Nhiễm trùng sau khi nhổ răng sẽ có các dấu hiệu điển hình như đau nhức dữ dội, kéo dài, nướu sưng đỏ, hơi thở có mùi,… Mức độ của các triệu chứng sẽ nghiêm trọng dần theo thời gian nếu không được điều trị kịp thời.
Nhận biết dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng
Nhổ răng là phương pháp xâm lấn được chỉ định trong trường hợp thay răng sữa, sâu răng nặng, răng bị chấn thương nặng không thể phục hồi và răng khôn mọc lệch, mọc ngầm. Để loại bỏ răng, bác sĩ sẽ phải lấy chân răng ra khỏi xương hàm nên ít nhiều sẽ gây tổn thương xương, nướu răng, dây chằng nha chu cùng với mạch máu và dây thần kinh.
Nhổ răng vĩnh viễn sẽ có mức độ xâm lấn nghiêm trọng hơn so với răng sữa. Bởi răng sữa có chân răng ngắn và răng sẽ tự lung lay khi đến thời điểm thay răng. Do đó, trường hợp nhổ răng sữa rất hiếm khi bị nhiễm trùng. Trong khi đó, nhổ răng vĩnh viễn có nguy cơ viêm nhiễm khá cao – đặc biệt là nhổ răng khôn.
Nhiễm trùng là biến chứng khá phổ biến sau khi thực hiện các thủ thuật xâm lấn. Tình trạng này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào vết thương gây sưng tấy và ứ mủ. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể lan rộng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe răng miệng.
Để có biện pháp điều trị kịp thời, bạn cần phát hiện sớm tình trạng nhiễm trùng sau khi nhổ răng thông qua các dấu hiệu sau:
- Vết thương sau khi nhổ răng không lành lại sau 5 – 7 ngày
- Đau nhức dai dẳng và mức độ đau tăng lên theo thời gian
- Quan sát vùng nướu xung quanh vị trí răng bị nhổ bỏ nhận thấy hiện tượng sưng viêm, đỏ nóng và đôi khi có hiện tượng ứ mủ.
- Nhiễm trùng sau khi nhổ răng thường gây ra mùi hôi trong khoang miệng do vi khuẩn phát triển quá mức.
- Chảy máu liên tục và đôi khi có lẫn mủ.
- Xương hàm đau nhức dẫn đến không thể há miệng và ăn uống.
- Một số trường hợp sẽ có hiện tượng sưng hạch góc hàm và sốt nhẹ.
Các dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng sau khi nhổ răng thường xuất hiện sau khi tiểu phẫu khoảng 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp có biểu hiện rõ rệt chỉ sau 3 ngày.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng sau khi nhổ răng
Nhiễm trùng là biến chứng thường gặp sau khi can thiệp các phương xâm lấn. Trong đó, tình trạng nhiễm trùng sau khi nhổ răng thường có liên quan đến những nguyên nhân sau:
1. Nhổ răng khi đang bị viêm nhiễm cấp tính
Nhổ răng là phương pháp xâm lấn nên đòi hỏi người bệnh phải có đủ điều kiện về sức khỏe. Để đảm bảo an toàn, bác sĩ sẽ không cho phép nhổ răng nếu đang bị viêm nhiễm cấp như bị viêm họng cấp, viêm amidan cấp, viêm nướu răng cấp, viêm lợi trùm cấp tính,…
Bởi khi nhổ răng, vi khuẩn từ những cơ quan này rất dễ xâm nhập vào vết thương gây nhiễm trùng và thậm chí là áp xe. Tuy nhiên, một số bác sĩ không kiểm tra kỹ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi nhổ răng, kết quả là dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.
2. Bị rối loạn đông máu hoặc sử dụng thuốc chống đông
Nguy cơ nhiễm trùng sau khi nhổ răng sẽ tăng lên đối với những trường hợp rối loạn đông máu và sử dụng thuốc chống đông. Tình trạng này khiến cho vết thương không thể cầm máu sau khi nhổ răng. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại trong khoang miệng xâm nhập và phát triển gây nhiễm trùng.
