Trồng Răng: Phương Pháp Thực Hiện, Chi Phí, Lưu Ý Cần Nhớ

Trồng răng là các phương pháp có thể phục hồi hình thể và chức năng của răng trong trường hợp mất 1 răng hoặc nhiều răng trên cung hàm. Tùy theo nhu cầu, bạn có thể lựa chọn phương pháp hàm giả tháo lắp, cầu răng sứ hay cấy ghép Implant. Tìm hiểu quy trình, chi phí cùng một số thông tin liên quan đến dịch vụ này ở bài viết dưới đây.

Trồng răng là gì và khi nào nên thực hiện?

Trồng răng là thuật ngữ đề cập đến các phương pháp có thể phục hồi hình dáng và chức năng của răng đã bị mất. Răng giả sẽ được trồng và thay thế vào vị trí của răng bị mất nhằm hoàn thiện chức năng thẩm mỹ và sinh lý (ăn nhai, hỗ trợ phát âm). Nhờ sự ra đời của các phương pháp trồng răng giả, người bị mất răng vĩnh viễn vẫn có thể ăn nhai và sinh hoạt như bình thường.

Trồng răng là phương pháp phục hình răng đã mất
Trồng răng là phương pháp phục hình răng đã mất

Trồng răng giả chỉ được thực hiện khi cung hàm bị mất 1 hoặc nhiều răng vĩnh viễn. Ngoài ra, những trường hợp răng tổn thương nặng không thể phục hình sẽ được chỉ định nhổ bỏ và phục hình để tránh ảnh hưởng đến các răng lân cận.

Những trường hợp nên trồng răng:

  • Mất 1 hoặc nhiều răng trên cung hàm.
  • Mất toàn bộ răng hàm trên hoặc hàm dưới.
  • Mất nhiều răng nằm liền kề.
  • Răng bị sâu, sứt mẻ nặng không có đáp ứng với các biện pháp bảo tồn.

Tuy nhiên, phục hình răng giả không thích hợp với những đối tượng sau:

  • Phụ nữ đang mang thai.
  • Trẻ em dưới 16 tuổi.
  • Người người nghiện thuốc lá nặng không nên trồng răng do vết thương chậm lành và có nguy cơ cao gặp phải tình trạng chảy máu kéo dài, đặc biệt là khi thực hiện các phương pháp phục hình xâm lấn.
  • Người mắc các bệnh mãn tính như ung thư, rối loạn đông máu, rối loạn thần kinh, tiểu đường, cao huyết áp,… cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi trồng răng.

Như đã đề cập, trồng răng có nhiều phương pháp. Với những trường hợp có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ xem xét phương pháp phục hình không xâm lấn để đảm bảo an toàn.

Phụ nữ mang thai không nên trồng răng
Phụ nữ mang thai không nên trồng răng

Các phương pháp trồng răng phổ biến nhất hiện nay

Trồng răng có khá nhiều phương pháp như hàm tháo lắp, cầu răng sứ và cấy ghép Implant. Nếu đang có ý định trồng răng, bạn đọc nên tìm hiểu kỹ lưỡng về các phương pháp trong nội dung sau:

1. Trồng răng bằng cách dùng hàm tháo lắp

Hàm tháo lắp là phương pháp trồng răng giả truyền thống. Phương pháp này sử dụng hàm răng giả được chế tác từ nhựa dẻo, sứ hoặc kim loại. Sau đó, lắp toàn bộ hàm giả lên răng thật để giúp quá trình ăn nhai diễn ra thuận lợi.

Trước đây, hàm tháo lắp chỉ được thực hiện khi mất răng toàn hàm hoặc mất nhiều răng. Tuy nhiên với sự phát triển của lĩnh vực nha khoa, những trường hợp mất 1 răng cũng có thể sử dụng hàm tháo lắp để phục hồi hình thể và các chức năng vốn có của răng.

