Lấy tủy răng có chích thuốc tê không là mối bận tâm hàng đầu của người đang có ý định thực hiện phương pháp này. Trên thực tế, bác sĩ sẽ xem xét sử dụng thuốc tê dựa vào mức độ viêm nhiễm của mô tủy, tiền sử dị ứng thuốc và tình trạng sức khỏe của từng trường hợp.
Lấy tủy răng có chích thuốc tê không?
Tủy răng là mô mềm bên trong răng, bao gồm mạch máu và các tế bào thần kinh. Chức năng chính của cơ quan này là nuôi dưỡng, tái tạo các mô hư tổn của ngà răng và dẫn truyền cảm giác về não bộ. Nhờ có tủy, răng được tái tạo liên tục, duy trì được độ chắc khỏe và màu sắc trong thời gian dài.
Tuy nhiên, tủy răng cũng có thể bị viêm nhiễm và hoại tử do vi khuẩn xâm nhập vào bên trong. Đối với những trường hợp tủy răng bị viêm nhiễm không thể hồi phục, bác sĩ sẽ chỉ định lấy tủy răng (điều trị nội nha). Kỹ thuật này được thực hiện nhằm loại bỏ mô tủy bị viêm nhiễm, hoại tử, sau đó tạo hình khoang tủy và trám bít lại bằng vật liệu gutta percha. Loại bỏ tủy răng kịp thời giúp bảo tổn răng, giảm nguy cơ mất răng vĩnh viễn và ngăn không cho vi khuẩn lây lan sang các cơ quan khác.
“Lấy tủy răng có chích thuốc tê không?” là thắc mắc của nhiều bạn đọc. Bởi nhiều người lo lắng về cảm giác đau nhức, khó chịu trong quá trình loại bỏ tủy. Trên thực tế, hầu hết các thủ thuật nha khoa đều được gây tê để giảm cảm giác ê buốt và đau nhức trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên đối với lấy tủy răng (điều trị nội nha), bác sĩ chỉ chích thuốc tê trong một số trường hợp cần thiết.
1. Trường hợp cần tiêm thuốc tê
Chích thuốc tê khi lấy tủy răng được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Tủy răng chưa bị hoại tử hoàn toàn, vẫn còn khả năng thụ cảm và dẫn truyền cảm giác. Lúc này, bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê vào mô nướu quanh vùng răng cần điều trị để tránh cảm giác đau nhức và khó chịu trong suốt thời gian thực hiện.
- Chích thuốc tê chỉ được thực hiện trong trường hợp không dị ứng các loại thuốc gây tê. Nếu có tiền sử dị ứng, bạn nên thông báo với bác sĩ để được thay thế bằng kỹ thuật khác.
Thuốc gây tê có thể phát huy tác dụng chỉ sau 5 – 10 phút. Khi toàn bộ mô nướu và răng đã mất hoàn toàn cảm giác, bác sĩ sẽ tiến hành lấy tủy và trám bít khoang tủy để điều trị viêm tủy răng.
2. Trường hợp không chích thuốc tê khi lấy tủy
Thực tế, một số trường hợp khi lấy tủy răng không nhất thiết phải tiêm thuốc gây tê như:
- Tủy răng đã hoại tử hoàn toàn, không còn cảm giác đau nhức hay khó chịu. Với trường hợp này, bác sĩ sẽ lấy tủy trực tiếp mà không cần sử dụng thuốc gây tê.
- Trường hợp bị dị ứng thuốc tê có thể được thay thế bằng thuốc diệt tủy răng. Thuốc diệt tủy được trám trực tiếp vào khoang tủy và trám tạm thời trong vài ngày để làm chết tủy. Sau khoảng 3 – 5 ngày, bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám để lấy phần tủy bị viêm nhiễm, hoại tử.
- Người mắc bệnh tim mạch, rối loạn đông máu và các bệnh lý đặc biệt cũng không được tiêm thuốc tê khi lấy tủy răng do có nguy cơ gây ra nhiều rủi ro và tác dụng phụ.
Tóm lại, không phải tất cả các trường hợp lấy tủy răng đều phải chích thuốc tê. Với những trường hợp chết tủy, răng hầu như không bị đau nhức hay ê buốt trong quá trình lấy tủy nên không nhất thiết phải sử dụng thuốc. Ngoài ra nếu bị dị ứng thuốc tê, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc diệt tủy răng để làm chết tủy trước khi điều trị. Với sự hỗ trợ của các biện pháp này, quá trình lấy tủy sẽ diễn ra thuận lợi, hoàn toàn không gây đau hay khó chịu.
Chích thuốc tê khi lấy tủy có rủi ro gì không?
Chích thuốc tê khi lấy tủy răng là phương pháp vô cảm, giúp giảm cảm giác đau nhức và khó chịu trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn không ít rủi ro và tác dụng ngoại ý.
Một số rủi ro, tác dụng phụ có thể gặp phải khi chích thuốc tê trong quá trình lấy tủy răng:
1. Sốc phản vệ sau khi tiêm
Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng do hệ miễn dịch mẫn cảm với thành phần và hoạt tính của thuốc. Thực tế, bất cứ loại thuốc nào cũng có nguy cơ gây ra biến chứng này. Vì vậy, một số ít trường hợp cũng có thể bị sốc phản vệ sau khi chích thuốc gây tê trong quá trình lấy tủy răng.
Đối với các bệnh viện, phòng khám nha khoa uy tín, các bác sĩ đều được huấn luyện kỹ năng xử lý sốc phản vệ. Để tránh những tình huống đáng tiếc, bạn nên lựa chọn cơ sở y tế đáng tin cậy khi có ý định lấy tủy răng.
2. Mô nướu sưng đau
Thuốc gây tê được tiêm vào mô nướu xung quanh răng cần điều trị. Do đó sau khi chích thuốc tê, nướu có thể bị sưng đỏ và đau nhức trong vài giờ đến vài ngày. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể chườm đá hoặc sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
3. Gãy kim trong quá trình chích thuốc tê
Gãy kim khi chích thuốc tê là tình trạng không quá phổ biến. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do kim luộc, hấp quá nhiều lần dẫn đến giòn, dễ gãy, bệnh nhân cử động mạnh, tay nghề bác sĩ yếu kém,… Xử trí gãy kim trong quá trình chích thuốc tê bằng cách dùng kẹp gắp đầu kim ra. Tuy nhiên ở một số trường hợp, kim có thể nằm sâu bên trong mô nướu và bắt buộc phải rạch lợi răng để lấy phần kim bị gãy.
Mặc dù có thể gây ra rủi ro và tác dụng phụ khi sử dụng nhưng chích thuốc tê có vai trò quan trọng trong quá trình lấy tủy răng (điều trị nội nha). Để giảm thiểu những tình huống rủi ro, bạn nên lựa chọn các phòng khám nha khoa và bệnh viện uy tín nếu có ý định thực hiện phương pháp này.
Bài viết đã tổng hợp thông tin giải đáp “Lấy tủy răng có chích thuốc tê không?”. Để được giải đáp cụ thể hơn, bạn có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, nên chủ động thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng thuốc gây tê (nếu có) để tránh các rủi ro trong quá trình điều trị.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
10 Cách Chữa Viêm Tủy Răng Tại Nhà Hiệu Quả, Dễ Làm
Răng Ngả Màu Sau Lấy Tủy: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Lấy tủy răng có đau không? Khi nào nên diệt tủy răng?
Tủy Răng Bị Thối Là Do Đâu? Điều Trị Thế Nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!