Thực tế, bệnh nhân bị rối loạn đông máu thuộc vào nhóm các trường hợp không được nhổ răng nên sẽ có chống chỉ định. Tuy nhiên, một số bệnh nhân không thông báo bệnh tình và những loại thuốc đã sử dụng trong vòng 14 ngày cho bác sĩ khiến cho nguy cơ gặp phải biến chứng tăng lên đáng kể.
3. Sót chân răng
Sót chân răng là một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng sau nhổ răng. Chân răng còn sót lại khiến cho vết thương không phục hồi mà có hiện tượng sưng tấy. Đây chính là điều kiện để vi khuẩn xâm nhập và phát triển gây nhiễm trùng.
Đối với những trường hợp sót chân răng, vết thương rất dễ xuất hiện ổ mủ dẫn đến sưng má, vùng da bên ngoài nóng đỏ và đau nhức nhiều. Nếu không điều trị kịp thời, áp xe có thể vỡ gây ra không ít biến chứng nặng nề.
4. Không đảm bảo vô trùng khi nhổ răng
Nhổ răng là phương pháp xâm lấn nên đòi hỏi phải đảm bảo vô trùng dụng cụ và thiết bị nha khoa. Nếu không đảm bảo yếu tố vô trùng, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào bên trong gây nhiễm trùng và ứ mủ.
Ngoài ra, không đảm bảo vô trùng khi điều trị các vấn đề răng miệng còn gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo. Đây cũng là lý do cần lựa chọn địa chỉ nhổ răng uy tín và đáng tin cậy để hạn chế những rủi ro không đáng có.
5. Chăm sóc không đúng cách
Sau khi nhổ răng, vết thương cần một thời gian khá dài để phục hồi hoàn toàn. Trong thời gian này, bạn cần chăm sóc đúng cách để vết thương nhanh cầm máu và hồi phục. Những trường hợp không chăm sóc đúng cách thường có nguy cơ bị chảy máu kéo dài, nhiễm trùng, viêm ổ răng khô,…
Một số thói quen khi chăm sóc có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng sau khi nhổ răng:
- Súc miệng ngay sau khi nhổ răng khiến cho cục máu đông bị vỡ. Kết quả là vết thương chảy máu kéo dài, chậm lành và tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển.
- Đánh răng mạnh vào vị trí răng vừa nhổ khiến vết thương chảy máu và dễ bị nhiễm trùng.
- Vệ sinh răng miệng kém khiến thức ăn bám vào vết thương và tạo thành mảng bám. Lúc này, các vi khuẩn có hại trong khoang miệng sẽ phát triển gây nhiễm trùng vết thương và hôi miệng.
- Dùng thức ăn nóng, cay và mặn khiến cho vết thương lâu lành. Ngoài ra, gia vị cay nóng cũng gây kích thích và làm chảy máu vết thương. Thói quen này sẽ khiến cho vết thương chậm lành và có nguy cơ nhiễm trùng cao.
- Hút thuốc lá, uống rượu bia,… cũng là những thói quen gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.
6. Không dùng thuốc theo chỉ định
Sau khi nhổ răng, bạn cần phải sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài thuốc giảm đau và chống viêm, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh trong 5 – 7 ngày để ngăn ngừa viêm nhiễm.
Sử dụng thuốc đúng chỉ định sẽ giúp giảm đau nhức, sưng viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng hiệu quả. Ngược lại, những trường hợp ngưng dùng thuốc sớm hơn chỉ định hoặc thường xuyên quên uống thuốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng sau khi nhổ răng.
7. Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng nhiễm trùng sau khi nhổ răng còn có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Hút thuốc lá: Trước và sau khi nhổ răng, bạn cần kiêng hút thuốc lá trong khoảng 5 – 7 ngày. Bởi nicotine trong khói thuốc sẽ ảnh hưởng đến mức độ lành thương và làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Những người hút thuốc lá ngay sau khi nhổ răng sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu kéo dài.
