Các bài thuốc Đông y chữa hôi miệng vừa có thể cải thiện hơi thở có mùi, vừa tác động đến căn nguyên gây bệnh (nhiệt miệng, viêm loét miệng lưỡi, trào ngược dạ dày,…). Nếu áp dụng đúng cách, tình trạng hôi miệng sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau một thời gian ngắn.
Hôi miệng theo quan điểm Đông y
Hôi miệng là tình trạng hơi thở có mùi khó chịu gây ra cảm giác e ngại và thiếu tự tin khi giao tiếp. Mùi hôi trong khoang miệng thực chất là do hại khuẩn phát triển và sản sinh ra khí sulfur. Có khá nhiều nguyên nhân gây hôi miệng, trong đó thường gặp nhất là sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu, viêm lợi trùm, dùng thức ăn, đồ uống nặng mùi, hút thuốc lá, ảnh hưởng của các bệnh tiêu hóa và hô hấp.
Theo quan niệm Đông y, hôi miệng có liên quan đến trường vị thấp nhiệt. Khi trường vị giảm công năng, thức ăn sẽ bị ứ trệ lâu trong dạ dày dẫn đến tình trạng chướng bụng, táo bón, buồn nôn, tiêu hóa kém,… Theo thời gian, nhiệt khí uất ở lồng ngực khiến mùi hôi thoát ra trong khoang miệng.
Vì quan niệm hôi miệng xảy ra do công năng trường vị suy giảm nên các bài thuốc Đông y không chỉ có tác dụng khử mùi, làm thơm miệng mà còn có tác dụng giải độc tiêu viêm, thanh nhiệt, hoạt huyết dưỡng huyết và làm bền chắc răng miệng.
Hiện nay, khá nhiều người lựa chọn chữa hôi miệng bằng các bài thuốc Đông y. Ưu điểm của các bài thuốc này là nguyên liệu an toàn, lành tính, dễ sử dụng và mang lại hiệu quả lâu dài. Bên cạnh tác dụng giảm hôi miệng, các bài thuốc từ Đông y còn giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và nâng cao sức khỏe.
Các bài thuốc Đông y chữa chứng hôi miệng
Tương tự như các chứng bệnh khác, Đông y cũng chia hôi miệng thành nhiều thể dựa trên triệu chứng lâm sàng. Tùy thể bệnh sẽ áp dụng bài thuốc có công năng tương ứng.
1. Bài thuốc Đông y trị hôi miệng do thấp nhiệt
Thấp nhiệt là chứng bệnh xảy ra do uống nhiều rượu bia và dùng thực phẩm chứa nhiều chất béo mà sinh ra nhiệt đọng ở tỳ vị. Thức ăn không được tiêu hóa gây trào ngược dịch vị lên phía trên thực quản và tạo ra mùi hôi trong khoang miệng. Với chứng bệnh này, cần dùng bài thuốc có tác dụng phương hương hóa thấp và thanh nhiệt lợi thấp.
- Chuẩn bị: Xương bồ, hoàng liên, hoàng cầm, hậu phác, mộc thông, hoắc hương, khấu nhân, hoạt thạch, cam thảo, bạc hà, bán hạ, liên kiều, liều lượng tùy chỉnh theo triệu chứng.
- Thực hiện: Sắc lấy nước uống, ngày dùng đều đặn 1 thang cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
Trong thời gian dùng thuốc, cần kiêng dùng rượu bia, tránh dùng thức ăn chứa nhiều dầu mỡ và khó tiêu. Nếu mắc chứng trào ngược dạ dày, nên chia nhỏ bữa ăn và tránh nằm ngay sau khi ăn để quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi.
2. Bài thuốc Đông y trị hôi miệng do nhiệt độc
Hôi miệng do nhiệt độc là chứng bệnh xảy ra do nhiệt miệng và viêm loét niêm mạc miệng, nướu sưng đỏ, chảy máu và thậm chí là mủ. Chứng bệnh này vừa gây ra tình trạng hơi thở có mùi vừa gây đau nhức và khó chịu khi ăn uống. Với thể nhiệt độc, nên dùng bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
- Chuẩn bị: Mộc thông 10g, cam thảo 4g, thăng ma 8g, huyền sâm, tri mẫu và ngọc trúc mỗi thứ 12g, thạch cao 40g, sinh địa 20g.
- Thực hiện: Cho tất cả dược liệu vào nồi và sắc lấy nước uống.
Đối với chứng hôi miệng do nhiệt độc, nên tránh dùng thức ăn có tính nóng và mùi nồng. Thay vào đó, nên uống nhiều nước, dùng các món ăn và thức uống có tính mát để thanh nhiệt.
3. Thuốc Đông y trị chứng hôi miệng do hư hỏa
Hôi miệng do hư hỏa có thể xảy ra do trong thời kỳ sinh lý như mang thai, sau khi sinh, tiền mãn kinh, hành kinh ở nữ giới. Tình trạng này kết hợp với căng thẳng dẫn đến tình trạng suy nhược, miệng khô, giảm tiết nước bọt và sinh ra mùi hôi trong khoang miệng. Đối với những trường hợp hơi thở có mùi do hư hỏa, cần dùng bài thuốc có tác dụng tư âm thanh nhiệt:
- Chuẩn bị: Huyền sâm 12g, bạch linh, bạch thược, đan bì, trạch tả mỗi thứ 10g, thục địa 30g, sơn thù và hoài sơn mỗi thứ 15g.
