Cầu răng sứ là một trong những phương pháp phục hình răng được ưa chuộng. Phương pháp này có quy trình khá đơn giản nhưng có thể phục hồi được khoảng 70 – 80% các chức năng vốn có của răng.
Cầu răng sứ là gì?
Cầu răng sứ là một trong những phương pháp trồng răng được ưa chuộng hiện nay. Phương pháp này có thể phục hình 1 hoặc nhiều răng bằng cách chế tác mão sứ, sau đó gắn cố định vào 2 răng bên nhằm tạo ra điểm neo giữ để vắt ngang qua vị trí của răng bị mất. Làm cầu răng sứ còn có tên gọi khác là trồng răng bắc cầu và làm răng bắc cầu.
Cầu răng sứ thường có 3 – 4 mão sứ với 2 mão ngoài cùng được gắn vào răng thật ở hai bên, 1 – 2 mão chính giữa sẽ bù lấp và thay thế cho răng bị mất. Tuy nhiên hiện nay, ngoài cầu răng sứ truyền thống, phương pháp này còn được cải tiến với nhiều loại cầu răng khác.
Phục hình bằng cầu răng sứ hầu như không xâm lấn vào nướu và xương hàm. Do đó, những trường hợp chống chỉ định tuyệt đối với cấy ghép Implant có thể cân nhắc phương pháp này.
Cầu răng sứ có mấy loại?
Như đã đề cập, hiện nay có khá nhiều loại cầu răng bên cạnh cầu răng sứ truyền thống. Dưới đây là 5 loại cầu răng được sử dụng phổ biến nhất hiện nay:
1. Cầu răng sứ truyền thống
Cầu răng sứ truyền thống bao gồm từ 3 – 4 mão sứ được chế tác gắn liền với nhau. Hai mão sứ ngoài cùng sẽ được gắn vào 2 răng bên để tạo thành điểm neo giữ. 1 – 2 mão sứ chính giữa sẽ vắt ngang vị trí răng bị mất nhằm bù lấp khoảng trống và phục hồi chức năng ăn nhai, thẩm mỹ.
Cầu răng sứ truyền thống là loại cầu răng được sử dụng phổ biến nhất. Yêu cầu khi thực hiện loại cầu răng này là 2 răng kế cạnh phải khỏe mạnh, không bị lung lay và lỏng lẻo. Tuy nhiên, vì sử dụng 2 răng bên cạnh để làm điểm neo giữ nên bác sĩ buộc phải mài răng để chụp mão sứ lên trên. Quá trình mài răng có thể gây ê buốt nhẹ trong khoảng vài ngày.
2. Cầu răng cánh dán
Cầu răng cánh dán được cải tiến so với cầu răng sứ truyền thống. Loại cầu răng này được chế tác từ các loại vật liệu nhẹ để dễ dàng cố định trên cung hàm. Thay vì phải chế tác từ 3 – 4 mão răng giả, cầu răng cánh dán chỉ chế tác 1 mão răng để thay thế cho răng bị mất.
Điểm khác biệt của cầu răng cánh dán là hai bên được gắn với 2 khung kim loại để cố định vào mặt trong của 2 răng kế cạnh bằng xi măng và keo dán nha khoa. Nhờ vậy, loại cầu răng này có thể bảo tồn răng lân cận, không phải mài răng như làm cầu răng sứ truyền thống.
Ngoài ra, cầu răng cánh dán cũng có chi phí thấp hơn do chỉ phải chế tác 1 răng giả. Tuy nhiên, phương pháp này chống chỉ định với những trường hợp khớp cắn chéo và khớp cắn sâu. Hơn nữa sau một thời gian, cầu răng sẽ bị ngả màu và trở nên lỏng lẻo.
3. Cầu răng đèo/ cầu răng với
Cầu răng với (cầu răng đèo) chỉ sử dụng 1 răng trụ thay vì 2 răng trụ như bình thường. Vì vậy, phương pháp này chỉ thích hợp với những trường hợp mất răng ở các vị trí không phải dùng lực nhiều (răng cửa, răng tiền hàm). Với răng hàm, bác sĩ thường không khuyến khích áp dụng cách này. Do áp lực từ quá trình ăn nhai có thể khiến cho cầu răng sứ bị nứt, mẻ và thậm chí là gãy.
