Trám răng khi mang thai tiềm ẩn một số rủi ro và tác dụng phụ. Do đó trước khi áp dụng biện pháp này, mẹ bầu nên tham khảo thông tin giải đáp Phụ nữ mang thai có trám răng được không? Những lưu ý khi thực hiện trong bài viết sau.
Phụ nữ mang thai có trám răng được không?
Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh nha khoa do ảnh hưởng của rối loạn nội tiết tố, thiếu hụt canxi và hệ miễn dịch suy giảm. Từ tháng thứ 4 trở đi, mẹ bầu rất dễ gặp phải tình trạng sâu răng, viêm lợi, chảy máu chân răng và tụt lợi.
Khác với người bình thường, các bệnh lý nha khoa xảy ra trong thời gian mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu mà còn tác động đến sự phát triển của thai nhi. Trong một số trường hợp, hiện tượng viêm nhiễm ở răng, miệng còn gia tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng thai kỳ như sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân,…
Nguy cơ khi can thiệp các phương pháp điều trị tăng lên đáng kể trong thai kỳ. Chính vì vậy, đa phần mẹ bầu đều được chỉ định các phương pháp chăm sóc nhằm trì hoãn các vấn đề nha khoa đến khi sinh nở. Sau khi sinh, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định các phương pháp điều trị thích hợp để hạn chế tối đa rủi ro. Vậy Phụ nữ đang mang thai có trám răng được không?
Trên thực tế, tất cả các phương pháp điều trị đều không được khuyến cáo trong thời gian mang thai bao gồm cả hàn trám răng. Tuy nhiên, đây là phương pháp nha khoa khá đơn giản và hoàn toàn không xâm lấn mô. Do đó nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định hàn trám để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho thai phụ.
Thời điểm nên trám răng khi mang thai
Trám răng là phương pháp khá đơn giản được thực hiện bằng cách cho vật liệu hàn trám lên các mô răng bị khiếm khuyết, sau đó dùng tia laser để làm đông vật liệu. Phương pháp này chỉ mất khoảng 20 – 30 phút thực hiện và hoàn toàn không xâm lấn vào mô nướu. Trong trường hợp sâu ngà, răng sứt mẻ, mòn men răng,… bác sĩ có thể chỉ định trám răng cho bà bầu để giảm triệu chứng khó khăn khi ăn uống và bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Tuy nhiên nếu hàn trám răng trong thai kỳ, nên thực hiện vào tháng thứ 4 – 7 (3 tháng giữa). Bởi đây là giai đoạn thai nhi đã ổn định, bụng bầu chưa quá lớn và sức khỏe của mẹ cũng được đảm bảo. Thực tế, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và 3 tháng cuối cũng có thể hàn trám nhưng nguy cơ thường cao hơn 3 tháng giữa.
Một số lưu ý khi trám răng cho bà bầu
Hàn răng là thủ thuật nha khoa được áp dụng trong nhiều phương pháp khác nhau. Hàn trám răng có thể phục hồi hình thể, màu sắc của răng, qua đó cải thiện yếu tố thẩm mỹ và bảo vệ cấu trúc răng. Phương pháp này rất ít khi gây ra biến chứng và tác dụng phụ sau khi thực hiện. Tuy nhiên nếu thực hiện cho mẹ bầu, trám răng có thể làm phát sinh một số tình huống rủi ro.
Để đảm bảo an toàn khi hàn trám răng, bà bầu nên lưu ý một số vấn đề sau:
1. Lựa chọn bệnh viện/ phòng khám uy tín
Trước khi thực hiện các thủ thuật nha khoa nói chung và hàn trám răng nói riêng, bà bầu cần lựa chọn địa chỉ uy tín. Tránh thực hiện ở những phòng khám nhỏ, không đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự không có đủ chuyên môn và kinh nghiệm. Phần lớn những rủi ro và tác dụng phụ khi hàn trám răng đều xảy ra do thực hiện ở những cơ sở y tế không đảm bảo.
