Cần chăm sóc răng miệng đúng cách khi niềng răng để phòng tránh các vấn đề nha khoa và đảm bảo hiệu quả chỉnh nha tối ưu. Ngoài các biện pháp làm sạch răng miệng thông thường, nên chú ý thêm về chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt.
Hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng khi niềng răng
Chăm sóc răng miệng là biện pháp giúp bảo vệ răng và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa hiệu quả. Tuy nhiên trong thời gian niềng, các khí cụ được gắn cố định lên răng có thể gây khó khăn trong quá trình làm sạch răng miệng. Chính vì vậy, bạn cần có các biện pháp chăm sóc răng miệng hợp lý để phòng tránh các vấn đề nha khoa khi can thiệp chỉnh nha.
Những vấn đề răng miệng xảy ra khi niềng răng không chỉ gây đau nhức, khó chịu mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả chỉnh nha. Do đó, chăm sóc răng miệng hợp lý được xem là yếu tố quan trọng bên cạnh tay nghề và kỹ thuật của bác sĩ.
Để bảo vệ sức khỏe răng miệng khi niềng răng, bạn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc sau:
1. Chải răng đúng cách
Chải răng là biện pháp làm sạch răng cơ bản cần phải thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/ ngày. Khi niềng răng mắc cài, các khí cụ được gắn cố định lên răng sẽ gây khó khăn trong quá trình đánh răng dẫn đến tích tụ thức ăn thừa và mảng bám. Hơn nữa, chải răng không đúng cách trong trường hợp này còn có thể gây bung tuột dây cung, đứt dây chun, súc mắc cài,…
Hướng dẫn chải răng đúng cách giúp vệ sinh răng miệng hiệu quả khi mang mắc cài:
- Trước tiên, bạn cần lựa chọn bàn chải có lông chải mềm, mảnh và nhỏ để dễ dàng làm sạch thức ăn bám dính trong mắc cài.
- Khi đánh răng, chú ý thao tác nhẹ nhàng và kỹ lưỡng để làm sạch khoang miệng hiệu quả. Lần lượt di chuyển bàn chải ở mặt ngoài, mặt nhai và mặt trong của răng hàm dưới và hàm trên để tăng hiệu quả làm sạch. Sau cùng, chải nhẹ nhàng từng mắc cài để loại bỏ thức ăn thừa bám dính
- Chải răng 2 – 3 lần/ ngày sau các bữa ăn khoảng 30 phút
- Sử dụng các loại kem đánh răng chứa fluor để tái khoáng men răng và ngăn ngừa sâu răng trong thời gian chỉnh nha. Tránh các loại kem đánh răng có chứa axit và các thành phần có khả năng mài mòn cao.
2. Sử dụng thêm bàn chải kẽ
Bàn chải kẽ là dụng cụ làm sạch răng dành riêng cho người chỉnh nha. Dụng cụ này được thiết kế với kích thước nhỏ giúp len lỏi vào bên trong mắc cài để làm sạch thức ăn thừa và mảng bám tích tụ ở mặt răng.
Bàn chải kẽ được sử dụng sau khi chải răng để loại bỏ mảng bám bị sót lại. Nên di chuyển bàn chải vào bên trong dây cung và thao tác chậm rãi từ 10 – 15 lần để làm sạch kẽ răng và phần bên trong của mắc cài. Thực hiện tương tự với các kẽ răng còn lại trên cung hàm.
3. Dùng chỉ nha khoa
Chỉ tơ nha khoa được khuyến khích sử dụng ngay sau khi đánh răng để làm sạch kẽ răng hiệu quả. Chỉ tơ có kích thước mảnh, độ bền và đàn hồi tốt nên có thể thay thế cho tắm tre. Trong trường hợp đang niềng răng, bạn nên dùng chỉ tơ dành riêng cho người chỉnh nha để thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng.
Sử dụng chỉ tơ nha khoa giúp làm sạch hoàn toàn thức ăn thừa bên trong các kẽ, qua đó bảo vệ sức khỏe răng miệng và đảm bảo hiệu quả của phương pháp chỉnh nha – niềng răng. Nếu có thể, nên dùng chỉ nha khoa 2 – 3 lần. Trong trường hợp không có nhiều thời gian, có thể sử dụng chỉ nha khoa 1 lần/ ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ.
4. Sử dụng máy tăm nước
Máy tăm nước là thiết bị làm sạch răng miệng hiện đại khá được ưa chuộng trong thời gian gần đây. Thiết bị này sử dụng tia nước áp suất cao để làm sạch thức ăn thừa ở nướu và kẽ răng. Ngoài ra, máy tăm nước còn có chức năng massage nướu giúp cải thiện sức khỏe răng miệng đáng kể.
Máy tăm nước có thể làm sạch thức ăn thừa ở những vị trí bàn chải và chỉ nha khoa không thể chạm đến. Đặc biệt, thiết bị này rất có hiệu quả trong việc làm sạch thức ăn thừa trong các mắc cài. Tuy nhiên, giá thành của máy tăm nước tương đối cao nên không hoàn toàn thích hợp với tất cả mọi người.
