Răng khôn mọc lệch 45, 90 độ có thể chèn ép các răng trên cung hàm dẫn đến tình trạng chen chúc và lệch khớp cắn. Để phòng ngừa các biến chứng nặng nề, cần chủ động thăm khám và can thiệp các biện pháp điều trị trong thời gian sớm nhất.
Nhận biết răng khôn mọc lệch 45, 90 độ
Theo thống kê, khoảng hơn 80% trường hợp mọc răng khôn đều có hiện tượng mọc lệch, mọc nghiêng và mọc ngầm. Trong đó, răng khôn mọc lệch 45 độ và 90 độ là tình trạng phổ biến nhất. Không giống với các răng trên cung hàm, răng khôn (răng số 8) chỉ mọc ở giai đoạn từ 17 – 25 tuổi. Lúc này xương hàm đã phát triển hoàn toàn nên mầm răng khó có thể mọc thẳng.
Răng khôn mọc lệch 45, 90 độ khiến cho nướu răng bị kích thích và có thể gây chèn ép một số dây thần kinh xung quanh. Ngoài ra, một số trường hợp răng mọc lệch 90 độ (răng nằm ngang) có thể xô đẩy răng số 6, số 7 dẫn đến tình trạng đau nhức dữ dội. Nếu để kéo dài, toàn bộ răng trên cung hàm bị xô đẩy, chen chúc và mọc lệch lạc.
Để điều trị kịp thời, bạn có thể phát hiện sớm tình trạng răng khôn mọc lệch 45, 90 độ thông qua các dấu hiệu sau:
- Quan sát thấy mầm răng số 8 mọc nghiêng nhẹ 45 độ vào bên trong khoang miệng hoặc mọc lệch ra bên ngoài má.
- Một số trường hợp có thể mọc lệch 90 độ. Tuy nhiên, trường hợp này đôi khi không nhìn thấy răng số 8 do răng mọc ngầm ở bên dưới.
- Đa phần những trường hợp răng mọc lệch đều có hiện tượng sưng toàn bộ vùng nướu xung quanh, nướu nhạy cảm, đau nhức và dễ chảy máu.
- Răng có thể đau nhức nhẹ, âm ỉ hoặc đau dữ dội từng cơn. Một số trường hợp có thể gặp phải cơn đau nghiêm trọng lan đến tai và đầu.
- Răng khôn thường mọc gián đoạn và có thể mất một thời gian dài để thân răng mọc lên hoàn toàn. Vì vậy, tình trạng đau nhức thường chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và tái phát khi mầm răng tiếp tục nhú lên.
- Răng khôn mọc lệch 45, 90 độ tạo ra kẽ hở giữa răng số 7 và số 8 khiến cho thức ăn ứ đọng và tăng tích tụ mảng bám. Do đó, một số trường hợp có thể gặp phải tình trạng viêm lợi trùm với những biểu hiện như nướu răng đau nhức, sưng, ứ mủ, rỉ dịch và khoang miệng có mùi khó chịu.
Phần lớn những trường hợp răng khôn mọc lệch 45, 90 độ đều gây sưng và đau nướu răng. Khi quan sát, bạn có thể dễ dàng nhận thấy mầm răng mọc lệch ra khỏi cung hàm. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể không gặp phải bất cứ triệu chứng nào khi răng số 8 mọc lệch và mọc ngang.
Nguyên nhân khiến răng khôn mọc lệch 45, 90 độ
Răng khôn mọc khi xương hàm đã phát triển cứng chắc nên mầm răng rất khó có thể mọc thẳng lên phía trên. Vì vậy, không ít trường hợp gặp phải tình trạng răng mọc lệch 45, 90 độ. Ngoài tình trạng này, nhiều người cũng gặp phải hiện tượng răng khôn mọc ngầm gây tổn thương dây thần kinh và chèn ép các răng còn lại trên cung hàm.
Một nguyên nhân khác khiến cho răng khôn dễ mọc lệch 45, 90 độ là do ở giai đoạn 17 – 25 tuổi các răng trên cung hàm đã phát triển hoàn chỉnh nên không có đủ không gian cho răng số 8 mọc. Chính vì vậy, răng khôn dễ mọc lệch ra bên ngoài má hoặc mọc ngang. Ngoài những nguyên nhân trên, di truyền cũng được xem là yếu tố có thể gia tăng nguy cơ gặp phải tình trạng răng số 8 mọc nghiêng, mọc lệch.
Răng khôn mọc lệch 45, 90 độ có nguy hiểm không?
Răng khôn mọc lệch 45, 90 độ là tình trạng khá phổ biến. Răng mọc lệch thường gây đau nhức nhiều, nướu sưng, nhạy cảm và dễ chảy máu. Nếu không có biện pháp can thiệp, các triệu chứng khó chịu sẽ kéo dài dai dẳng và dễ tái phát, ảnh hưởng đáng kể đến việc ăn uống và sinh hoạt. Thậm chí, một số người còn có thể bị mất ngủ do cơn đau bùng phát vào ban đêm.
