Có nên dán sứ Veneer không là mối bận tâm của nhiều bạn đọc – nhất là với những người đang có ý định phục hình răng. Để hiểu rõ hơn những lợi ích và tác hại tiềm ẩn của phương pháp này, bạn đọc có thể tham khảo nội dung trong bài viết sau.
Có nên dán sứ Veneer không?
Dán sứ Veneer có thể khắc phục nhiều khuyết điểm của răng như răng ngả màu, thưa kẽ, răng nứt, mẻ, mọc lộn xộn, chênh cộm và khấp khểnh nhẹ. Khác với bọc sứ, dán sứ Veneer sử dụng miếng dán có hình dáng tương tự mặt ngoài của răng với kích thước siêu mỏng từ 0.2 – 0.6mm. Chính vì sử dụng miếng dán có kích thước mỏng nên dán sứ Veneer ít phải mài răng hơn so với bọc răng sứ.
Có thể thấy, dán sứ Veneer mang lại nhiều hiệu quả, trong đó nổi bật nhất với khả năng khôi phục hình dáng và màu sắc của răng. Tuy nhiên so với bọc sứ, dán sứ có mức độ xâm lấn ít hơn và phạm vi chỉ định tương đối hạn chế. Nếu chỉ gặp phải các khuyết điểm nhẹ, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn dán sứ Veneer.
Mặc dù có hiệu quả thẩm mỹ cao nhưng nhiều người lo ngại dán sứ Veneer có thể bị vỡ, mẻ, độ bền kém do kích thước quá mỏng. Do đó, vấn đề Có nên dán sứ Veneer không là mối bận tâm của không ít bạn đọc.
Trên thực tế, mỗi phương pháp phục hình răng đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Vì vậy không thể khẳng định phương pháp nào tốt nhất và phương pháp nào nên thực hiện. Nếu đang băn khoăn vấn đề có nên dán sứ Veneer hay không, bạn nên xem xét nhu cầu và tình trạng răng miệng.
Dán sứ Veneer có thể phục hình răng đều, trắng sáng và cân đối. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể thực hiện trong những trường hợp như:
- Răng ngả màu mức độ nhẹ và trung bình. Trường hợp răng ngả màu quá nặng không nên thực hiện phương pháp này do miếng dán sứ có kích thước quá mỏng nên không thể che phủ hoàn toàn màu sắc của răng.
- Răng bị nứt, mẻ và tổn thương nhẹ.
- Răng bị thưa kẽ ở mức độ vừa và nhẹ.
- Trường hợp răng mọc lộn xộn, chen chúc, hình thể răng xấu sẽ được đánh giá chi tiết trước khi dán sứ Veneer
Trong các trường hợp được chỉ định, dán sứ Veneer hoàn toàn có thể khắc phục các khuyết điểm của hàm răng. Đặc biệt, phương pháp này ít phải mài răng và bảo tồn răng thật. Do đó, nếu muốn phục hình răng nhưng e ngại phải mài răng quá nhiều, dán sứ Veneer sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc.
Ngoài ra, nếu đang băn khoăn về việc có nên dán sứ Veneer hay không, bạn cũng có thể trao đổi thêm với bác sĩ để được cho lời khuyên hữu ích.
Dán sứ Veneer có hại gì không?
Như đã đề cập, mỗi phương pháp đều có những hạn chế và ưu điểm riêng. Bên cạnh những lợi ích mang lại, dán sứ Veneer cũng có những hạn chế nhất định như phạm vi chỉ định hạn chế, chi phí cao, phải chăm sóc kỹ sau khi thực hiện,… Tuy nhiên, những hạn chế này không phải là tác hại của dán sứ Veneer. Vậy dán sứ Veneer có hại gì không?
Các phương pháp phục hình răng được ứng dụng hiện nay đều chỉ được thực hiện khi lợi ích cao hơn so với rủi ro. Do đó, dán sứ Veneer đúng kỹ thuật hoàn toàn không gây ra tác hại đối với sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, bạn có thể gặp phải một số rủi ro do dán sứ ở những phòng khám kém chất lượng.
- Tổn thương tủy răng: Tủy răng là cơ quan bên trong răng và được bao bọc bởi ngà răng, men răng. Tủy có trách nhiệm nuôi dưỡng và dẫn truyền cảm giác về não bộ. Khi dán sứ, bác sĩ mài răng quá nhiều có thể gây tổn thương tủy răng và hậu quả là phải điều trị tủy để tránh viêm nhiễm.
- Sai lệch khớp cắn: Khớp cắn ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng ăn nhai. Do đó khi phục hình răng bằng mặt dán sứ Veneer, bác sĩ phải tính toán phục hình miếng dán phù hợp để đảm bảo không ảnh hưởng đến khớp cắn. Tuy nhiên nếu thực hiện ở những phòng khám kém chất lượng và bác sĩ không có kinh nghiệm, nguy cơ sai lệch khớp cắn khi can thiệp phương pháp này là rất cao.
- Tổn thương mô nha chu: Mô nha chu là các cơ quan bao xung quanh chân răng với chức năng chính là bảo vệ và nâng đỡ răng trên cung hàm. Khi dán sứ Veneer, bác sĩ có thể thực hiện sai kỹ thuật khiến mô nha chu bị tổn thương. Trường hợp nhẹ tình trạng có thể tự thuyên giảm sau vài ngày. Tuy nhiên nếu tổn thương nặng, bắt buộc phải phục hình lại để đảm bảo chức năng ăn nhai và phòng tránh các biến chứng khác.
- Hôi miệng: Hôi miệng sau khi dán sứ Veneer có thể xảy ra do nha khoa sử dụng mặt dán sứ kém chất lượng. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể do phục hình sai kỹ thuật khiến mặt dán sứ và cùi răng có kẽ hở, tạo điều kiện cho thức ăn thừa bám dính vào. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng này gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống.
- Kích ứng, dị ứng: Các vật liệu sứ được sử dụng để chế tác mặt dán sứ Veneer đã được chứng minh lành tính và an toàn với cơ thể. Tuy nhiên, một số nha khoa có thể sử dụng vật liệu kém chất lượng để phục hình dẫn đến tình trạng kích ứng và dị ứng. Nếu nhận thấy mô nướu sưng đỏ, chảy máu và đau nhức, bạn nên đến ngay phòng khám để được kiểm tra và khắc phục.
Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn vấn đề “Có nên dán sứ Veneer không? Có hại gì không?”. Nếu đang băn khoăn về việc dán sứ Veneer để phục hình răng, bạn nên trao đổi thêm với bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
6 Nguyên Nhân Răng Bọc Sứ Bị Đau Và Cách Điều Trị Hiệu Quả
So Sánh Răng Sứ Kim Loại Và Răng Toàn Sứ Có Gì Khác Nhau?
Có Nên Bọc Răng Sứ Nguyên Hàm? Bọc 1 Hàm, 2 Hàm Giá Bao Nhiêu?
So Sánh Răng Sứ Cercon Và Ceramill: Loại Nào Tốt Hơn?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!