Niềng răng 1 hàm được nhiều người lựa chọn để tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian chỉnh nha. Tuy nhiên do chỉ can thiệp đến 1 hàm nên phương pháp này chỉ được xem xét trong một số ít trường hợp.
Niềng răng 1 hàm có được không? Áp dụng trong trường hợp nào?
Thông thường, niềng răng chỉnh nha được thực hiện cùng lúc 2 hàm để có thể mang lại hàm răng đều và cân đối. Đây được xem là giải pháp tối ưu dành cho những trường hợp răng hô, móm, răng thưa, khấp khểnh, sai khớp cắn và răng mọc xiêu vẹo. Niềng răng giúp khắc phục các khuyết điểm của răng, ổn định khớp cắn và tăng tính thẩm mỹ cho nụ cười.
Hiện nay, rất nhiều người muốn niềng răng 1 hàm (hàm trên/ hàm dưới) để tiết kiệm chi phí thay vì phải can thiệp chỉnh nha cả 2 hàm. Trên thực tế, niềng răng 1 hàm nên chỉ thích hợp với một số ít trường hợp.
Vì chỉ can thiệp đến hàm trên hoặc hàm dưới nên niềng răng 1 hàm được xem xét áp dụng trong một số trường hợp sau:
- Răng hàm trên hoặc hàm dưới bị hô móm nhẹ, mức độ không đáng kể
- Răng hàm trên/ hàm dưới bị thưa ở một vài vị trí, mức độ thưa nhẹ (dưới 2mm)
- Răng mọc lệch lạc, khấp khểnh nhẹ ở hàm trên hoặc hàm dưới
- Toàn bộ hàm răng tương đối đồng đều, không bị mất răng, khớp cắn ổn định và có gương mặt cân đối
Khi niềng răng chỉnh nha, đa phần đều phải can thiệp cùng lúc 2 hàm nhằm dịch chuyển răng về đúng vị trí và ổn định khớp cắn. Đồng thời giúp toàn bộ hàm răng đều đặn và cân đối hơn.
Nếu chỉ niềng răng 1 hàm, cấu trúc răng không được điều chỉnh một cách đồng nhất, tạo ra sự lệch lạc giữa 2 hàm dẫn đến nhiều rủi ro và tình huống ngoài ý muốn. Do đó trên thực tế, niềng răng 1 hàm có phạm vi chỉ định rất hạn chế. Các bác sĩ sẽ đánh giá kỹ lưỡng tình trạng răng để xem xét có thể niềng răng 1 hàm được hay không.
Rủi ro khi niềng răng 1 hàm
Răng hàm trên và răng hàm dưới có mối liên hệ mật thiết. Cả hai hàm kết hợp sẽ giúp răng dễ dàng thực hiện chức năng ăn nhai và hỗ trợ trong việc phát âm. Khi niềng răng 1 hàm, các răng ở hàm sẽ bị dịch chuyển trong khi răng hàm còn lại không có sự thay đổi về vị trí. Chính vì vậy, phương pháp này tiềm ẩn không ít rủi ro và hệ lụy nghiêm trọng.
Dưới đây là một số rủi ro có thể gặp phải khi niềng răng 1 hàm:
1. Sai lệch khớp cắn
Sai lệch khớp cắn là biến chứng thường gặp khi niềng răng 1 hàm. Như đã đề cập, nếu chỉ dịch chuyển răng của hàm trên/ hàm dưới, khớp cắn sẽ bị sai lệch dẫn đến tình trạng khó khăn khi ăn uống. Về lâu dài, khớp cắn có thể bị lệch nặng dẫn đến tình trạng đau nhức, nhai thức ăn không kỹ và gia tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề tiêu hóa.
2. Hiệu quả chỉnh nha không cao
Cấu trúc răng có sự liên kết giữa răng hàm trên và hàm dưới. Việc dịch chuyển 1 hàm sẽ khiến răng trở nên mất đối xứng và hài hòa. Trong khi đó, chỉnh nha cả hai hàm sẽ giúp răng được dàn đều, nắn chỉnh đúng vị trí, qua đó giúp chỉnh khớp cắn và mang lại hiệu quả chỉnh nha cao.
Nhiều người cho rằng, niềng răng 1 hàm với những trường hợp răng ít khuyết điểm sẽ tiết kiệm chi phí và thời gian chỉnh nha cũng được rút ngắn. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều trường hợp sau khi chỉnh nha 1 hàm phải tiến hành niềng răng lại cả 2 hàm do răng lệch lạc, hô và móm nặng hơn trước.
3. Một số rủi ro, biến chứng khác
Ngoài những biến chứng kể trên, niềng răng 1 hàm còn có thể gây ra một số rủi ro khác như:
- Biến dạng khuôn mặt: Niềng răng 1 hàm có thể gây ra tình trạng biến dạng khuôn mặt do chỉ dịch chuyển răng của 1 hàm duy nhất. Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều trường hợp gặp phải tình trạng hàm bị lệch nhẹ hoặc hô, móm hơn trước đây.
