Sốt là hiện tượng thường gặp khi mọc răng khôn bên cạnh sưng nướu, nướu nhạy cảm và đau nhức răng. Mặc dù là tình trạng phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ Tại sao mọc răng khôn lại bị sốt? Sốt mấy ngày? và biện pháp hạ sốt an toàn, hiệu quả.
Tại sao mọc răng khôn lại bị sốt?
Sốt là phản ứng thường thấy khi mọc răng, bao gồm cả mọc răng khôn. Răng khôn (răng số 8) là răng hàm số 3 nằm ở cuối cung hàm chỉ mọc trong giai đoạn trưởng thành từ 17 – 25 tuổi. Vì mọc khá muộn lúc xương hàm đã cứng chắc nên răng khôn thường gây kích thích nướu, dây thần kinh và các răng xung quanh.
Trong thời gian mọc răng khôn, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng như sưng nướu, răng đau nhức, ê buốt, dễ chảy máu và nhạy cảm hơn bình thường. Ngoài ra, một số trường hợp còn gặp phải tình trạng sốt nhẹ, mệt mỏi, sưng hạch ở góc hàm và sưng má.
Thống kê cho thấy, khoảng 60% trường hợp bị hành sốt khi mọc răng khôn. Mặc dù là tình trạng khá phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ “Tại sao mọc răng khôn lại bị sốt?”. Theo các chuyên gia, tình trạng này có thể xảy ra do hai nhóm nguyên nhân chính sau:
1. Do phản ứng của hệ miễn dịch
Khi mầm răng chuẩn bị nhú lên trên, toàn bộ nướu răng, dây thần kinh cùng với các cơ quan lân cận sẽ bị kích thích dẫn đến hiện tượng sưng viêm. Tình trạng này sẽ kích thích phản ứng bảo vệ cơ thể của hệ miễn dịch. Các tế bào bạch cầu bên trong các hạch bạch huyết (gần nhất là hạch bạch huyết góc hàm) sẽ di chuyển đến nướu răng gây ra phản ứng sưng viêm và đau nhức.
Trong trường hợp cơ địa nhạy cảm, tế bào bạch cầu sẽ tăng lên khá nhanh dẫn đến tình trạng sốt nhẹ đến sốt cao. Cụ thể khi cảm nhận được “tín hiệu” ở tế bào thần kinh của nướu răng, tế bào bạch cầu và đại thực bào sẽ tiết ra các chất gây sốt như interleukin 1, interleukin 6,… Các chất nội sinh này sẽ được tuần hoàn đến khu điều hòa thân nhiệt ở vùng dưới đồi, sau đó liên kết với các nơ-ron cảm nhận nhiệt độ dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt.
Sốt là phản ứng cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động để bảo vệ cơ thể. Chính vì vậy, hiện tượng tăng thân nhiệt khi mọc răng khôn là hoàn toàn bình thường. Nếu răng mọc thẳng và không bất kỳ vấn đề nào phát sinh, sốt sẽ thuyên giảm trong một thời gian ngắn.
2. Biểu hiện của viêm lợi trùm
Viêm lợi trùm là vấn đề nha khoa chỉ gặp ở răng đang mọc, cụ thể là những chiếc răng có phần lợi trùm lên phía trên. Đây là điều kiện thuận lợi để thức ăn bám vào, từ đó tạo thành mảng bám và thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn có hại.
Trong trường hợp này, tác động của mầm răng lên nướu, các răng lân cận và độc tố từ vi khuẩn chính là chất gây sốt ngoại vi. Các chất này kích thích đại thực bào và bạch cầu đơn nhân sản sinh các chất gây sốt nội sinh bao gồm interleukin 1, interleukin 6.
Đối với những trường hợp bị viêm lợi trùm, tình trạng sốt có thể nghiêm trọng hơn so với mọc răng khôn thông thường. Ngoài ra, hiện tượng viêm nhiễm ở lợi trùm cũng gây sưng hạch góc hàm, hôi miệng, nướu sưng đỏ, chảy máu, ứ mủ, đau nhức nhiều, cơn đau có thể lan đến vùng má và tai.
Mọc răng khôn bị sốt mấy ngày?
Sốt là phản ứng bình thường của cơ thể khi nhận thấy các yếu tố đe dọa đến sức khỏe. Vì vậy, bạn không nên quá lo lắng khi gặp phải tình trạng bị hành sốt khi mọc răng khôn. Nếu răng khôn mọc thẳng, hiện tượng sốt sẽ kéo dài khoảng 1 – 3 ngày. Hoặc có thể lâu hơn vài ngày ở những người có cơ địa nhạy cảm.
Trong trường hợp răng khôn mọc lệch ra bên ngoài má, mọc ngang 90 độ và mọc ngầm, răng sẽ kích thích mạnh hơn vào nướu, dây thần kinh và các răng lân cận. Do đó, tình trạng sốt có thể kéo dài lâu hơn đi kèm với hiện tượng đau nhức nhiều và khó chịu khi ăn uống.
Răng khôn thường mọc theo từng đợt nên tình trạng sốt có thể tái phát nhiều lần cho đến khi răng mọc hoàn thiện. Trong trường hợp bị viêm lợi trùm, thân nhiệt sẽ tăng cao hơn so với mọc răng khôn thông thường. Nếu không có biện pháp can thiệp, sốt cùng với tình trạng răng đau nhức, ứ mủ, dễ chảy máu,… sẽ tái phát thường xuyên. Hơn nữa, viêm nhiễm kéo dài còn gây hôi miệng dai dẳng.
