Niềng răng bị đau, ê buốt xảy ra trong thời gian đầu gắn khí cụ và sau mỗi lần siết răng. Đây là phản ứng thông thường của răng khi phải chịu lực kéo từ hệ thống khay niềng và mắc cài. Nếu chăm sóc đúng cách, tình trạng này có thể thuyên giảm nhanh sau một thời gian ngắn mà không cần điều trị y tế.
Niềng răng bị đau nhức, ê buốt – Nguyên nhân do đâu?
Niềng răng (chỉnh nha) là giải pháp đối với trường hợp răng mọc lệch lạc, chen chúc, răng thưa, hô, móm, vẩu, sai lệch khớp cắn,… Phương pháp này có thể điều chỉnh vị trí của răng nhằm khắc phục các khuyết điểm và cải thiện khớp cắn hiệu quả. Hiện tại, niềng răng sử dụng mắc cài (khí cụ truyền thống) và khay niềng trong suốt để dịch chuyển vị trí của răng theo ý muốn.
Thực tế, niềng răng mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao mà không cần phải thực hiện phẫu thuật hàm. Chính vì vậy trong những năm gần đây, nhu cầu niềng răng – chỉnh nha tăng lên đáng kể. Mặc dù là biện pháp không xâm lấn nhưng niềng răng vẫn có thể gây đau nhức, ê buốt trong quá trình thực hiện.
Các nguyên nhân gây ê buốt răng, răng đau nhức khi chỉnh nha:
1. Đau nhức, ê buốt răng do khí cụ chỉnh nha
Khí cụ chỉnh nha được sử dụng để điều chỉnh răng về vị trí mong muốn. Khi gắn khí cụ lên răng sẽ tạo ra áp lực nhất định khiến răng bị ê buốt và đau nhức. Giai đoạn đầu tiên bị đau nhức, ê buốt răng là đặt thun tách kẽ (thực hiện trước khi niềng khoảng 5 – 7 ngày).
Ngoài ra, răng cũng có thể gặp phải tình trạng này khi gắn khâu và gắn mắc cài – nhất là trong thời gian đầu. Mắc cài gây cộm, ma sát với niêm mạc miệng dẫn đến tình trạng đau nhức và thậm chí là chảy máu. Cảm giác đau nhức, ê buốt cũng có thể xảy ra mỗi khi siết răng (thắt chặt mắc cài để tăng lực kéo lên răng).
Tùy theo cơ địa của từng người, tình trạng ê buốt và đau khi niềng thường kéo dài từ 3 – 5 ngày hoặc 1 – 2 tuần (đối với đặt thun tách kẽ). Tình trạng này sẽ xảy ra nhiều lần trong quá trình niềng do khay niềng, mắc cài sẽ được điều chỉnh lực liên tục để điều chỉnh răng về vị trí mong muốn.
2. Niềng răng bị đau, ê buốt do nền răng yếu
Niềng răng là phương pháp sử dụng khay niềng, mắc cài để tạo ra lực kéo nhằm dịch chuyển vị trí của răng. Vì vậy, ít nhiều răng cũng sẽ bị ê và khó chịu nhẹ trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên với những người có nền răng yếu, cảm giác đau nhức và ê buốt có thể nghiêm trọng hơn về mức độ.
3. Do bác sĩ niềng răng sai kỹ thuật
Niềng răng là phương pháp phức tạp nên đòi hỏi bác sĩ phải được đào tạo bài bản và có chuyên môn giỏi. Thực tế cho thấy, đã có không ít trường hợp bị niềng răng thất bại, răng đau nhức và ê buốt nhiều do chỉnh nha sai kỹ thuật.
Trong trường hợp răng ê buốt, đau nhức nặng và kéo dài, bạn nên đến bệnh viện đáng tin cậy để được khám và xử lý kịp thời. Ngoài ra, trước khi niềng răng hay thực hiện bất cứ thủ thuật nào đều phải thận trọng khi lựa chọn bệnh viện/ phòng khám nha khoa.