Ưu điểm của hàm giả tháo lắp:

  • Giá thành của hàm tháo lắp rẻ hơn so với các phương pháp trồng răng khác.
  • Hàm giả tháo lắp được thiết kế linh động, tương ứng với cấu trúc răng hàm.
  • Hàm có thể tháo lắp dễ dàng nên không gặp khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng.

Hạn chế khi trồng răng bằng hàm giả tháo lắp:

  • Độ bền không cao nên thường phải thay đổi thường xuyên để đảm bảo khả năng ăn nhai.
  • Dễ bung súc trong quá trình ăn uống và giao tiếp.
  • Hàm tháo lắp không có chân răng nên không thể ngăn ngừa hiện tượng tiêu xương răng ở vị trí răng thật bị mất.

Mặc dù có nhiều hạn chế nhưng với chi phí thấp, hàm giả tháo lắp vẫn là phương pháp được nhiều người lựa chọn khi có nhu cầu trồng răng giả.

Trồng răng bằng cách dùng hàm tháo lắp
Trồng răng bằng cách dùng hàm tháo lắp

2. Trồng răng giả bằng cầu răng sứ (trồng răng bắc cầu)

Trồng răng bắc cầu hay còn gọi là cầu răng sứ. Phương pháp này sử dụng mão sứ để phục hồi hình thể và chức năng sinh lý, thẩm mỹ của răng.

Tuy nhiên vì răng đã mất hoàn toàn nên không thể dùng mão sứ chụp lên cùi răng thật. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chế tác cầu răng sứ bao gồm 3 – 4 mão sứ. Hai mão ngoài cùng sẽ được chụp lên 2 răng bên cạnh vị trí răng bị mất để tạo điểm trụ cho mão sứ được cố định trên cung hàm.

So với hàm giả tháo lắp, cầu răng sứ có độ chắc chắn cao, hình dáng tương tự răng thật nên quá trình ăn nhai cũng thoải mái hơn và ít gặp phải tình trạng bung tuột. Hạn chế của phương pháp này là phải mài nhỏ 2 răng kế cận và chi phí cao hơn so với hàm giả tháo lắp.

Ưu điểm của bắc cầu răng sứ:

  • Cầu răng sứ có màu sắc và hình dáng tương tự như răng thật nên mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao.
  • Độ bền tương đối cao (khoảng 5 – 7 năm tùy trường hợp).
  • Chi phí cao hơn hàm giả tháo lắp nhưng tương đối khá hợp lý.

Khuyết điểm của trồng răng bắc cầu:

  • Không thể ngăn chặn hiện tượng tiêu xương hàm. Về lâu dài, xương hàm bị tiêu hủy gây sụp lún răng và hóp má.
  • Không phù hợp với những trường hợp mất răng số 7 do một số người không có răng khôn, răng khôn mọc lệch, mọc ngầm nên không thể sử dụng để làm trụ.
  • Hiệu quả ăn nhai chỉ đạt được khoảng 70 – 80% và giảm dần theo thời gian.
Trồng răng bắc cầu hay còn gọi là cầu răng sứ
Trồng răng bắc cầu hay còn gọi là cầu răng sứ

3. Trồng răng Implant (cấy ghép Implant)

Cấy ghép Implant là phương pháp phục hình hiện đại nhất hiện nay. Phương pháp này sử dụng trụ Implant cấy vào xương hàm để thay thế cho chân răng thật. Trụ Implant có dạng hình đinh với đường voặn xoắn chạy dọc nhằm tăng độ chắc chắn và ổn định. Sau khoảng 2 đến 3 tháng, xương hàm sẽ phát triển trong trụ Implant tạo nên cấu trúc vững chắc.

Khi có hiện tượng tích hợp xương, bác sĩ sẽ tiến hành phục hình mão sứ lên trụ Implant thông qua khớp nối (Abutment). Cấy ghép Implant gần như phục hồi 100% hình thể và chức năng của răng. Nhờ có trụ Implant thay thế răng thật nên phương pháp này có thể phòng ngừa hiện tượng tiêu xương răng hiệu quả.

