bám. Do đó, bạn nên đến nha khoa để được lấy cao răng định kỳ. Khi cao răng được làm sạch, số lượng vi khuẩn trong mô nướu sẽ giảm đi đáng kể, từ đó tạo điều kiện để mô nướu hồi phục hoàn toàn.

bị viêm lợi khi niềng răng
Lấy cao răng giúp cải thiện tình trạng viêm lợi khi đang niềng răng

Đối với những trường hợp viêm lợi nhẹ, tình trạng có thể được cải thiện ngay sau khi lấy cao răng. Ngoài ra để phòng ngừa viêm lợi tái phát và ngăn ngừa các bệnh nha khoa khác, bạn cũng nên lấy cao răng định kỳ 3 – 6 tháng/ lần. Trong thời gian niềng răng, nên lấy cao răng 3 tháng/ lần vì hệ thống mắc cài khiến mảng bám tích tụ nhiều nên số lượng cao răng cũng tăng lên đáng kể.

2. Sử dụng một số loại thuốc

Sau khi lấy cao răng, bạn nên sử dụng thêm một số loại thuốc để kiểm soát hoàn toàn hiện tượng viêm nhiễm ở mô nướu. Các loại thuốc được sử dụng trong trường hợp này chủ yếu là thuốc dùng tại chỗ.

Các loại thuốc điều trị viêm lợi khi đang niềng răng bao gồm:

  • Dung dịch súc miệng sát khuẩn: Bác sĩ sẽ chỉ định dùng các dung dịch súc miệng sát khuẩn như Chlorhexidine, Hexetidine,… để làm sạch vi khuẩn và ngăn ngừa hình thành mảng bám. Các dung dịch súc miệng sát khuẩn thường được sử dụng với tần suất 2 lần/ ngày. Khi niềng răng, bạn nên dùng các sản phẩm này định kỳ 2 – 3 tháng/ lần để phòng ngừa các bệnh nha khoa.
  • Gel bôi kháng sinh: Nếu mô nướu bị viêm nhiễm nặng gây phù nề và đau nhức, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc kháng sinh dạng bôi để tiêu diệt vi khuẩn. Trong trường hợp đau nhiều, bạn có thể dùng các chế phẩm chứa kháng sinh + chất gây tê để giảm đau nhức. Loại thuốc này thường được dùng trong 5 – 7 ngày để đạt được hiệu quả tốt.

Sử dụng thuốc có thể kiểm soát nhanh các triệu chứng của bệnh viêm lợi khi niềng răng. Tuy nhiên để điều trị bệnh lý này hoàn toàn, bạn bắt buộc phải lấy cao răng và vệ sinh răng miệng đúng cách.

3. Vệ sinh răng miệng đúng cách

Vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp hiệu quả trong điều trị viêm lợi và các bệnh lý nha khoa khác. Khi niềng răng, hệ thống mắc cài sẽ cản trở quá trình làm sạch răng miệng. Do đó, bạn nên thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng để đảm bảo mảng bám và thức ăn thừa được làm sạch hoàn toàn.

bị viêm lợi khi niềng răng
Vệ sinh răng miệng đúng cách giúp cải thiện và phòng ngừa bệnh viêm lợi khi niềng răng hiệu quả

Cách vệ sinh răng miệng giúp khắc phục tình trạng viêm lợi khi đang niềng răng:

  • Sử dụng bàn chải có lông mềm mảnh để làm sạch răng miệng sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Khi đeo mắc cài, nên chải răng nhẹ nhàng và kỹ để loại bỏ mảng bám, thức ăn thừa và tránh tình trạng bung súc dây cung.
  • Để tăng hiệu quả làm sạch, nên sử dụng bàn chải kẽ răng. Bàn chải này được dùng cho người đeo mắc cài để có thể dễ dàng kẽ răng, dây chằng và mắc cài. Sử dụng bàn chải kẽ răng có thể làm sạch hoàn toàn thức ăn thừa và ngăn ngừa hình thành mảng bám hiệu quả.
  • Sử dụng chỉ nha khoa dành cho người niềng răng để loại bỏ thức ăn thừa và mảng bám giữa các kẽ. Nên sử dụng ngay sau các bữa ăn để ngăn ngừa hình thành mảng bám và phòng ngừa các bệnh nha khoa như viêm lợi, sâu răng,…
  • Tăng cường sức khỏe răng miệng bằng cách sử dụng nước súc miệng và kem đánh răng chứa fluor. Khoáng chất này có hiệu quả tái tạo men răng, tăng độ cứng của răng và giúp quá trình niềng răng diễn ra thuận lợi hơn.

Phòng ngừa viêm lợi khi đang niềng răng bằng cách nào?

Viêm lợi khi niềng răng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng và có thể làm gián đoạn, trì hoãn quá trình niềng. Do đó, bạn nên phòng ngừa bệnh lý này để quá trình niềng răng diễn ra thuận lợi và đạt được kết quả như mong đợi.

Các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh viêm lợi khi niềng răng:

  • Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng là cách phòng ngừa viêm lợi khi đang niềng răng hiệu quả nhất.
  • Khám răng định kỳ và lấy cao răng thường xuyên để ngăn ngừa sâu răng, viêm lợi và các bệnh nha khoa thường gặp khác.
  • Khi niềng răng bằng mắc cài, nên tránh dùng các loại thức ăn dễ bám dính như xôi, chè, caramen, socola, bánh bông lan,… Các loại thức ăn này dễ bám dính vào mắc cài dẫn đến hình thành mảng bám và tăng nguy cơ bị viêm lợi.
  • Hạn chế các loại thực phẩm, thức uống có thể gây khô miệng và làm mất cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng như nước ngọt có gas, đồ uống chứa cồn, thức ăn chứa nhiều đường,…
  • Không hút thuốc lá, tránh nghiến răng khi ngủ,…
  • Có thể cân nhắc niềng răng bằng máng trong suốt để giảm nguy cơ bị viêm lợi như khi niềng răng bằng hệ thống mắc cài.
  • Ăn uống điều độ và sinh hoạt khoa học để nâng cao sức khỏe và hệ miễn dịch. Bởi sức đề kháng suy giảm là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa mà nhiều người không ngờ đến.

Viêm lợi khi đang niềng răng là tình trạng khá phổ biến. Tình trạng này thường có mức độ nhẹ và dễ dàng thuyên giảm sau khi chăm sóc, điều trị đúng cách. Tuy nhiên nếu chủ quan, các cơ quan bao xung quanh răng có thể bị tổn thương khiến răng lỏng lẻo, lung lay và tác động không nhỏ đến kết quả sau khi niềng.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!