Răng đã lấy tủy rồi có niềng được không? Giải đáp

Răng đã lấy tủy có niềng được không là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Được biết, răng sau khi lấy tủy sẽ trở nên suy yếu, giòn và dễ tổn thương hơn trước. Vì vậy, trước khi can thiệp niềng răng và các phương pháp nha khoa khác, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng trước khi đưa ra chỉ định. 

răng đã lấy tủy có niềng được không
Răng đã lấy tủy hoặc chết tủy có niềng được không?

Răng đã lấy tủy có niềng được không?

Niềng răng là phương pháp chỉnh nha sử dụng hệ thống mắc cài để điều chỉnh răng về vị trí mong muốn. Theo thời gian, răng sẽ dịch chuyển từng chút một đến khi đạt được kết quả như mong đợi. Khi niềng, răng phải chịu một lực kéo nhất định mới có thể về đúng vị trí trên cung hàm. Do đó, phương pháp này không được thực hiện đối với một số trường hợp.

“Răng đã lấy tủy có niềng được không?” là câu hỏi mà nhiều người đặt ra. Bởi tủy răng là cơ quan nuôi dưỡng ngà răng và dẫn truyền cảm giác về não bộ. Khi tủy răng bị loại bỏ hoặc bị hoại tử (chết tủy), răng sẽ trở nên giòn, dễ nứt, mẻ hơn bình thường. Chính vì vậy, lực kéo từ mắc cài có thể khiến răng bị tổn thương và dịch chuyển kém hơn so với các răng khác trên cung hàm.

răng đã lấy tủy có niềng được không
Nên can thiệp niềng răng trong vòng 1 năm sau khi lấy tủy để đảm bảo hiệu quả

Theo thời gian, răng sau khi lấy tủy sẽ trở nên sừng hóa và yếu đi rõ rệt. Do đó, bạn nên niềng răng trong 1 năm đầu sau khi lấy tủy. Trong khoảng thời gian này răng vẫn còn độ cứng chắc nhất định và có thể đáp ứng được yêu cầu chịu lực kéo khi niềng. Sau hơn 1 năm, răng sẽ suy yếu dần và quá trình chỉnh nha – niềng răng có thể gặp nhiều bất lợi, khó khăn hơn.

Khác với răng khỏe mạnh, răng đã lấy tủy có xu hướng giòn, yếu dần theo thời gian và dễ phát sinh các tình huống rủi ro trong quá trình niềng răng. Chính vì vậy, bạn nên thông báo với bác sĩ tình trạng lấy tủy răng, số lượng răng không còn tủy để được lên phác đồ điều trị phù hợp. Với những trường hợp răng chết tủy bị tổn thương nặng và số lượng răng lấy tủy quá nhiều (chiếm hơn 50% răng trên cung hàm), niềng răng có thể gây ra nhiều rủi ro nên không được chỉ định.

Vì vậy, việc niềng răng cho răng đã bị lấy tủy tù thuộc vào tình trạng của từng người. Bạn nên tìm gặp nha sĩ để được thăm khám và tư vấn cụ thể hơn.

Những trường hợp không nên niềng răng

Niềng răng là phương pháp giúp khắc phục khuyết điểm răng khấp khểnh, mọc lệch, răng thưa, hô, móm,… Ngoài ra, phương pháp này còn hỗ trợ điều chỉnh khớp và cải thiện tình trạng sai khớp cắn hiệu quả. Tuy nhiên, niềng răng thường không được chỉ định trong những trường hợp sau:

1. Mắc các bệnh viêm nha chu nặng

Viêm nha chu là một dạng nhiễm trùng răng miệng có mức độ nặng, xảy ra khi các tổ chức nâng đỡ răng như dây chằng nha chu, mô nướu, xương ổ răng,… bị viêm nhiễm bởi vi khuẩn. Theo thời gian, vi khuẩn khiến mô lợi bao xung quanh răng có xu hướng tụt xuống, tiêu xương ổ răng dẫn đến tình trạng răng lung lay và suy yếu.

răng đã lấy tủy có niềng được không
Trường hợp viêm nha chu thường không được chỉ định niềng răng vì nguy cơ gãy, rụng răng cao

Khi tổ chức nâng đỡ răng bị hư hại, răng có thể bị gãy, rụng nếu thực hiện niềng răng. Bởi lúc này, răng không bám chắc vào xương ổ răng nên không thể chịu được lực kéo khi niềng răng – chỉnh nha. Với những trường hợp viêm nha chu có mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng răng trước khi chỉ định niềng răng.

