Răng cửa bị mẻ trám có được không? Có bền không?

Răng cửa bị mẻ có thể hàn trám nếu vết mẻ không quá lớn và chưa lộ tủy răng. Trong trường hợp răng tổn thương nặng cần xem xét thực hiện các phương pháp phục hình khác. Để hiểu rõ hơn về phương pháp trám răng cửa bị mẻ, bạn đọc nên tham khảo thông tin hữu ích trong bài viết sau.

Răng cửa bị mẻ trám có được không
Răng cửa bị mẻ trám có được không?

Răng cửa bị mẻ có trám được không?

Mỗi hàm gồm có 3 răng cửa bao gồm răng 1 cửa giữa và 2 răng cửa bên. Răng cửa nằm ở chính giữa cung hàm với chức năng chính là hỗ trợ phát âm và cắn thức ăn. Răng cửa chỉ có 1 rìa cắn, không có mặt nhai rộng và nhiều rãnh kẽ như răng tiền hàm và răng hàm. Tuy nhiên, vì được sử dụng để cắn thức ăn nên răng cửa rất dễ bị nứt và mẻ.

Răng cửa bị mẻ có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Nguyên nhân thường do cắn thức ăn cứng, khô như các loại quả hạch, hạt sấy, khô bò, gân bò,… hoặc do chấn thương trong quá trình sinh hoạt. Răng cửa bị mẻ không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gia tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề nha khoa.

Răng là cấu trúc vững chắc với tủy răng nằm bên trong, sau đó đến ngà răng và men răng là cơ quan bao bọc bên ngoài. Men răng chứa hàm lượng khoáng chất cao, cứng chắc nên có khả năng bảo vệ răng khỏi tác động của vi khuẩn, tác động cơ học, vật lý và hóa học.

Khi răng nứt mẻ, men răng sẽ bị hư hại khiến phần ngà răng bên trong dễ bị hư tổn. Vì vậy khi răng cửa bị sứt mẻ, cần có biện pháp khắc phục sớm để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Vậy, đâu là giải pháp tối ưu trong trường hợp này? Răng cửa bị mẻ có trám được không?.

Theo các bác sĩ Răng hàm mặt, hàn trám răng là giải pháp hiệu quả trong trường hợp răng cửa bị mẻ. Trám răng (hàn răng) sử dụng vật liệu chuyên dụng để trám bít hố rãnh, phục hồi phần răng bị nứt, mẻ và các lỗ sâu do vi khuẩn Streptococcus mutans gây ra. Đối với răng cửa, nên lựa chọn vật liệu composite để đảm bảo hiệu quả thẩm mỹ, tránh tình trạng bị lộ ra trong quá trình ăn uống và giao tiếp.

trám răng cửa bị mẻ
Trường hợp răng cửa bị mẻ nặng, lộ tủy không thể trám răng mà buộc phải thực hiện các biện pháp phục hình khác

Tuy nhiên, trám răng có thể không được áp dụng trong trường hợp sau:

  • Răng cửa bị mẻ nhiều dẫn đến tình trạng lộ tủy răng
  • Răng cửa mẻ, nứt kèm theo lỗ sâu nặng

Để được tư vấn phương pháp khắc phục phù hợp, bạn nên tìm gặp bác sĩ ngay khi gặp phải tình trạng mẻ, sứt răng cửa. Nếu để lâu dài, vi khuẩn có thể xâm nhập vào bên trong gây tổn thương ngà răng, tủy răng và thậm chí có thể xâm nhập vào các tổ chức nâng đỡ răng.

Trám răng cửa bị mẻ có bền không? Có đau không?

Trám răng cửa bị mẻ có bền không cũng là thắc mắc của nhiều bạn đọc. Như đã đề cập, composite là chất liệu được ưu tiên sử dụng khi hàn trám các răng nằm ở vị trí dễ nhìn thấy như răng cửa giữa, răng cửa bên và răng tiền hàm. Răng hàm nằm khuất bên trong nên có thể hàn trám bằng nhiều chất liệu khác nhau.