Chính vì vậy, nếu có ý định hàn răng trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần lựa chọn cơ sở y tế đáng tin cậy. Tại đây, bác sĩ sẽ đánh giá cụ thể tình trạng sức khỏe răng miệng của thai phụ để chỉ định phương pháp phù hợp. Nếu không cần thiết, bác sĩ sẽ hướng dẫn một số biện pháp chăm sóc để ngăn chặn bệnh tiến triển nặng và trì hoãn việc điều trị sau khi sinh nở.
2. Chọn vật liệu thích hợp
Các vật liệu được sử dụng để hàn trám răng đều đã được kiểm định về độ an toàn với sức khỏe. Tuy nhiên ở phụ nữ mang thai, nguy cơ gặp phải các rủi ro và tác dụng phụ thường cao hơn. Chính vì vậy, mẹ bầu cần phải lựa chọn vật liệu thích hợp để đảm bảo an toàn.
Phần lớn các vật liệu hàn trám đều an toàn với phụ nữ mang thai trừ Amalgam – vật liệu trám răng truyền thống. Amalgam có độ cứng chắc, khả năng chịu lực tốt và độ bền cao. Tuy nhiên, chất liệu này được sản xuất từ bạc, thiếc, đồng và thủy ngân.
Thủy ngân là kim loại độc hại gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe. Nhiễm độc thủy ngân trong thời gian mang thai có thể gây sảy thai và gia tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng thai kỳ. Chính vì vậy, mẹ bầu cần tránh lựa chọn vật liệu này khi hàn trám răng. Để đảm bảo an toàn, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chọn vật liệu.
3. Chăm sóc đúng cách
Trám răng là thủ thuật nha khoa khá đơn giản và chỉ mất khoảng 20 – 30 phút thực hiện. Để đảm bảo miếng trám bám chắc với răng thật, bà bầu nên chăm sóc đúng cách sau khi hàn trám. Nếu không chăm sóc hợp lý, miếng trám có thể bong tróc, hở, mẻ sau thời gian ngắn dẫn đến việc phải trám răng lần hai. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn gây hao tốn tài chính.
Các biện pháp chăm sóc sau khi hàn trám răng:
- Sau khi trám răng khoảng 2 giờ đồng hồ, mẹ bầu có thể ăn uống như bình thường nhưng cần hạn chế thức ăn khô, cứng và dai. Dùng thức ăn quá cứng làm gia tăng áp lực lên răng khiến miếng trám bị sứt, mẻ và bong tróc.
- Chải răng nhẹ nhàng để giảm tác động lên miếng trám. Bên cạnh việc chải răng 2 – 3 lần/ ngày, mẹ bầu nên dùng thêm nước súc miệng và chỉ nha khoa để đảm bảo hiệu quả làm sạch.
- Uống nhiều nước và bổ sung thêm trái cây, rau xanh để làm sạch mảng bám, ngăn ngừa sâu răng và các bệnh nha khoa thường gặp khi mang thai.
- Nếu bị đau nhức và ê buốt răng sau khi hàn trám, mẹ bầu nên ngậm nước muối ấm để cải thiện. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Mang thai là thời điểm khá nhạy cảm do cơ thể có nhiều thay đổi cả về mặt thể chất và tinh thần. Vì vậy, mẹ bầu nên khám nha khoa 2 – 3 tháng/ lần để bác sĩ kiểm tra sức khỏe răng miệng và tình trạng của miếng trám. Bên cạnh đó, khám định kỳ còn giúp phát hiện và điều trị sớm những vấn đề nha khoa trong thời gian mang thai.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Phụ nữ đang mang thai có nên trám răng không?” và đề cập đến những vấn đề cần lưu ý khi hàn trám răng trong thai kỳ. Nếu gặp phải các vấn đề nha khoa, bà bầu nên thăm khám và điều trị sớm để hạn chế phải can thiệp các phương pháp xâm lấn.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Răng sứ bị mẻ có trám được không?
Sau khi trám răng bao lâu thì ăn uống bình thường?
Trám răng rồi có niềng được không?
Răng Sứt Mẻ Có Hàn Được Không? Chi Phí Có Đắt Không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!