- Bác sĩ nhổ răng sai kỹ thuật: Nhổ răng – đặc biệt là răng khôn đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có năng lực, chuyên môn và kinh nghiệm. Nếu thực hiện sai kỹ thuật, nguy cơ bị viêm nhiễm, viêm ổ răng khô, chảy máu kéo dài,… sẽ tăng lên đáng kể. Một số lỗi sai khi nhổ răng có thể gây ra nhiễm trùng thường là mở xương quá nhiều, thao tác mạnh gây tổn thương xương hàm, cắt xương không chuẩn.
Nhiễm trùng sau khi nhổ răng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, những nguyên nhân này đều liên quan đến 2 yếu tố là nhổ răng ở những cơ sở không đảm bảo và chăm sóc không đúng cách.
Cách khắc phục nhiễm trùng sau khi nhổ răng
Nhiễm trùng sau khi nhổ răng là tình trạng cần được điều trị. Tình trạng này không tự thuyên giảm mà ngược lại có tiến triển nặng hơn theo thời gian. Nếu không điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể xâm nhập vào sâu bên trong gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Thậm chí những trường hợp nặng còn có thể bị nhiễm trùng xoang, cổ họng, viêm mô tế bào và nhiễm trùng huyết.
Ngay khi nhận thấy triệu chứng nhiễm trùng sau khi nhổ răng, bạn cần đến ngay phòng khám/ bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị. Những trường hợp điều trị sớm, đúng cách thường sẽ có đáp ứng tốt và hầu như không gặp phải bất cứ biến chứng nào nghiêm trọng.
1. Loại bỏ ổ viêm nhiễm
Trong trường hợp vết thương có ổ mủ, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ ổ viêm nhiễm và dùng dung dịch sát trùng để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào sâu bên trong tổ chức nha chu. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt thuốc kháng sinh vào vết thương để ngăn vi khuẩn xâm nhập và phát triển.
Sau khi thực hiện, bác sĩ sẽ tư vấn dùng thuốc và chăm sóc để điều trị dứt điểm nhiễm trùng. Đồng thời tạo điều kiện để vết thương phục hồi và tái tạo hoàn toàn.
2. Sử dụng thuốc
Sau khi loại bỏ ổ viêm nhiễm, bạn cần sử dụng một số loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Dùng thuốc theo đúng chỉ định sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng khó chịu và ngăn ngừa viêm nhiễm tái phát.
Các loại thuốc được chỉ định trong điều trị nhiễm trùng sau khi nhổ răng:
- Thuốc giảm đau Paracetamol
- Thuốc chống viêm dạng men (thường dùng nhất là Alpha Choay)
- Thuốc kháng sinh (bắt buộc phải dùng đủ liều, không tự ý ngưng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ)
3. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng có vai trò quan trọng giúp phục hồi vết thương sau khi nhổ răng. Do đó, ngoài sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn nên thực hiện các biện pháp vệ sinh răng miệng như sau:
- Chải răng nhẹ nhàng và hạn chế tác động lên vết thương. Nên chải răng 2 – 3 lần/ ngày để làm sạch răng miệng và ngăn ngừa vi khuẩn phát triển quá mức.
- Khi chải răng, không nên súc miệng mà chỉ nên ngậm nước sạch và nhổ bỏ nhẹ nhàng để hạn chế kích thích lên vết thương. Thói quen súc miệng sẽ khiến cho cục máu đông bị vỡ ra, từ đó gia tăng nguy cơ chảy máu kéo dài và tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng.
- Không súc miệng trong 5 – 7 ngày sau khi nhổ răng và tiểu phẫu loại bỏ ổ mủ. Chỉ nên súc miệng khi vết thương đã lành hoàn toàn.
