Bị sâu răng nên kiêng gì tốt nhất là vấn đề cần được quan tâm bên cạnh các phương pháp điều trị. Bởi kiêng cữ một số thói quen sinh hoạt và ăn uống có thể làm chậm tiến triển của lỗ sâu, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, đồng thời giảm mức độ ê buốt và đau nhức ở răng bị tổn thương.
Bị sâu răng nên kiêng gì tốt nhất để giảm nhanh cơn đau?
Sâu răng là thuật ngữ đề cập đến hiện tượng hủy khoáng được gây ra bởi các vi khuẩn thường trú trong khoang miệng. Hủy khoáng là tình trạng mất các mô cứng ở men răng, ngà răng do axit từ vi khuẩn bài tiết. Theo số liệu thống kê, sâu răng là bệnh nha khoa phổ biến nhất, có thể gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành.
Ở giai đoạn đầu, sâu răng chỉ ảnh hưởng đến men răng (sâu men) nên chưa phát sinh các triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên nếu không được kiểm soát sớm, vi khuẩn có thể phát triển mạnh, tấn công vào phần ngà răng hoặc thậm chí là tủy răng. Khi bệnh tiến triển, răng thường bị đau nhức từ âm ỉ đến dữ dội, dễ bị ê buốt và khó chịu khi ăn uống.
Sâu răng là bệnh nha khoa tiến triển chậm nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được kiểm soát kịp thời. Ngoài các phương pháp y tế, bạn cũng cần phải kiêng cữ một số thói quen sinh hoạt và ăn uống để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi.
Các thói quen ăn uống, sinh hoạt cần kiêng cữ khi bị sâu răng:
1. Kiêng các món ăn chứa nhiều đường
Bên trong khoang miệng chứa khoảng 50 tỷ vi khuẩn với số lượng lợi khuẩn và hại khuẩn đồng đều. Tuy nhiên khi ăn quá nhiều đường, hại khuẩn có thể phát triển mạnh dẫn đến hình thành vôi răng. Theo thời gian, vôi răng tăng dần khiến vi khuẩn gia tăng về số lượng.
Hại khuẩn tăng mạnh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến viêm lợi, viêm nha chu, sâu răng và các bệnh nha khoa thường gặp khác. Khi dùng các món ăn chứa nhiều đường, vi khuẩn sẽ sản sinh ra axit gây hòa tan khoáng chất ở men răng và ngà răng. Hậu quả là hình thành các lỗ sâu li ti, các lỗ sâu này sẽ dần gia tăng về kích thước theo thời gian nếu không được thăm khám và điều trị.
Trong thời gian bị sâu răng, bạn nên kiêng các món ăn chứa nhiều đường. Sử dụng quá nhiều đường khiến vi khuẩn phát triển mạnh, lỗ sâu tiến triển nặng hơn và rất khó khắc phục. Giảm lượng đường trong chế độ ăn có thể làm chậm tốc độ phát triển của lỗ sâu, đồng thời giúp cân bằng và ổn định môi trường sinh lý trong khoang miệng.
Khi điều trị, cần kiêng cữ bánh kẹo, bỏng ngô, socola sữa, trái cây sấy khô, mứt, bơ đậu phộng,… Thay vào đó, bạn có thể dùng các thực phẩm có vị ngọt tự nhiên như mật ong và trái cây. Nghiên cứu cho thấy, đường tự nhiên ít có khả năng phát triển sâu răng hơn so với đường tổng hợp trong các sản phẩm mứt và bánh kẹo.
2. Hạn chế thực phẩm cứng, khó nhai nuốt
Ngoài thực phẩm chứa đường, bạn cũng nên hạn chế các thực phẩm, khó nhai nuốt như đồ sấy, các món khô, chiên giòn,… trong thời gian bị sâu răng. Khi nhai các món ăn này, răng phải chịu một áp lực lớn. Trong trường hợp có lỗ sâu lớn, răng có thể bị nứt hoặc thậm chí là vỡ gây đau nhức dữ dội.
Trong thời gian điều trị sâu răng, nên dùng các món ăn mềm, lỏng để giảm áp lực lên răng bị sâu. Ngoài ra, nên giảm lượng gia vị, đặc biệt tránh các loại gia vị cay nóng như tỏi, mù tạt, ớt và tiêu để hạn chế cảm giác đau, kích thích và ê buốt.
3. Kiêng các món ăn từ nếp
Ngoài đường, các loại thực phẩm giàu tinh bột cũng là nguồn dinh dưỡng ưa thích của vi khuẩn. Tuy nhiên, tinh bột là chất dinh dưỡng chính của cơ thể nên không thể kiêng cữ hoàn toàn. Tuy nhiên để ngăn ngừa sâu răng tiến triển, bạn chỉ nên dùng các món ăn từ gạo, yến mạch,… và nên hạn chế các món ăn từ nếp.
Nếp là thực phẩm dẻo, mềm nên dễ dính vào kẽ răng, rãnh nhai và các hố sâu. Hơn nữa, các món ăn từ nếp còn có tính nóng, có thể làm tăng mức độ đau nhức và phù nề ở mô nướu. Vì vậy để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi, nên hạn chế dùng các món ăn từ nếp trong thời gian này.
4. Kiêng đồ uống chứa cồn, caffeine
Người bị sâu răng còn phải kiêng cữ đồ uống chứa cồn và caffeine. Phần lớn đồ uống chứa cồn đều có nồng độ axit cao – đặc biệt là rượu vang đỏ. Axit có thể gây mài mòn men răng, tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển gây hư hại ngà răng và tủy răng. Ngoài ra, cồn còn khiến môi trường sinh lý trong khoang miệng bị rối loạn và làm giảm hoạt động sản xuất nước bọt.
