Áp xe chân răng có nguy hiểm không là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm. Thực tế, đây là một trong những bệnh lý nha khoa có mức độ nghiêm trọng. Nếu không thăm khám và điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển nặng dẫn đến nhiều biến chứng như nhiễm trùng răng lân cận, viêm xoang hàm, mất răng,…
Áp xe chân răng có nguy hiểm không? 5 Biến chứng thường gặp
Áp xe răng là tình trạng chân răng hoặc mô nướu hình thành túi mủ. Đây là bệnh nha khoa có mức độ nghiêm trọng cần được thăm khám và điều trị sớm. Đa phần các trường hợp áp xe răng đều xảy ra do sâu răng hoặc viêm nha chu không được kiểm soát kịp thời. Kết quả là khiến vi khuẩn xâm nhập sâu vào chân răng hoặc mô nướu gây viêm nhiễm và hình thành túi mủ (áp xe).
Nếu không được điều trị kịp thời, vi khuẩn gây viêm nhiễm có thể di chuyển đến những cơ quan kế cận hoặc các cơ quan xa như tim, khớp, phổi,… Thực tế cho thấy, áp xe răng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm hơn so với các bệnh nha khoa thường gặp như sâu răng và viêm lợi.
Dưới đây là 5 biến chứng có thể gặp phải nếu không áp xe răng không được kiểm soát kịp thời:
1. Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Áp xe răng gây ra các triệu chứng nặng nề hơn so với các bệnh răng miệng thường gặp. Ngay khi ổ mủ hình thành, chân răng sẽ có dấu hiệu sưng đỏ, dễ chảy máu và nóng hơn so với các vùng nướu khỏe mạnh. Ngoài ra, áp xe răng còn gây đau nhức dữ dội, đau nhói từng cơn và ê buốt khi ăn uống. Đôi khi gây hôi miệng, đắng cổ họng, sưng hạch góc hàm, người sốt cao và mệt mỏi.
Các triệu chứng do áp xe răng gây ra không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống. Trường hợp đau nhiều còn có thể gây mất ngủ, thiếu ngủ, cơ thể mệt mỏi, giảm hiệu suất lao động và học tập. Nếu không được điều trị sớm, mức độ và tần suất của các triệu chứng có thể tăng dần lên theo thời gian, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
2. Nhiễm trùng răng lân cận
Nếu được điều trị sớm, áp xe răng hầu như không gây ra biến chứng nặng nề. Ngược lại tình trạng chủ quan không thăm khám và điều trị có thể khiến bệnh tiến triển nặng. Vi khuẩn bên trong ổ áp xe có thể lây lan sang các răng lân cận gây ra viêm mô tế bào lan tỏa. Trường hợp nặng vi khuẩn có thể lây lan và gây áp xe ở vòm miệng, sàn miệng, dưới hàm và vùng dưới lưỡi.
Dù không phổ biến nhưng cũng đã trường hợp áp xe răng tiến triển nặng gây áp xe má, viêm tấy lan rộng sàn miệng và viêm hố thái dương. So với áp xe răng khu trú, hiện tượng viêm nhiễm lan rộng gây đau nhức dữ dội và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được kiểm soát sớm.
Hơn nữa, những trường hợp áp xe răng lây lan rộng còn khó điều trị hơn so với áp xe khu trú và có nguy cơ tái phát cao. Do đó ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, nên chủ động khám và điều trị để ngăn nhiễm trùng lan rộng.
3. Tăng nguy cơ viêm xoang hàm
Xoang hàm là xoang nằm ở vị trí hai bên cánh mũi và tương đối gần với răng hàm trên. Trong trường hợp áp xe răng xảy ra do ở hàm trên, vi khuẩn có thể di chuyển đến xoang hàm và gây viêm nhiễm cơ quan này. Xoang hàm là một trong những bộ phận cấu thành xoang – cơ quan có chức năng giảm tỉ trọng xương vùng mặt, chứa đựng và lưu thông chất dinh dưỡng để nuôi xương.
Viêm xoang hàm khiến mô xoang sưng, ứ mủ và gây gián đoạn quá trình dẫn lưu. Biến chứng này đặc trưng bởi triệu chứng đa nhức vùng mũi, nghẹt mũi, có cảm giác nặng vùng mặt, chảy dịch nhiều vào cổ họng, ngứa họng, ho khan,…
Có thể bạn quan tâm: Sâu răng có thể gây viêm xoang không?
4. Biến chứng xa
Ngoài những biến chứng kế cận, vi khuẩn gây áp xe răng cũng có thể gây ra các biến chứng xa như viêm nội tâm mạc, thấp khớp hoặc thậm chí là gây nhiễm trùng não. Thực tế, các biến chứng xa rất hiếm khi xảy ra ở bệnh nhân bị áp xe răng. Tuy nhiên để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân, bạn không nên chủ quan trước các vấn đề sức khỏe.
5. Mất răng vĩnh viễn
Mất răng vĩnh viễn là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh áp xe răng. Khi ổ áp xe lớn dần, vi khuẩn sẽ phá hủy chân răng và các cơ quan lân cận như xương ổ răng, mô nướu, dây chằng khiến răng lung lay và hư tổn nặng không còn khả năng hồi phục.
