Hôi miệng ở trẻ em thường xảy ra do thói quen ăn uống, vệ sinh răng miệng kém, ảnh hưởng của các vấn đề răng miệng, hô hấp,… Đối với tình trạng này, mẹ có thể giúp trẻ cải thiện bằng một số biện pháp an toàn tại nhà.
Dấu hiệu nhận biết chứng hôi miệng ở trẻ em
Hôi miệng là tình trạng hơi thở có mùi hôi khó chịu gây trở ngại và phiền toái khi giao tiếp. Nhiều người lầm tưởng, tình trạng này chỉ xảy ra ở người lớn. Tuy nhiên trên thực tế, trẻ em cũng có thể bị hôi miệng. Trong đó, đa phần là do thói quen ăn đồ ngọt và chưa ý thức được việc giữ gìn vệ sinh răng miệng.
Trẻ còn khá nhỏ nên có thể không nhận biết được tình trạng hôi miệng. Để phát hiện tình trạng này, phụ huynh có thể dựa vào một số dấu hiệu sau:
- Cảm nhận rõ mùi hôi khi giao tiếp với trẻ
- Mẹ cũng có thể yêu cầu trẻ há miệng lớn để ngửi kỹ mùi hôi miệng
- Hôi miệng ở trẻ thường đi kèm với tình trạng chảy máu chân răng, sâu răng, răng đau nhức, nướu sưng và đỏ
Về cơ bản, mùi hôi trong khoang miệng không ảnh hưởng đến sức khỏe hay chức năng ăn nhai. Tuy nhiên, tình trạng này khiến trẻ bối rối khi trò chuyện với bạn bè dẫn đến tâm lý thiếu tự tin và e ngại khi kết bạn. Hơn nữa, mùi hôi trong khoang miệng còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe ở trẻ.
Nguyên nhân gây hôi miệng ở trẻ em
Mùi hôi trong khoang miệng bắt nguồn từ hiện tượng giải phóng khí sulfur của hại khuẩn. Loại khí này sinh ra khi vi khuẩn tiếp xúc với một số loại thức ăn, đồ uống. Ngoài ra, sự gia tăng vi khuẩn trong lưỡi, kẽ răng, túi nha chu và sang thương sâu răng cũng làm giải phóng một lượng lớn sulfur gây mùi hôi khó chịu trong hơi thở.
1. Do sử dụng thức ăn chứa nhiều đường và có mùi nồng
Trẻ nhỏ có thói quen dùng thức ăn chứa nhiều đường, tinh bột và protein. Đặc điểm chung của các loại thực phẩm này có hàm lượng amino axit cao. Khi ăn uống, thức ăn bám dính trong mặt nhai, kẽ răng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và thủy phân giải phóng hợp chất sulfur.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị hôi miệng do dùng các món ăn chứa nhiều hành, tỏi. Các loại gia vị này chứa hàm lượng sulfur cao nên có thể gây hôi miệng ngay sau khi ăn. Hơn nữa, mùi hăng từ hành và tỏi cũng khiến cho hơi thở của trẻ có mùi khó chịu.
2. Thói quen vệ sinh răng miệng kém
Hầu hết trẻ nhỏ đều chưa ý thức được việc giữ gìn vệ sinh răng miệng nên không chải răng đủ 2 – 3 lần/ ngày. Hoặc trẻ có xu hướng chải răng sơ sài khiến thức ăn và mảng bám tích tụ trong thời gian dài tạo thành cao răng. Cao răng có màu trắng ngà, vàng hoặc nâu, kết cấu cứng và bám chặt lấy bề mặt răng. Đây là môi trường thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập, phát triển và sinh ra khí sulfur.
Khi lượng cao răng tích tụ nhiều, số lượng hại khuẩn trong khoang miệng sẽ tăng lên đáng kể. Do đó, sau các bữa ăn, vi khuẩn sẽ được giải phóng khí sulfur với một lượng lớn gây ra mùi hôi trong khoang miệng và hơi thở. Không chỉ gây hôi miệng, thói quen vệ sinh răng miệng kém còn là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều vấn đề nha khoa. Vì vậy, cha mẹ cần phải chú ý thói quen vệ sinh răng miệng của trẻ để kịp thời điều chỉnh.
3. Do các bệnh nha khoa
Hôi miệng là một trong những triệu chứng thường gặp của các bệnh nha khoa. Nguyên nhân là do khi mắc các vấn đề răng miệng, số lượng hại khuẩn sẽ tăng mạnh, tích tụ bên trong mô nướu, sang thương sâu răng, lưỡi, niêm mạc miệng và túi nha chu. Lượng vi khuẩn tăng lên đồng nghĩa với việc lượng khí sulfur được giải phóng cũng tăng lên đáng kể khiến cho khoang miệng có mùi hôi vô cùng khó chịu.
