Răng hô vẩu là gì? Các dạng thường gặp và cách khắc phục

Răng hô vẩu là tình trạng hàm trên hoặc cả hai hàm răng chìa ra phía trước một cách bất thường. Tình trạng này khiến cho khuôn mặt trở nên mất cân đối và thiếu đi sự hài hòa, tự nhiên. Ngoài ra, răng bị hô, vẩu còn làm gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề răng miệng.

Răng hô vẩu
Răng hô vẩu đặc trưng bởi tình trạng răng hàm trên chìa ra phía trước quá mức gây mất cân đối và sai lệch khớp cắn

Răng hô vẩu là gì?

Răng hô (vẩu) là khuyết điểm răng hàm mặt thường gặp bên cạnh răng khấp khểnh và lệch hàm. Tình trạng này đặc trưng bởi hiện tượng răng hàm trên hoặc cả hai hàm đều nhô ra phía trước bất thường. Răng hô vẩu khiến cấu trúc khuôn mặt trở nên mất cân đối và thiếu hài hòa gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình.

Ngoài tác động tiêu cực đến tính thẩm mỹ, tình trạng này còn đi kèm với sai lệch khớp. Những trường hợp răng bị hô vẩu thuộc khớp cắn loại II hay còn gọi là khớp cắn sâu.

Dựa vào mức độ, răng hô vẩu được chia thành 2 loại:

  • Răng hô nhẹ: Răng hô nhẹ tình trạng răng hàm trên chìa ra về phía trước gây mất cân đối với răng hàm dưới nhưng mức độ hô không đáng kể. Tình trạng này có thể không ảnh hưởng đến ngoại hình mà ngược lại còn tạo ra điểm đặc biệt trên khuôn mặt. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp răng vẩu nhẹ cần khắc phục để cải thiện khớp cắn và ngoại hình.
  • Răng hô vẩu nặng: Trường hợp răng hô vẩu nặng rất dễ nhận biết với biểu hiện đặc trưng là răng hàm trên nhô ra bất thường khiến phần hàm trên cao hơn nhiều so với hàm dưới. Lúc này, không chỉ cấu trúc răng mà toàn bộ khuôn mặt cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Tất cả những trường hợp răng hô vẩu nặng đều có chỉ định điều trị để cải thiện ngoại hình và bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Răng hô vẩu có thể gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành. Dù không gây đau nhức, ê buốt và khó chịu nhưng tình trạng này cần được khắc phục sớm để phòng ngừa những vấn đề răng miệng.

Các dạng răng hô, vẩu thường gặp

Ngoài phân loại theo mức độ, răng hô vẩu còn được chia thành nhiều loại dựa vào vị trí răng bị hô và các khuyết điểm đi kèm. Việc phân loại khuyết điểm này sẽ giúp bác sĩ nắm bắt rõ tình trạng răng miệng và dễ dàng hơn trong quá trình điều trị.

các loại răng hô
Răng hô thường gây ra tình trạng cười hở lợi, môi dày, nhọn và khó khép lại

Các dạng răng hô vẩu thường gặp bao gồm:

  • Răng hô hàm trên: Răng hô hàm trên là loại thường gặp nhất đặc trưng bởi tình trạng răng hàm trên chìa ra bên ngoài. Những trường hợp hô nặng sẽ có hiện tượng hàm nhô ra bất thường. Hô hàm trên khiến khớp cắn bị sâu và răng cần nhiều lực để nghiền nát thức ăn.
  • Răng hô hàm dưới: Răng hô vẩu hàm dưới là tình trạng răng hàm dưới chìa ra che lấp một phần răng hàm trên. Tình trạng này khiến cho phần cằm dài ra bất thường và đôi khi đi kèm với hiện tượng lệch hàm. Răng hô hàm dưới thường gây ra tình trạng khớp cắn ngược và có thể dẫn đến nhiều vấn đề nha khoa nếu không khắc phục sớm.
  • Răng hô làm môi dày: Răng hô làm môi dày xảy ra khi xương hàm trên phát triển quá mức khiến phần môi trên nhô ra và khó khép miệng, môi dày, nhọn. Tình trạng này thường xảy ra do bất thường ở cả cấu trúc xương và răng.
  • Răng hô gây hở lợi: Ngoài răng hô làm môi dày, răng hô, vẩu cũng có thể gây ra tình trạng hở lợi. Đây là hiện tượng phần lợi của hàm trên bị lộ ra nhiều kèm theo tình trạng răng nhô về phía trước. Tương tự như răng hô làm môi dày, tình trạng này có thể xảy ra do cả giải phẫu xương hàm bất thường và răng mọc lệch, chìa ra bên ngoài.
  • Răng hô cằm lẹm: Răng hô cằm lẹm là tình trạng phần xương cằm quá ngắn và thụt vào bên trong khiến xương hàm trên nhô ra. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai mà còn tác động đến ngoại hình. Những trường hợp răng hô cằm lẹm thường phải điều chỉnh cả răng và hàm để đạt hiệu quả tối ưu.