- Niềng răng lại: Như đã đề cập, niềng răng 1 hàm có thể không mang lại hiệu quả chỉnh nha và thậm chí khiến các khuyết điểm của răng trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy trong trường hợp này, phải tiến hành niềng răng lại 2 hàm để nắn chỉnh và điều hướng răng. So với việc can thiệp niềng răng 2 hàm từ sớm, niềng răng lại sau khi chỉnh nha 1 hàm có thể mất nhiều thời gian và chi phí hơn.
- Chết tủy do niềng răng sai cách: Ngoài ra, niềng răng 1 hàm sai cách còn có thể gây chết tủy răng. Tủy răng nằm sâu bên trong cấu trúc răng và được nối liền với các dây thần kinh. Vì vậy, dịch chuyển răng quá nhanh có thể khiến mạch máu, dây thần kinh bị đứt gãy. Từ đó khiến cho tủy răng bị hoại tử đột ngột. Chết tủy khiến răng suy yếu, men răng ngả màu và có tuổi thọ ngắn hơn so với thông thường.
Có thể thấy, niềng răng 1 hàm tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ. Chính vì vậy, nếu có thể bạn nên chỉnh nha 2 hàm để mang lại sự cân đối, hài hòa cho hàm răng và hạn chế những rủi ro kể trên.
Các phương pháp niềng răng 1 hàm
Mặc dù hiệu quả chỉnh nha không cao và tiềm ẩn nhiều hệ lụy nhưng niềng răng 1 hàm vẫn được nhiều người lựa chọn để tiết kiệm chi phí. Đối với chỉnh nha 1 hàm, bạn có thể lựa chọn một số phương pháp sau:
1. Niềng răng mắc cài 1 hàm (kim loại/ sứ)
Niềng răng mắc cài 1 hàm là phương pháp được nhiều người lựa chọn. Mắc cài là khí cụ chỉnh nha truyền thống có khả năng dịch chuyển vị trí của răng bằng cách tạo ra lực siết ở dây cung. Phương pháp này sử dụng mắc cài gắn lên bề mặt răng, sau đó cho dây cung vào rãnh mắc cài và cố định bằng dây chun/ nắp trượt tự động.
Niềng răng mắc cài có thể áp dụng cho những trường hợp chỉnh nha 1 hàm và 2 hàm. Tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính, bạn có thể lựa chọn mắc cài bằng kim loại hoặc mắc cài sứ. Mắc cài kim loại có độ bền, cứng chắc và khả năng chịu lực tốt. Tuy nhiên, hạn chế của khí cụ này là màu sắc khác biệt so với màu răng, dễ gặp phải tình trạng “lộ” ra trong quá trình ăn uống, sinh hoạt.
Niềng răng mắc cài sứ có tính thẩm mỹ cao hơn do chất liệu sứ có màu sắc tương tự như răng thật. Do đó, sử dụng khí cụ này để chỉnh nha ít ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp, sinh hoạt. Tuy nhiên, khả năng chịu lực của mắc cài sứ kém hơn nên thời gian niềng lâu hơn mắc cài kim loại khoảng 3 – 6 tháng. Hơn nữa, mắc cài sứ cũng có chi phí khoảng 5 – 15 triệu đồng.
2. Niềng răng không mắc cài 1 hàm
Ngoài niềng răng mắc cài, bạn cũng có thể chỉnh nha 1 hàm bằng niềng răng không mắc cài (niềng răng trong suốt). Phương pháp này sử dụng khay niềng được làm từ nhựa chuyên dụng có độ đàn hồi và khả năng chịu lực cao. Khay niềng được chế tác tương thích với cấu trúc răng với khả năng dịch chuyển vị trí từ 0.1 – 0.25mm/ khay. Mỗi khay niềng được sử dụng trong vòng 2 tuần và trung bình 1 lộ trình niềng răng dùng khoảng 20 – 40 khay.
Niềng răng trong suốt sử dụng nhiều loại khay niềng như Invisalign và Clear Aligner. Trong đó, khay niềng Invisalign có chi phí cao hơn do được sản xuất tại Mỹ dựa trên phần mềm hiện đại có thể mô phỏng toàn bộ lộ trình niềng và cho thấy trước kết quả sau khi chỉnh nha.
Niềng răng 1 hàm mất bao lâu? Hết bao nhiêu tiền?
Niềng răng 1 hàm mất bao lâu là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Thông thường, chỉnh nha 1 hàm chỉ được áp dụng cho những trường hợp hàm trên/ hàm dưới có những khuyết điểm nhẹ như răng thưa, răng khấp khểnh, răng lệch lạc, răng hô, móm,… Do đó thời gian niềng răng 1 hàm tương đối ngắn, trung bình khoảng 12 – 24 tháng tùy theo từng trường hợp.
