Răng khôn hàm trên mọc lệch ra ngoài má có thể dẫn đến nhiều biến chứng và hậu quả lâu dài. Đối với tình trạng này, giải pháp tối ưu là nhổ bỏ răng để tránh ảnh hưởng đến các răng lân cận.
Vì sao răng khôn hàm trên mọc lệch ra ngoài má?
Mỗi người sẽ có 4 chiếc răng khôn, bao gồm 2 răng hàm trên và 2 răng hàm dưới. Tuy nhiên, cũng có một số người không có đủ 4 chiếc răng khôn do cơ địa và di truyền. Răng khôn (răng số 8) có hình dáng tương tự như răng số 6 và số 7. Tuy nhiên, răng khôn chỉ mọc ở tuổi trưởng thành (từ 18 – 26 tuổi) và răng mọc khá chậm, mọc theo từng giai đoạn thay vì mọc liền mạch như các răng khác trên cung hàm.
Trên thực tế, răng khôn nằm sâu ở bên trong nên chức năng không rõ rệt như các răng khác. Do đó, những người không mọc răng khôn cũng không gặp bất cứ vấn đề gì bất thường. Đặc điểm của răng số 8 là mọc khá muộn. Lúc này, xương hàm đã trở nên cứng chắc và cấu trúc răng đã phát triển hoàn như toàn diện. Vì vậy, răng khôn khi mọc thường gây đau nhức nhiều do kích thích lên mô nướu và các răng lân cận.
Hơn nữa, do răng mọc khá muộn nên đôi khi không có đủ không gian để mọc. Kết quả là răng mọc ngầm, mọc ngang hoặc mọc lệch. Theo thống kê, đa phần các trường hợp mọc răng khôn đều có hiện tượng mọc lệch, mọc ngầm. Do đó, không ít người gặp phải tình trạng răng khôn hàm trên mọc lệch ra ngoài má.
Răng khôn hàm trên mọc lệch có nguy hiểm không?
Răng khôn hàm trên mọc lệch ra ngoài má là tình trạng khá phổ biến do đặc điểm về vị trí và thời gian mọc. Tình trạng này không quá nguy hiểm nhưng sẽ gây ra nhiều phiền toái trong quá trình sinh hoạt và ăn uống. Hơn nữa, răng khôn mọc lệch có thể chèn ép lên dây thần kinh, mạch máu và các răng lân cận dẫn đến rất nhiều biến chứng.
Một số ảnh hưởng do răng khôn hàm trên mọc lệch ra ngoài má gây ra:
- Răng khôn mọc lệch thường gây đau nhức dữ dội hoặc đau âm ỉ, dai dẳng kéo dài. Cơn đau thường bùng phát theo từng giai đoạn, đặc biệt là những giai đoạn mầm răng đang từ từ nhú lên cung hàm. Vì răng khôn không mọc liền mạch nên quá trình này sẽ lặp đi lặp lại trong thời gian khá dài. Điều này đồng nghĩa với việc tình trạng răng đau nhức sẽ xảy ra thường xuyên và có xu hướng tái phát.
- Răng khôn mọc lệch thường đi kèm với hiện tượng viêm lợi trùm – tình trạng một phần lợi trùm lên phía trên răng bị viêm nhiễm. Viêm lợi trùm khiến cho răng số 8 bị đau nhức nhiều, phần lợi phía trên sưng đỏ, ứ mủ và khiến hơi thở có mùi hôi khó chịu.
- Răng khôn hàm trên mọc lệch ra ngoài má có thể gây chèn ép các răng còn lại trên cung hàm khiến răng mọc lệch lạc, chen chúc.
- Răng mọc lệch sẽ tạo điều kiện cho mảng bám, cao răng tích tụ. Từ đó làm gia tăng nguy cơ bị viêm nướu răng, sâu răng, viêm nha chu và nhiều bệnh lý khác.
- Hiện tượng răng khôn mọc lệch sẽ gây ra không ít phiền toái khi ăn uống và sinh hoạt do răng chìa ra bên ngoài gây cộm, vướng, khó chịu.
- Răng khôn hàm trên mọc lệch có thể gây sâu răng số 7 và một số răng lân cận. Khác với răng khôn, răng số 6 và số 7 giữ vai trò rất quan trọng. Khi xảy ra vấn đề, răng sẽ bị đau nhức dai dẳng và ảnh hưởng nhiều đến chức năng ăn nhai.
Răng khôn hàm trên mọc lệch ra ngoài má ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe răng miệng và cụ thể là chức năng ăn nhai do răng bị đau nhức dai dẳng, kéo dài. Để hạn chế biến chứng, nên thăm khám và điều trị tình trạng này càng sớm càng tốt.
Cách khắc phục răng khôn hàm trên mọc lệch ra ngoài má
Ngay khi quan sát thấy răng khôn hàm trên mọc lệch, bạn cần đến nha khoa để được khám và chụp X – quang. Hình ảnh chụp X – quang giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng chân răng, xương hàm và các răng lân cận.
Tất cả các trường hợp răng khôn mọc lệch đều phải nhổ bỏ để phòng ngừa biến chứng. Tuy nhiên nếu đi kèm với viêm lợi trùm hoặc nướu răng đang bị sưng viêm cấp, bạn sẽ phải dùng thuốc trong 5 – 7 này để kiểm soát viêm nhiễm. Nhổ răng chỉ được thực hiện khi không có hiện tượng viêm nhiễm cấp.
