Những trường hợp răng hàm trên bị hô nhẹ có thể niềng răng – chỉnh nha để cải thiện khuyết điểm và điều chỉnh lại khớp cắn. Bên cạnh đó, phương pháp này còn giúp toàn bộ cấu trúc răng trở nên đều, cân đối và hài hòa hơn.
Răng hàm trên hô nhẹ có nên niềng không?
Răng hô (vẩu) là tình trạng răng hàm trên, hàm dưới bị nhô ra phía trước. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở răng cửa và một số răng lân cận. Răng vẩu khiến cho gương mặt trở nên mất cân đối, nụ cười kém duyên và ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình. Ngoài ra, răng chìa ra phía trước còn gây lệch khớp cắn. Về lâu dài, tình trạng này có thể khiến răng bị đau nhức, suy yếu và gia tăng nguy cơ bị rối loạn khớp thái dương hàm.
Răng hô nhẹ có nên niềng răng không là thắc mắc của nhiều bạn đọc. Được biết, niềng răng – chỉnh nha là phương pháp sử dụng khay niềng, mắc cài để dịch chuyển vị trí của răng nhằm khắc phục tình trạng răng hô, móm, khấp khểnh, răng thưa và sai khớp cắn. Tùy theo khuyết điểm của răng, thời gian niềng có thể kéo dài từ 6 – 36 tháng.
Nếu gặp phải tình trạng răng hô nhẹ, bạn hoàn toàn có thể niềng răng để cải thiện khuyết điểm này. Các khí cụ chỉnh nha được sử dụng có thể điều chỉnh răng cửa bị chìa ra bên ngoài, khắc phục triệt để răng hô, vẩu và cải thiện tình trạng khớp cắn bị lệch. Đối với những trường hợp răng hô nhẹ, thời gian chỉnh nha thường kéo dài từ 6 – 12 tháng.
Các phương pháp niềng răng hô hiệu quả
Răng hô là một trong những khuyết điểm thường gặp ở răng. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn tác động đến khớp cắn và các chức năng sinh lý của răng. Hầu hết các phương pháp chỉnh nha đều có thể áp dụng trong trường hợp răng hô (vẩu). Vì vậy, bạn nên xem xét nhu cầu và khả năng tài chính của bản thân để lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất.
Dưới đây là một số phương pháp có thể áp dụng cho trường hợp răng hàm trên, hàm dưới hô nhẹ:
1. Niềng răng mắc cài
Mắc cài là khí cụ chỉnh nha được sử dụng ngay từ khi niềng răng mới ra đời. Kỹ thuật này sử dụng các chốt nhỏ (mắc cài) được gắn cố định ở mặt trong/ mặt ngoài của răng, sau đó cho dây cung vào các rãnh mắc cài và cố định bằng dây chun chỉnh nha. Hiện nay ngoài mắc cài thường, bạn cũng có thể dùng mắc cài tự buộc. Khí cụ này được thiết kế thêm nắp trượt tự động có khả năng giữ dây cung thay vì phải sử dụng dây chun như trước đây.
Tổ hợp mắc cài được gắn cố định trên răng để tạo lực siết lên dây cung nhằm dịch chuyển răng về vị trí như dự tính. Sau khoảng 3 – 6 tuần, bác sĩ sẽ thay dây chun, dây cung và điều chỉnh lực siết hàm để quá trình dịch chuyển vị trí của răng diễn ra liên tục và thuận lợi. Mắc cài được chế tác từ nhiều vật liệu như kim loại (hợp kim thép không gỉ bao gồm Niken-Titanium), sứ, pha lê,…
Thông thường, mắc cài được gắn ở mặt ngoài răng. Tuy nhiên nếu muốn tăng tính thẩm mỹ khi niềng, bạn cũng có thể niềng răng mặt trong. Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ lắp mắc cài ở mặt trong của răng nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ.
2. Niềng răng không mắc cài
Niềng răng không mắc cài (niềng răng trong suốt) là phương pháp chỉnh nha hiện đại được ưa chuộng trong thời gian gần đây. Phương pháp này không sử dụng mắc cài mà dùng khay niềng trong suốt để dịch chuyển vị trí của răng.