4. Do chế độ ăn uống không thích hợp
Trong quá trình niềng răng, bạn cần chú ý đến chế độ ăn uống. Bởi áp lực trong quá trình ăn nhai có thể gây đứt dây cung, súc mắc cài và các khí cụ chỉnh nha. Khi niềng răng – nhất là niềng răng mắc cài, cần dùng thức ăn mềm, lỏng và nên dùng một lượng nhỏ thức ăn để giảm áp lực lên mắc cài.
Dùng thức khô, cứng, dai và nhai một lượng lớn thức ăn có thể tạo ra áp lực gây bung súc dây cung, đứt dây chun, súc mắc cài,… Nếu niềng răng trong suốt, bạn nên tháo khay niềng khi dùng thức ăn cứng và khô. Áp lực khi ăn nhai các thực phẩm này có thể gây nứt, mẻ khay và khiến răng bị đau nhức, ê buốt.
5. Niềng răng bị đau nhức do vệ sinh răng miệng kém
Hệ thống mắc cài không chỉ gây khó chịu khi ăn uống mà còn ảnh hưởng đến việc vệ sinh răng miệng. Để đảm bảo răng miệng được làm sạch hoàn toàn, bạn nên dùng chỉ nha khoa và bàn chải kẽ răng dành cho người chỉnh nha. Vệ sinh răng miệng kém khiến thức ăn thừa bám dính gây tích tụ mảng bám và hậu quả là gây ê buốt, đau nhức răng.
Thói quen vệ sinh kém còn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa trong thời gian niềng. Tình trạng này làm gián đoạn tốc độ chỉnh nha và ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sau khi niềng răng.
Cách giảm đau nhức, ê buốt khi niềng răng
Đau nhức, ê buốt là tình trạng không thể tránh khỏi khi niềng răng. Với những người có nền răng yếu và cơ địa nhạy cảm, cơn đau thường có mức độ nặng hơn. Dù có thể tự thuyên giảm sau vài ngày nhưng tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống.
Để cải thiện tình trạng răng ê buốt, đau nhức khi niềng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục sau:
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể giảm phần nào cảm giác ê buốt và đau nhức khi niềng răng. Ngoài ra, làm sạch răng miệng còn giúp hạn chế nguy cơ mắc các bệnh nha khoa trong thời gian chỉnh nha.
Các biện pháp vệ sinh răng miệng trong thời gian niềng răng:
- Chải răng 2 – 3 lần/ ngày sau các bữa ăn chính. Ngoài bàn chải thông thường, nên sử dụng thêm bàn chải kẽ chuyên dụng để làm sạch hoàn toàn thức ăn thừa bám ở kẽ.
- Ngoài chải răng, nên dùng thêm chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn thừa ở các kẽ.
- Sử dụng nước súc miệng hoặc nước muối pha loãng 2 – 3 lần/ ngày để làm sạch khoang miệng sau khi đánh răng và dùng chỉ nha khoa.
- Ngoài các biện pháp vệ sinh răng miệng tại nhà, nên đến nha khoa tái khám định kỳ để được làm sạch răng miệng chuyên nghiệp. Đây là biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa các bệnh nha khoa trong thời gian chỉnh nha.
2. Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Khi niềng răng – đặc biệt là niềng răng mắc cài, chế độ dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng. Ăn uống hợp lý có thể giảm áp lực lên mắc cài, đồng thời giúp giảm nhẹ cơn đau và cảm giác ê buốt trong mỗi lần siết răng.
Cách xây dựng chế độ dinh dưỡng trong thời gian niềng răng – chỉnh nha:
- Sau khi đặt thun tách kẽ và sau mỗi lần siết răng, răng thường bị đau nhức và ê buốt. Để giảm các triệu chứng khó chịu, cần dùng các món ăn mềm, lỏng và nguội.
- Tránh dùng thức ăn cứng, khô và dai trong thời gian niềng. Áp lực trong quá trình ăn nhai các món ăn này có thể gây súc mắc cài, dây thun và các khí cụ chỉnh nha khác. Ngoài ra, nhai thức ăn cứng, khô thường xuyên còn ảnh hưởng đến hiệu quả chỉnh nha.