- Khi vết thương lành, có thể súc miệng bằng các dung dịch kháng khuẩn và sát trùng để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
- Trong thời gian sau nhổ răng và sau khi điều trị nhiễm trùng, nên tránh các loại thức ăn, đồ uống dễ gây tích tụ mảng bám. Ngoài ra, nên uống nhiều nước để hạn chế mảng bám tích tụ.
4. Chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý
Chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học giúp ích rất nhiều trong việc phục hồi vết thương sau khi nhổ răng. Đối với những trường hợp bị nhiễm trùng, chế độ ăn uống còn giúp nâng cao sức đề kháng và tạo điều kiện thuận lợi để vết thương lành hẳn.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt khi điều trị nhiễm trùng do nhổ răng:
- Nên dùng thức ăn mềm, nguội và ít gia vị để giảm áp lực lên răng. Ngoài ra, những món ăn lỏng cũng sẽ ít tích tụ mảng bám và dễ dàng vệ sinh răng miệng hơn.
- Tránh dùng thức ăn nóng, chứa nhiều muối và gia vị cay. Thay vào đó, nên dùng món ăn lạnh để làm dịu nướu răng bị sưng tấy.
- Uống nhiều nước để hỗ trợ quá trình phục hồi vết thương.
- Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu probiotic, kẽm,… để nâng cao sức đề kháng. Khi đề kháng tốt, vết thương sẽ lành nhanh hơn và ít có nguy cơ nhiễm trùng.
- Không hút thuốc lá và uống rượu bia.
- Hạn chế chống cằm và tác động lực lên vùng xương hàm khi vết thương chưa lành hẳn.
- Ngủ sớm, tránh thức khuya và căng thẳng để tạo điều kiện cho vết thương phục hồi.
- Nếu răng đau nhức nhiều, có thể chườm lạnh để cải thiện. Kết hợp chườm lạnh với sử dụng thuốc sẽ giúp kiểm soát hoàn toàn các triệu chứng khó chịu sau khi nhổ răng và loại bỏ ổ mủ.
Phòng ngừa nhiễm trùng sau khi nhổ răng bằng cách nào?
Nhiễm trùng sau khi nhổ răng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe răng miệng. Để phòng ngừa biến chứng này, bạn có thể thực hiện các biện pháp đơn giản sau:
- Lựa chọn phòng khám nha khoa uy tín ở TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng hoặc nơi bạn đang sinh sống. Các nha khoa lớn luôn đảm bảo yếu tố vô trùng khi nhổ răng, đồng thời có đội ngũ bác sĩ giỏi và giàu kinh nghiệm nên nguy cơ gặp phải biến chứng sẽ giảm đi đáng kể.
- Chăm sóc răng miệng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Dùng thuốc đủ liều lượng trong thời gian được chỉ định.
- Kiêng hút thuốc lá, dùng rượu bia và chất kích thích.
- Không uống thuốc chống đông máu trong 5 ngày kể từ khi nhổ răng – trừ những trường hợp có chỉ định của bác sĩ.
- Tránh súc miệng sau khi nhổ răng. Nên đợi vết thương lành hẳn mới súc miệng trở lại để ngăn ngừa chảy máu kéo dài và nhiễm trùng vết thương.
- Tái khám theo lịch hẹn hoặc chủ động đến bệnh viện khi có các biến chứng bất thường như sốt, đau nhức dữ dội, nướu sưng đỏ, nóng, ứ mủ, hôi miệng,…
Các dấu hiệu nhiễm trùng sau khi nhổ răng rất dễ nhận biết. Ngay khi phát hiện các triệu chứng này, bạn nên đến phòng khám/ bệnh viện để được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, nên trang bị những thông tin hữu ích để có thể phòng ngừa những biến chứng sau khi nhổ răng.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Nhổ răng bao lâu thì bị tiêu xương hàm?
Răng khôn có tác dụng gì? Có nên nhổ không?
Mọc răng khôn nên uống thuốc gì giảm đau?
Nhổ Răng Khôn Nên Ăn Gì Và Kiêng Gì Để Giảm Đau, Chóng Lành
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!