Khay niềng được thiết kế tương ứng với cấu trúc răng và có khả năng dịch chuyển vị trí của răng từ 0.1 – 0.25mm. Trung bình mỗi khay niềng được sử dụng trong khoảng 14 ngày và cần liên tục thay đổi để đảm bảo răng được dịch chuyển đến đúng vị trí. Khác với mắc cài, khay niềng có thể tháo lắp dễ dàng nên không ảnh hưởng đến quá trình ăn uống, giao tiếp và vệ sinh răng miệng.
Hơn nữa, khay niềng được chế tác từ vật liệu nhựa trong suốt ôm sát vào răng nên hoàn toàn không bị lộ như mắc cài. Hiện nay, niềng răng trong suốt trở nên phổ biến nhờ có tính thẩm mỹ cao và hiệu quả chỉnh nha tốt.
Tuy nhiên, tác dụng dịch chuyển răng theo chiều dọc của phương pháp này kém hơn so với mắc cài. Ở một số trường hợp bị hở khớp cắn, bác sĩ sẽ yêu cầu gắn mắc cài vào 2 – 3 tháng cuối lộ trình để hoàn thiện khớp cắn. Ngoài ra, chi phí niềng răng trong suốt cao hơn rất nhiều so với các phương pháp chỉnh nha khác.
Quy trình niềng răng hô
Tương tự như quy trình niềng răng trong trường hợp răng thưa, móm, niềng răng hô diễn ra theo quy trình như sau:
Bước 1 – Khám và tư vấn
Trước khi can thiệp bất cứ phương pháp nào, bạn đều phải tiến hành thăm khám để bác sĩ đánh giá cụ thể khuyết điểm răng miệng. Bên cạnh khám lâm sàng, cần chụp X-Quang để phát hiện răng thừa, mọc ngầm và mọc lệch. Ngoài ra, hình ảnh từ X-Quang còn giúp bác sĩ phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe răng miệng.
Với những trường hợp răng hô, bác sĩ sẽ tư vấn các giải pháp phù hợp tùy theo tình trạng răng và độ tuổi của từng người. Hầu hết những trường hợp răng hàm trên, hàm dưới bị hô đều có thể chỉnh nha. Niềng răng có hiệu quả trong cả trường hợp hô nhẹ đến hô nặng.
Bước 2: Chuẩn bị cho quá trình chỉnh nha
Sau khi khách hàng chấp nhận chỉnh nha, bác sĩ sẽ lên kế hoạch niềng răng cụ thể. Đối với những trường hợp có các bệnh lý nha khoa, bác sĩ sẽ thực hiện một số biện pháp điều trị như cạo vôi răng, nhổ răng, trám răng, điều trị tủy,…
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ gắn một số khí cụ như thun tách kẽ, dụng cụ nong hàm,… Các bước này được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị niềng răng nhằm giúp việc dịch chuyển vị trí của các răng trên cung hàm diễn ra thuận lợi và mang lại hiệu quả cao hơn.
Bước 3: Gắn mắc cài/ khay niềng
Sau khi gắn khí cụ khoảng 1 tuần, bác sĩ sẽ tiến hành gắn mắc cài để bắt đầu quá trình chỉnh nha. Mắc cài được gắn ở mặt trong hoặc mặt ngoài của răng. Sau đó, cho dây cung vào rãnh giữa và cố định bằng dây chun. Tùy theo giai đoạn, bác sĩ sẽ sử dụng loại dây cung niềng răng và điều chỉnh lực siết hàm phù hợp.
Đối với những trường hợp niềng răng trong suốt, khay niềng sẽ được chế tác và gắn vào răng. Khay niềng có khả năng tháo lắp dễ dàng nên thời gian gắn sẽ nhanh hơn so với mắc cài. Ngoài ra, bạn cũng có thể tháo khay niềng khi ăn uống và vệ sinh răng miệng để tránh vướng víu, khó chịu.
Bước 4: Tái khám, theo dõi
Trong quá trình chỉnh nha, bạn cần tái khám khoảng 3 – 6 tuần/ lần theo lịch hẹn của bác sĩ. Khi tái khám, bác sĩ sẽ thay dây chun, dây cung và tăng lực siết hàm để tiếp tục quá trình dịch chuyển răng. Tùy theo cấu trúc răng và tốc độ chỉnh nha, bác sĩ sẽ sử dụng thêm một số khí cụ để khắc phục hoàn toàn các khuyết điểm của răng.