Thực tế, áp xe răng hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm và không để lại biến chứng nặng nề. Các biến chứng kể trên thường chỉ xảy ra ở những trường hợp chủ quan, không kịp thời thăm khám và chữa trị. So với các bệnh nha khoa thường gặp, áp xe răng có tiến triển nhanh và phức tạp hơn. Do đó, chậm trễ trong việc điều trị sẽ gây ra hàng loạt các ảnh hưởng nặng nề.
Phòng ngừa biến chứng áp xe răng bằng cách nào?
Như đã đề cập, áp xe răng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu thăm khám sớm. Sau khi loại bỏ ổ áp xe, vi khuẩn sẽ được kiểm soát và hầu như không lây lan sang các cơ quan kế cận như mô xoang, xương hàm, má,…
Tương tự như các bệnh nha khoa thường gặp, áp xe răng hoàn toàn có thể tái phát nếu không phòng ngừa. Do đó ngoài các phương pháp điều trị, bạn cũng có thể giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng của bệnh bằng cách chủ động phòng ngừa tái phát.
1. Thăm khám và điều trị kịp thời
Áp xe răng gây ra các triệu chứng dễ nhận biết như sưng nướu, răng đau nhức dữ dội, ê buốt nhiều, hôi miệng, sưng hạch góc hàm, sốt, mệt mỏi,… Ngay khi nhận thấy các triệu chứng này, bạn nên đến phòng khám, bệnh viện để được chẩn đoán và tư vấn điều trị.
Các phương pháp điều trị được áp dụng cho bệnh áp xe răng:
- Chích rạch áp xe: Chích rạch áp xe là biện pháp đầu tiên được thực hiện trong tất cả các trường hợp áp xe răng. Ổ mủ được loại bỏ có thể kiểm soát phần nào mức độ viêm nhiễm và ngăn ngừa tình trạng vi khuẩn lây lan sang các cơ quan lân cận, cơ quan xa.
- Dùng thuốc: Sau khi chích rạch áp xe, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh từ 5 – 7 ngày để kiểm soát vi khuẩn. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng thêm một số loại thuốc giúp cải thiện triệu chứng như thuốc chống viêm và thuốc giảm đau, hạ sốt.
- Điều trị nội nha: Sau khi sử dụng thuốc khoảng 1 tuần, bạn cần quay trở lại để bác sĩ kiểm tra tình trạng răng. Với những trường hợp răng không bị hư tổn quá nặng, lựa chọn ưu tiên là điều trị nội nha (chữa tủy). Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách loại bỏ phần tủy hư tổn, sau đó bơm rửa sạch buồng tủy và trám bít bằng vật liệu tổng hợp.
- Nhổ răng: Nếu áp xe răng gây tổn thương chân răng và tổ chức nâng đỡ răng nghiêm trọng, bác sĩ có thể xem xét nhổ răng. Nhổ răng làm mất hoàn toàn chức năng chức năng thẩm mỹ và sinh lý nên được chỉ được cân nhắc khi cần thiết. Tuy nhiên, phương pháp này là lựa chọn ưu tiên trong trường hợp áp xe răng khôn (răng số 8).
2. Chủ động phòng ngừa bệnh tái phát
Áp xe răng có nguy cơ tái phát nếu không chủ động phòng ngừa. Do đó sau khi điều trị, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tái phát như:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp phòng ngừa áp xe răng tái phát hiệu quả. Ngoài ra, đây cũng là cách ngăn ngừa sâu răng, viêm nha chu, viêm quanh chân răng và nhiều bệnh lý nha khoa khác.
- Với những răng mọc lệch lạc, mọc ngầm, mọc nghiêng gây chèn ép các răng trên cung hàm, nên chủ động xử lý sớm để tránh áp xe răng và nhiều vấn đề khác. Thực tế cho thấy, áp xe răng thường xuất hiện ở răng mọc ngầm, răng bị nứt mẻ do chấn thương, tai nạn.
- Tăng cường bổ sung fluor cho răng bằng cách dùng nước súc miệng và kem đánh răng chứa khoáng chất này. Fluor có thể cải thiện men răng, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và giảm nguy cơ tái phát áp xe răng hiệu quả.
- Cân đối thực đơn ăn uống với lượng đường thấp, tăng cường vitamin và chất khoáng để cải thiện sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, nên uống nhiều nước để tránh khô miệng – yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng.
- Có thể nhai kẹo cao su sau các bữa ăn để kích thích khoang miệng tiết nước bọt. Duy trì lượng nước bọt ổn định trong khoang miệng có thể giảm sự bám dính của thức ăn ở mặt nhai, kẽ răng và giảm nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa đáng kể.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Bị áp xe răng có nguy hiểm không?”. Hy vọng qua bài viết, bạn có thể hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh lý này. Từ đó chủ động trong việc điều trị và phòng ngừa tái phát để giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Mách Bạn 5 Cách Điều Trị Áp Xe Răng Tại Nhà Hiệu Quả Cao
Áp Xe Quanh Chân Răng Có Ổ: Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị
Áp xe răng có tự khỏi không? Phải làm sao?
Nhiễm trùng răng là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!