Súc miệng với nước muối, dùng dầu dừa, lá bạc hà,… là một số cách trị hôi miệng cho mẹ bầu đơn giản và hiệu quả. Các biện pháp này đều an toàn, lành tính nên bà bầu có thể áp dụng thường xuyên để cải thiện và ngăn ngừa hơi thở có mùi.
10 Cách trị hôi miệng cho mẹ bầu hiệu quả và an toàn tuyệt đối
Hôi miệng là tình trạng khá phổ biến ở mẹ bầu. Mặc dù không ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai nhưng tình trạng này khiến mẹ mẹ bầu thiếu tự tin khi giao tiếp và gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống. Hơn nữa, hôi miệng cũng là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề răng miệng.
Trong thời gian mang thai, răng miệng trở nên nhạy cảm hơn dưới tác động của hormone progesterone. Do đó, mẹ bầu phải đối mặt với một số vấn đề như viêm nướu răng, tụt lợi, răng ê buốt, chảy máu chân răng, cao răng, mảng bám tích tụ nhanh,… Ngoài ra, trào ngược dạ dày và các bệnh viêm đường hô hấp cũng có thể là nguyên nhân gây hôi miệng ở phụ nữ mang thai.
Trong thai kỳ, bất cứ tác động nào đến cơ thể mẹ đều ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu thường không được sử dụng một số loại thuốc đặc trị hôi miệng do tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng phụ. Nếu gặp phải tình trạng hôi miệng khi mang thai, bà bầu có thể cải thiện bằng một số biện pháp an toàn, đơn giản sau:
1. Chữa hôi miệng cho mẹ bầu bằng nước muối ấm
Giảm hôi miệng bằng nước muối ấm là cách đơn giản, an toàn mà mẹ bầu có thể áp dụng. Nước muối có đặc tính kháng khuẩn tốt nên có thể cải thiện tình trạng hôi miệng do thói quen vệ sinh kém, ảnh hưởng của các bệnh nha khoa và các bệnh viêm đường hô hấp.
Ngoài tác dụng giảm mùi hôi, ngậm và súc miệng với nước muối ấm còn làm dịu cổ họng ngứa rát, nướu sưng đỏ, chảy máu,… Bên cạnh đó, nước muối còn giúp cầm máu nên mẹ có thể áp dụng sau khi chải răng để cải thiện tình trạng chảy máu chân răng.
Hướng dẫn thực hiện:
- Hòa tan 1/2 thìa cà phê muối biển với 150ml nước ấm
- Súc miệng với 75ml nước muối trong vòng vài phút để làm sạch thức ăn thừa
- Sau đó, ngậm phần nước muối còn lại trong 2 – 3 phút nhằm tiêu diệt vi khuẩn có hại trong khoang miệng
- Thực hiện 1 – 2 lần/ ngày để cải thiện tình trạng hơi thở có mùi
2. Cách trị hôi miệng cho bà bầu bằng lá bạc hà
Lá bạc hà chứa tinh dầu có mùi the mát nên mẹ bầu có thể tận dụng để loại bỏ mùi hôi trong khoang miệng. Hơn nữa, hương thơm tự nhiên từ thảo dược này còn mang lại hơi thở thơm mát, giúp mẹ bầu tự tin hơn trong các cuộc gặp gỡ.
Các hoạt chất trong lá bạc hà như Menthol có hiệu quả làm mát, giảm sưng đau và kháng khuẩn. Nếu bị hôi miệng do các bệnh nha khoa và viêm đường hô hấp, mẹ bầu nên dùng lá bạc hà để tiêu diệt vi khuẩn, giảm đau nhức và cải thiện hơi thở có mùi. Công thức chữa hôi miệng bằng lá bạc hà khá dễ thực hiện và an toàn tuyệt đối với phụ nữ mang thai.
Cách thực hiện:
- Cách 1: Dùng lá bạc hà tươi rửa sạch và nhai trực tiếp để loại bỏ mùi hôi trong khoang miệng. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên nuốt nước và bã vì hoạt chất Menthol trong thảo dược này có thể gây co thắt tử cung.
- Cách 2: Rửa sạch 1 nắm lá bạc hà, đem đun sôi với 250ml nước. Để nước nguội, cho vào chai và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Sau khi đánh răng, dùng 50ml súc miệng để làm sạch vi khuẩn, nấm men và virus, ngày dùng đều đặn 2 lần.