Ưu điểm của trồng răng Implant:

  • Phục hồi gần như 100% chức năng sinh lý, thẩm mỹ và hình thể của răng.
  • Cấy ghép Implant là phương pháp duy nhất có thể phòng ngừa hiện tượng tiêu xương răng.
  • Độ bền cao (khoảng 15 – 20 năm và có thể sử dụng trọn đời nếu biết cách chăm sóc).

Hạn chế của trồng răng Implant:

  • Chi phí cao hơn so với hàm giả tháo lắp và bắc cầu răng sứ.
  • Mất nhiều thời gian thực hiện do phải chờ 2 – 3 tháng để xương tích hợp vào trụ Implant.
  • Trụ Implant được cấy vào bên trong xương hàm nên ít nhiều phải xâm lấn vào mô nha chu. Do đó, phương pháp này không phù hợp với những người bị rối loạn đông máu, tiểu đường, ung thư, mắc các bệnh lý về tim mạch,…

Hiện nay, trồng răng Implant được đánh giá là giải pháp tối ưu đối với những trường hợp mất 1 răng, nhiều răng và mất toàn bộ răng trên cung hàm. Trừ những đối tượng chống chỉ định, phương pháp này có thể phục hồi hình thể và chức năng vốn có của răng trong nhiều trường hợp khác nhau.

Cấy ghép Implant là phương pháp trồng răng hiện đại nhất hiện nay
Cấy ghép Implant là phương pháp trồng răng hiện đại nhất hiện nay

Quy trình trồng răng diễn ra như thế nào?

Trồng răng là giải pháp tối ưu trong trường hợp mất răng, răng bị nứt mẻ và tổn thương nghiêm trọng. Để đảm bảo hiệu quả, phương pháp này phải được thực hiện theo trình tự như sau:

  • Bước 1 – Thăm khám và tư vấn: Bước đầu tiên trước khi thực hiện bất cứ thủ thuật nha khoa nào là thăm khám và tư vấn. Trước tiên, bác sĩ sẽ khám răng miệng và thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh để đánh giá chính xác tình trạng răng miệng cụ thể của từng trường hợp. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn ưu điểm, hạn chế của từng phương pháp trồng răng giả để bệnh nhân có thể lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất với nhu cầu.
  • Bước 2 – Mài răng: Đối với trồng răng giả bắc cầu, bác sĩ sẽ mài cùi răng thật để chuẩn bị cho quá trình lấy dẫu mẫu hàm và chế tác mão sứ. Quá trình mài cùi răng thật là bước khá quan trọng đối với phương pháp này. Để đảm bảo an toàn, bác sĩ phải dựa trên hình ảnh X-Quang nhằm xác định chính xác số lượng men răng cần phải mài.
  • Bước 3 – Lấy dấu mẫu hàm: Sau khi mài cùi răng (đối với trồng răng bắc cầu), bác sĩ sẽ lấy dấu mẫu hàm để chế tác cầu răng sứ. Những trường hợp làm hàm tháo lắp và cấy ghép Implant thường sẽ được lấy dấu trực tiếp.
  • Bước 4 – Cấy ghép trụ Implant: Với cấy ghép Implant, bác sĩ sẽ tiến hành cấy trụ Implant vào bên trong xương hàm trước khi phục hình bằng mão sứ. Hiện nay có khá nhiều loại trụ Implant được sử dụng với thời gian tích hợp xương, giá thành và ưu nhược điểm khác nhau. Để rút ngắn thời gian trồng răng, bạn có thể lựa chọn các loại trụ của những thương hiệu lớn, được thiết kế với cấu tạo và bề mặt đặc biệt.
  • Bước 5 – Phục hình răng: Đối với hàm giả tháp lắp, khí cụ sẽ được chế tác sau khi lấy dấu mẫu hàm. Sau đó, bạn cần đến phòng khám để được hướng dẫn cách đeo và vệ sinh hàm giả. Nếu trồng răng bắc cầu, bác sĩ sẽ đặt mão sứ lên hai răng kế cận răng bị mất để phục hồi hình dáng và chức năng thẩm mỹ của răng.