4. Cầu răng composite
Cầu răng composite được áp dụng trong trường hợp mất 1 và 2 răng. Phương pháp này sử dụng composite để tạo cầu nối giữa 2 răng bên cạnh vị trí răng bị mất. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể sử dụng thêm sợi gia cố ribbond để tăng độ chắc chắn cho cầu răng. Sau đó, bác sĩ sẽ gắn răng giả vào vị trí bị mất nhờ có sự hỗ trợ của composite. Tương tự cầu răng cánh dán, phương pháp này cũng chỉ có hiệu quả trong một thời gian ngắn.
5. Cầu răng được hỗ trợ bằng Implant
Cầu răng được hỗ trợ bằng Implant là phương pháp phục hình hiện đại. Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp mất từ 3 răng trở lên. Vì khoảng cách quá xa nên việc làm cầu răng sứ truyền thống có thể gây lỏng lẻo, khó khăn khi ăn nhai, cầu răng không chịu được áp lực lớn, dễ nứt và gãy.
Cầu răng được hỗ trợ bằng Implant sử dụng trụ Implant được làm từ Titanium cấy vào 2 vị trí ngoài cùng. Sau đó, chế tác mão sứ tương ứng và đặt lên trụ Implant thông qua khớp nối (Abutment). Phương pháp này là sự kết hợp giữa cầu răng sứ truyền thống và cấy ghép Implant.
Tuy nhiên, vì phải tiểu phẫu để đặt trụ Implant vào bên trong xương hàm nên phương pháp này không phải là giải pháp cho những người bị ung thư, tiểu đường không kiểm soát, rối loạn đông máu và mắc các bệnh toàn thân khác. Hơn nữa, chi phí làm cầu răng với sự hỗ trợ của Implant cũng cao hơn so với các phương pháp làm cầu răng khác.
Vật liệu chế tác cầu răng sứ
Tương tự như răng sứ thông thường, cầu răng sứ cũng được chế tác bằng nhiều vật liệu khác nhau. Trong đó được chia thành 2 nhóm là răng sứ kim loại và răng toàn sứ:
1. Cầu răng sứ kim loại
Răng sứ kim loại là các dòng răng sứ được làm từ hợp kim Ni-Co-Titan, Cr-Co, Ni-Cr,… Lớp khung sườn sẽ được bao bọc bởi một lớp men sứ có màu sắc tương tự như răng thật. Răng sứ kim loại có khả năng phục hình tốt nhưng tính thẩm mỹ kém hơn so với răng toàn sứ. Sau một thời gian sử dụng, viền nướu có thể bị đen do kim loại oxy hóa khi tiếp xúc với đồ ăn và thức uống.
2. Răng toàn sứ
Răng toàn sứ được chế tác hoàn toàn từ sứ cả khung sườn và lớp men bên ngoài. So sánh với răng sứ kim loại, răng toàn sứ có nhiều ưu điểm hơn như tính thẩm mỹ cao, độ bền và khả năng chịu lực tốt. Tuy nhiên, hạn chế của răng toàn sứ là chi phí cao hơn rất nhiều so với răng sứ kim loại.
Khi nào nên làm cầu răng sứ?
Cầu răng sứ là phương pháp phục hình răng có thể áp dụng cho nhiều trường hợp khác nhau như:
- Mất từ 1 – 3 răng liền kề do chấn thương, tai nạn hoặc do ảnh hưởng của các bệnh nha khoa (viêm nha chu, sâu răng nặng)
- Mất vài răng xen kẽ trên cung hàm
- Trường hợp thiểu răng bẩm sinh
Trước đây, cầu răng sứ cần đến 2 trụ răng nên không thể thực hiện cho những trường hợp mất răng số 7. Tuy nhiên với sự ra đời của cầu răng đèo/ cầu răng với, những trường hợp mất răng số 7 hoàn toàn có thể phục hình bằng phương pháp này.