Niềng răng 1 hàm có chi phí thấp hơn so với trường hợp chỉnh nha cả 2 hàm. Chi phí thực tế phụ thuộc vào kỹ thuật chỉnh nha, loại mắc cài, tình trạng lệch lạc của răng và một số yếu tố khác. Để biết chính xác chi phí thực hiện phương pháp này, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, để có sự chuẩn bị cho quá trình chỉnh nha, bạn có thể tham khảo chi phí niềng răng 1 hàm được tổng hợp sau đây (chỉ có tính chất tham khảo):
- Niềng răng mắc cài kim loại 1 hàm có giá khoảng 10 – 15 triệu đồng
- Niềng răng mắc cài kim loại tự buộc 1 hàm có giá 13 – 18 triệu đồng
- Niềng răng mắc cài sứ 1 hàm có giá khoảng 18 – 22 triệu đồng
- Niềng răng mắc cài sứ 1 hàm tự đóng có giá 25 – 30 triệu đồng
- Niềng răng mặt trong 1 hàm có giá khoảng 30 – 40 triệu đồng
- Niềng răng không mắc cài 1 hàm sử dụng khay 3D Clear có giá dao động từ 10 – 30 triệu, khay Invisalign có giá khoảng 40 – 60 triệu đồng
Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị thêm chi phí cho một số phương pháp được áp dụng trong quá trình chỉnh nha như cạo vôi răng, nhổ răng, hàn trám răng sâu,…
Lưu ý khi niềng răng 1 hàm
Niềng răng 1 hàm thường được áp dụng trong trường hợp răng hàm trên hoặc hàm dưới có những khuyết điểm nhẹ như hô, móm, thưa, răng khấp khểnh,… Nếu có ý định áp dụng phương pháp này, bạn cần lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:
- Niềng răng 1 hàm không mang lại hiệu quả chỉnh nha cao và chỉ phù hợp với một số ít trường hợp. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định thực hiện phương pháp này.
- Cần lựa chọn phòng khám/ bệnh viện uy tín nếu có ý định chỉnh nha. Thực tế, đã có nhiều trường hợp răng lệch lạc, hô, móm nặng và thậm chí là hoại tử tủy do niềng răng ở những cơ sở không đảm bảo.
- Tương tự như niềng răng 2 hàm, niềng răng 1 hàm cũng có thể gây ra tình trạng đau nhức và ê buốt – đặc biệt là khi mới gắn khí cụ và sau mỗi lần siết răng. Để giảm cảm giác đau nhức, bạn nên ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sĩ. Đối với những trường hợp bị loét, xây xước niêm mạc miệng do mắc cài ma sát, nên dùng sáp nha khoa để tránh tình trạng này.
- Nếu niềng răng mắc cài, nên chú ý vệ sinh răng miệng kỹ để tránh thức ăn thừa bám dính vào các khí cụ chỉnh nha. Ngoài ra, nên lấy cao răng định kỳ để ngăn ngừa các bệnh nha khoa xảy ra trong quá trình nắn chỉnh răng.
- Đối với niềng răng không mắc cài, nên chú ý sử dụng khí cụ chỉnh nha từ 20 – 22 giờ mỗi ngày. Có thể tháo khay niềng khi ăn uống, vệ sinh răng miệng và trong những cuộc gặp gỡ quan trọng. Ngoài vệ sinh răng miệng, nên làm sạch khay niềng 1 – 2 lần/ ngày với nước sạch để ngăn ngừa vi khuẩn.
- Trong quá trình chỉnh nha, nên chú ý những biểu hiện bất thường và thông báo với bác sĩ trong thời gian sớm nhất. Với những trường hợp răng dịch chuyển nhanh khiến cấu trúc 2 hàm trở nên mất đối xứng, bác sĩ sẽ chỉ định chỉnh nha cùng lúc toàn hàm để đảm bảo hiệu quả.
- Cần đến phòng khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được khám định kỳ, thay dây chun, dây cung, tăng lực siết hàm và thay máng niềng. Nếu có dấu hiệu tuột lỏng dây cung, bung súc mắc cài, bạn cũng nên đến nha khoa sớm để được thăm khám và khắc phục kịp thời.
Niềng răng 1 hàm có thể được thực hiện trong một số ít trường hợp. Mặc dù có chi phí thấp hơn nhưng chỉnh nha 1 hàm tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và tình huống ngoài ý muốn. Do đó nếu có ý định thực hiện phương pháp này, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn.
Tham khảo thêm:
Bài viết liên quan
Niềng Răng Invisalign Tại Nha Khoa ViDental Có Tốt Không?
Niềng Răng Lệch Khớp Cắn Bao Nhiêu Tiền? Mất Bao Lâu?
Niềng Răng Khớp Cắn Sâu: Quy Trình Và Chi Phí
Niềng Răng Có Hôn Được Không? Cảm Giác Khi Hôn Thế Nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!