Trong trường hợp cấy ghép Implant, bác sĩ sẽ gắn mão sứ với trụ Implant thông qua khớp nối. Ngay sau khi phục hình, bạn hoàn toàn có thể ăn uống và sinh hoạt như bình thường.

Quy trình trồng răng gồm 5 bước
Quy trình trồng răng gồm 5 bước

Trồng răng giá bao nhiêu tiền?

Trồng răng có giá bao nhiều là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Như đã đề cập, làm răng giả tháo lắp là phương pháp có chi phí thấp nhất, sau đó đến cầu răng sứ và trồng răng Implant là phương pháp có chi phí cao nhất. Để có sự chuẩn bị tốt về mặt tài chính, bạn nên tham khảo chi phí trồng răng được tổng hợp sau (chỉ có tính chất tham khảo):

Chi phí trồng răng giả bằng phương pháp cấy ghép Implant:

  • Implant Hàn Quốc (DiO) có giá 13 triệu đồng.
  • Implant Hàn Quốc (Dentium) có giá 17 triệu đồng.
  • Imolant Mỹ (Dentium) có giá 21 triệu đồng.
  • Implant của Đức (Mis C1) có giá 24 triệu đồng.
  • Implant của Pháp (Global D In-Kone) có giá 21 triệu đồng.
  • Implant của Mỹ/ Thụy Sỹ (Nobel Biocare) có giá 28 triệu đồng.
  • Implant Thụy Sỹ (Straumann SLActive) có giá 35 triệu đồng.
  • Chi phí đã bao gồm trụ Implant, khớp nối và răng sứ Titan. Nếu muốn lựa chọn các mão sứ cao cấp hơn, chi phí sẽ cao hơn từ 1 – 8 triệu đồng.
  • Với những trường hợp bị tiêu xương, cần tính thêm chi phí ghép xương (khoảng từ 6 – 10 triệu đồng).

Chi phí trồng răng bắc cầu (cầu răng sứ):

Cầu răng sứ thường có từ 3 – 4 mão sứ. Chi phí được cung cấp trong bài viết chỉ tính giá 1 mão, vì vậy bạn đọc cần nhân lên theo số lượng mão sứ để tính chính xác chi phí phải chi trả khi thực hiện phương pháp này.

  • Răng sứ kim loại có giá 1 triệu đồng.
  • Răng sứ Titan có giá 2.5 triệu đồng.
  • Răng sứ toàn sứ cao cấp DDBio HT (Đức) có giá 5 triệu đồng.
  • Răng sứ toàn sứ Zirconia DDBio (Đức) có giá 4.5 triệu đồng.
  • Răng sứ toàn sứ cao cấp Cercon HT (Đức) có giá 6 triệu đồng.
  • Răng sứ toàn sứ cao cấp Nacera 9 MAX (Đức) có giá 9 triệu đồng.
  • Răng sứ toàn sứ Nacera Pearl có giá 8 triệu đồng.
Răng sứ toàn sứ thường có chi phí cao hơn răng kim loại
Răng sứ toàn sứ thường có chi phí cao hơn răng kim loại

Chi phí trồng răng bằng hàm giả tháo lắp:

  • Răng nhựa 1 cái có giá 300.000 đồng.
  • Răng sứ tháo lắp có giá 1 triệu đồng/cái.
  • Khung hàm (không tính răng) có giá 1.5 triệu đồng.
  • Hàm Bisoft có giá 4 triệu đồng.
  • Hàm khung liên kết có giá 8 – 10 triệu đồng.
  • Cùi kim loại có giá 200.000 đồng/cái.
  • Cùi sứ Zirconia có giá 2 triệu đồng/cái.
  • Tổng chi phí làm hàm giả tháo lắp có giá dao động từ 9 – 30 triệu đồng.

