Dây cung bị lỏng, tuột là tình trạng thường gặp trong quá trình niềng răng. Nếu không xử lý sớm, tình trạng này có thể làm giảm lực siết hàm gây gián đoạn tốc độ chỉnh nha và ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sau khi niềng.
Bung tuột, lỏng dây cung khi niềng răng – Dấu hiệu nhận biết
Dây cung niềng răng là khí cụ quen thuộc được sử dụng trong niềng răng mắc cài. Dây cung có dạng mảnh, sợi, hình tròn hoặc hình vuông với nhiều kích thước và chất liệu khác nhau. Khí cụ này được gắn vào giữa rãnh mắc cài và cố định vào khâu ở răng số 6, số 7.
Tác dụng chính của dây cung là hỗ trợ bác sĩ trong việc siết hàm nhằm dịch chuyển vị trí của các răng. Tùy theo giai đoạn niềng và tình trạng răng cụ thể, bác sĩ sẽ lựa chọn dây cung phù hợp có thể chịu được áp lực tương ứng. Khí cụ này thường được thay thế sau khoảng 1 – 2 tháng để quá trình dịch chuyển răng diễn ra liên tục.
Tuy nhiên, dây cung rất dễ bị lỏng, tuột trong quá trình chỉnh nha. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng dịch chuyển của răng. Chính vì vậy, cần phát hiện sớm hiện tượng tuột, lỏng dây cung để xử lý kịp thời.
Các dấu hiệu nhận biết dây cung niềng răng bị tuột, lỏng:
- Nhận thấy lực siết trên cung hàm giảm đi, dây cung trở nên lỏng lẻo
- Một số trường hợp dây cung có thể bị thừa ra và đâm vào niêm mạc má dẫn đến chảy máu, loét và đau nhức
- Dây cung bị tuột ra khỏi mắc cài (thường gặp ở những trường hợp niềng răng mắc cài kim loại thường)
- Đôi khi bung tuột dây cung xảy ra do mắc cài bị bong ra khỏi bề mặt răng
Tuột, lỏng dây cung khi niềng răng có thể gây đau nhức do dây cung ma sát mạnh vào phần niêm mạc má. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể không xảy ra bất cứ triệu chứng nào. Trong trường hợp này, bạn nên chú ý biểu hiện của dây cung và mắc cài để dễ dàng phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Nguyên nhân gây lỏng, tuột dây cung niềng răng
Tuột, lỏng dây cung niềng răng là tình trạng khá phổ biến trong quá trình chỉnh nha. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
1. Chỉnh nha ở những cơ sở kém chất lượng
Chỉnh nha ở những cơ sở kém chất lượng có thể dẫn đến tình trạng dây cung bung, tuột, cong vênh,… Nguyên nhân là do bác sĩ có tay nghề kém, thực hiện niềng răng – chỉnh nha không đúng kỹ thuật khiến dây cung không được cố định chắc chắn trên mắc cài. Khi có tác động nhẹ, dây cung có thể bung tuột và cong vênh.
Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra do bác sĩ sử dụng mắc cài và dây cung kém chất lượng. Dưới áp lực từ quá trình ăn uống và lực siết hàm, dây cung có thể bị kéo giãn, cong vênh và bung tuột. Đôi khi, bung tuột dây cung có thể đi kèm với hiện tượng bong mắc cài, đứt chun nếu sử dụng khí cụ chỉnh nha kém chất lượng, không đảm bảo.
2. Thói quen ăn uống không phù hợp
Trong quá trình chỉnh nha, các bác sĩ Răng hàm mặt luôn dặn dò phải xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo hiệu quả sau khi niềng. Bởi mắc cài, dây chun và dây cung rất dễ bị bung tuột và lỏng nếu dùng thức ăn cứng, khô và dai.
Ngoài ra, sử dụng các loại thức uống chứa nhiều cồn và axit cũng có thể ăn mòn mắc cài, làm giảm độ đàn hồi của dây cung và dây chun. Hệ quả là khiến dây cung dễ bị lỏng và tuột ra trong quá trình ăn uống, sinh hoạt.
3. Chấn thương
Trong một số trường hợp, tình trạng lỏng và tuột dây cung mắc cài cũng có thể xảy ra do chấn thương. Tác động cơ học quá mạnh có thể khiến dây cung bị kéo giãn, lỏng và dễ cong vênh. Chấn thương cũng có thể khiến mắc cài bị bong, dây cung thừa ra đâm vào niêm mạc má dẫn đến tình trạng viêm loét, chảy máu và đau nhức.
4. Vệ sinh răng miệng sai cách
Hệ thống mắc cài được gắn cố định lên răng và không có khả năng tháo lắp như niềng răng trong suốt. Do đó khi niềng răng bằng mắc cài, bạn sẽ gặp không ít khó khăn và phiền toái trong quá trình chỉnh nha. Vì vậy trong thời gian này, cần thực hiện các biện pháp vệ sinh răng miệng hợp lý để giữ sức khỏe răng miệng.
