Vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi là vấn đề được nhiều cha mẹ có con ở giai đoạn này quan tâm, tìm hiểu. Việc chăm sóc răng cho bé trong thời gian ăn dặm rất cần thiết vì giúp con hạn chế tình trạng sâu răng, có được hàm răng khỏe và đẹp. Nhưng nếu áp dụng những phương pháp làm sạch răng không đúng cách sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến răng bé.
Lợi ích trong việc vệ sinh răng cho bé
Khi bé được 1 tuổi, những chiếc răng sữa đầu tiên đã bắt đầu phát triển và lúc này con đang trong giai đoạn ăn dặm. Việc vệ sinh răng miệng cho bé ở giai đoạn này ảnh hưởng rất nhiều đến sự chắc khỏe của răng lợi về sau. Các mẹ nên tạo lập một thói quen vệ sinh răng cho con sau bữa ăn và trước khi ngủ mỗi ngày. Hoạt động này sẽ mang đến những lợi ích không nhỏ cho vấn đề sức khỏe răng miệng của con.
- Đối với bé chưa mọc răng: với các bé mọc răng trễ, việc vệ sinh răng cho bé ở thời điểm này không chỉ góp phần trong việc giữ sạch khoang miệng cho con. Trong quá trình vệ sinh răng miệng sẽ tác động nhẹ nhàng vào nướu của trẻ kích thích việc mọc răng sữa và giúp răng bé được chắc khỏe hơn.
- Khi bé đã mọc răng: bé mọc răng và bắt đầu ăn dặm là lúc cần làm sạch răng thường xuyên để giúp loại bỏ những mảng bám và vi khuẩn có hại trong miệng. Không chỉ vậy, vệ sinh răng miệng ngay từ lúc này sẽ tạo cho bé một thói quen bảo vệ răng miệng, giúp bé hình thành dần những kỹ năng lành mạnh từ nhỏ.
Cách vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi
Việc vệ sinh răng miệng cho bé trong thời gian này tùy thuộc vào thể trạng của từng bé. Ở một số bé có thể răng sữa đã phát triển được 3 – 4 chiếc, trường hợp còn lại phát triển chậm hơn, bé thậm chí chưa thể mọc răng. Vì vậy, cách vệ sinh răng miệng cho con được chia theo hai trường hợp.
1.Giai đoạn chưa mọc răng
Thời điểm này mẹ nên sử dụng những loại khăn chất liệu mềm, không quá thô cứng để làm vệ sinh cho bé. Sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước ấm để vệ sinh cho con.
Quy trình thực hiện gồm các bước sau đây:
Bước 1: Sử dụng một miếng gạc đa hoặc khăn vải mềm nhúng vào nước ấm hoặc nước muối sinh lý, chú ý lau nhẹ nhàng nướu của bé để tránh làm đau con.
Bước 2: Sau khi vệ sinh bằng nước muối, mẹ cần vệ sinh lại bằng nước sạch 2 – 3 lần để tránh việc bé nuốt phải nước muối gây khó chịu.
Bước 3: Sau cùng, dùng khăn lau mặt và vùng quanh miệng cho bé.
Trong quá trình vệ sinh, các mẹ có thể kết hợp với việc rơ lưỡi cho con để làm sạch hoàn toàn vi khuẩn tích tụ trong khoang miệng của bé.
2.Giai đoạn bắt đầu mọc răng
Khi đã có dấu hiệu mọc của những chiếc răng đầu tiên, việc vệ sinh răng miệng của bé sẽ có những thay đổi và sẽ kéo dài trong suốt quá trình phát triển của con. Trong giai đoạn đầu răng mới nhú, mẹ vẫn dùng khăn mềm hoặc gạc để vệ sinh cho bé. Vì lúc này, nướu răng của bé sẽ có dấu hiệu sưng lên nên cần phải thận trọng. Khi răng đã ổn định hơn, bạn có thể thay thế bằng bàn chải đánh răng mềm (loại gắn vào đầu ngón tay) để làm sạch răng cho bé.
Các bước vệ sinh răng miệng cho bé như sau:
Bước 1: Gắn bàn chải mềm vào đầu ngón tay mẹ và đổ nước muối sinh lý vào một bát nhỏ.
Bước 2: Nhúng bàn chải vào nước muối sinh lý rồi chải nhẹ nhàng các mặt của răng và toàn bộ nướu. Chú ý đặt lông bàn chải hướng về phía đường viền nướu, chếch khoảng 45 độ so với răng, thực hiện chải lần lượt 3 mặt răng gồm mặt ngoài, mặt trong, bề mặt nhai và cuối cùng là chà lưỡi.
Bước 3: Vệ sinh lại cho bé bằng gạc tẩm nước ấm, dùng khăn mềm lau mặt và xung quanh miệng.
Những lưu ý trong việc vệ sinh răng miệng cho bé
1. Tạo cho bé thói quen vệ sinh răng miệng
Khi một tuổi các bé đã dần hình thành khả năng học và làm theo những hành động của người lớn nên cha mẹ có thể dạy con cách sử dụng bàn chải. Từ những hoạt động vệ sinh răng miệng lúc này sẽ giúp con ghi nhớ và có ý thức trong việc giữ vệ sinh răng miệng mà không cần nhắc nhở. Cần tạo thói quen đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, uống nước sau khi ăn để loại bỏ vụn thức ăn trong miệng.
