Áp xe răng hàm có thể xảy ra hàm trên và hàm dưới. Bệnh lý này không chỉ gây đau nhức nhiều mà còn là nguyên nhân gây mất răng vĩnh viễn, viêm nhiễm mô xoang, sàn miệng, vùng dưới lưỡi và thậm chí là viêm nội tâm mạc, áp xe não.
Áp xe răng hàm trên/ dưới và dấu hiệu nhận biết
Răng hàm trên/ dưới là vị trí có nguy cơ cao gặp phải các bệnh lý nha khoa. Trung bình mỗi người có khoảng 12 răng hàm nhưng số lượng có thể ít hơn do yếu tố cơ địa, bẩm sinh. Răng hàm là răng nằm ở vị trí số 6, 7 và 8 (răng khôn) với chức năng chính là nghiền nát thức ăn. Khác với răng cửa và răng nanh, răng hàm có mặt nhai lớn, nhiều rãnh kẽ và vị trí khuất nên thức ăn dễ bám dính và khó làm sạch.
Áp xe răng hàm có thể xảy ra ở hàm trên hoặc hàm dưới. Như đã biết, áp xe răng là tình trạng răng bị viêm nhiễm nặng dẫn đến hình thành túi mủ (áp xe) ở chóp răng (chân răng) hoặc nha chu (thường xảy ra ở mô nướu). Ngay khi ổ áp xe hình thành, mô nướu thường có hiện tượng sưng nóng, phù nề và răng đau nhức dữ dội. Áp xe răng hàm là bệnh lý có mức độ nghiêm trọng cần được thăm khám và điều trị sớm để tránh biến chứng.
Để kịp thời điều trị, bạn cần phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh áp xe răng hàm:
- Răng hàm bị đau nhức, cơn đau có thể nhói lên gây ù tai, đau đầu và khó chịu
- Răng có cảm giác ê buốt, nhất là khi dùng các loại thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh
- Cơn đau có thể xảy ra khi gõ hoặc chạm vào răng
- Quan sát mô nướu nhận thấy nướu sưng đỏ, phù nề, có thể chảy máu, dịch hoặc mủ
- Miệng khô và có mùi hôi khó chịu
- Chạm vào vùng má và góc hàm có cảm giác nóng, đôi khi gây sưng hạch ở dưới quai hàm kèm theo sốt nhẹ đến sốt cao
- Cơ thể mệt mỏi, chán ăn, ăn uống kém
Nguyên nhân gây áp xe răng hàm trên, dưới
Hầu hết các trường hợp áp xe răng đều phát triển từ sâu răng và viêm nha chu không được kiểm soát.
– Sâu răng:
Sâu răng là bệnh nha khoa thường gặp, đặc trưng bởi hiện tượng mất các mô cứng của răng (hủy khoáng) gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus mutans. Trong thời gian đầu, vi khuẩn chỉ hòa tan các mô cứng ở men răng. Nhưng nếu không được kiểm soát, vi khuẩn có thể tấn công vào ngà răng và khoang tủy.
Trong một số trường hợp, vi khuẩn di chuyển từ tủy xuống phần chóp răng dẫn đến viêm nhiễm và hình túi mủ tại đây. Chân răng là nơi cố định răng trên cung hàm nên khi áp xe hình thành, răng thường có hiện tượng lung lay, dễ đau nhức – nhất là khi ăn uống.
– Viêm nha chu:
Viêm nha chu là bệnh nha khoa thường gặp ở người trung niên và cao tuổi. Bệnh lý này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào mô lợi, dây chằng và xương ổ răng. Các bộ phận kể trên có vai trò nâng đỡ răng, đảm bảo sự chắc chắn của răng khi ăn nhai. Viêm nha chu được xem là nguyên nhân gây mất răng phổ biến nhất ở người trưởng thành.
Ngoài biến chứng gây mất răng, viêm nha chu còn gây ra áp xe răng hàm. Cụ thể, vi khuẩn trú ngụ trong mô nướu trong thời gian dài có thể phát triển mạnh tạo thành túi mủ (áp xe).