5. Dùng nước súc miệng kháng khuẩn
Bước cuối cùng khi làm sạch răng miệng là sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn. Trên thực tế, các biện pháp trên chỉ có thể làm sạch thức ăn thừa và mảng bám, hoàn toàn không thể tiêu diệt tất cả hại khuẩn có trong khoang miệng. Do đó, nên dùng nước súc miệng để tiêu diệt các vi khuẩn có hại tích tụ trong niêm mạc miệng.
Nên sử dụng nước súc miệng có bổ sung fluor để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển và tăng độ cứng chắc cho men răng. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng một số loại nước súc miệng chứa các hoạt chất kháng khuẩn như Zinc gluconate, Chlorhexidine, Hexetidine,… Sử dụng các sản phẩm này đều đặn 2 lần/ ngày có thể phòng ngừa các bệnh lý nha khoa trong thời gian niềng răng hiệu quả.
6. Chú ý thói quen ăn uống
Ngoài các biện pháp làm sạch, chăm sóc răng miệng khi đang niềng răng còn bao gồm cả chế độ dinh dưỡng. Bởi hệ thống mắc cài được gắn cố định lên răng sẽ gây ra cảm giác khó chịu và vướng víu khi ăn uống. Dùng các món ăn, thức uống không thích hợp có thể gây bung súc mắc cài và ảnh hưởng đến hiệu quả chỉnh nha.
Vì vậy trong thời gian niềng răng, bạn nên lưu ý một số vấn đề khi ăn uống như:
- Ưu tiên các món ăn mềm, lỏng để giảm áp lực lên răng như cháo, cơm, bún, miến và canh. Tránh dùng thức quá khô và cứng vì có thể gây đau nhức răng và bung tuột dây cung, mắc cài.
- Hạn chế dùng thức ăn và đồ uống gia tăng hình thành mảng bám như gạo nếp, chè, các loại nước ngọt, trà sữa, bánh kẹo. Mảng bám hình thành quá mức rất khó để làm sạch hoàn toàn. Theo thời gian, mảng bám tích tụ dần sẽ gây ra hàng loạt các vấn đề nha khoa.
- Không dùng quá nhiều đồ uống và thực phẩm chứa nhiều axit. Axit sẽ làm mòn men răng, từ đó gây ra tình trạng răng ê buốt và nhạy cảm. Ngoài ra, axit trong thức ăn và đồ uống còn làm mài mòn các khí cụ được sử dụng trong quá trình niềng răng.
- Dù không ảnh hưởng đến hiệu quả chỉnh nha nhưng các loại thức uống sẫm màu có thể gây ố màu men răng và làm đổi màu mắc cài (đặc biệt là mắc cài sứ/ pha lê). Do đó, bạn cũng nên hạn chế các loại thức uống và thực phẩm này trong thời gian chỉnh nha.
7. Thay đổi một số thói quen xấu
Ngoài chế độ dinh dưỡng, bạn cũng nên chú ý thay đổi một số thói quen xấu để quá trình niềng răng – chỉnh nha diễn ra thuận lợi.
- Tránh hút thuốc lá trong thời gian niềng răng. Thói quen này không chỉ gây ố màu men răng và mắc cài mà còn gây ra tình trạng khô miệng, hôi miệng và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa như viêm lợi, sâu răng,…
- Nếu có thói quen nghiến răng khi ngủ, nên trao đổi với bác sĩ để tìm biện pháp khắc phục. Duy trì thói quen này trong thời gian chỉnh nha có thể làm giảm hiệu quả và kéo dài thời gian niềng.
- Không sử dụng răng cạy và cắn xé vật dụng. Thói quen này có thể gây mòn men, nứt, mẻ răng và bung súc các khí cụ chỉnh nha.
- Không chống cằm, tránh nhai cố định 1 bên hàm và hạn chế nằm nghiêng 1 bên. Thực tế, những thói quen kể trên đều ảnh hưởng đến khớp cắn và cấu trúc xương hàm. Do đó, nên chú ý điều chỉnh để quá trình niềng răng – chỉnh nha mang lại hiệu quả tối ưu.
- Hạn chế các hoạt động mạnh trong thời gian niềng. Bởi tác động cơ học quá mạnh có thể gây hư hại mắc cài và ảnh hưởng đến hiệu quả chỉnh nha.
Chăm sóc răng miệng khi đang niềng răng ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả chỉnh nha. Vì vậy, bạn nên thực hiện đầy đủ các biện pháp kể trên để bảo vệ răng miệng và đạt được kết quả tốt nhất. Ngoài ra, cần chú ý tái khám thường xuyên theo lịch hẹn để quá trình chỉnh nha diễn ra một cách liên tục và thuận lợi.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Niềng Răng Mắc Cài Pha Lê Có Tốt Không? Giá Bao Nhiêu?
Hàm duy trì sau niềng răng là gì? Các loại và giá bán cụ thể
Niềng Răng Có Cần Nhổ Răng Không? Giải Đáp
Niềng Răng 1 Hàm Có Được Không? Chi Phí Bao Nhiêu Tiền?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!