Quy trình làm cầu răng sứ (chi tiết từng bước)
Trồng răng bắc cầu có thể khôi phục hình dáng, chức năng ăn nhai, thẩm mỹ và hỗ trợ phát âm. Phương pháp này có quy trình không quá phức tạp và có thể hoàn thành sau 2 – 3 buổi hẹn (trừ những trường hợp làm cầu răng sứ được hỗ trợ bằng trụ Implant).
Làm cầu răng sứ theo đúng quy trình giúp đảm bảo hiệu quả sau khi thực hiện. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu trước quy trình để quá trình phục hình răng diễn ra thuận lợi và an toàn.
Bước 1: Thăm khám và tư vấn
Thăm khám là bước đầu tiên khi làm cầu răng sứ. Trước tiên, bác sĩ sẽ khám răng miệng tổng quát, sau đó chụp X quang để đánh giá cụ thể tình trạng của 2 răng kế cận vị trí răng bị mất. Bởi làm cầu răng sứ đòi hỏi 2 răng bên phải khỏe mạnh để làm điểm neo giữ chắc chắn.
Sau khi nắm bắt rõ tình trạng của khách hàng, bác sĩ sẽ tư vấn về các loại cầu răng sứ. Ngoài ra trong quá trình thăm khám, bác sĩ cũng sẽ sàng lọc các bệnh lý nha khoa và tiến hành điều trị dứt điểm trước khi phục hình răng. Nếu không khắc phục triệt để, các vấn đề răng miệng sẽ tiếp tục phát triển gây hư hại các răng khác trên cung hàm dẫn đến nguy cơ mất răng toàn hàm.
Bước 2: Cạo vôi răng và gây tê
Sau khi tư vấn và khách hàng đồng ý làm cầu răng sứ, bác sĩ sẽ tiến hành cạo vôi răng để làm sạch răng miệng. Sau đó, gây tê để chuẩn bị cho quá trình mài cùi răng (2 răng bên cạnh). Mục đích của việc mài cùi răng là tạo khoảng trống để mão sứ có thể chụp lên cùi răng thật.
Bước 3: Mài cùi răng và lấy dẫu mẫu hàm
Bác sĩ sẽ tính toán kỹ lưỡng lượng men răng cần mài để giảm thiểu tối đa mức độ xâm lấn. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ mài từ 0.5 – 2mm. Sau đó, tiến hành lấy dấu mẫu hàm để chế tác cầu răng sứ. Dựa vào mẫu hàm, kỹ thuật viên sẽ chế tác cầu răng tương thích với răng thật, không bị chênh cộm và không làm sai lệch khớp cắn.
Bước 5: Lắp cầu răng sứ
Sau khi cầu răng sứ được chế tác xong, bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám để thực hiện các bước điều trị tiếp theo. Bác sĩ sẽ dùng cầu răng sứ đã được chế tác lắp vào cùi răng và kiểm tra để đảm bảo cầu răng ổn định hoàn toàn.
Cuối cùng, bạn sẽ được tư vấn về cách chăm sóc răng miệng và hẹn lịch tái khám 6 tháng/ lần. Nếu có vấn đề phát sinh sau khi làm cầu răng sứ, nên chủ động đến phòng khám để được kiểm tra và khắc phục kịp thời.
Làm cầu răng sứ giá bao nhiêu?
Làm cầu răng sứ giá bao nhiêu là vấn đề rất được quan tâm bên cạnh quy trình, các loại cầu răng và vật liệu chế tác cầu răng sứ. Được biết, chi phí thực hiện phương pháp này phụ thuộc vào vật liệu sứ và số lượng răng sứ trên cầu răng.
Các loại răng sứ kim loại sẽ có giá dao động từ 1 – 3 triệu đồng/ răng. Trong khi đó, răng toàn sứ sẽ có giá khoảng 4 – 9 triệu đồng/ răng. Để tính tổng chi phí, bạn cần nhân với số răng sứ trên cầu răng. Nếu làm cầu răng sứ có sự hỗ trợ của trụ Implant, chi phí phải cộng thêm từ 24 – 68 triệu đồng (giá của 2 trụ Implant).