Lưu ý, các bậc phụ huynh phải luôn theo sát quan tâm hướng dẫn bé cách thực hiện đúng, theo dõi tình trạng răng của con thường xuyên. Khi bé có dấu hiệu chuẩn bị mọc chiếc răng tiếp theo cần ngưng sử dụng bàn chải trong thời gian này để tránh làm tổn thương vùng nướu đang nhạy cảm.
2. Chú ý đến việc sử dụng bàn chải của con
Các mẹ phải thay bàn chải cho con 3 tháng/ lần hoặc ngay khi phát hiện bàn chải có dấu hiệu đầu lông xơ cứng, xiêu vẹo. Việc sử dụng bàn chải lâu ngày không thay sẽ làm khả năng làm sạch của bàn chải giảm đi, khiến bé dễ bị chảy máu ở chân răng. Cần chú ý chọn những bàn chải chuyên dùng cho trẻ em, có đầu lông mảnh và mềm, độ dài đầu lông ngắn khoảng 2 – 3 mm, có thiết kế tay cầm có lỗ để con cầm nắm dễ dàng khi tập đánh răng.
Sử dụng nước muối sinh lý cho trẻ vệ sinh răng và thay dần thành các loại kem đánh răng chứa ít Flour để trẻ tập làm quen dần. Cần chú ý không cho trẻ nuốt kem và để kem đánh răng xa tầm với của trẻ bởi các loại kem đánh răng trẻ em thường có màu sắc và mùi hấp dẫn.
3. Hạn chế những thói quen xấu thường ngày
Ngoài những điều cần lưu ý đã nêu lên phía trên, các bậc phụ huynh cần hạn chế những thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Những thói quen này nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ khiến bé dễ gặp phải nhiều vấn đề về răng miệng.
- Hạn chế đường trong ăn uống của trẻ
Đối với bé 1 tuổi, các con đang trong giai đoạn ăn dặm và thích nghi với các thực phẩm vặt khác nên mẹ cần cân đối chế độ ăn uống sao cho phù hợp. Không cho bé ăn quá nhiều thức ăn có đường bởi trong các loại bột ăn dặm đã cung cấp đủ lượng đường cần thiết.
Lượng đường tích tụ trong răng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, phá vỡ lớp men răng mỏng manh của bé khiến bé bị sâu răng. Nếu tình trạng nặng dẫn đến mất các răng sữa sớm sẽ dẫn đến việc các răng vĩnh viễn mọc chậm và không phát triển được bình thường.
- Không cho bé mút đầu ngón tay hoặc ngậm ti giả
Việc ngậm ti giả, núm ti bình sữa hay mút đầu ngón tay khiến bé thích thú khi các răng bắt đầu nhỏ bắt đầu mọc. Nhưng những hành động cắn và day núm ti sẽ khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi hệ miễn dịch bé vẫn còn yếu.
Không chỉ vậy, lúc này răng và nướu bé vẫn chưa phát triển toàn diện, nếu tác động quá nhiều lực khi mút, cắn lên răng sẽ làm bé bị răng mọc lệch, mọc không đều. Nghiêm trọng hơn là làm các khớp cắn bị lệch, khiến con nhai một bên và mặt bị mất cân đối.
- Không cho bé nhai, ngậm thức ăn quá cứng
Các loại bánh kẹo cứng rất dễ làm răng bé mọc chậm nếu sử dụng thường xuyên, tác động từ việc nhai, cắn các loại thức ăn này sẽ làm lệch răng vừa nhú, đồng thời còn gây trầy xước, đau rát khoang miệng và nướu của bé.
Bạn nên tập trung quan sát con trong các hoạt động ăn uống để có thể ngăn chặn việc bé cho các vật phẩm lạ vào miệng theo thói quen. Không chỉ hạn chế làm tổn thương răng miệng của bé mà còn phòng ngừa các tình huống nguy hiểm bất ngờ khác.
Việc chăm sóc, vệ sinh răng miệng cho bé 1 tuổi là điều quan trọng và cần thiết mà các bật phụ huynh không nên bỏ qua. Bởi nó đảm bảo quá trình mọc răng luôn được thuận lợi, quyết định sự phát triển của răng bé trong tương lai. Trong trường hợp bé xuất hiện những dấu hiệu bất thường về nướu và răng, các mẹ đưa bé đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và tư vấn kịp thời. Bảo vệ bé khỏi những tác nhân gây hại một cách sớm nhất.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Răng Sữa Của Trẻ Bị Mòn Nên Xử Lý Thế Nào?
Trẻ Mọc Răng Chậm Nên Ăn Gì? 6 Thực Phẩm Kích Thích Mọc Răng
Viêm lợi có mủ ở trẻ em: Chăm sóc và điều trị
Xiết ăn răng ở trẻ em là gì? Nguyên nhân và cách điều trị an toàn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!