Bên cạnh việc thay đổi khí cụ chỉnh nha, bác sĩ cũng sẽ thực hiện các biện pháp làm sạch chuyên nghiệp để loại bỏ mảng bám và cao răng tích tụ. Qua đó phòng ngừa các bệnh lý nha khoa và đảm bảo hiệu quả của kỹ thuật niềng răng.
Bước 5: Tháo niềng răng hô
Sau khi các khuyết điểm của răng đã được khắc phục, bác sĩ sẽ tiến hành tháo niềng. Sau đó, sử dụng hàm duy trì để ổn định cấu trúc răng. Hàm duy trì thường được dùng từ 6 – 12 tháng tùy theo trường hợp.
Niềng răng hô có hiệu quả không? Giá bao nhiêu?
Niềng răng được xem là giải pháp tối ưu cho trường hợp răng hô, móm, thưa, khấp khểnh, sai khớp cắn. Do đó, bạn có thể chỉnh nha để khắc phục hoàn toàn tình trạng răng chìa ra bên ngoài. Ngoài hiệu quả cải thiện tình trạng răng hô, niềng răng còn giúp cấu trúc răng trở nên cân đối và hài hòa hơn.
Chi phí niềng răng hô cũng là vấn đề được quan tâm bên cạnh hiệu quả, quy trình,… Thực tế, chi phí thực hiện phương pháp này phụ thuộc vào loại mắc cài, kỹ thuật chỉnh nha và mức độ hô của răng hàm trên/ hàm dưới. Để có sự chuẩn bị về mặt tài chính, bạn có thể tham khảo chi phí niềng răng hô sau:
- Niềng răng hô bằng mắc cài kim loại có giá từ 20 – 35 triệu đồng
- Niềng răng hô bằng mắc cài sứ có giá từ 30 – 50 triệu đồng
- Niềng răng hô bằng mắc cài kim loại và sứ tự buộc có giá lần lượt là 40 – 50 triệu và 50 – 60 triệu đồng
- Chi phí niềng răng hô mặt trong có giá 70 – 100 triệu đồng
- Niềng răng hô bằng máng trong suốt Invisalign có giá từ 80 – 120 triệu đồng
Chi phí niềng răng hô thực tế có thể chênh lệch tùy theo cơ sở thực hiện, độ tuổi chỉnh nha, mức độ lệch lạc của răng và một số yếu tố khách quan khác. Để được tư vấn cụ thể hơn về vấn đề này, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.
Lưu ý khi niềng răng hô
Niềng răng hô có thể khắc phục tình trạng răng chìa ra bên ngoài và cải thiện khớp cắn hiệu quả. Tuy nhiên khi áp dụng phương pháp này, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Cần lựa chọn nha khoa/ bệnh viện đáng tin cậy nếu có ý định niềng răng. Không giống với những phương pháp nha khoa khác, chỉnh nha là kỹ thuật phức tạp nên đòi hỏi cao về chuyên môn của bác sĩ và sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị. Niềng răng ở những cơ sở không đảm bảo có thể không mang lại hiệu quả, thậm chí làm phát sinh nhiều rủi ro và tình huống ngoài ý muốn.
- Chú ý vệ sinh răng miệng kỹ và ăn uống, sinh hoạt hợp lý để đảm bảo hiệu quả chỉnh nha. Ngoài ra, nên tái khám đều đặn theo lịch hẹn của bác sĩ để quá trình niềng răng diễn ra thuận lợi, tránh bị gián đoạn và kéo dài.
- Khi chỉnh nha, răng có thể bị đau nhức và ê buốt. Để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu, bạn có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà như chườm đá, ngậm nước muối ấm, dùng thức ăn mềm và nghỉ ngơi hợp lý. Nếu cơn đau có mức độ nặng và kéo dài, nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn biện pháp khắc phục hiệu quả.