3. Tinh dầu đinh hương trị hôi miệng an toàn cho bà bầu
Đinh hương là vị thuốc quý có công năng đa dạng được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Với mùi hương mạnh, thảo dược này còn được tận dụng để giảm mùi hôi miệng do các bệnh lý nha khoa gây ra. Tinh dầu đinh hương có hiệu quả khử mùi mạnh hơn so với các thảo dược khác, hiệu quả với cả những trường hợp hôi miệng dai dẳng do các bệnh nha khoa mãn tính.
Bên cạnh đó, Eugenol trong đinh hương còn có tác dụng kháng khuẩn và giảm đau. Vì vậy, khi áp dụng mẹo trị hôi miệng bằng tinh dầu đinh hương, mẹ bầu cũng có thể làm giảm tình trạng chảy máu và sưng đau mô nướu.
Hướng dẫn thực hiện:
- Cách 1: Nhai trực tiếp 1 – 2 nụ đinh hương để loại bỏ mùi hôi khó chịu trong khoang miệng. Khi nhai, mẹ bầu nên nhai từ từ và ngậm trong vài phút để mùi hương lan tỏa toàn bộ khoang miệng.
- Cách 2: Pha vài giọt tinh dầu đinh hương với 100ml nước ấm, sau đó dùng súc miệng trong 30 giây và nhổ bỏ. Mẹ bầu nên áp dụng cách này sau khi chải răng để tăng hiệu quả làm sạch và loại bỏ hơi thở có mùi. Áp dụng từ 1 – 2 lần/ ngày trong khoảng vài ngày sẽ nhận thấy hôi miệng giảm đi đáng kể.
4. Chữa hôi miệng bằng dầu dừa
Nếu cảm thấy khó chịu khi dùng các nguyên liệu có vị cay the, mẹ bầu có thể áp dụng cách chữa hôi miệng bằng dầu dừa. Mặc dù là nguyên liệu được sử dụng khá phổ biến nhưng ít ai biết dầu dừa có thể giảm hơi thở có mùi, làm trắng răng và hỗ trợ phòng ngừa các bệnh lý nha khoa.
Các nghiên cứu cho thấy, axit lauric trong dầu dừa có hiệu quả ức chế vi khuẩn Streptococcus mutans và nhiều loại nấm trong khoang miệng. Vì vậy, khi dùng dầu dừa súc miệng hoặc chải răng, mùi hôi miệng sẽ giảm đi đáng kể do hiện tượng sinh khí sulfur của hại khuẩn bị ức chế. Ngoài ra, hàm lượng axit béo trong dầu dừa còn giúp làm dịu mô nướu và bảo vệ men răng.
Hướng dẫn thực hiện:
- Cách 1: Dùng khoảng 30ml dầu dừa súc miệng ngay sau khi chải răng. Khi súc miệng, nên dùng lưỡi đẩy dầu dừa vào sâu vùng răng cấm để tiêu diệt vi khuẩn trú ngụ tại đây. Sau đó, nhổ bỏ dầu dừa và súc miệng lại với nước ấm. Thực hiện cách này 1 – 2 lần/ ngày có thể bảo vệ sức khỏe răng miệng một cách toàn diện và cải thiện hơi thở có mùi hiệu quả.
- Cách 2: Dùng dầu dừa đông đặc chải răng 1 lần/ ngày (nên thực hiện vào buổi sáng). Với hàm lượng axit lauric và các axit béo cao, dầu dừa giúp làm sạch răng miệng một cách nhẹ nhàng, không gây mòn men hay kích ứng nướu. Nếu kiên trì thực hiện, tình trạng hôi miệng và một số vấn đề nha khoa thường gặp ở mẹ bầu sẽ được cải thiện rõ rệt.
5. Cách trị hôi miệng cho mẹ bầu bằng lá trầu không
Cách trị hôi miệng bằng lá trầu không là mẹo có nguồn gốc từ dân gian. Trước đây khi chưa có các sản phẩm chăm sóc răng miệng, dân gian thường sử dụng các loại thảo dược có đặc tính tiêu viêm, khử mùi và sát trùng để loại bỏ mùi hôi, giảm đau và sưng nướu. Lá trầu không là thảo dược tự nhiên có độ an toàn cao nên mẹ bầu có thể sử dụng để cải thiện tình trạng hôi miệng.