– Các yếu tố nguy cơ:
Ngoài nguyên nhân trực tiếp là sâu răng và viêm nha chu, bệnh áp xe răng hàm cũng có thể xảy ra do những yếu tố nguy cơ như:
- Đặc điểm răng: Như đã đề cập, răng hàm có hình dáng đặc biệt và nằm ở vị trí khuất nên rất khó làm sạch. Theo thời gian, thức ăn bám dính tạo thành vôi răng – nơi trú ngụ và phát triển của vi khuẩn. So với răng cửa và răng nanh, răng hàm có nguy cơ bị áp xe cao hơn.
- Vệ sinh răng miệng kém: Vệ sinh răng miệng kém là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa, trong đó có áp xe răng hàm. Nếu không vệ sinh đúng cách, thức ăn thừa có thể bám dính vào răng trong thời gian dài tạo thành cao răng, kích thích sự phát triển của vi khuẩn có hại và dẫn đến nhiều bệnh lý nha khoa nghiêm trọng.
- Chứng khô miệng: Người mắc chứng khô miệng có nguy cơ bị áp xe răng hàm cao hơn so với bình thường. Bởi ngoài tác dụng làm mềm thức ăn, nước bọt còn có tác dụng tái khoáng men răng, trung hòa axit do vi khuẩn bài tiết và làm sạch thức ăn bám ở mặt nhai, kẽ răng. Khô miệng kéo dài khiến men răng bị hư hại, vi khuẩn phát triển mạnh và gây ra ổ áp xe.
- Do chế độ ăn: Thường xuyên sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường, axit như bánh kẹo, nước ngọt có gas, thực phẩm có vị chua,… có thể gây mòn men răng và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Trong khi đó, chế độ ăn khoa học có thể kiểm soát phần nào sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng.
- Một số yếu tố khác: Ngoài ra, nguy cơ bị áp xe răng hàm còn có thể tăng lên khi có những yếu tố như hút thuốc lá, ít uống nước, bị chứng trào ngược dạ dày thực quản và chức năng đề kháng suy giảm (bị tiểu đường, mang thai, nhiễm HIV,…).
Áp xe răng hàm gây đau nhức có nguy hiểm không?
So với các bệnh nha khoa thường gặp, áp xe răng có mức độ nghiêm trọng hơn – đặc biệt là khi xảy ra ở răng hàm. Răng hàm có vai trò chính trong hoạt động ăn, nhai nên tình trạng áp xe gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống. Hơn nữa, răng hàm có chân răng dài với dây thần kinh nối liền với các cơ quan lân cận nên cảm giác đau nhức có thể lan tỏa dẫn đến đau nhức dữ dội gây mất ngủ, mệt mỏi, giảm hiệu suất lao động và học tập.
Ngoài những ảnh hưởng trên, áp xe răng hàm không được điều trị còn có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề như:
- Vi khuẩn gây viêm nhiễm các cơ quan kế cận như viêm mô tế bào lan tỏa, áp xe vòm miệng, vùng dưới lưỡi, dưới hàm, sàn miệng, áp xe má, áp xe răng lân cận,…
- Trường hợp áp xe răng hàm trên còn có thể phát triển gây viêm xoang hàm, viêm hố thái dương
- Dù không quá phổ biến nhưng trong một số ít trường hợp, vi khuẩn có thể đi vào tuần hoàn máu và gây viêm nhiễm các cơ quan xa như áp xe não, viêm nội tâm mạc, thấp khớp,…
- Áp xe răng hàm không được điều trị còn tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển, phá hủy chân răng, xê măng (cement), dây chằng và mô nướu dẫn đến tình trạng răng lung lay và gãy rụng
Có thể thấy, áp xe răng hàm gây đau nhức ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe răng miệng và thể trạng. Do đó, cần tránh tâm lý chủ quan khi nhận thấy các dấu hiệu khác thường.
Cách xử lý răng hàm trên, dưới bị áp xe
Răng hàm trên, hàm dưới bị áp xe có thể gây mất răng vĩnh viễn và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Chính vì vậy, bạn cần tìm gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy răng đau nhức dữ dội, mô nướu nổi cục, chảy máu, ê buốt, sưng hạch góc hàm, sốt và mệt mỏi.