Mọc răng khôn bị hành sốt phải làm sao?
Mọc răng khôn thường sẽ bị hành sốt trong khoảng vài ngày hoặc lâu hơn tùy theo tình trạng cụ thể. Mặc dù không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe nhưng sốt có thể gây mệt mỏi và uể oải. Để cải thiện tình trạng sốt do mọc răng khôn, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Các biện pháp hạ sốt tại nhà
Mọc răng khôn thường chỉ gây sốt nhẹ. Do đó, bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng một số biện pháp đơn giản sau:
- Chườm đá: Khi mọc răng khôn, phần má và góc hàm sẽ có hiện tượng nóng sốt hơn so với những vùng còn lại. Để giảm sưng đau và sốt, bạn có thể chườm đá ở vùng má từ 10 – 15 phút. Sau khi thực hiện khoảng vài lần/ ngày, tình trạng sốt nhẹ, đau nhức răng, sưng má, sưng hạch góc hàm,… sẽ thuyên giảm đáng kể.
- Uống nhiều nước: Ngoài chườm đá, uống nhiều nước cũng là cách hạ sốt khá đơn giản khi mọc răng khôn. Thực tế, tình trạng sốt do mọc răng thường không quá nghiêm trọng. Chính vì vậy, uống nhiều nước sẽ giúp cho cơ thể điều hòa lại thân nhiệt và giảm mệt mỏi.
- Tắm nước ấm: Tắm nước ấm là cách hạ sốt khi mọc răng khôn khá hiệu quả. Nước ấm giúp giãn mạch máu, từ đó giúp hạ thân nhiệt nhanh và mang lại cảm giác thoải mái, thư giãn. Biện pháp này mang lại hiệu quả rõ rệt với những trường hợp sốt nhẹ do bị viêm lợi trùm, mọc răng khôn hoặc do cảm lạnh.
Ngoài những cách trên, bạn cũng cần mặc quần áo thoáng mát và bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất để nâng đỡ thể trạng. Hầu hết những trường hợp mọc răng khôn bị hành sốt đều nhận thấy cải thiện rõ rệt khi áp dụng các biện pháp trên.
2. Sử dụng thuốc không kê toa
Trong trường hợp sốt khá cao và mệt mỏi khi mọc răng khôn, bạn có thể dùng một số loại thuốc không kê toa. Thuốc mang lại hiệu quả nhanh nhưng chỉ có thể cải thiện triệu chứng. Do đó, bạn chỉ nên dùng thuốc trong vài ngày và sắp xếp thời gian đến phòng khám sớm nhất.
Các loại thuốc không kê toa được sử dụng để cải thiện mọc răng khôn bị hành sốt:
- Paracetamol: Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt thông dụng nhất hiện nay. Thuốc có thể cải thiện tình trạng sốt cao, mệt mỏi, đau nhức trong thời gian mọc răng khôn. Loại thuốc này tương đối an toàn ở liều điều trị và có thể dùng mà không cần toa của bác sĩ. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, chỉ nên dùng tối đa 500mg/ lần, tối đa 4 – 5 lần/ ngày, khoảng cách giữa 2 lần uống phải ít nhất 4 giờ đồng hồ.
- Vitamin C: Khi mọc răng khôn, hệ miễn dịch trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Để nâng đỡ thể trạng, bạn có thể bổ sung vitamin C ở dạng uống hoặc dạng viên sủi. Vitamin C giúp tăng số lượng và hoạt động của tế bào bạch cầu, từ đó giúp kiểm soát nhanh hiện tượng viêm nhiễm ở nướu răng và giảm mệt mỏi, uể oải rõ rệt.
3. Khám và điều trị y tế
Sốt là phản ứng chung khi mọc răng khôn. Tuy nhiên nếu răng khôn mọc ngầm, mọc ngang, mọc lệch hoặc bị viêm lợi trùm, tình trạng sốt có thể kéo dài trong nhiều ngày và tái phát nhiều lần. Vì vậy khi gặp phải tình trạng mọc răng khôn bị phát sốt nặng và dai dẳng, bạn nên đến phòng khám để được chẩn đoán và điều trị.
Trong trường hợp răng mọc thẳng và hoàn toàn không có vấn đề gì, bác sĩ sẽ chỉ định cạo vôi răng để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Đồng thời hướng dẫn một số cách để kiểm soát cơn đau, tình trạng sưng nướu, sốt,… trong thời gian mọc răng khôn. Đối với những trường hợp răng khôn mọc lệch và viêm lợi trùm, giải pháp là nhổ bỏ răng khôn, cắt lợi trùm và sử dụng thuốc.
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ “Tại sao mọc răng khôn lại bị sốt? Sốt mấy ngày? và có thể trang bị cho mình một số mẹo hạ sốt đơn giản. Trong trường hợp sốt cao kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng, bạn nên đến bệnh viện/ phòng khám trong thời gian sớm nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
3 Mẹo Nhổ Răng Sữa Cho Bé Tại Nhà Đúng Cách, Không Đau
Mọc Răng Khôn Nên Ăn Gì Và Kiêng Gì Để Giảm Đau?
Mọc Răng Khôn Bị Đau Họng: Nguyên Nhân Và Cách Xử Lý
Đau họng sau khi nhổ răng khôn và cách khắc phục hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!