Ngoài các triệu chứng đau nhức, khó chịu, răng khôn mọc lệch còn gây ra tình trạng chèn ép khiến các răng trên cung hàm bị xiêu vẹo và lệch lạc. Trong trường hợp không được điều trị sớm, bạn có thể phải đối mặt với tình trạng răng chen chúc, không đều, sai lệch khớp cắn và thiếu tự tin khi giao tiếp.
Răng mọc lệch, mọc nghiêng còn là điều kiện cho thức ăn, mảng bám tích tụ. Từ đó khiến cho vi khuẩn thường trú trong khoang miệng phát triển mạnh gây viêm lợi trùm, viêm nướu răng, sâu răng và nhiều bệnh lý khác.
Chẩn đoán răng khôn mọc lệch 45, 90 độ
Răng khôn mọc lệch 45, 90 độ có thể nhận biết thông qua khám lâm sàng. Tuy nhiên, một số trường hợp răng có thể mọc ngầm bên dưới nướu và không thể quan sát bằng mắt thường. Chính vì vậy sau khi khám tổng quát, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X quang răng khôn.
Hình ảnh từ kỹ thuật này giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng răng số 8, từ đó dễ dàng hơn trong quá trình chẩn đoán và điều trị. Đối với những trường hợp chân răng khó, bác sĩ sẽ đánh giá kỹ lưỡng trước khi tiểu phẫu để đảm bảo an toàn.
Răng khôn mọc lệch 45, 90 độ phải làm sao? Có nên nhổ?
Răng khôn mọc lệch 45, 90 độ có nên nhổ không là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trên thực tế, những trường hợp răng khôn mọc nghiêng, mọc lệch, mọc ngầm,… đều được chỉ định nhổ bỏ – ngay cả khi không gây đau nhức và khó khăn khi ăn uống.
Những trường hợp được chỉ định nhổ răng khôn mọc lệch 45, 90 độ:
- Tất cả răng mọc lệch, mọc nghiêng đều có chỉ định nhổ bỏ
- Đặc biệt là trường hợp răng mọc ngầm gây ra nhiều biến chứng như sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu,…
- Ngoài ra, răng khôn cũng có thể được chỉ định nhổ bỏ để quá trình niềng răng – chỉnh nha diễn ra thuận lợi hơn
Đối với những trường hợp răng khôn mọc lệch 45, 90 độ đang bị viêm cấp tính, cần sử dụng thuốc kháng sinh và chống viêm để kiểm soát nhiễm trùng. Sau khi tình trạng viêm thuyên giảm, có thể tiến hành nhổ bỏ răng để tránh biến chứng.
Ngoài ra, trường hợp răng khôn mọc lệch 45, 90 độ ở hàm trên thường không được chỉ định nhổ răng nếu đang bị viêm xoang cấp tính. Người đang bị dị ứng, tiểu đường, tim mạch và rối loạn đông máu cũng cần ổn định sức khỏe trước khi can thiệp tiểu phẫu răng khôn.
Những trường hợp chống chỉ định tuyệt đối:
- Từng xạ trị ở vùng hàm mặt (do nguy cơ dễ hoại tử xương hàm)
- Đang bị ung thư máu (nguy cơ chảy máu và nhiễm khuẩn)
Phụ nữ mang thai thường không được chỉ định nhổ răng khôn – đặc biệt là trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối. Tuy nhiên nếu nghi ngờ răng khôn có ổ nhiễm khuẩn có thể đe dọa đến thai nhi, bác sĩ có thể chỉ định nhổ bỏ.
Nữ giới nên lựa chọn thời điểm nhổ răng không trùng với kỳ kinh để giảm nguy cơ chảy máu kéo dài. Đối với người có các vấn đề tâm thần và động kinh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc an thần vài ngày trong khi tiểu phẫu để đảm bảo an toàn.
Việc nhổ bỏ răng khôn mọc lệch 45, 90 độ có thể ngăn ngừa viêm nhiễm và các vấn đề nha khoa ở răng số 7, số 8. Ngoài ra, nhổ bỏ răng sớm giúp bảo toàn cấu trúc cung hàm, tránh tình trạng răng mọc xiêu vẹo, chen chúc và lệch khớp cắn.
Răng khôn mọc lệch 45, 90 độ là tình trạng khá phổ biến. Để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, bạn nên sắp xếp thời gian đến phòng khám. Tránh trường hợp chủ quan khiến răng khôn chèn ép các răng trên cung hàm, đồng thời gia tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu răng,…
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Mọc răng khôn bị sưng mủ có nguy hiểm không?
Mới Nhổ Răng Ăn Thịt Bò Được Không? Có Nên Ăn?
Đau họng sau khi nhổ răng khôn và cách khắc phục hiệu quả
Mọc răng khôn nên uống thuốc gì giảm đau?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!