Có thể áp dụng một số biện pháp điều trị áp xe răng tại nhà trong thời gian chưa thể đến phòng khám, bệnh viện. Ngoài ra, bạn cũng có thực hiện đồng thời với các phương pháp y tế để kiểm soát triệu chứng và đẩy nhanh tiến độ hồi phục.
Có nên điều trị áp xe răng tại nhà không?
Áp xe răng là một dạng nhiễm trùng răng miệng có mức độ nặng, đặc trưng bởi sự xuất hiện của ổ mủ hoặc mô nướu hoặc chóp răng (chân răng). Bệnh lý này thường là biến chứng của sâu răng và viêm nha chu không được điều trị.
Ổ mủ bên dưới răng gây ra cảm giác đau dữ dội, đau nhói kèm sốt, mệt mỏi, sưng hạch góc hàm, mất ngủ, khó khăn khi ăn uống và giao tiếp. Có thể nói, áp xe răng là một trong những bệnh lý nghiêm trọng nhất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và thể trạng. Do đó, chủ động đến phòng khám/ bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm là vấn đề cần thiết.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể áp dụng một số biện pháp điều trị áp xe răng tại nhà trong những trường hợp sau:
- Phát hiện các dấu hiệu áp xe răng vào buổi tối nên không thể đến nha khoa, bệnh viện ngay.
- Giải pháp đầu tiên được áp dụng cho tất cả các trường hợp áp xe răng là chích rạch áp xe và dùng thuốc trong khoảng 1 tuần. Trong thời gian dùng thuốc, bạn cũng có thể kết hợp với một số mẹo tại nhà để giảm cảm giác đau nhức và khó chịu.
- Ngoài ra, cũng có thể áp dụng các biện pháp điều trị áp xe răng tại nhà sau khi thực hiện các phương pháp chuyên sâu như điều trị nội nha và nhổ răng. Bởi sau khi áp dụng các phương pháp này, hiện tượng đau nhức, ê buốt,… do áp xe răng cần một vài ngày mới thuyên giảm hoàn toàn
Tóm lại, bạn hoàn toàn có thể áp dụng các mẹo điều trị áp xe răng tại nhà trong thời gian chưa thể đến nha khoa và có thể thực hiện đồng thời với các phương pháp y tế để tăng hiệu quả điều trị.
5 Biện pháp trị áp xe răng tại nhà đơn giản mà hiệu quả
Các mẹo điều trị áp xe răng tại nhà chủ yếu tận dụng các nguyên liệu sẵn có để giảm đau và sưng viêm ở mô nướu bị tổn thương. Các mẹo chữa này khá dễ thực hiện và hầu như không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
Dưới đây là một số mẹo trị áp xe răng tại nhà bạn có thể cân nhắc áp dụng:
1. Chườm lạnh trị áp xe răng tại nhà
Chườm lạnh là biện pháp giảm đau nhức răng được áp dụng phổ biến. Đây là biện pháp an toàn nên có thể thực hiện liên tục để giảm cơn đau, cải thiện tình trạng viêm sưng và nóng đỏ ở vùng má.
Khi đặt túi chườm lên vùng má, nhiệt độ lạnh sẽ làm co các mạch máu ở vùng nướu và chân răng bị tổn thương. Từ đó làm giảm lượng máu tuần hoàn, hỗ trợ giảm sưng đỏ và phù nề đáng kể. Ngoài ra, nhiệt độ lạnh còn gây tê liệt các dây thần kinh ở góc hàm khiến não bộ giảm thụ cảm tín hiệu đau.
Bạn có thể áp dụng mẹo chườm đá khi chưa thể đến bệnh viện hoặc có thể thực hiện sau khi chích rạch áp xe, nhổ răng và điều trị nội nha. Thực hiện chườm đá từ 15 – 20 phút từ 3 – 6 lần/ ngày có thể giảm mức độ viêm sưng và đau nhức đáng kể.
