Bị sâu răng nên bọc sứ hay trám răng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Được biết, việc chỉ định trám hay bọc mão sứ phục thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh, mức độ tổn thương răng và mong muốn của từng bệnh nhân.
Bị sâu răng nên bọc răng sứ hay trám?
Sâu răng là bệnh nhiễm khuẩn của răng gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus mutans và một số hại khuẩn thường trú khác trong khoang miệng. Bệnh lý này có thể gặp ở trẻ em và người lớn, xảy ra ở cả hệ răng sữa và răng vĩnh viễn.
Cơ chế gây bệnh sâu răng là do sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong mảng bám và vôi răng. Các sản phẩm axit từ vi khuẩn chính là yếu tố trực tiếp làm hòa tan các mô cứng của men răng và ngà răng. Quá trình này diễn ra chậm và không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết ở giai đoạn đầu.
Nếu không có các biện pháp điều trị kịp thời, vi khuẩn sẽ tiếp tục phá hủy mô cứng ở ngà răng và xâm nhập vào khoang tủy. Sâu răng không được điều trị có thể gây viêm tủy răng, hoại tử tủy (chết tủy), áp xe quanh chóp răng, viêm mô liên kết, viêm xoang và một số biến chứng xa như viêm nội tâm mạc, viêm khớp, viêm cầu thận,…
Có thể thấy, sâu răng gây ra nhiều biến chứng đối với sức khỏe răng miệng. Để hạn chế ảnh hưởng và biến chứng của bệnh lý này, bạn nên thăm khám và điều trị sớm. Vậy bị sâu răng nên bọc răng sứ hay trám răng?
Trám răng và bọc mão sứ là hai phương pháp được áp dụng trong điều trị sâu răng. Tuy nhiên, việc chỉ định trám hay bọc mão sứ phục thuộc vào tình trạng sâu răng, mức độ tổn thương của răng và mong muốn của từng bệnh nhân.
1. Các trường hợp nên trám răng
Trám răng là thủ thuật nha khoa sử dụng các vật liệu chuyên dụng như composite, amalgam,.. để trám bít phần hố rãnh do sâu răng gây ra. Phương pháp này giúp phục hồi hình dáng và chức năng ăn nhai của răng. Ngoài ra, miếng trám còn có vai trò bảo vệ răng, ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập và phá hủy các cơ quan nằm sâu bên trong.
Trám răng là thủ thuật đơn giản, thực hiện nhanh và khá an toàn. Phương pháp này được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Sâu men: Sâu men là giai đoạn đầu của bệnh sâu răng. Lúc này, vi khuẩn chỉ mới phá hủy một số mô cứng nằm ở ngoài lớp men nên hầu như chưa gây đau nhức và ê buốt. Với trường hợp sâu men, phương pháp được ưu tiên là loại bỏ ổ sâu và trám bít để ngăn chặn sâu răng phát triển.
- Sâu ngà: Sâu ngà là giai đoạn sâu răng đã tiến triển và phá hủy các mô cứng ở phần ngà răng. Tương tự như sâu men, bác sĩ sẽ nạo bỏ phần ngà bị sâu. Sau đó, sát khuẩn và sử dụng vật liệu nhân tạo để trám bít hố rãnh. Sau khi trám, răng có thể ăn nhai như bình thường mà không hề bị đau nhức và ê buốt như trước.
- Trường hợp sâu ăn vào tủy nhưng răng chưa bị hư hại nhiều: Sâu răng ăn vào tủy là giai đoạn nặng xảy ra khi vi khuẩn đã xâm nhập vào khoang tủy và gây viêm nhiễm tủy răng. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ loại bỏ mô tủy và trám bít khoang tủy bằng chất liệu gutta percha. Đối với sâu răng ăn vào tủy nhưng cấu trúc răng chưa hư hại nhiều, bác sĩ sẽ trám bít hố rãnh bằng composite hoặc amalgam tùy theo vị trí răng bị ảnh hưởng.
Trên thực tế, đa phần các trường hợp sâu răng đều được chỉ định hàn trám thay vì bọc răng sứ. Phương pháp này có chi phí thấp, an toàn và quy trình thực hiện nhanh chóng. Ngoài ra nếu cần thiết, bác sĩ cũng có thể chỉ định trám rãnh nhai và kẽ của các răng hàm để phòng ngừa sâu răng tái phát.
2. Trường hợp răng sâu nên bọc sứ
Bọc răng sứ là một trong những phương pháp phục hình được ưa chuộng hiện nay. Phương pháp này sử dụng vật liệu chuyên dụng chế tác thành mão răng có hình dáng và cấu trúc tương tự răng thật. Sau đó, tiến hành mài nhỏ cùi răng và dùng mão răng chụp lên phía trên.
Răng sứ không chỉ giúp phục hồi hình dáng và màu sắc của răng mà còn giúp bảo vệ răng thật, hạn chế tác động cơ học và sự xâm nhập của vi khuẩn. Tuy nhiên, bọc răng sứ có chi phí cao hơn so với trám răng. Do đó, phương pháp này thường được chỉ định trong một số ít trường hợp như:
- Sâu ngà, răng sâu ăn vào tủy nhưng cấu trúc răng bị hư hại nhiều, lỗ sâu nằm ở rìa ngoài không thể hàn trám sẽ được xem xét bọc răng sứ.
- Răng sâu bị hư hại tủy phải lấy tủy răng cũng được chỉ định bọc răng sứ. Trong trường hợp này, bọc răng sứ có thể bảo vệ răng thật và giúp kéo dài tuổi thọ của răng đáng kể.
- Răng sâu bị tái phát nhiều lần dù đã hàn trám dự phòng cũng được xem xét bọc sứ. Mão sứ có thể ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và phòng ngừa sâu răng tái phát hiệu quả.
- Ngoài ra, bọc răng sứ cũng có thể được thực hiện nếu khách hàng có nhu cầu. Bên cạnh tác dụng bảo vệ răng bị sâu, bọc răng sứ cũng có thể khắc phục một số vấn đề khác như răng ngắn hơn các răng xung quanh, răng thưa, răng khấp khểnh, men răng nhiễm màu nặng,…
Bọc răng sứ vừa có hiệu quả thẩm mỹ vừa giúp kiểm soát sâu răng hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí cao hơn trám răng và cũng không nhất thiết phải thực hiện trong trường hợp lỗ sâu nhỏ, cấu trúc răng không bị hư hại và tổn thương nặng nề. Vì vậy, bác sĩ sẽ xem xét kỹ lưỡng tình trạng răng để chỉ định phương pháp phù hợp.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Bị sâu răng nên bọc răng sứ hay trám răng?”. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về hai phương pháp này và những trường hợp nên trám/ bọc sứ. Để được tư vấn cụ thể hơn, vui lòng tìm gặp và trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Các mức độ sâu răng và cách chữa trị an toàn
Cách chữa sâu răng bằng phèn chua an toàn và hiệu quả
Sâu răng nên nhổ hay trám?
Khám Phá 5 Kẹo Chống Sâu Răng Bác Sĩ Khuyên Dùng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!