Để biết chính xác chi phí làm cầu răng sứ, bạn nên liên hệ với phòng khám/ bệnh viện có ý định thực hiện. Ngoài ra, nên chuẩn bị thêm một số chi phí phát sinh như phí khám, chụp X quang, chi phí tiền thuốc, tái khám và một số phương pháp đi kèm (ghép xương, nâng xoang, điều trị các bệnh lý nha khoa,…).
Ưu điểm – hạn chế của cầu răng sứ
Cầu răng sứ là giải pháp dành cho những trường hợp mất răng gặp khó khăn khi ăn nhai, phát âm và thiếu tự tin khi giao tiếp. Hiện nay, phương pháp này được áp dụng khá phổ biến nhờ có nhiều ưu điểm như:
Ưu điểm của cầu răng sứ:
- Có thể phục hồi chức năng thẩm mỹ và sinh lý của răng đến 70%. Trong khi đó, làm răng giả tháo lắp chỉ có thể phục hồi được 50% chức năng nhai, hàm dễ bung súc và tuột trong quá trình giao tiếp.
- Quy trình thực hiện nhanh chóng chỉ sau 2 – 3 buổi hẹn. Không xâm lấn vào mô nướu và xương nên có thể áp dụng cho những đối tượng bị tiểu đường, rối loạn đông máu và mắc các bệnh lý toàn thân khác.
- Cầu răng sứ có tuổi thọ từ 5 – 10 năm nếu được chăm sóc đúng cách.
- Chi phí khá hợp lý
Hạn chế của phương pháp làm cầu răng sứ:
- Không thể phục hồi chức năng ăn nhai 100% như cấy ghép Implant
- Sau một thời gian, phần xương hàm bên dưới sẽ bị tiêu biến do không có chân răng. Về lâu dài, nướu sẽ bị tụt xuống lộ phần xương ra bên ngoài gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
- Phải tiến hành thay mới sau 5 – 10 năm
- Làm cầu răng sứ phải mài cùi răng 2 bên nên ít nhiều sẽ gây cảm giác ê buốt và khó chịu.
Lưu ý khi làm cầu răng sứ
Cầu răng sứ là phương pháp trồng răng được ưa chuộng bên cạnh cấy ghép Implant và làm hàm giả tháo lắp. Tuy nhiên nếu có ý định thực hiện phương pháp này, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Nên lựa chọn địa chỉ uy tín nếu có ý định làm cầu răng sứ. Mặc dù có quy trình khá đơn giản nhưng các phòng khám nhỏ thường không đáp ứng được yêu cầu về máy móc, thiết bị và năng lực của đội ngũ y bác sĩ. Vì vậy, bạn nên xem xét kỹ để chọn được địa chỉ đáng tin cậy.
- Chi phí làm cầu răng sứ thấp hơn so với cấy ghép Implant. Tuy nhiên, do phải thực hiện lại sau 5 – 10 năm nên tổng chi phí tương đối cao. Trong khi đó, răng Implant có độ bền từ 20 – 25 năm. Nếu tính tổng chi phí, 2 phương pháp này gần như không có sự chênh lệch quá lớn.
- Nên trao đổi với bác sĩ về ưu nhược điểm của các vật liệu và loại cầu răng trước khi đưa ra lựa chọn.
- Nếu có vấn đề phát sinh sau khi làm cầu răng sứ, nên đến ngay phòng khám để được thăm khám và khắc phục. Ngoài ra, bạn cũng cần chăm sóc đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ để kéo dài tuổi thọ của răng sứ.
Cầu răng sứ là phương pháp phục hình răng được ưa chuộng hiện nay. Bên cạnh ưu điểm, phương pháp này cũng có những nhược điểm và hạn chế nhất định. Nếu đang băn khoăn trong việc lựa chọn các phương pháp trồng răng giả, bạn nên trao đổi thêm với bác sĩ để được cho lời khuyên hữu ích.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Trụ Implant Dentium Hàn Quốc có tốt không? Giá bao nhiêu?
Phục hình răng là gì? Các phương pháp phục hình răng phổ biến hiện nay
Cấy ghép Implant All On 4 và All On 6 là gì? Giá bao nhiêu?
Trụ Implant MIS của Đức có tốt không? Giá bao nhiêu?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!