Nếu vệ sinh không đúng cách, mắc cài và dây cung có thể bị bung tuột, lỏng và cong vênh. Tình trạng này thường xảy ra do một số sai lầm trong quá trình làm sạch răng miệng như chải răng quá mạnh, dùng chỉ nha khoa sai cách,…
5. Do răng dịch chuyển nhanh chóng
Trong thời gian đóng khoảng, răng sẽ dịch chuyển nhanh chóng do bác sĩ tạo ra lực siết hàm mạnh. Vì vậy chỉ sau một thời gian ngắn, dây cung có thể bị lỏng và tuột. Đây là tình trạng khá phổ biến nên bạn không cần phải lo lắng quá mức. Nếu gặp phải tình trạng này, nên tìm gặp bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Niềng răng bị lỏng, tuột dây cung có ảnh hưởng gì không?
Tuột, lỏng dây cung niềng răng là tình trạng khá phổ biến có thể xảy ra do các yếu tố khách quan và chủ quan. Tình trạng này thường không quá nghiêm trọng và có thể khắc phục hoàn toàn sau khi gặp bác sĩ. Tuy nhiên nếu để lâu dài, tốc độ chỉnh nha và kết quả sau khi niềng răng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Như đã biết, dây cung có vai trò tạo ra lực siết để dịch chuyển vị trí của răng. Qua đó giúp khắc phục khuyết điểm răng hô, vẩu, móm, răng thưa, răng mọc lệch lạc, răng khấp khểnh, sai khớp cắn,… Tình trạng bung, tuột dây cung không được xử lý sớm ảnh hưởng đến lực siết hàm khiến quá trình chỉnh nha bị gián đoạn.
Nếu để lâu dài, răng có thể dịch chuyển về vị trí cũ hoặc di chuyển đến những vị trí không theo dự tính. Dù không nguy hiểm nhưng tình trạng này khiến quá trình niềng răng bị kéo dài, gây hao tốn tài chính và ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chỉnh nha.
Cách khắc phục tình trạng bung tuột, lỏng dây cung
Khi gặp phải tình trạng lỏng và bung tuột dây cung, bạn cần thăm khám sớm để khắc phục kịp thời. Tùy theo nguyên nhân, bác sĩ có thể thay dây cung mới, cố định lại mắc cài và cắt bớt phần dây cung bị dư thừa.
Đối với những trường hợp dây cung đâm vào niêm mạc má gây đau nhức và chảy máu, bạn có thể dùng sáp nha khoa lên phần niêm mạc bị ma sát để giảm các triệu chứng kể trên. Nếu đã phát sinh hiện tượng nhiễm trùng niêm mạc má, bác sĩ sẽ kê toa kháng sinh và thuốc giảm đau, chống viêm.
Hạn chế tình trạng dây cung niềng răng bị lỏng, bung tuột
Dây cung niềng răng bị lỏng và bung tuột là tình trạng khá phổ biến trong quá trình chỉnh nha. Nếu không được xử lý sớm, tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến hiệu quả sau khi niềng. Hơn nữa, dây cung bị thừa, lỏng và cong vênh cũng gây ra không ít phiền toái trong quá trình ăn uống và sinh hoạt.
Để hạn chế tình trạng dây cung bị tuột, lỏng trong quá trình niềng răng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Lựa chọn nha khoa uy tín là cách đơn giản nhất để hạn chế tình trạng dây cung bị bung tuột và lỏng trong quá trình chỉnh nha. Vì vậy trước khi áp dụng phương pháp niềng răng, bạn cần phải lựa chọn phòng khám/ bệnh viện đáng tin cậy có đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm và được đầu tư đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại.
- Chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế tình trạng bong mắc cài, dây cung,…
- Vệ sinh răng miệng đúng cách, tránh chải răng quá mạnh khiến dây cung và mắc cài bị lỏng, bung tuột,… Ngoài ra, bạn nên sử dụng thêm chỉ nha khoa chuyên dụng cho người niềng răng và súc miệng với nước muối pha loãng thường xuyên để hạn chế các bệnh lý nha khoa trong thời gian niềng.
- Thận trọng trong quá trình sinh hoạt và làm việc để hạn chế nguy cơ bung tuột mắc cài, dây cung.
- Nên dùng thức ăn mềm, lỏng và nguội trong thời gian chỉnh nha. Tuyệt đối không dùng thực phẩm cứng, khô, món ăn quá nóng/ lạnh, đồ uống chứa cồn và nhiều axit.
- Tình trạng răng dịch chuyển nhanh trong giai đoạn đóng khoảng có thể khiến dây cung bị lỏng nhanh chóng. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên tìm gặp bác sĩ sớm hơn so với lịch hẹn để được khắc phục kịp thời.
Niềng răng bị lỏng, bung tuột dây cung là tình trạng khá phổ biến. Nếu được xử lý sớm, tình trạng này hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và hiệu quả chỉnh nha. Tuy nhiên trong trường hợp không phát hiện và khắc phục kịp thời, quá trình niềng có thể bị kéo dài, gián đoạn gây ảnh hưởng đến kết quả và làm hao tốn tài chính.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Trồng răng Implant, răng giả có niềng răng được không? Giải đáp
Tháo Niềng Răng Có Đau Không? Cần Lưu Ý Gì?
Nên Chọn Niềng Răng Bằng Mắc Cài Kim Loại Thường Hay Tự Buộc?
Chỉnh Răng Khểnh Không Niềng có được không? Giải đáp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!