Chi phí trồng răng giả còn phụ thuộc vào một số yếu tố như phương pháp mà bạn lựa chọn, số lượng răng bị mất trên cung hàm, một số vấn đề nha khoa đi kèm (tiêu xương răng, viêm nha chu, sâu răng, viêm nướu răng,…), cơ sở thực hiện, chất liệu của răng giả và một số yếu tố khách quan khác.

Lưu ý khi trồng răng

Trồng răng là kỹ thuật nha khoa tương đối phức tạp, đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải là người có nhiều năm kinh nghiệm, có chuyên môn. Ngoài ra để hoàn thành răng giả, nha khoa thực hiện phải được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị và có hệ thống labo hiện đại. Vì vậy khi thực hiện phương pháp này, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Cần lựa chọn phòng khám hoặc bệnh viện uy tín nếu có ý định trồng răng giả. Bởi cơ sở thực hiện là yếu tố ảnh hưởng đến hơn 80% kết quả sau khi phục hình răng giả.
  • Nếu gặp phải các vấn đề sức khỏe đặc biệt (mang thai, rối loạn đông máu, ung thư, tiểu đường,…) hoặc vừa sử dụng thuốc chống đông máu, kháng sinh, nên thông báo với bác sĩ trước khi trồng răng giả. Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng sức khỏe của từng trường hợp để chỉ định phương pháp thích hợp nhất.
  • Trong trường hợp dị ứng với các vật liệu nha khoa, cần báo trước với bác sĩ để tránh dị ứng, kích ứng với vật liệu được sử dụng để chế tác răng giả.
  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả của phương pháp, đặc biệt là những trường hợp cấy ghép Implant cần phải chờ xương tích hợp vào trụ Implant.
  • Sau khi trồng răng giả, cần ăn uống và sinh hoạt khoa học để kéo dài tuổi thọ của răng và bảo tồn các răng còn lại trên cung hàm.
  • Những trường hợp làm hàm giả tháo lắp và cầu răng sứ nên xem xét cấy ghép Implant sớm để phòng tránh hiện tượng tiêu xương răng. Hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn làm thay đổi khuôn mặt và tác động không nhỏ đến ngoại hình.
Tuân thủ chỉ định của nha sĩ trong và sau khi trồng răng
Tuân thủ chỉ định của nha sĩ trong và sau khi trồng răng

Trồng răng giả nên ăn gì, kiêng gì?

Sau khi trồng răng giả, bạn sẽ cần một khoảng thời gian để có thể quen dần và phục hồi lại khả năng ăn uống như trước. Trong thời gian này, nên có chế độ chăm sóc phù hợp để quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi. Vì vậy, bạn nên hiểu rõ vấn đề “Trồng răng giả nên ăn gì, kiêng gì?” để xây dựng được chế độ ăn uống phù hợp.

Sau khi trồng răng giả, bạn nên dùng các món ăn sau:

  • Sau khi trồng răng, răng giả còn khá nhạy cảm nên cần lựa chọn các món ăn lỏng, mềm như canh, súp, cháo và cơm mềm. Các món ăn này khá dễ nhai và không gây áp lực lên cho răng, xương hàm và cơ hàm.
  • Nếu răng đang bị nhạy cảm và ê buốt, có thể dùng sữa để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể trong 1 – 2 ngày đầu.
  • Nên dùng thức ăn nguội hoặc ấm nhẹ, không dùng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Nhiệt độ quá cao và quá thấp sẽ khiến cho răng bị kích thích và chậm phục hồi hơn bình thường.
  • Tăng cường rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu đạm và Omega 3 để đẩy nhanh tốc độ phục hồi.
  • Uống đủ nước nhằm giảm sưng viêm, đau nhức và giúp răng nhanh hồi phục hơn. Ngoài nước lọc, bạn có thể dùng một số loại nước ép trái cây và trà thảo mộc để hỗ trợ giảm tình trạng nhạy cảm, ê buốt.

