Lực siết hàm từ các khí cụ chỉnh nha sẽ gây ra không ít cảm giác khó chịu. Hiểu rõ các dấu hiệu thường gặp khi mới niềng răng sẽ giúp bạn tránh được những phiền toái và lo lắng không đáng có.
Những dấu hiệu khi mới niềng răng cần nắm rõ
Niềng răng (chỉnh nha) sử dụng các khí cụ chuyên dụng để nắn chỉnh răng về đúng vị trí nhằm khắc phục tình trạng răng hô, móm, khấp khểnh, chen chúc, răng thưa và sai lệch khớp cắn. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao, chi phí khá hợp lý và hoàn toàn không can thiệp vào cấu trúc xương hàm như phẫu thuật.
Thực tế cho thấy, việc nắn chỉnh răng về đúng vị trí mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe răng miệng và hỗ trợ hoàn thiện các chức năng sinh lý của răng. Bên cạnh đó, niềng răng còn giúp khuôn mặt trở nên cân đối và hài hòa hơn. Tuy nhiên, phương pháp này tạo ra lực siết lên tất cả các răng nên có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu – đặc biệt là khi mới niềng răng.
Dưới đây là một số dấu hiệu bạn có thể gặp phải khi mới niềng răng:
1. Cảm giác cộm, vướng víu
Khi mới niềng răng, bạn sẽ có cảm giác cộm và vướng víu do các khí cụ chỉnh nha (khay niềng, mắc cài). Các khí cụ này được gắn lên răng để tạo ra lực siết hàm nhằm dịch chuyển răng về đúng vị trí. Tuy nhiên, cảm giác vướng víu, khó chịu chỉ xảy ra vào giai đoạn đầu và sẽ dần thuyên giảm sau khi răng miệng đã quen với sự hiện diện của khay niềng/ mắc cài.
Với khay niềng trong suốt, cảm giác cộm và vướng sẽ giảm đi nhanh chóng sau 3 – 5 ngày nhờ khí cụ được chế tác ôm sát vào răng. Tuy nhiên, những trường hợp niềng răng bằng mắc cài sẽ mất nhiều thời gian hơn do khí cụ có độ dày và gây vướng víu nhiều khi cử động miệng.
2. Răng đau nhức, ê buốt
Răng đau nhức, ê buốt là dấu hiệu thường gặp khi mới niềng răng – chỉnh nha. Tình trạng này thường xảy ra sau khi đặt thun tách kẽ, gắn mắc cài và sau mỗi lần siết hàm. Cảm giác ê buốt, đau nhức do niềng răng sẽ kéo dài trong 5 – 7 ngày sau đó có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Nếu đau nhiều, bạn có thể sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu.
Mức độ đau nhức, ê buốt răng khi niềng phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Những người có cơ địa nhạy cảm và nền răng yếu thường đau nhức nhiều và tình trạng có thể kéo dài từ 7 – 10 ngày. Ngoài ra, răng cũng có thể bị ê buốt do dùng thức ăn cứng, khô, món ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
3. Hôi miệng – Dấu hiệu khi mới niềng răng thường gặp
Hôi miệng là dấu hiệu thường gặp ở những người mới niềng răng – chỉnh nha. Tình trạng thường xảy ra do thức ăn bám dính vào các kẽ, mắc cài, tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển mạnh gây ra mùi hôi khó chịu.
Sau một thời gian, bạn sẽ quen với việc vệ sinh răng miệng khi đeo mắc cài. Lúc này, tình trạng hôi miệng sẽ được cải thiện đáng kể. Ngoài nguyên nhân kể trên, hôi miệng khi chỉnh nha còn có thể xảy ra do sử dụng dụng cụ niềng kém chất lượng.
4. Khó khăn khi ăn nhai
Các khí cụ chỉnh nha sẽ gây ra cảm giác vướng víu và khó chịu khi ăn uống – đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Nếu niềng răng trong suốt, bạn có thể tháo khay niềng khi ăn để giảm khó chịu. Tuy nhiên, trong trường hợp niềng răng mắc cài, khí cụ được gắn cố định lên răng nên gây ra nhiều khó khăn và phiền toái khi ăn uống.
Do chưa quen với mắc cài nên thời gian đầu, thức ăn dễ bám dính vào các khí cụ, đồng thời gây cộm và vướng víu khi ăn nhai. Trong thời gian này, bạn nên dùng thức ăn mềm, lỏng ít phải sử dụng lực nhai quá mạnh để cơ thể dần thích nghi với sự hiện diện của mắc cài. Sau đó, có thể ăn uống như bình thường nhưng cần hạn chế thức ăn cứng, khô, dai và thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
5. Loét, chảy máu niêm mạc miệng
Loét, chảy máu niêm mạc miệng là dấu hiệu phổ biến trong giai đoạn mới niềng răng. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do khí cụ chỉnh nha ma sát nhiều với lưỡi và niêm mạc miệng. Trong đó, niềng răng mắc cài kim loại là khí cụ có thể gây loét nặng nhất.
Những trường hợp niềng răng trong suốt ít gặp phải tình trạng này do khay niềng được chế tác với cấu tạo ôm sát vào mặt răng và không có khía, rãnh sắc nhọn. Ngược lại, niềng răng bằng mắc cài dễ gây loét, chảy máu niêm mạc do mắc cài nhô ra nhiều dẫn đến ma sát mạnh và liên tục với niêm mạc. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên dùng sáp nha khoa bọc xung quanh các mắc cài.