1. Sử dụng thuốc
Trong trường hợp răng đang bị đau nhức và mô nướu sưng viêm, bạn cần sử dụng thuốc để kiểm soát hiện tượng viêm nhiễm. Sau khoảng 5 – 7 ngày, tình trạng sẽ thuyên giảm và bạn có thể quay trở lại phòng khám để nhổ răng.
Các loại thuốc được sử dụng phổ biến:
- Thuốc giảm đau Paracetamol: Paracetamol là loại thuốc giảm đau, hạ sốt không kê toa được sử dụng phổ biến. Thuốc được dùng để giảm cơn đau trong quá trình mọc răng khôn và viêm lợi trùm. Loại thuốc này tương đối an toàn và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng thuốc quá mức và chỉ nên sử dụng khi cần thiết để giảm thiểu tối đa tác dụng không mong muốn.
- Thuốc chống viêm dạng men: Thuốc chống viêm dạng men (Alpha Choay) thường được dùng ở dạng viên ngậm. Thuốc có tác dụng giảm sưng viêm mô mềm nên chủ yếu được dùng khi bị viêm lợi trùm hoặc viêm quanh thân răng do quá trình mọc răng khôn. Tuy nhiên, thuốc không có hiệu quả giảm đau tốt như Paracetamol.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Trong trường hợp răng đau nhức nhiều và bị sưng nướu, sưng hạch góc hàm, bạn có thể dùng một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Nhóm thuốc này vừa có hiệu quả giảm đau vừa mang lại tác dụng kháng viêm. Các loại thuốc chống viêm không steroid thông dụng bao gồm Ibuprofen, Diclofenac,…
- Kháng sinh: Đối với trường hợp bị viêm lợi trùm, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh trong 5 – 7 ngày để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm. Khi nhiễm trùng được kiểm soát, bác sĩ mới có thể chỉ định nhổ răng. Nếu phải dùng kháng sinh, cần chú ý dùng đúng liều và đủ thời gian chỉ định để tránh hiện tượng kháng thuốc.
- Dung dịch súc miệng sát khuẩn: Ngoài thuốc uống, bạn có thể dùng thêm một số dung dịch súc miệng sát khuẩn chứa Acid boric, Hexetidin, Chlorhexidine,… Các sản phẩm này giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng, từ đó ngăn chặn được hiện tượng viêm nhiễm ở nướu xung quanh răng số 8.
Sử dụng thuốc chỉ là giải pháp tạm thời đối với trường hợp răng khôn hàm trên mọc lệch ra ngoài má. Nếu không nhổ bỏ răng, tình trạng đau nhức, sưng nướu và hôi miệng sẽ tiếp tục tiếp diễn.
2. Nhổ bỏ răng
Tất cả các trường hợp răng khôn mọc lệch, mọc ngầm đều có chỉ định nhổ bỏ. Bởi răng khôn không giữ vai trò quá quan trọng nhưng rất dễ bị sâu răng, viêm nướu vì mọc ở sâu bên trong cung hàm. Ngoài ra, hình thể răng phức tạp cũng là yếu tố làm gia tăng tốc độ tích tụ mảng bám và cao răng.
Nhổ răng khôn phức tạp hơn so với các răng khác, đặc biệt là trong trường hợp chân răng khó và răng mọc lệch gây chèn ép các răng lân cận. Hiện nay, đa số các bệnh viện và nha khoa đều sử dụng máy siêu âm để nhổ bỏ răng thay vì dùng phương pháp nhổ bằng kìm truyền thống. Máy siêu âm sẽ giúp loại bỏ răng khôn dễ dàng, đồng thời hạn chế được mức độ tổn thương nướu, xương hàm và các răng lân cận.
Nhổ răng khôn là phương pháp xâm lấn. Do đó, bạn nên có những bước chuẩn bị trước khi can thiệp. Nên hạn chế hút thuốc lá, dùng rượu bia, không uống thuốc có tác dụng chống đông máu trong ít nhất 3 – 5 ngày trước khi nhổ răng. Ngoài ra, nên chuẩn bị thể trạng khỏe mạnh và tinh thần thoải mái để quá trình phục hồi sau khi nhổ răng được diễn ra thuận lợi hơn.
Răng khôn hàm trên mọc lệch ra má là tình trạng cần phải được xử lý. Nếu chủ quan, răng số 8 và các răng lân cận có thể bị tổn thương dẫn đến đau nhức, ê buốt dai dẳng. Bên cạnh đó, bạn cũng thăm khám răng miệng định kỳ để phát hiện sớm răng khôn mọc lệch, bởi một số trường hợp hoàn toàn không có triệu chứng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Mách Bạn 12 Cách Cầm Máu Sau Khi Nhổ Răng Hiệu Quả Nhanh
Vì sao cần chụp X quang răng khôn? Khi nào nên chụp?
Nhổ Răng Khôn Bị Sưng Má Có Sao Không? Cách Khắc Phục
Các Dấu Hiệu Nhiễm Trùng Sau Khi Nhổ Răng và cách nhận biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!