Ngoài ra khi mắc các bệnh nha khoa, ngà răng và mô nướu có thể bị hoại tử do tác động của vi khuẩn. Các tế bào hoại tử cũng là nguyên nhân gây ra mùi hôi. Ở trẻ nhỏ, hơi thở có mùi thường do các bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm nướu, viêm quanh thân răng, viêm tủy răng,… Trẻ ít gặp phải tình trạng viêm lợi hoại tử lở loét cấp tính, các vết loét ác tính hay hoại tử xương răng như người lớn.
4. Ảnh hưởng của các bệnh tiêu hóa
Tương tự như người lớn, hôi miệng ở trẻ em cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng của các vấn đề tiêu hóa. Trong đó, thường gặp nhất là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) và trào ngược dạ dày thực quản. Vi khuẩn Hp sinh ra khí ure nên cũng khiến cho hơi thở và khoang miệng của trẻ có mùi hôi khó chịu.
Ngoài ra, tình trạng trào ngược và nôn trớ ở trẻ cũng là nguyên nhân gây hôi miệng. Thức ăn đã được trộn lẫn với dịch vụ dạ dày thường có mùi hôi nên khi trào ngược lên sẽ khiến cho hơi thở có mùi. Bên cạnh đó, trào ngược dịch vị còn gây mòn men răng và tăng nguy cơ sâu răng ở trẻ em.
5. Hôi miệng do viêm nhiễm đường hô hấp
Các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như viêm amidan, cảm lạnh, viêm họng, viêm xoang,… cũng là nguyên nhân gây hôi miệng. Các bệnh lý này đều xảy ra do vi khuẩn. Vi khuẩn xâm nhập vào niêm mạc đường hô hấp gây ra nhiễm trùng và làm tăng tiết dịch hô hấp. Dịch hô hấp là nơi trú ngụ lý tưởng khiến cho vi khuẩn phát triển nhanh gây ra mùi hôi khó chịu.
Ngoài ra khi bị nhiễm trùng, cơ thể sẽ mất nước, khô miệng nên lượng hại khuẩn trong khoang miệng cũng tăng lên đáng kể. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ gặp phải tình trạng hơi thở có mùi, miệng có vị đắng và khó chịu. Một số trẻ có thể bị hôi miệng kéo dài do mắc các bệnh hô hấp mãn tính như viêm VA, viêm amidan, viêm họng mãn tính, viêm xoang, viêm mũi dị ứng,…
6. Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Trẻ nhỏ cũng có thể gặp phải tình trạng hôi miệng do tác dụng phụ của một số loại thuốc như Nitrite, Nitrate, Dimethyl Sulphoxide, Chloral Hydrate, Amphetamine,… Nếu xảy ra do thuốc, tình trạng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khi ngưng dùng thuốc. Vì vậy, phụ huynh không nên quá lo lắng nếu nhận thấy con trẻ bị hôi miệng.
7. Thói quen thở bằng miệng
Thống kê cho thấy, rất nhiều trẻ có thói quen thở bằng miệng. Biểu hiện thường gặp là trẻ hay há miệng thở, hơi thở khò khè, môi vểnh,… Tình trạng này có thể gặp vào ban ngày và khi ngủ. Thở bằng miệng khiến nước bọt bay hơi dẫn đến tình trạng khô miệng, tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển và sản sinh khí sulfur.
Ngoài ra, thở bằng miệng cũng gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nha khoa và hô hấp. Hơn nữa, thói quen này kéo dài còn làm biến đổi cấu trúc mặt của trẻ với phần môi phát triển và nhô ra ngoài so với mũi.
Chứng hôi miệng ở trẻ em có ảnh hưởng gì không?
Về cơ bản, hôi miệng thực chất là tình trạng hơi thở có mùi do các vi khuẩn trong miệng (vi khuẩn gram âm, vi khuẩn kỵ khí) sinh ra khí sulfur. Tình trạng này hầu như không ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai của bé. Tuy nhiên, hôi miệng có thể khiến trẻ bối rối khi trò chuyện với bạn bè và trở nên thụ động, ngại giao tiếp.