Sau khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cần thiết (khám lâm sàng, X-Quang, CT, xét nghiệm máu,…), bác sĩ sẽ xem xét chỉ định các phương pháp điều trị sau:
1. Chích rạch áp xe + sử dụng thuốc
Chích rạch áp xe là bước điều trị ban đầu đối với tất cả các trường hợp áp xe răng hàm. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách tạo đường rạch để dẫn lưu mủ, sau đó làm sạch và sát khuẩn túi mủ để ngăn ngừa vi khuẩn lan rộng. Chích rạch áp xe kịp thời là biện pháp hiệu quả giúp kiểm soát nhiễm trùng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Sau khi chích rạch túi mủ, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc trong 5 – 7 ngày để ngăn ngừa viêm nhiễm tái phát. Ngoài ra, dùng thuốc còn giúp giảm đau và cải thiện các triệu chứng khó chịu do răng hàm bị áp xe gây ra.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị áp xe răng hàm trên, hàm dưới:
- Kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng để kiểm soát viêm nhiễm và ngăn ngừa vi khuẩn lây lan. Thuốc thường được dùng trong 5 – 7 ngày. Các loại kháng sinh được dùng trong điều trị áp xe răng hàm thường là Erythromycin, Amoxicillin và Metronidazole. Nếu có tiền sử dị ứng thuốc kháng sinh, nên thông báo với bác sĩ để được cân nhắc loại thuốc phù hợp.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Áp xe răng hàm có thể gây đau nhức dữ dội kèm theo sốt nhẹ đến sốt cao. Vì vậy ngoài kháng sinh, bác sĩ cũng sẽ chỉ định dùng thêm thuốc giảm đau, hạ sốt (Paracetamol). Vì chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng nên loại thuốc này được dùng trong thời gian ngắn (khoảng 3 – 5 ngày).
- Thuốc kháng viêm: Các loại thuốc kháng viêm như Prednison, Dexamethason, Lysozyme,… được sử dụng để giảm tình trạng phù nề và sưng mô nướu ở răng hàm bị tổn thương. Hầu hết các loại thuốc chống viêm đều dễ gây ra tác dụng phụ nên chỉ được dùng liều thấp trong thời gian ngắn.
Mục tiêu chính của chích rạch áp xe và sử dụng thuốc là kiểm soát nhanh hiện tượng viêm nhiễm ở răng hàm. Đồng thời cải thiện cơn đau, cảm giác ê buốt, khó chịu và ngăn ngừa các biến chứng do viêm nhiễm lan rộng.
2. Điều trị tủy, nhổ răng
Chích rạch túi mủ và dùng thuốc không thể kiểm soát hoàn toàn áp xe răng hàm. Sau một thời gian, vi khuẩn tiếp tục phát triển gây tái phát túi mủ ở những vị trí khác. Do đó để kiểm soát bệnh lý này triệt để, bạn cần quay lại nha khoa tái khám sau 1 tuần dùng thuốc. Tùy theo tình trạng của từng trường hợp, bác sĩ sẽ xem xét các phương pháp điều trị như:
- Điều trị tủy (chữa tủy): Chữa tủy được thực hiện khi răng không bị tổn thương quá nặng. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách làm sạch phần tủy bị hoại tử, bơm rửa nhiều lần, sau đó sát khuẩn, làm khô và hàn trám hố rãnh với chất liệu nhân tạo. Điều trị tủy có thể bảo tồn hình dáng và chức năng của răng hàm. Với những trường hợp có thể lỗ sâu, bác sĩ có thể thực hiện thêm trám răng, Inlay/ Onlay hoặc bọc mão răng sứ.
- Nhổ răng: Nhổ răng được xem xét khi chân răng bị tổn thương nặng, hoàn toàn mất khả năng hồi phục. Loại bỏ răng giúp giải quyết triệt để tình trạng viêm nhiễm nhưng khiến răng mất hoàn toàn chức năng thẩm mỹ và sinh lý. Do đó sau khi nhổ răng hàm, bạn cần phải cấy ghép Implant để phục hình răng. Tuy nhiên trường hợp áp xe xảy ra ở răng khôn có thể không cần phải phục hình (răng số 8 không giữ những chức năng quan trọng như răng số 6 và số 7).