Tương tự như đinh hương, Eugenol trong lá trầu có tác dụng kháng khuẩn và giảm đau. Vì vậy, cách chữa từ thảo dược này rất thích hợp với mẹ bầu gặp phải tình trạng viêm lợi, viêm tủy răng và sâu răng gây hôi miệng. Ngoài tác dụng giảm mùi hôi, lá trầu không còn ức chế sự phát triển của lỗ sâu răng, giảm viêm nướu, ngăn chảy máu chân răng,…
Hướng dẫn thực hiện:
- Sử dụng 1 nắm lá trầu không tươi đem rửa sạch, sau đó để ráo
- Đun sôi 300ml nước, cho lá trầu vào đun thêm 2 phút rồi tắt bếp
- Để nước nguội hoàn toàn, sau đó cho vào chai nhựa bảo quản ở ngăn mát dùng dần
- Sau khi chải răng, dùng 30ml nước lá trầu không súc miệng để loại bỏ mùi hôi miệng
Mẹ bầu thường xuyên bị chảy máu chân răng, viêm nướu cũng có thể áp dụng cách này để giảm triệu chứng và ngăn ngừa tiến triển của bệnh.
6. Uống nhiều nước – Cách trị hôi miệng đơn giản
Ngoài những cách chữa hôi miệng bằng nguyên liệu tự nhiên, mẹ bầu cũng có thể giảm hơi thở có mùi bằng cách uống nhiều nước. Khi mang thai, mẹ cần cung cấp đủ 2.5 lít nước mỗi ngày để đảm bảo nhu cầu của cơ thể và ổn định lượng nước ối của thai nhi.
Uống đủ nước giúp khoang miệng tiết nước bọt thường xuyên. Nước bọt có tác dụng giữ ẩm lưỡi, niêm mạc, cổ họng, làm sạch mảng bám, trung hòa axit do vi khuẩn bài tiết và tái khoáng men răng. Do đó nếu lượng nước bọt giảm đi, khoang miệng sẽ có mùi hôi khó chịu do vi khuẩn phát triển mạnh và sản sinh ra khí sulfur.
Mẹ bầu cần uống đủ nước mỗi ngày và nên chia đều nước thành nhiều lần uống. Ngoài nước lọc, có thể dùng nước ép từ rau củ và trái cây tươi để cung cấp thêm vitamin, khoáng chất cho cơ thể. Nếu dùng các món ăn có mùi nồng, mẹ nên súc miệng và uống nước ngay sau khi ăn để giảm bớt mùi trong miệng.
7. Kiêng thức ăn, đồ uống có mùi nồng
Phụ nữ mang thai thường yêu thích các món ăn vặt do tác động của hormone thai kỳ. Tuy nhiên, đa phần các món ăn này đều có mùi nồng, nhiều gia vị và dễ gây ra hơi thở có mùi. Nếu muốn cải thiện tình trạng hôi miệng một cách triệt để, mẹ bầu nên kiêng đồ ăn và thức uống có mùi nồng.
Trước tiên, cần kiêng các loại mắm, tỏi và hành. Các loại thực phẩm này chứa nhiều khí sulfur nên sẽ tạo ra mùi hôi khó chịu khi ăn. Ngoài ra, bạn cũng hạn chế thức ăn quá nhiều protein, tinh bột và đường. Để trung hòa axit và giảm khí sulfur trong khoang miệng, nên ăn kèm với rau xanh, các loại củ và quả chứa nhiều chất xơ.
Mẹ bầu gặp phải tình trạng hôi miệng cũng cần kiêng cà phê và trà đặc. Các loại thức uống này khiến khoang miệng giảm tiết nước bọt, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra mùi hôi khi giao tiếp. Ngoài ra, dùng trà đặc và cà phê còn là nguyên nhân gây ố vàng răng.
8. Chia nhỏ bữa ăn giảm hôi miệng do trào ngược dạ dày
Một trong những nguyên nhân gây hôi miệng khi mang thai là trào ngược dạ dày. Dịch vị cùng với thức ăn đã được tiêu hóa trào ngược lên thực quản và khoang miệng khiến cho hơi thở có mùi rất khó chịu. Tình trạng này kéo dài còn gây mòn men, ố vàng răng và tăng nguy cơ sâu răng.