Ngoại trừ các nguyên nhân tạm thời như tác dụng phụ của thuốc và dùng thức ăn có mùi nồng, tất cả các nguyên nhân gây hôi miệng khác đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu không có các biện pháp điều trị, tình trạng hơi thở có mùi có thể tiến triển dai dẳng và kéo dài, đi kèm với sưng nướu, chảy máu chân răng, răng ê buốt và đau nhức.
Bên cạnh các bệnh lý nha khoa, chứng hôi miệng ở trẻ em còn có thể là dấu hiệu cảnh báo trào ngược dạ dày, nhiễm vi khuẩn Hp, thói quen thở bằng miệng và ảnh hưởng của các bệnh hô hấp. Với những bệnh lý này, trẻ cũng có thể gặp phải một số biến chứng nếu không được thăm khám và điều trị sớm.
Cách điều trị hôi miệng ở trẻ em
Hôi miệng ở trẻ em gây ra không ít phiền toái và rắc rối trong cuộc sống. Thậm chí tình trạng kéo dài còn khiến trẻ hình thành tâm lý tự ti, thu mình và ngại giao tiếp với bạn bè. Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu hôi miệng, mẹ nên cho trẻ áp dụng một số biện pháp cải thiện như:
1. Giảm hôi miệng bằng cách vệ sinh răng miệng đúng cách
Đa phần trẻ bị hôi miệng đều do vệ sinh không đúng cách do chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân. Do đó, mẹ nên hướng dẫn trẻ cách chải răng và súc miệng để làm sạch thức ăn thừa, mảng bám. Vệ sinh răng miệng có thể cải thiện hôi miệng do nhiều nguyên nhân và giúp phòng ngừa các bệnh nha khoa, hô hấp thường gặp ở trẻ.
Cách vệ sinh răng miệng cho trẻ bị hôi miệng:
- Với trẻ chưa thể chải răng, mẹ nên cho trẻ súc miệng với nước sạch và dùng rơ lưỡi làm sạch phần rêu ở lưỡi. Cách này có thể loại bỏ mùi hôi và giảm sự phát triển của hại khuẩn thường trú trong khoang miệng.
- Hướng dẫn trẻ chải răng đúng cách 2 – 3 lần/ ngày. Để khuyến khích trẻ thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng, mẹ nên thực hiện cùng với trẻ. Đồng thời nên chuẩn bị cho trẻ các mẫu bàn chải hợp với lứa tuổi và kem đánh răng hương dâu, cam,… để tạo sự hào hứng.
- Có thể cho trẻ súc miệng với nước muối pha loãng sau khi đánh răng. Hoặc dùng các sản phẩm súc miệng đã được công nhận an toàn với độ tuổi của bé.
- Nếu thức ăn bị giắt vào răng, nên dùng chỉ nha khoa làm sạch cho trẻ. Với trẻ dưới 10 tuổi, mẹ nên tự thực hiện để tránh các tình huống rủi ro khi trẻ tự sử dụng. Đối với trẻ lớn hơn, mẹ có thể hướng dẫn để trẻ nắm rõ cách dùng và sử dụng khi cần thiết.
- Sau các bữa ăn vặt, nên cho trẻ súc miệng và ngậm các loại kẹo chứa Xylitol (đường thực vật) để hỗ trợ làm sạch răng miệng, giúp ngăn ngừa sâu răng và hôi miệng.
2. Thay đổi thói quen ăn uống của trẻ
Trẻ nhỏ thường yêu thích đồ ngọt và các món ăn nhiều gia vị. Vì vậy để cải thiện tình trạng hôi miệng, mẹ nên cho bé thay đổi thói quen ăn uống.
Cách thay đổi thói quen ăn uống giúp cải thiện tình trạng hôi miệng ở trẻ:
- Hạn chế cho trẻ dùng thức ăn chứa nhiều hành, tỏi. Thay vào đó, nên dùng các món ăn có các loại gia vị có mùi thơm như quế, bạc hà, húng quế, hạt thìa là,…
- Thay thế các loại bánh kẹo và nước ngọt có gas bằng các món ăn vặt lành mạnh như sữa chua, các loại trái cây tươi, sinh tố, chè,… So với đường và phẩm màu trong bánh kẹo, các món ăn vặt này chứa lượng đường thấp hơn, đồng thời cung cấp một lượng lớn chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết.
- Khi dùng các loại hải sản, trứng và thịt, mẹ nên cho trẻ ăn kèm với cà rốt, dưa leo và rau xanh để hỗ trợ làm sạch mảng bám. Chất xơ trong thực phẩm đã được chứng minh giúp trung hòa axit do vi khuẩn bài tiết và loại bỏ mảng bám hiệu quả. Từ đó có thể hạn chế được mùi hôi trong khoang miệng và hơi thở.