- Sử dụng các loại thực phẩm có khả năng làm sạch mảng bám tự nhiên như sữa chua, các loại rau và trái cây chứa hàm lượng axit nhẹ như dâu tây, táo, quả lê,…
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho cơ thể. Ăn uống khoa học có thể cải thiện sức khỏe răng miệng và hạn chế được phần nào tình trạng răng đau nhức, ê buốt trong quá trình niềng.
- Ngoài thức ăn khô, cứng, nên hạn chế dùng thức ăn và đồ uống chứa nhiều axit như nước ngọt có gas, trái cây chứa nhiều axit như me, cóc, chanh,… Axit trong thức ăn có thể gây mòn men răng và tăng cảm giác ê buốt trong quá trình niềng.
- Không dùng đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Bởi thói quen này có thể gây hư hại men răng, tăng mức độ ê buốt và ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chỉnh nha.
3. Áp dụng mẹo giảm đau tại nhà
Nếu răng đau nhức, ê buốt nhiều, bạn có thể áp dụng một số mẹo giảm đau tại nhà để cải thiện. Các mẹo chữa này có thể giảm những triệu chứng khó chịu trong thời gian chỉnh nha.
Các mẹo giảm đau nhức, ê buốt răng trong quá trình niềng răng:
- Ngậm nước muối ấm: Ngậm nước muối ấm là cách giảm đau nhức, ê buốt răng khá hiệu quả và an toàn. Nước muối có đặc tính sát trùng và tiêu viêm. Sau khi chải răng, bạn nên ngậm nước muối ấm từ 3 – 5 phút để làm dịu cơn đau và cảm giác khó chịu.
- Chườm đá: Chườm đá là biện pháp giảm đau nhức răng khá hiệu quả. Sau mỗi lần siết răng, răng và mô nướu xung quanh thường có hiện tượng viêm, đau nhức đáng kể. Vì vậy, bạn nên chườm đá từ 10 – 15 phút và thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/ ngày có thể giảm nhanh các triệu chứng khó chịu.
- Bôi sáp nha khoa: Khi đeo mắc cài, các khí cụ chỉnh nha sẽ ma sát với niêm mạc miệng và mô nướu dẫn đến cảm giác đau nhức, rát, chảy máu. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể dùng sáp nha khoa thoa lên các vùng niêm mạc xung quanh miệng.
Áp dụng các biện pháp này có thể giảm nhanh cảm giác đau nhức, ê buốt trong thời gian niềng. Chỉ sau một thời gian ngắn, các triệu chứng khó chịu sẽ thuyên giảm hoàn toàn.
Niềng răng bị đau nhức, ê buốt – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Cảm giác ê buốt, đau nhức là tình trạng rất phổ biến trong thời gian niềng răng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, tình trạng này có thể là dấu hiệu của các bệnh nha khoa và sai sót trong quá trình chỉnh nha. Vì vậy, bạn nên tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường như:
- Răng đau nhức nhiều
- Chảy máu mô nướu
- Ê buốt răng kéo dài
- Các triệu chứng ê buốt, đau nhức kéo dài từ 3 – 4 tuần trở lên và có mức độ nặng dần theo thời gian
- Nhận thấy răng lung lay, lỏng lẻo
- Đôi khi có kèm hôi miệng, chảy dịch/ mủ ở nướu răng
Niềng răng bị đau nhức, ê buốt là phản ứng thường gặp khi mới gắn khí cụ và áp lực trong mỗi lần siết răng. Nếu chăm sóc đúng cách, các triệu chứng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khoảng vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên trong trường hợp cơn đau kéo dài, bạn nên tìm gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và can thiệp các phương pháp điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Niềng Răng 3D Clear Không Mắc Cài : Giá & Ưu nhược điểm
Niềng Răng Bằng Nhựa Có Hiệu Quả Không? Cần Lưu Ý Gì?
Niềng Răng Có Cần Nhổ Răng Không? Giải Đáp
Những Điều Cần Lưu Ý Khi Thực Hiện Niềng Răng Cắm Minivis
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!