Hướng dẫn thực hiện:
- Cho đá lạnh vào túi chườm
- Sau đó, đặt nhẹ nhàng lên vùng má cùng bên với răng bị đau
- Chườm trong 15 – 20 phút để giảm cơn đau
- Thực hiện nhiều lần trong ngày
2. Súc miệng với nước muối ấm chữa áp xe răng tại nhà
Ngoài chườm đá, bạn cũng có thể giảm nhẹ các triệu chứng của áp xe răng bằng cách súc miệng với nước muối ấm. Nước muối ấm có đặc tính sát khuẩn, tiêu viêm và giảm đau nhức. Ngoài ra, biện pháp này còn làm sạch các mảnh thức ăn bám chặt ở mặt nhai và kẽ răng.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị khoảng 200ml nước ấm và 1 thìa cà phê muối
- Cho muối vào khuấy đều và súc miệng vài lần rồi nhổ ra
- Thực hiện vài lần trong ngày để làm sạch khoang miệng và giảm mức độ kích thích lên mô nướu, chân răng bị tổn thương
3. Dùng trà bạc hà điều trị áp xe răng tại nhà
Trong thời gian điều trị áp xe răng bằng các phương pháp y tế, bạn cũng có thể sử dụng trà bạc hà để làm mát mô nướu bị tổn thương, giảm sưng nóng và đau nhức. Ngoài ra, hoạt chất menthol trong lá bạc hà còn có đặc tính kháng khuẩn, ức chế nấm men và vi khuẩn.
Bên cạnh những tác dụng kể trên, trà bạc hà còn giúp giảm tình trạng hôi miệng và kích thích vị giác. Bởi áp xe răng có thể khiến hơi thở có mùi, miệng đắng, chua và giảm vị giác khi ăn uống.
Cách pha trà bạc hà hỗ trợ điều trị áp xe răng tại nhà:
- Sử dụng 2 gói trà bạc hà túi lọc hoặc dùng 1 ít lá bạc hà tươi
- Với bạc hà tươi, đem ngâm rửa với nước muối để làm sạch bụi bẩn và vi khuẩn
- Sau đó, để ráo, vò xát nhẹ và cho thảo dược vào tách
- Hãm trà túi lọc hoặc lá bạc hà tươi với 200ml nước sôi trong 7 – 10 phút
- Có thể thêm đường phèn hoặc mật ong vào khuấy đều, đợi trà nguội và uống từng ngụm nhỏ
4. Dùng tinh dầu đinh hương trị áp xe răng tại nhà
Đinh hương là thảo dược quý được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, thảo dược này thường được tận dụng để giảm đau nhức do sâu răng, viêm nha chu, viêm nướu và áp xe răng. Tác dụng chữa bệnh của tinh dầu đinh hướng không chỉ được lưu truyền trong dân gian mà đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khoa học.
Cụ thể, y học hiện đại nhận thấy đinh hương chứa hoạt chất Eugenol có tác dụng gây tê dây thần kinh và giảm nhanh cơn đau ở răng bị áp xe. Ngoài ra, hoạt chất này còn có hiệu quả kháng khuẩn, sát trùng và giảm tình trạng hơi thở có mùi.
Cách dùng tinh dầu đinh hương trị áp xe răng ngay tại nhà:
- Cách 1: Sử dụng vài nụ đinh hương khô cho vào miệng ngậm đến khi mềm thì nhai từ từ để thảo dược tỏa ra tinh dầu. Sau đó, nhả bỏ bã. Tinh dầu từ đinh hương sẽ giúp khoang miệng giảm mùi hôi, đồng thời cải thiện cơn đau và cảm giác ê buốt ở vùng răng bị áp xe.
- Cách 2: Sử dụng 1 ít tinh dầu đinh hương cho vào 200ml nước ấm và khuấy đều. Sau đó, dùng súc miệng nhẹ nhàng trong ít nhất 30 giây để làm sạch khoang miệng và ngăn ngừa ổ áp xe lan rộng.