6. Đau nhức hàm
Đau nhức hàm là triệu chứng thường gặp khi mới niềng răng – chỉnh nha. Tình trạng này xảy ra trong thời gian đầu mới đeo mắc cài và sau mỗi lần siết răng. Đau nhức xương hàm thực chất là hệ quả do lực siết hàm từ khay niềng hoặc dây cung. Lực siết từ các khí cụ chỉnh nha sẽ làm dịch chuyển răng nên ít nhiều sẽ tác động đến xương hàm và khớp thái dương hàm.
Tình trạng đau xương hàm sẽ lặp lại sau mỗi lần điều chỉnh lực siết hàm. Tuy nhiên, tình trạng này không đáng lo ngại và thường có thể tự thuyên giảm sau khoảng vài ngày mà không cần điều trị. Để giảm nhanh đau nhức hàm, bạn nên chườm đá và sử dụng các món ăn mềm, lỏng.
7. Gương mặt có sự thay đổi
Thông thường, niềng răng có thể làm thay đổi khuôn mặt dựa vào nguyên lý dịch chuyển các răng trên cung hàm. Ở một số ít trường hợp, gương mặt cũng có sự thay đổi ngay trong giai đoạn đầu. Tình trạng này gặp ở những trường hợp phải nhổ bỏ răng khôn, răng số 4 hoặc số 5. Khi các răng được nhổ bỏ, phần má sẽ hóp vào và khuôn mặt dần trở nên thon gọn hơn.
Sau khi kết thúc quá trình chỉnh nha, khuôn mặt sẽ có thay đổi rõ rệt về khuôn hàm, cằm, cấu trúc hàm trên – hàm dưới và mũi. Những trường hợp răng có nhiều khuyết điểm sẽ có sự thay đổi rõ rệt hơn so với người bị răng thưa, khấp khểnh, hô, móm nhẹ.
Các dấu hiệu bất thường khi niềng răng
Bên cạnh những dấu hiệu thường gặp khi mới niềng răng, bạn cũng nên tìm hiểu các biểu hiện bất thường có thể xảy ra trong quá trình chỉnh nha. Khi gặp phải những triệu chứng khác lạ, bạn nên thông báo ngay với bác sĩ để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Dưới đây là một số dấu hiệu bất thường có thể gặp khi niềng răng – chỉnh nha:
1. Răng lung lay, suy yếu
Khi chỉnh nha, mắc cài và khay niềng sẽ tạo ra lực siết nhất định lên cung hàm để nắn chỉnh răng về vị trí mong muốn. Chính vì vậy, răng phải chịu một áp lực nhất định trong suốt quá trình niềng. Để tránh gây suy yếu răng, bác sĩ sẽ điều chỉnh lực siết hàm phù hợp với từng giai đoạn niềng răng. Quá trình này sẽ được thực hiện liên tục nhằm đảm bảo hiệu quả chỉnh nha và hạn chế tối đa những tác động tiêu cực lên răng, xương hàm.
Tuy nhiên nếu bác sĩ dùng lực siết hàm quá mạnh, răng có thể bị lung lay, suy yếu. Trường hợp nặng có thể dẫn đến gãy răng và răng chết tủy. Vì vậy, nếu nhận thấy răng lỏng lẻo và lung lay, bạn nên đến nha khoa để được kiểm tra và khắc phục kịp thời.
2. Nứt, mẻ răng
Nứt mẻ răng là biến chứng có thể gặp phải trong quá trình chỉnh nha. Tình trạng này thường xảy ra do bác sĩ dùng lực siết hàm quá mạnh hoặc gắn mắc cài sai vị trí khiến lực không được phân bố đồng đều. Một số răng trên cung hàm phải chịu áp lực lớn hơn dẫn đến tình trạng nứt và mẻ răng.
3. Răng lệch lạc nặng hơn
Mặc dù mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe răng miệng và ngoại hình nhưng thực tế có không ít trường hợp niềng răng hỏng. Dấu hiệu rõ rệt nhất của những ca niềng răng không thành công là răng trở nên lệch lạc hơn trước.
Nếu nhận thấy răng hô, móm, thưa, vẩu và lệch lạc nghiêm trọng hơn, bạn nên đến phòng khám/ bệnh viện uy tín để được kiểm tra. Tránh trường hợp để kéo dài khiến toàn bộ cấu trúc răng bị hư hại gây ra khó khăn khi chỉnh nha về sau.
4. Các dấu hiệu khác
Ngoài những dấu hiệu trên, bạn cũng có thể gặp phải một số biểu hiện bất thường trong quy trình niềng răng. Ngay khi nhận thấy các triệu chứng khác lạ, nên thông báo ngay với bác sĩ chỉnh nha để được kiểm tra và khắc phục. Tuyệt đối không chủ quan trong quá trình chỉnh nha. Thực tế, đã có không ít trường hợp niềng răng thất bại, răng chết tủy và tổn thương nặng do chỉnh nha sai kỹ thuật.
Trên đây là 7 dấu hiệu có thể gặp phải khi mới niềng răng – chỉnh nha. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý những biểu hiện bất thường để kịp thời phát hiện và can thiệp biện pháp xử lý. Để hạn chế tối đa những rủi ro khi niềng răng, cần lựa chọn phòng khám/ bệnh viện uy tín, đáng tin cậy.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Hàm Duy Trì Vivera giá bao nhiêu? Ưu – Nhược điểm cần biết
Niềng răng bao lâu thì thay dây cung? Có đau không?
Độ tuổi nào niềng răng là tốt nhất? Bao nhiêu tuổi không nên niềng?
Có Nên Đi Niềng Răng Không? Có Hại Gì Không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!