Có thể thấy, răng hô vẩu có nhiều dạng khác nhau. Bạn nên quan sát kỹ cấu trúc răng, hàm và một số khuyết điểm đi kèm để xác định đúng loại mà bản thân gặp phải.

Nguyên nhân gây ra tình trạng răng hô vẩu

Răng hô, vẩu có thể xảy ra do răng, cấu trúc hàm hoặc do cả hai yếu tố kết hợp. Tương tự như các khuyết điểm răng hàm mặt thường gặp, tình trạng này chủ yếu do di truyền và bẩm sinh. Tuy nhiên, tình trạng răng chìa ra bên ngoài quá mức cũng có thể hình thành do ảnh hưởng của những thói quen xấu.

Dưới đây là các nguyên nhân gây ra tình trạng răng hô, vẩu thường gặp:

1. Răng hô vẩu do răng

Phần lớn những trường hợp răng hô vẩu đều xảy ra do răng mọc lệch, mọc chìa ra bên ngoài khiến phần hàm trên nhô cao hơn hàm dưới. Ngoài ra, kích cỡ răng quá lớn cũng khiến răng hàm trên chen chúc và chìa ra quá mức. Đây là trường hợp dễ cải thiện nhất và thường bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

các loại răng hô
Mất răng sữa là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng răng hô
  • Di truyền, bẩm sinh: Cấu trúc răng giữa các thành viên trong gia đình thường có nét tương đồng nhờ vật chất di truyền là ADN. Do đó, nếu cha mẹ bị hô, vẩu, con cái sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.
  • Thói quen xấu: Răng cửa có thể bị nhô ra phía trước, mọc lệch, chen chúc, thở bằng miệng,… do một số thói quen như mất răng sữa sớm, thói quen mút tay, ngậm ti giả, nghiến răng khi ngủ, dùng răng cắn xé vật cứng. Về lâu dài, những thói quen này sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc răng khiến răng hô, vẩu dần theo thời gian.

2. Răng bị hô do cấu trúc hàm

Xương hàm trên phát triển quá mức cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng răng hô, vẩu. Tình trạng bắt nguồn chủ yếu từ yếu tố di truyền, bẩm sinh (do nhiễm độc hóa chất trong quá trình mang thai) và chấn thương. Ngoài ra, thiếu hụt dinh dưỡng cũng có thể khiến cấu trúc xương hàm trên và hàm dưới phát triển không đồng đều dẫn đến tình trạng hô, vẩu.

Những trường hợp hô, vẩu do hàm thường phải can thiệp phẫu thuật để khắc phục. Ngoài ra, hàm trên phì đại quá mức cũng có thể gây ra tình trạng cười hở lợi, môi dày, nhọn và khó khép lại.

3. Răng hô vẩu do hàm và răng

Trong một số trường hợp, răng cũng có thể bị hô, vẩu do cả hàm và răng. Đây là tình trạng nghiêm trọng nhất và mất nhiều thời gian để khắc phục. Đa phần những trường hợp hô vẩu do cả hàm và răng đều bắt nguồn từ yếu tố di truyền.

Răng hô, vẩu có ảnh hưởng gì không?

Răng hô, vẩu là một trong những khuyết điểm răng hàm mặt thường gặp. Tình trạng răng nhô ra quá mức gây ra sự mất đối xứng và cân bằng giữa hàm trên và hàm dưới. Răng hô vẩu không được khắc phục sớm sẽ gây ra những ảnh hưởng như:

  • Ảnh hưởng đến ngoại hình: Răng hàm chìa ra quá mức khiến phần môi và răng trở nên mất cân đối. Đa phần những trường hợp răng hô, vẩu đều có khẩu hình miệng và đường cười không đẹp. Hơn nữa theo quan niệm dân gian, răng hô kèm theo cười hở lợi, môi dày sẽ tạo sự “kém duyên” cho cả nam và nữ giới.
  • Sai lệch khớp cắn: Sai lệch khớp cắn xảy ra do răng mọc không đúng vị trí. Tình trạng răng chìa ra quá mức khiến khớp cắn bị lệch, từ đó gây ra khó khăn và phiền toái trong quá trình ăn uống. Như đã đề cập, răng hô, vẩu thuộc khớp cắn loại II (hay còn được gọi là khớp cắn sâu).
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng: Răng hô, vẩu làm gia tăng áp lực khi ăn nhai lên 1 bên khớp và một vài răng cụ thể. Lâu dần, tình trạng này có thể gây mòn men răng, rối loạn cơ năng khớp thái dương hàm, sâu răng, răng ê buốt, nhạy cảm và nhiều vấn đề khác.

Nhiều người cho rằng, răng hô, vẩu chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên có tâm lý chủ quan, không thăm khám và khắc phục sớm. Nhưng trên thực tế, đây là yếu tố làm gia tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề răng miệng và sức khỏe (hô hấp, tiêu hóa). Do đó trong trường hợp răng hô nhiều, nên can thiệp các biện pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Các biện pháp khắc phục răng hô vẩu hiệu quả

Để khắc phục răng hô vẩu hiệu quả, cần xác định được nguyên nhân chính xác. Đa phần những phương pháp khắc phục tình trạng này đều có chi phí khá cao. Vì vậy, bác sĩ sẽ tư vấn kỹ lưỡng và chỉ thực hiện khi có sự đồng ý của khách hàng.