- Lấy cao răng: Ngoài nhổ răng và điều trị tủy, bác sĩ cũng có thể chỉ định lấy cao răng để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Cao răng thực chất là mảng bám thức ăn được khoáng hóa bởi vi khuẩn. Đây là nơi để hại khuẩn trú ngụ và phát triển dẫn đến nhiều vấn đề nha khoa như áp xe răng, sâu răng, viêm tủy răng,…
3. Các biện pháp chăm sóc
Ngoài các biện pháp y tế, bạn cũng có thể áp dụng một số mẹo chăm sóc tại nhà để giảm mức độ cơn đau và cảm giác khó chịu do áp xe răng hàm gây ra.
Các biện pháp chăm sóc có thể cải thiện áp xe răng hàm trên, hàm dưới:
- Nên chườm đá từ 15 – 20 phút để giảm mức độ sưng đau và phù nề răng bị áp xe. Nếu đau nhiều, nên thực hiện biện pháp này 2 – 3 lần/ ngày với sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Có thể ngậm nước muối ấm để sát trùng và giảm mức độ đau nhức răng. Ngoài ra, bạn cũng có thể cải thiện cơn đau bằng một số thảo dược tự nhiên như đinh hương, bạc hà, dầu dừa, gừng tươi,…
- Vệ sinh răng miệng đúng cách để giảm tấy đỏ và ngăn ngừa sự phát triển quá mức của vi khuẩn.
- Nên dùng các món ăn mềm, ít gia vị và dễ nhai nuốt trong thời gian điều trị áp xe răng hàm. Chế độ ăn hợp lý có thể giảm phần nào cảm giác ê buốt, đau nhức và khó chịu.
- Dùng rượu bia, nước ngọt có gas, món ăn chứa nhiều gia vị cay nóng, bánh kẹo,… có thể làm làm tăng mức độ phù nề và viêm ở mô nướu. Vì vậy, nên kiêng các món ăn và thức uống này trong thời gian điều trị.
Phòng ngừa áp xe răng hàm tái phát
Tương tự như các bệnh nha khoa khác, áp xe răng hàm hoàn toàn có thể tái phát. Áp xe răng là một dạng nhiễm trùng nặng, đe dọa đến sức khỏe tổng thể nói chung và răng miệng nói riêng. Do đó sau khi điều trị, bạn nên thực hiện các biện phòng ngừa tái phát như:
- Giữ vệ sinh răng miệng bằng cách chải răng 2 – 3 lần/ ngày, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng thường xuyên. Đây là biện pháp hiệu quả nhất giúp phòng ngừa áp xe răng hàm và các bệnh nha khoa thường gặp khác.
- Cạo vôi răng định kỳ 6 tháng/ lần để ngăn ngừa sâu răng, áp xe và các bệnh răng miệng phát triển. Ngoài ra, đến nha khoa thường xuyên còn giúp phát hiện và xử lý sớm các bệnh lý răng miệng tiềm ẩn.
- Áp xe răng hàm thường xảy ra ở những răng mọc lệch, mọc ngang hoặc bị nứt nẻ, sứt mẻ. Vì vậy nếu răng hàm gặp phải những vấn đề này, bạn nên chủ động xử lý để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập và hình thành túi mủ.
- Điều trị sớm sâu răng và viêm nha chu để phòng ngừa biến chứng áp xe răng.
- Giảm lượng đường trong chế độ ăn, ngoài ra cần tránh nước uống có gas và các loại đồ uống chứa cồn. Đường, cồn và axit đều gây hại cho men răng, đồng thời tạo điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển và gây tổn thương mô nướu, tủy răng, chân răng,…
- Thay đổi các thói quen xấu như dùng răng cạy vật cứng, hút thuốc lá, chải răng quá mạnh, nhai 1 bên hàm,… Nếu bị trào ngược dạ dày và khô miệng, cần kiểm soát sớm để phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa.
Áp xe răng hàm là bệnh lý có mức độ nặng, dễ dẫn đến nhiễm trùng lan tỏa và mất răng vĩnh viễn. Do đó, bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ nếu nghi ngờ mắc bệnh lý này. Mặt khác, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh áp xe răng tái phát.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Nhiễm trùng răng là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Áp Xe Quanh Chân Răng Có Ổ: Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị
Áp Xe Chân Răng Nên Uống Thuốc Gì? TOP 3 Loại Tốt Nhất
Áp xe răng có tự khỏi không? Phải làm sao?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!