Như đã biết, nước bọt có vai trò làm mềm, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, trung hòa axit từ vi khuẩn và làm sạch mảng bám, thức ăn thừa. Giảm tiết nước bọt khiến vi khuẩn phát triển mạnh và tấn công nhanh vào các mô cứng của men răng, ngà răng. Hơn nữa, uống nhiều rượu bia còn là nguyên nhân gây hôi miệng.
Tương tự như rượu bia, đồ uống chứa caffeine cũng có thể làm giảm hoạt động sản xuất nước bọt. Vì vậy trong thời gian điều trị sâu răng, bạn nên hạn chế các loại thức uống này. Thay vào đó, nên sử dụng nước lọc chứa hàm lượng khoáng chất cao và các loại nước ép từ rau củ để cung cấp vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
5. Bị sâu răng nên kiêng nước ngọt có gas
Nước ngọt có gas là một trong những loại thức uống gây hại cho men răng. Cụ thể, axit citric và phosphoric trong thức uống này khiến men răng bị mài mòn và mỏng dần theo thời gian. Đối với những người bị sâu răng, tình trạng mỏng men răng chính là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển gây tổn thương ngà răng và xâm nhập vào sâu bên trong tủy răng.
Ngoài ra, nước ngọt có gas còn chứa nhiều đường tổng hợp – nguồn dinh dưỡng ưa thích của các loại hại khuẩn có trong khoang miệng. Hơn nữa, hầu hết thức uống có gas còn được bổ sung thêm hương liệu, phẩm màu. Những thành phần này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe nói chung và răng miệng nói riêng.
6. Không hút thuốc lá
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý về thực quản, phổi và gan. Ngoài những tác động tiêu cực cho các cơ quan nội tạng, thói quen này còn làm tăng nguy cơ bị viêm lợi, viêm nha chu, sâu răng và hàng loạt các vấn đề nha khoa khác. Theo nghiên cứu, khói thuốc lá chứa hơn 7000 hóa chất có hại cho sức khỏe. Trong đó, nicotin và axit cyanhydric là nguyên nhân gây tổn thương men răng và nha chu (tổ chức nâng đỡ răng bao gồm mô nướu, xương ổ răng, dây chằng).
Hút thuốc lá thường xuyên làm rối loạn vi khuẩn trong khoang miệng, đồng thời làm giảm kháng thể trong máu và nước bọt. Ngoài ra, hóa chất trong khói thuốc còn làm giảm tuần hoàn máu đến các ổ răng khiến răng không được nuôi dưỡng, dần suy yếu, dễ lung lay và gãy rụng.
Khói thuốc lá còn là nguyên nhân gây giảm tiết nước bọt. Đối với người bị sâu răng, giảm tiết nước bọt chính là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển mạnh khiến lỗ sâu tiến triển nhanh gây đau nhức và ê buốt dữ dội. Vì vậy khi mắc các bệnh răng miệng nói chung và sâu răng nói riêng, bạn nên cai thuốc lá và tránh hít khói thuốc lá thụ động.
7. Không dùng răng cắn, xé vật cứng
Nhiều người có thói quen dùng răng để cắn, xé các vật dụng trong trường hợp không có dao hoặc kéo. Thói quen này gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe răng miệng – đặc biệt là trong trường hợp răng sâu.
Áp lực từ hoạt động cắn, xé mạnh có thể khiến răng đau nhức dữ dội hoặc thậm chí là vỡ thành từng mảnh. Đa phần các trường hợp răng tổn thương nặng đều bị hoại tử tủy và bắt buộc phải can thiệp các phương pháp phục hình như bọc mão răng sứ, cấy ghép Implant,…
Một số lưu ý khi điều trị sâu răng
Sâu răng là bệnh nha khoa thường gặp. Bệnh lý này hoàn toàn có thể điều trị và kiểm soát nếu chăm sóc răng miệng đúng cách và thực hiện đầy đủ các phương pháp y tế được bác sĩ chỉ định.
Để quá trình điều trị đạt kết quả tốt, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Nên thăm khám và điều trị sớm ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh sâu răng. Tình trạng chủ quan có thể khiến bệnh tiến triển nặng gây đau nhức dữ dội, ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình và chất lượng cuộc sống.
- Ngoài các phương pháp y tế, có thể áp dụng thêm một số cách chữa sâu răng bằng phương pháp dân gian như sử dụng lá bạc hà, trầu không, rễ lá lốt, dầu dừa,… để giảm nhẹ triệu chứng và hỗ trợ quá trình điều trị.
- Cần chú ý ăn uống điều độ, bổ sung đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày và tăng cường dùng các nhóm thực phẩm giàu khoáng chất để tăng cường sức khỏe răng miệng.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn là biện pháp quan trọng nhất trong điều trị và phòng ngừa bệnh sâu răng. Ngoài ra, chăm sóc răng miệng khoa học còn giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa như viêm nướu, viêm nha chu,…
Trên đây là những thông tin giải đáp “Bị sâu răng nên kiêng gì?”. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về những vấn đề cần kiêng cữ để quá trình điều trị bệnh sâu răng diễn ra thuận lợi và đạt kết quả tốt nhất.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Xịt Chống Sâu Răng Midkid Có Tốt Không? Giá Bao Nhiêu?
Sâu răng gây viêm lợi sưng đau và cách xử lý
Sún răng ở trẻ em: Nguyên nhân, cách xử lý và phòng ngừa
Sâu Răng Gây Hôi Miệng: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!