Nếu sử dụng composite, miếng trám có độ bền từ 2 – 3 năm tùy theo chế độ chăm sóc. Trong trường hợp đánh răng quá mạnh và thường xuyên dùng thức ăn cứng, khô, miếng trám có thể bị bong và hở chỉ sau một thời gian ngắn. Do đó để kéo dài độ bền của miếng trám, cần có biện pháp chăm sóc hợp lý sau khi hàn trám.

trám răng cửa bị mẻ có đau không
Nếu chăm sóc đúng cách, trám răng cửa bị mẻ có độ bền khoảng 2 – 3 năm

Trám cửa bị mẻ hầu như không gây đau trong quá trình thực hiện mà chỉ có cảm giác ê buốt nhẹ. Cảm giác này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau 1 – 2 ngày. Với những người có nền răng nhạy cảm, tình trạng ê buốt có thể kéo dài từ 3 – 5 ngày nhưng thường không tiến triển quá 1 tuần. Nếu sợ đau, bạn có thể yêu cầu bác sĩ sử dụng thuốc gây tê tại chỗ để giảm cảm giác khó chịu.

Trám răng cửa bị mẻ bao nhiêu tiền?

Trám răng cửa bị mẻ có chi phí dao động khoảng 200 – 500.000 đồng/ răng. Tuy nhiên trong trường hợp phức tạp, chi phí có thể lên đến 800.000 – 1.000.000 đồng/ răng. Để biết chính xác chi phí, bạn nên gặp bác sĩ Răng hàm mặt. Sau khi đánh giá tình trạng răng miệng, bác sĩ sẽ xem xét kỹ thuật hàn trám và tư vấn cụ thể về chi phí thực hiện.

Ngoài ra, giá trám răng cửa bị mẻ còn có sự chênh lệch tùy theo cơ sở thực hiện, mức độ khó của răng và nhiều yếu tố khách quan khác. Nếu có BHYT, bạn nên thăm khám trong giờ hành chính tại các bệnh viện công lập để được giảm chi phí điều trị.

Một số lưu ý khi trám răng cửa bị mẻ

Trám răng là giải pháp tối ưu trong trường hợp răng cửa bị mẻ. Sau khi hàn trám, hình dáng và màu sắc của răng sẽ được khôi phục. Từ đó giúp răng dễ dàng cắn thức ăn và hỗ trợ cho việc phát âm.

Tuy nhiên để tránh rủi ro và tác dụng phụ khi trám răng cửa bị mẻ, bạn nên lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:

1. Lựa chọn nha khoa uy tín

Cơ sở thực hiện là yếu tố ảnh hưởng đến 80% hiệu quả sau khi hàn trám răng cửa bị mẻ. Do đó, bạn nên lựa chọn bệnh viện/ phòng khám nha khoa uy tín nếu có ý định can thiệp phương pháp này. Trên thực tế, trám răng là thủ thuật khá đơn giản nên khi thực hiện đúng kỹ thuật gần như không gặp phải bất cứ rủi ro hay biến chứng nào.

răng cửa bị mẻ có trám được không
Để đảm bảo hiệu quả của kỹ thuật trám răng cửa bị mẻ, cần lựa chọn nha khoa/ bệnh viện đáng tin cậy

Ngược lại ở những cơ sở không đảm bảo, bác sĩ có thể gặp phải sai sót trong quá trình chẩn đoán, hàn trám, mài miếng trám, không vô trùng tốt các dụng cụ,… Nếu gặp phải sai sót khi thực hiện, hàn trám răng có thể gây ra một số rủi ro và tác dụng phụ như miếng trám bị cộm, chênh, hở, bong tróc, thậm chí gây sót tủy dẫn đến áp xe răng và nhiều biến chứng nặng nề khác.