Ngoài ra, cần tránh một số loại thực phẩm và thức uống sau:

  • Không sử dụng các thực phẩm dị ứng hoặc có nguy cơ dị ứng cao như hải sản, trứng, đậu phộng, sữa bò, lúa mạch,…
  • Tránh dùng thức ăn cứng, khô và các món ăn chứa nhiều gia vị. Các món ăn và thức uống này sẽ khiến cho nướu, răng bị kích thích, từ đó làm chậm quá trình phục hồi và tái tạo.
  • Hạn chế dùng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Tránh các loại thực phẩm chứa nhiều axit như me, cóc, xoài, nước ngọt có gas,… Axit sẽ kích thích khiến cho vết thương (trong trường hợp trồng răng Implant) chậm lành. Ngoài ra, thói quen dùng các loại thực phẩm và đồ uống này cũng khiến cho tuổi thọ của răng giả giảm đi đáng kể.
Tăng cường rau xanh, trái cây để răng khỏe mạnh
Tăng cường rau xanh, trái cây để răng khỏe mạnh

Một số thắc mắc liên quan đến dịch vụ trồng răng

Dịch vụ trồng răng giả ngày nay đang rất phổ biến, được nhiều khách hàng lựa chọn để phục hình những chiếc răng đã mất. Cũng bởi vậy mà có không ít thắc mắc liên quan đến phương pháp trồng răng giả được đưa ra.

Trồng răng giả có đau không? Mất bao lâu?

Trồng răng giả có đau không là băn khoăn của nhiều bạn đọc. Thực tế, việc mài răng khi làm cầu răng sứ và cấy trụ Implant đều gây đau. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc tê để giảm cảm giác khó chịu trong quá trình thực hiện. Vì vậy, bạn không nên quá lo lắng khi trồng răng giả.

Nếu có khả năng chịu đau kém, nên thông báo với bác sĩ để được chú ý hơn trong quá trình thực hiện. Riêng với làm hàm giả tháo lắp, phương pháp này không xâm lấn vào nướu hay răng nên sẽ không gây ra bất cứ cảm giác khó chịu nào.

Thời gian trồng răng giả sẽ tùy thuộc vào phương pháp mà bạn lựa chọn:

  • Làm hàm giả tháo lắp: Mất khoảng 2 – 3 ngày và mất khoảng 2 lần hẹn.
  • Làm cầu răng sứ: Bạn sẽ mất khoảng 3 lần hẹn đến nha khoa và mỗi buổi sẽ kéo dài khoảng 1 – 2 tiếng đồng hồ.
  • Trồng răng Implant: Trồng răng Implant là phương pháp mất nhiều thời gian nhất. Thông thường, quá trình trồng răng Implant sẽ mất khoảng 6 – 9 tháng tùy vào từng trường hợp và bạn phải đến phòng khám nhiều lần để kiểm tra. Nếu xương hàm có chất lượng tốt và tích hợp xương nhanh, quá trình trồng răng sẽ chỉ mất khoảng 4 – 6 tháng.
Quá trình trồng răng Implant sẽ mất khoảng 6 – 9 tháng
Quá trình trồng răng Implant sẽ mất khoảng 6 – 9 tháng

Phục hình răng giả bao lâu ăn uống được bình thường?

Mặc dù phục hình răng giả có thể giúp lấy lại khả năng ăn nhai tương tự răng thật, tuy nhiên bạn vẫn cần chú ý kiêng khem ở giai đoạn đầu khi vừa mới trồng răng, tránh gây tổn thương nướu và khiến răng bị lung lay. Cụ thể mỗi phương pháp khác nhau, thời gian có thể ăn uống trở lại bình thường cũng không giống nhau:

  • Hàm giả tháo lắp: Phục hình răng bằng hàm giả tháo lắp khá đơn giản, gần như không tác động đến răng, mô mềm và các bộ phận khác trong khoang miệng nên bạn có thể ăn uống chỉ sau vài tiếng, lúc này đã quen với hàm giả, việc ăn uống trở nên thuận lợi hơn. 
  • Cầu răng sứ: Sau khi hoàn tất quá trình làm cầu răng sứ, khách hàng được khuyến cáo không nên ăn uống trong 24 – 48 giờ. Đây là thời gian để cầu sứ được cố định chắc chắn, đồng thời có sự tương thích với cấu trúc răng. Sau đó, bạn có thể thoải mái ăn những món ăn yêu thích.
  • Cấy ghép Implant: Phương pháp này có sự phức tạp mới cấy trụ giả trực tiếp vào mô mềm, do đó việc kiêng khem cũng cần chú ý hơn hàm giả tháo lắp hay cầu răng sứ. Thông thường bạn chỉ có thể ăn uống bình thường khi trụ Implant đã được tích hợp hoàn toàn với xương và đã bọc mão sứ lên trên, khoảng 3 – 6 tháng. Trước đó, bạn nên ưu tiên ăn thực phẩm mềm, dễ nhai.

Cấy ghép răng giả duy trì được bao lâu?

Các chuyên gia cho biết răng giả không thể duy trì tuổi thọ vĩnh viễn như răng thật. Tuy nhiên nếu bạn lựa chọn phương pháp phục hình phù hợp, vật liệu chất lượng, thực hiện ở nha khoa uy tín, có thể kéo dài được thời gian sử dụng răng giả.

Cụ thể với hàm giả tháo lắp, khách hàng thường dùng được trong thời gian 3 – 4 năm, trong khi đó cầu răng sứ cho tuổi thọ từ 8 – 10 năm và cấy ghép Implant có độ bền cao nhất, trên 20 năm, thậm chí lâu hơn nếu bạn biết cách chăm sóc, thận trọng trong quá trình ăn uống. 

Răng giả có thể duy trì được hơn 20 năm
Răng giả có thể duy trì được hơn 20 năm

Tác hại có thể gặp khi trồng răng giả?

Hiện nay, tại các cơ sở nha khoa ứng dụng công nghệ hiện đại nên quá trình trồng răng thường có độ an toàn cao, gần như không gây đau đớn, khó chịu hay ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu bạn lựa chọn các nha khoa không uy tín, bác sĩ tay nghề kém, cung cấp dịch vụ với giá thấp hơn rất nhiều so với thị trường, có thể gặp một số hệ lụy như:

  • Viêm nướu: Đây là tình trạng khá phổ biến sau khi trồng răng ở địa chỉ kém chất lượng, bác sĩ thiếu chuyên môn, kinh nghiệm, không vệ sinh răng miệng sạch sẽ hay điều trị dứt điểm bệnh lý răng miệng trước khi phục hình răng mới. Ngoài ra, nếu kỹ thuật bác sĩ thực hiện không đúng, tạo ra kẽ hở giữa các răng, về lâu dài tích tụ vi khuẩn gây ra viêm nướu. 
  • Lệch khớp cắn: Khi làm cầu răng sứ hoặc cấy ghép Implant, trong trường hợp bác sĩ mài răng sai tỷ lệ, cấy trụ Implant sai cách, đồng thời lắp mão sứ không sát khít khiến khớp cắn bị sai lệch, cản trở quá trình ăn nhai, đặc biệt mão sứ rất dễ bị rơi ra.
  • Răng chết tủy: Một số trường hợp bác sĩ mài răng với tỷ lệ quá lớn gây ảnh hưởng đến tủy răng, về lâu dài khi không được xử lý sẽ dẫn đến tình trạng răng chết tủy, có thể phải nhổ bỏ răng hoàn toàn. 

Trồng răng là phương pháp phục hình răng bị mất bằng hàm giả tháo lắp, răng Implant và cầu răng sứ. Nếu có ý định thực hiện phương pháp này, bạn nên tìm hiểu cụ thể về ưu điểm, hạn chế và chi phí để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo.

Tham khảo thêm:

5/5 - (2 bình chọn)

GỢI Ý DỊCH VỤ TRỒNG RĂNG:

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!