5. Sử dụng thuốc không kê toa
Nếu áp xe răng bùng phát vào ban đêm gây ra tình trạng khó ngủ, bạn cũng có thể dùng thuốc không kê toa (thường là Paracetamol). Thuốc có tác dụng giảm cơn đau từ nhẹ đến trung bình và hạ sốt.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng 1 liều thuốc trong thời gian chưa thể đến phòng khám hoặc bệnh viện. Tuyệt đối không lạm dụng khiến các triệu chứng của bệnh bị che lấp dẫn đến tình trạng chủ quan không thăm khám và điều trị kịp thời.
Lưu ý cần biết khi điều trị áp xe răng tại nhà
Các biện pháp điều trị áp xe răng tại nhà có thể giảm phần nào các triệu chứng khó chịu như đau nhức, sưng hạch góc hàm, sốt, mệt mỏi, khó khăn khi ăn uống và giao tiếp. Ngoài ra, kết hợp các biện pháp tại nhà với phương pháp y tế còn giúp nâng đỡ thể trạng và đẩy nhanh tốc độ phục hồi, tái tạo.
Tuy nhiên trước khi áp dụng các mẹo điều trị áp xe răng tại nhà, nên chú ý những vấn đề sau:
- Các mẹo trị áp xe răng tại nhà chỉ có tác dụng tạm thời, hoàn toàn không thể giải quyết triệt để ổ áp xe ở chân răng và mô nướu. Do đó, chỉ áp dụng mẹo chữa này trong thời gian chưa thể đến bệnh viện hoặc có thể thực hiện song song với các phương pháp y tế để đẩy nhanh tiến độ phục hồi.
- Phụ thuộc hoàn toàn vào các mẹo tại nhà có thể khiến ổ áp xe phát triển mạnh, vi khuẩn xâm nhập vào các cơ quan kế cận hoặc thậm chí là những cơ quan xa như khớp, màng tim, phổi, não,… Dù không phổ biến nhưng đã có trường hợp tử vong do áp xe răng không được điều trị kịp thời.
- Các mẹo chữa tại nhà chủ yếu tận dụng các nguyên liệu sẵn có nên tương đối an toàn và lành tính. Tuy nhiên nếu có các dấu hiệu dị ứng, nên ngưng áp dụng để hạn chế tình trạng chuyển biến nặng.
- Nên giữ vệ sinh răng miệng trong thời gian điều trị để giảm mức độ viêm, phù nề và đau nhức. Ngoài ra, chăm sóc răng miệng đúng cách còn giúp giảm số lượng hại khuẩn trong khoang miệng và ngăn ngừa áp xe răng tiến triển nặng.
- Áp xe răng gây ra không ít khó khăn khi ăn uống, giao tiếp,… Vì vậy, bạn nên nghỉ ngơi tại nhà từ 1 – 2 ngày. Ngoài ra, cần dùng các món ăn mềm, lỏng, nguội và ít gia vị để tránh kích thích cơn đau và các triệu chứng đi kèm bùng phát.
- Sắp xếp thời gian đến phòng khám kịp thời và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Các biện pháp điều trị áp xe răng tại nhà có thể giảm phần nào một số triệu chứng khó chịu. Do đó trong thời gian chưa thể đến bệnh viện/ phòng khám, bạn có thể áp dụng để cải thiện cơn đau, giảm cảm giác ê buốt, sốt, mệt mỏi,… Tuy nhiên nếu có các triệu chứng nghiêm trọng như đau đầu, ớn lạnh, buồn nôn, răng đau dữ dội,… nên gọi cấp cứu để được xử trí kịp thời.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Áp Xe Chân Răng Nên Uống Thuốc Gì? TOP 3 Loại Tốt Nhất
Trẻ bị mưng mủ ở lợi có nguy hiểm không?
Bị Áp Xe Răng Nên Ăn Gì Và Kiêng Gì Để Nhanh Hết Đau?
Áp Xe Quanh Chân Răng Có Ổ: Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!