2. Chăm sóc hợp lý sau khi trám

Ngoài lựa chọn địa chỉ trám răng đáng tin cậy, bạn cũng cần chú ý chăm sóc hợp lý sau khi hàn răng. Chăm sóc không đúng cách có thể khiến miếng trám bị xê dịch, cộm và bị bong bật chỉ sau một thời gian ngắn.

răng cửa bị mẻ có trám được không
Chăm sóc răng miệng đúng cách sau khi hàn trám để bảo vệ miếng trám, tránh tình trạng bong, hở,…

Các biện pháp chăm sóc sau khi trám răng cửa bị mẻ:

  • Tránh ăn uống sau khi hàn trám khoảng 2 giờ đồng hồ để miếng trám cố định hoàn toàn trên răng.
  • Trong 5 – 7 ngày đầu tiên, nên dùng thức ăn mềm như cháo, súp, miến, cơm,… để giảm áp lực lên răng. Ngoài ra, nên tránh dùng răng cửa cắn thức ăn – đặc biệt là các món ăn cứng, khô và dai.
  • Miếng trám có thể bị xê dịch, hở, bong nếu chải răng quá mạnh. Vì vậy sau khi trám cửa bị mẻ, bạn nên đánh răng nhẹ nhàng và thao tác bàn chải theo chiều dọc để tăng hiệu quả làm sạch, đồng thời làm giảm áp lực lên men răng và mô nướu.
  • Hạn chế thức ăn, đồ uống quá nóng, lạnh, chứa nhiều cồn, axit và đường. Các thói quen này đều khiến miếng trám giòn, dễ bị bong và hở sau một thời gian ngắn. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng không hợp lý còn tăng nguy cơ bị sâu răng và gặp phải nhiều vấn đề nha khoa khác.
  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ và chú ý khám định kỳ 2 lần/ năm để được đánh giá tình trạng miếng trám. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định thay thế miếng trám cũ để đảm bảo hiệu quả bảo vệ răng.
  • Một số người có cơ địa nhạy cảm có thể dị ứng với vật liệu hàn trám răng. Nếu nhận thấy tình trạng răng đau nhức sau khi trám, mô nướu sưng, ngứa, viêm và nhạy cảm, cần đến ngay phòng khám để được xử lý kịp thời.
  • Miếng trám ở răng cửa có thể bị bong, nứt mẻ nếu có thói quen nghiến răng. Để bảo vệ răng và làm tăng độ bền của miếng trám, bạn nên dùng máng nhai chống nghiến. Ngoài ra, cần xác định nguyên nhân gây ra tình trạng nghiến răng khi ngủ để có biện pháp khắc phục triệt để.

3. Một số lưu ý khác

Răng cửa bị mẻ có thể hàn trám trong trường hợp răng sứt, mẻ không quá nặng. Ngoài những lưu ý về cách chăm sóc và lựa chọn cơ sở y tế đáng tin cậy, bạn cũng cần chú ý thêm một số vấn đề như:

răng cửa bị mẻ có trám được không
Nếu răng cửa có vết mẻ lớn, nên xem xét bọc răng sứ để tăng hiệu quả bảo vệ răng
  • Nếu miếng trám bị bong, hở thường xuyên ngay cả khi đã chăm sóc đúng cách, nên xem xét lựa chọn phòng khám/ bệnh viện khác. Bởi nguyên nhân có thể do chất liệu trám răng kém chất lượng hoặc công nghệ hàn trám lạc hậu.
  • Ngoài trám răng bằng composite, bạn cũng có thể trám răng bằng Inlay/ Onlay để tăng độ bền của miếng trám. So với các vật liệu thông thường, Inlay/ Onlay có độ bền cao hơn và màu sắc tương tự như răng thật nên không bị lộ ra bên ngoài.
  • Trong trường hợp răng mẻ nặng (mẻ hơn 1/3, lộ khoang tủy,…), nên xem xét bọc răng sứ để tăng hiệu quả bảo vệ răng. Hàn trám trong trường hợp này có thể không mang lại hiệu quả. Bọc răng sứ không chỉ giúp bảo vệ cùi răng thật mà còn phục hồi hình dáng và màu sắc của răng.

Tóm lại, răng cửa bị mẻ có thể trám được nếu vết mẻ không quá lớn. Ngoài ra để đảm bảo hiệu quả, bạn nên lựa chọn phòng khám đáng tin cậy và chăm sóc đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu răng bị hư tổn nặng, nên xem xét phục hình bằng mão sứ để tăng tuổi thọ của răng.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!