- Mẹ có thể hạn chế sử dụng đường trong các món ăn của trẻ bằng cách tạo vị ngọt thông qua mật ong, các loại hoa quả như xoài chín, mít, sầu riêng, chôm chôm, thanh long,… Đường tự nhiên ít hình thành mảng bám so với đường cát và đường trong thực phẩm chế biến sẵn.
3. Chữa bệnh hôi miệng ở trẻ bằng mẹo dân gian
Nếu trẻ bị hôi miệng dai dẳng, mẹ có thể áp dụng một số mẹo dân gian để cải thiện. Các mẹo dân gian tận dụng đặc tính khử mùi và kháng khuẩn của nguyên liệu tự nhiên để loại bỏ mùi hôi trong khoang miệng, giúp trẻ có hơi thở thơm và tự tin hơn khi giao tiếp.
Các mẹo dân gian chữa hôi miệng an toàn cho trẻ em:
- Súc miệng với dầu dừa: Trẻ em thường cảm thấy khó chịu khi dùng các thảo dược có vị cay như bạc hà, lá trầu không,… Vì vậy, mẹ nên cho trẻ súc miệng với dầu dừa sau khi chải răng để loại bỏ mùi hôi miệng. Mùi hương của dầu dừa sẽ lấn át mùi khó chịu của khí sulfur. Ngoài ra, nguyên liệu này còn có tác dụng làm dịu nướu răng, giảm ê buốt và làm sạch mảng bám tích tụ.
- Uống trà hoa cúc: Uống trà hoa cúc cũng là cách giảm hôi miệng an toàn cho trẻ em. Hoa cúc có mùi nhẹ dịu, vị ngọt nhẹ, không chứa tinh dầu cay nên có thể dùng cho trẻ. Cách này mang lại hiệu quả cao với trẻ bị hôi miệng do trào ngược. Ngoài tác dụng khử mùi, trà hoa cúc có tác dụng trung hòa axit và hạn chế hiện tượng trớ thức ăn bằng cách điều hòa nhu động dạ dày.
- Dùng nước mật ong ấm: Với trẻ bị hôi miệng do các bệnh viêm đường hô hấp, mẹ có thể cho trẻ uống nước mật ong ấm. Mật ong có đặc tính tiêu viêm, kháng khuẩn giúp làm dịu niêm mạc họng, tiêu trừ vi khuẩn và khử mùi trong khoang miệng. Ngoài ra, nước mật ong còn cung cấp nhiều axit amin, khoáng chất và năng lượng dồi dào cho bé.
Các mẹo dân gian chữa hôi miệng khá an toàn với trẻ nhỏ và mang lại hiệu quả rõ rệt chỉ sau vài lần thực hiện. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ cho hiệu quả tạm thời. Vì vậy, phụ huynh nên thay đổi thói quen ăn uống và hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách để khắc phục tình trạng triệt để.
4. Cho trẻ đến gặp bác sĩ
Rất nhiều trường hợp trẻ bị hôi miệng do ảnh hưởng của các bệnh lý nha khoa. Do đó, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện nếu hôi miệng đi kèm với một số biểu hiện bất thường như chảy máu chân răng, răng đau nhức, ê buốt, lợi sưng, ứ mủ và chảy dịch. Với trẻ mắc các bệnh lý nha khoa, bác sĩ sẽ tiến hành cạo vôi răng và can thiệp các phương pháp điều trị.
Sau khi các vấn đề nha khoa được kiểm soát, tình trạng hôi miệng ở trẻ sẽ được cải thiện hoàn toàn. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần trang bị thêm kiến thức chăm sóc răng miệng để ngăn ngừa các bệnh nha khoa và phòng ngừa hôi miệng tái phát ở con trẻ.
Hôi miệng ở trẻ em là tình trạng khá phổ biến. Hy vọng qua những chia sẻ trên, mẹ có thể dễ dàng phát hiện và khắc phục tình trạng hơi thở có mùi cho bé. Sau khi tình trạng được cải thiện, nên duy trì các thói quen tốt và cho trẻ khám nha khoa định kỳ 2 lần/ năm để tránh tái phát.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Mách bạn cách chữa hôi miệng bằng mật ong đơn giản tại nhà
Bị hôi miệng lâu năm: Nguyên nhân và cách khắc phục
10 Cây Thuốc Nam Trị Hôi Miệng Vừa Hiệu Quả Vừa Rẻ Tiền
Tại Sao Đánh Răng Xong Vẫn Hôi Miệng? Cách Khắc Phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!