1. Niềng răng chỉnh răng hô, vẩu

Trong trường hợp răng hô, vẩu do răng mọc sai vị trí, chen chúc, lệch lạc, răng chìa ra bên ngoài,… giải pháp tối ưu là niềng răng – chỉnh nha. Niềng răng sử dụng khay niềng hoặc mắc cài để dịch chuyển răng về đúng vị trí, từ đó giúp răng đều, cân đối và khắc phục tình trạng hô vẩu triệt để.

trị răng hô
Niềng răng – chỉnh nha là giải pháp tối ưu trong trường hợp răng hô do răng mọc lệch, chen chúc

Phương pháp này có hiệu quả với cả trường hợp hô, vẩu nhẹ đến nghiêm trọng. Tùy theo mức độ hô của răng, quá trình chỉnh nha thường sẽ kéo dài từ 1 – 3 năm . Khi răng được điều chỉnh về đúng vị trí, cấu trúc xương hàm trên, hàm dưới và khuôn cằm sẽ có những thay đổi tích cực.

Niềng răng – chỉnh nha có nhiều kỹ thuật khác nhau. Để cải thiện tình trạng hô vẩu, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau:

  • Niềng răng mắc cài: Niềng răng mắc cài là phương pháp chỉnh nha ra đời đầu tiên. Phương pháp này sử dụng mắc cài để tạo ra lực siết nhằm dịch chuyển răng về đúng vị trí. Niềng răng mắc cài có hai loại là mắc cài thường và mắc cài tự buộc. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn chất liệu mắc cài tùy theo nhu cầu (mắc cài kim loại, mắc cài sứ, pha lê).
  • Niềng răng trong suốt/ niềng răng không mắc cài: Niềng răng trong suốt sử dụng khay niềng bằng nhựa không màu để di chuyển răng về vị trí mong muốn. Khay niềng ôm sát vào răng nên không gây vướng víu, cộm và không bị “lộ”. Tuy nhiên, niềng răng trong suốt không thích hợp với những trường hợp răng hô vẩu nặng. Hơn nữa, đây cũng là phương pháp chỉnh nha có chi phí cao nhất hiện nay.

Niềng răng là giải pháp tối ưu trong trường hợp răng hô, vẩu do răng mọc lệch, chen chúc và chìa ra bên ngoài. Phương pháp này khá an toàn, thích hợp với người lớn và trẻ từ 11 tuổi trở lên. Tuy nhiên, niềng răng chống chỉ định với những trường hợp đã trồng hơn 2 răng giả, viêm nha chu nặng, tiêu xương hàm và mắc các bệnh toàn thân (rối loạn đông máu, tiểu đường, ung thư, cao huyết áp,…).

2. Bọc răng sứ

Bọc răng sứ cũng có thể được áp dụng trong trường hợp răng hô vẩu. Phương pháp này được xem xét khi răng hô vẩu có mức độ nhẹ và có đi kèm với khuyết điểm răng thưa, khoảng cách giữa các kẽ và chiều dài răng không đồng đều.

Bọc răng sứ sử dụng sứ nguyên chất để tạo ra mão sứ có hình dáng, màu sắc và kích thước tương tự răng thật. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành mài cùi răng thật và chụp mão sứ lên trên để phục hồi hình thể của răng.

khắc phục răng hô
Trường hợp răng hô nhẹ có thể bọc răng sứ để cải thiện thay vì chỉnh nha và phẫu thuật

Đối với răng hô vẩu, răng cửa và một số răng xung quanh sẽ được mài bớt phần chìa ra bên ngoài. Kế tiếp, bác sĩ sẽ chế tác mão sứ có hình dáng thích hợp để tránh tình trạng răng hàm trên nhô ra bất thường. Bọc răng sứ có quy trình khá nhanh chóng và có thể hoàn tất chỉ sau 2 – 3 buổi hẹn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thích hợp với những trường hợp răng hô, vẩu nhẹ.

3. Phẫu thuật chỉnh hàm hô

Những trường hợp răng hô vẩu do hàm phải can thiệp phẫu thuật mới có thể khắc phục hoàn toàn. Phẫu thuật hàm là phương pháp phức tạp, tác động trực tiếp đến cấu trúc xương nên bạn cần lựa chọn bệnh viện uy tín để thực hiện. Sau khi xương hàm được điều chỉnh, tình trạng răng, vẩu sẽ được khắc phục hoàn toàn.

Trong trường hợp răng hô do cả xương và răng, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp cả phẫu thuật và chỉnh nha. Trong đó, phẫu thuật sẽ được thực hiện trước. Sau đó, chờ một thời gian để xương lành hẳn và can thiệp chỉnh nha để mang lại sự cân đối nhất cho khuôn mặt.

Răng hô, vẩu không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn tác động đến sức khỏe răng miệng. Do đó, thăm khám và khắc phục sớm tình trạng này là vấn đề rất cần thiết. Để được tư vấn phương pháp xử lý phù hợp, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!