- Thực hiện: Đem các vị thuốc cho vào ấm sắc đặc lấy nước uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
4. Các bài thuốc Đông y chữa trị hôi miệng công hiệu
Ngoài những bài thuốc đặc trị theo từng thể bệnh, Đông y còn có nhiều bài thuốc chữa hôi miệng công hiệu khác như:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị quất bì, tế tân, cam thảo và quế tâm mỗi thứ 50g. Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó trộn với mật ong và táo nhục làm thành viên to như hạt đậu. Mỗi ngày uống 1 lần trước khi đi ngủ, mỗi lần dùng 5 – 10g.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị thăng ma, quy thân và đơn bì mỗi thứ 6g, sinh địa 12g và hoàng liên 5g. Cho tất cả dược liệu vào nồi, sau đó thêm nước vào và sắc còn 1/3 thì tắt bếp. Chia nước sắc thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày. Bài thuốc này thích hợp với người bị hôi miệng kèm theo lở loét miệng, lưỡi, môi đỏ rát.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị bán hạ chế 4g, trúc diệp 9g, nhân sâm 5g, gạo 8g, thạch cao 30g, mạch môn 18g, cam thảo 3g. Rửa sạch dược liệu, đổ nước vào và sắc còn 1/3 nước thì tắt bếp. Chia nước sắc thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày. Bài thuốc này thích hợp với người gặp phải tình trạng hơi thở có mùi kèm theo hơi nóng chạy dọc theo lồng ngực, ra mồ hôi lạnh, lưỡi ráo, miệng khô, cơ thể phiền muộn.
- Bài thuốc 4: Dùng quế tâm và tế tân mỗi thứ 45g, xuyên khung 30g, cam thảo 90g, đinh hương 15g. Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó trộn đều với mật ong làm thành viên. Ngày ngày uống trước khi đi ngủ 5g để cải thiện tình trạng hôi miệng.
Các bài thuốc này đều có tác dụng giảm hôi miệng và cải thiện một số triệu chứng đi kèm. Ngoài ra tùy theo triệu chứng, có thể gia giảm dược liệu sao cho phù hợp.
Chữa hôi miệng bằng thuốc Đông y có hiệu quả không?
Chữa hôi miệng bằng thuốc Đông y tập trung cải thiện các chứng bệnh gây ra tình trạng hơi thở có mùi như trào ngược dạ dày, rối loạn tiêu hóa, suy nhược cơ thể,… Ngoài ra, một số bài thuốc còn giúp làm giảm hôi miệng do nhiệt miệng, viêm loét lợi và các bệnh nha chu. Nhìn chung, các bài thuốc Đông y mang lại hiệu quả khá rõ rệt và tương đối an toàn, lành tính.
Tuy nhiên, các bài thuốc này chỉ mang lại cải thiện với một số trường hợp nhất định. Nếu hôi miệng xảy ra do các bệnh nha khoa như sâu răng, răng chết tủy, viêm tủy răng,… bạn cần phải đến nha khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Các bệnh lý này chỉ có thể điều trị dứt điểm khi can thiệp các phương pháp xâm lấn.
Ngoài ra, bạn cũng cần giữ vệ sinh răng miệng, uống nhiều nước và kiêng dùng thức ăn, đồ uống có mùi nồng để hạn chế hiện tượng sinh khí sulfur của vi khuẩn có hại. Nếu phụ thuộc hoàn toàn vào các bài thuốc Đông y, tình trạng hôi miệng có thể kéo dài dai dẳng.
Lưu ý khi chữa hôi miệng bằng Đông y
Các bài thuốc Đông y chữa hôi miệng được đánh giá cao về độ an toàn, lành tính. Ngoài tác dụng loại bỏ mùi hôi trong khoang miệng, các bài thuốc này còn giúp cải thiện một số triệu chứng đi kèm và nâng cao sức khỏe.
Tuy nhiên trước khi dùng các bài thuốc Đông y chữa hôi miệng, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Nên đến các bệnh viện/ phòng khám Đông y để được thăm khám và tư vấn bài thuốc điều trị hôi miệng phù hợp – đặc biệt là các bài thuốc uống. Cần tránh thực hiện các bài thuốc uống theo kinh nghiệm dân gian.
- Bên cạnh sử dụng thuốc, nên vệ sinh răng miệng kỹ để loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa trong khoang miệng. Bên cạnh đó, nên kiêng đồ ăn, thức uống có mùi nồng như rượu bia, tỏi, hành,…
- Nếu hôi miệng xảy ra do các bệnh nha khoa, nên đến phòng khám kiểm tra để được thăm khám và điều trị dứt điểm. Thông thường sau khi nạo túi nha chu, trám răng, lấy tủy, tình trạng hơi thở có mùi sẽ thuyên giảm rõ rệt.
- Ngoài các bài thuốc uống, bạn cũng có thể sử dụng các thảo dược tự nhiên để cải thiện tình trạng hôi miệng như vỏ chanh, vỏ quýt, húng quế, hoắc hương, đinh hương,… Các thảo dược này đều có tinh dầu thơm giúp loại bỏ mùi hôi miệng và mang lại hơi thở thơm mát.
Các bài thuốc Đông y chữa hôi miệng có thể cải thiện tình trạng hơi thở có mùi và giảm một số triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên, bên cạnh các bài thuốc này, bạn nên chú ý vệ sinh răng miệng và thay đổi thói quen ăn uống để điều trị hôi miệng dứt điểm, tránh tái phát.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Bật Mí 7 Cách Trị Hôi Miệng Bằng Chanh Đơn Giản, Hiệu Quả
Mách Bạn 8 Cách Dùng Baking Soda Trị Hôi Miệng Cực Hay
Hôi Miệng Nên Ăn Gì Và Không Nên Ăn Gì Để Hơi Thở Thơm Tho
Mách Bạn Cách Chữa Hôi Miệng Bằng Nước Muối Đơn Giản Dễ Làm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!