Để kiểm soát chứng hôi miệng do trào ngược dạ dày, mẹ bầu nên chia nhỏ bữa ăn. Thay vì ăn 3 bữa/ ngày nên chia thành 5 – 6 bữa. Giảm khối lượng thức ăn sẽ giúp dạ dày và đường ruột dễ dàng tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng, từ đó hạn chế tình trạng trào ngược. Ngoài ra, cần tránh nằm ngay sau khi ăn và nên ăn trước giờ ngủ ít nhất 2 tiếng đồng hồ.
9. Vệ sinh răng miệng đúng cách – Cách trị hôi miệng cho mẹ bầu an toàn, hiệu quả
Vệ sinh răng miệng kém cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng hơi thở có mùi ở phụ nữ mang thai. Đây là còn là điều kiện thuận lợi dẫn đến nhiều vấn đề nha khoa như viêm nướu răng, sâu răng, viêm nha chu,…
Ngoài các biện pháp giảm hôi miệng tạm thời, mẹ bầu nên vệ sinh răng miệng bằng cách chải răng kỹ 2 – 3 lần/ ngày, súc miệng với nước muối pha loãng và dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng 1 lần/ ngày. Các biện pháp này giúp làm sạch răng miệng hiệu quả và ngăn hiện tượng sinh khí sulfur của hại khuẩn trong khoang miệng.
Mẹ bầu cần chú ý thay bàn chải 2 tháng/ lần và dùng các loại kem đánh răng chứa fluor để cải thiện độ chắc khỏe của răng. Hiện nay, một số loại kem đánh răng còn chứa tinh chất trà xanh, bạc hà, than tre và dầu dừa có khả năng khử mùi. Do đó, mẹ bầu có thể cân nhắc sử dụng để loại bỏ mùi hôi trong khoang miệng.
10. Thăm khám và điều trị tại nha khoa
Trong một số trường hợp, mẹ bầu có thể phải can thiệp điều trị nếu nướu răng chảy máu liên tục, nướu ứ mủ, răng lung lay và đau nhức dữ dội. Khi mang thai, lượng cao răng tích tụ nhanh chóng hơn bình thường nên không ít bà bầu gặp phải tình trạng viêm nha chu, viêm tủy răng và áp xe răng.
Các bệnh lý nha khoa không chỉ ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai mà còn là nguyên nhân gây ra các biến chứng thai kỳ như sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân,… Nguyên nhân là do các bệnh nha khoa làm gia tăng chất trung gian gây viêm prostaglandin. Chất này có tác dụng kích thích phản ứng viêm ở nướu răng nhằm tránh sự xâm nhập và phát triển quá mức của hại khuẩn. Tuy nhiên, tăng prostaglandin có thể gây co thắt tử cung mạnh dẫn đến sinh non.
Khi nhận thấy các triệu chứng nghiêm trọng, mẹ bầu nên đến nha khoa kiểm tra để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Tốt nhất, bà bầu nên đến phòng khám vào 3 tháng giữa thai kỳ vì đây là thời điểm thai nhi khá ổn định nên có thể can thiệp một số biện pháp điều trị. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định cạo vôi răng, nạo bỏ ngà răng bị sâu và trám bít bằng composite. Các biện pháp này khá an toàn với mẹ bầu và có thể cải thiện tình trạng hôi miệng hiệu quả.
Hy vọng qua 10 cách trị hôi miệng cho mẹ bầu được giới thiệu trong bài viết, bạn đọc có thể cải thiện tình trạng này một cách an toàn và hiệu quả. Nếu nhận thấy triệu chứng có mức độ nặng, nên tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất để phòng tránh rủi ro và biến chứng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Trẻ Bị Hôi Miệng Nên Dùng Thuốc Gì?
4 Cách Chữa Hôi Miệng Bằng Lá Mùi Tàu Hiệu Quả Nên Thử
Hôi Miệng Khi Ngủ Dậy: Nguyên nhân và Cách chữa dứt điểm
Mách bạn cách chữa hôi miệng bằng mật ong đơn giản tại nhà
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!