- Để hạn chế tình trạng bung tuột, lỏng dây cung, đứt dây chun và súc mắc cài, cần tránh dùng thức ăn cứng và dai. Ngoài ra, nên thay đổi thói quen dùng răng cắn xé vật cứng và nghiến răng khi ngủ.
Một số giải pháp khắc cho răng hàm trên/ hàm dưới bị hô nhẹ
Ngoài chỉnh nha – niềng răng, bạn cũng có thể xem xét thêm một số giải pháp khắc phục tình trạng răng hàm trên/ hàm dưới bị hô nhẹ. Thực tế, dù mang lại hiệu quả cao nhưng niềng răng mất khá nhiều thời gian và có chi phí cao. Nếu không muốn can thiệp chỉnh nha, bạn có thể cân nhắc 1 trong 2 giải pháp sau:
1. Bọc răng sứ
Bọc răng sứ là một trong những giải pháp cho trường hợp răng hàm trên bị hô nhẹ. Phương pháp này thích hợp đối với trường hợp răng cửa chìa nhẹ ra bên ngoài. Bọc răng sứ là phương pháp phục hình răng được ưa chuộng hiện nay. Mão sứ được chế tác từ nhiều chất liệu với màu sắc tương tự như răng thật. Sau đó, bác sĩ sẽ mài nhỏ cùi răng thật và chụp mão sứ lên trên.
Bọc răng sứ được áp dụng cho nhiều trường hợp khác nhau bao gồm tình trạng răng hô nhẹ. Đối với trường hợp này, bác sĩ sẽ mài bớt phần răng bị chìa ra ngoài và dùng mão sứ chụp lên để cải thiện răng bị vẩu, hô. Ngoài ra, bọc răng sứ còn có tác dụng bảo vệ răng thật và mang lại hàm răng trắng. Tùy theo mức độ hô, bác sĩ sẽ chỉ định bọc sứ từ 2 – 4 răng.
Bọc răng sứ được thực hiện trong 2 – 3 buổi hẹn với mức giá khá hợp lý. Nếu muốn tiết kiệm thời gian và chi phí, bạn có thể xem xét bọc sứ thay cho chỉnh nha trong trường hợp răng bị hô nhẹ.
2. Mài răng chỉnh răng hô nhẹ
Ngoài bọc răng sứ, bác sĩ cũng có thể chỉ định mài răng để khắc phục tình trạng răng hô nhẹ. Phương pháp này chỉ được áp dụng trong trường hợp răng bị chìa ra ít. Bác sĩ sẽ mài phần men răng khoảng 0.3 – 0.6mm, sau đó đánh bóng bề mặt răng để khắc phục răng hô, vẩu.
Để tránh tình trạng ê buốt, bác sĩ thường không mài quá 0.6mm. Vì vậy đối với những trường hợp răng hô nhiều hơn, giải pháp tối ưu là bọc răng sứ hoặc chỉnh nha. Mài răng có thể khắc phục khuyết điểm răng hô nhẹ nhanh chóng và chi phí thấp. Tuy nhiên, phương pháp này ít nhiều đều ảnh hưởng đến cấu trúc răng nên chỉ được thực hiện trong một số ít trường hợp.
Dù có chi phí cao và thời gian thực hiện lâu nhưng niềng răng – chỉnh nha vẫn được xem là giải pháp tối ưu trong trường hợp răng hô nhẹ đến nặng. Ngoài hiệu quả thẩm mỹ, niềng răng còn giúp cải thiện khớp cắn và ổn định các chức năng sinh lý của răng.
Niềng răng hô nhẹ mang lại hiệu quả cao và hoàn toàn không ảnh hưởng đến cấu trúc răng như kỹ thuật mài răng, bọc răng sứ,… Nếu đang băn khoăn khi lựa chọn các giải pháp khắc răng hô, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn phương pháp phù hợp nhất với nhu cầu và khả năng tài chính.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Nên Chọn Niềng Răng Bằng Mắc Cài Kim Loại Thường Hay Tự Buộc?
Niềng Răng Trong Suốt Là Gì? Phân Loại, Quy Trình, Bảng Giá
Có Nên Niềng Răng Khểnh Không? Giá Bao Nhiêu?
Nguyên Nhân Khiến Niềng Răng Bị Hóp Má Và Cách Xử Lý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!