2. Bọc răng sứ toàn hàm

Bọc răng sứ là phương pháp phục hồi hình dáng và chức năng của răng. Ngoài ra, mão sứ còn có vai trò bảo vệ răng thật khỏi tác động của vi khuẩn, tác nhân vật lý và cơ học. Với những trường hợp chỉ bọc răng sứ với số lượng ít, quá trình niềng răng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên nếu bạn bọc răng sứ toàn hàm, việc niềng răng sẽ gặp nhiều khó khăn nên thường không có chỉ định.

Mặc dù có màu sắc tương tự nhưng vật liệu tạo ra mão sứ khác biệt hoàn toàn so với răng thật. Do đó, việc gắn mắc cài lên răng và dùng lực kéo thường để dịch chuyển răng thường gặp nhiều khó khăn. Đa phần các trường hợp bọc mão sứ toàn hàm đều không đáp ứng được yêu cầu về lực kéo khi niềng răng. Vì vậy với những trường hợp này, niềng răng thường không mang lại kết quả.

3. Mắc các bệnh lý toàn thân

Trong quá trình niềng răng, bác sĩ phải nhổ bỏ một số răng khấp khểnh, mọc lệch,… Vì vậy, phương pháp này không được chỉ định nếu mắc các bệnh lý toàn thân như ung thư máu, tiểu đường, bệnh tim mạch nặng, tâm thần, động kinh và rối loạn đông máu.

Một số vấn đề cần lưu ý khi niềng răng đã lấy tủy

Tủy răng được ví như “trái tim” của răng với nhiều chức năng quan trọng như thụ cảm, dẫn truyền cảm giác, vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng cho ngà răng. Vì vậy khi tủy răng bị loại bỏ, răng sẽ có xu hướng giòn, dễ gãy, vỡ hơn bình thường.

Dù không có chống chỉ định tuyệt đối với răng đã lấy tủy nhưng niềng răng trong trường hợp này có thể gây ra tác dụng phụ và khó khăn khi thực hiện. Do đó khi can thiệp niềng răng, bạn nên lưu ý một số vấn đề như:

1. Gãy, nứt mẻ răng

Răng sau khi lấy tủy sẽ có xu hướng giòn và dễ tổn thương. Lực kéo trong quá trình niềng răng có thể khiến răng nứt mẻ và thậm chí là gãy. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên thông báo ngay với bác sĩ để tìm giải pháp khắc phục kịp thời.

răng đã lấy tủy có niềng được không
Niềng răng trong trường hợp răng đã lấy tủy có thể khiến răng bị sứt, mẻ và thậm chí là gãy

2. Thời gian niềng răng lâu

Khả năng chịu lực của răng đã bị lấy tủy thường kém hơn so với răng khỏe mạnh. Để tránh tình trạng răng bị gãy và sứt mẻ, bác sĩ chỉ có thể điều chỉnh răng từ từ với lực vừa phải. Vì vậy, thời gian niềng răng trong trường hợp răng đã bị lấy tủy thường lâu hơn so với bình thường.

3. Một số lưu ý khác

Ngoài những vấn đề trên, bạn cũng cần lưu ý một số thông tin quan trọng trước khi can thiệp phương pháp niềng răng.

răng đã lấy tủy có niềng được không
Cần chú ý làm sạch răng miệng trong quá trình niềng răng – chỉnh nha
  • Sau khi lấy tủy, răng sẽ có xu hướng sẫm màu thành màu xám hoặc đen. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ và ngoại hình. Tuy nhiên, bạn nên đợi kết thúc quá trình niềng răng trước khi can thiệp các phương pháp phục hình như bọc mão sứ, dán sứ Veneer,…
  • Răng đã bị lấy tủy sẽ suy yếu dần theo thời gian. Do đó, cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách và khám nha khoa định kỳ để phát hiện, xử lý sớm các vấn đề tiềm ẩn.
  • Bổ sung fluor bằng kem đánh răng, nước súc miệng, nước uống, muối ăn,… Đồng thời cung cấp khoáng chất cho men răng bằng một số loại thực phẩm lành mạnh như hàu, tôm, cua, nghêu,… để cải thiện độ chắc khỏe của răng.
  • Trong thời gian niềng răng, nên dùng các món ăn mềm, dễ nhai để tránh hiện tượng súc mắc cài và giảm tác động cơ học lên răng đã bị lấy tủy. Duy trì thói quen này lâu dài còn có thể kéo dài tuổi thọ của răng và hạn chế nguy cơ răng bị sứt mẻ.

Trên đây là những thông tin giải đáp “Răng đã lấy tủy có niềng được không?” và các vấn đề có liên quan. Tuy nhiên, thông tin trong bài viết chỉ có giá trị tham khảo. Bởi vấn đề này còn phụ thuộc vào mức độ tổn thương của răng, số lượng răng chết tủy và một số yếu tố khác. Do đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp chi tiết nhất.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!