Phẫu thuật áp xe chân răng và cách chăm sóc

Phẫu thuật áp xe chân răng được thực hiện để loại bỏ ổ mủ và tổ chức bị hoại tử nhằm kiểm soát sự lan rộng của vi khuẩn. Tùy theo giai đoạn phát triển của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định tiểu phẫu chích rạch áp xe hoặc phẫu thuật vạt loại bỏ mô hoại tử.

phẫu thuật áp xe răng
Phẫu thuật áp xe răng được thực hiện nhằm dẫn lưu mủ (áp xe) và loại bỏ mô hoại tử

Các phương pháp phẫu thuật áp xe chân răng

Áp xe chân răng là một dạng áp xe răng thường gặp bên cạnh áp xe nướu (hay còn gọi là áp xe nha chu). Bệnh lý này xảy ra khi chân răng bị viêm nhiễm và hình thành áp xe (túi mủ chứa vi khuẩn, tế bào chết, mô da, tế bào bạch cầu). Đa phần các trường hợp áp xe chân răng đều bắt nguồn từ sâu răng nặng không được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tất cả các trường hợp áp xe răng đều phải can thiệp các phương pháp chuyên sâu để kiểm soát ổ mủ và ngăn ngừa viêm nhiễm lây lan rộng. Trong đó, phẫu thuật là phương pháp được chỉ định cả trong giai đoạn cấp và mãn tính.

1. Phẫu thuật trị áp xe răng cấp tính (chích rạch ổ mủ)

Áp xe chân răng cấp là giai đoạn đầu khi ổ mủ mới hình thành gây ra đau nhức dữ dội kèm theo sốt, sưng hạch góc hàm, mệt mỏi, ê buốt răng, khó khăn khi ăn uống và giao tiếp. Trong trường hợp này, phương pháp phẫu thuật được áp dụng là dẫn lưu mủ nhằm kiểm soát sự lan rộng của vi khuẩn.

Thực chất, dẫn lưu mủ chỉ là tiểu phẫu đơn giản và không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, nguy cơ gặp phải tác dụng phụ có thể tăng lên nếu có những vấn đề sức khỏe như dị ứng thuốc gây tê, mắc bệnh lý tim mạch, rối loạn đông máu, đang sử dụng thuốc chống đông và các loại thuốc gây ức chế tập kết tiểu cầu. Để giảm thiểu rủi ro khi can thiệp phẫu thuật, nên thông báo với bác sĩ tất cả các vấn đề sức khỏe mà bạn gặp phải.

phẫu thuật áp xe răng
Phẫu thuật điều trị áp xe răng cấp tính thực chất là tiểu phẫu dẫn lưu túi mủ (áp xe)

Quy trình phẫu thuật áp xe chân răng cấp tính (dẫn lưu mủ):

  • Chụp X-Quang để đánh giá tình trạng xung quanh chân răng
  • Xác định vùng chuyển sóng và vị trí ổ mủ để lựa chọn đường dẫn lưu
  • Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể thực hiện đường dẫn lưu qua túi lợi hoặc thực hiện qua đường rạch bên ngoài
  • Tách đường rạch để bộc lộc túi mủ, sau đó tiến hành bơm rửa bằng nước ấm để làm sạch ổ áp xe
  • Làm khô túi áp xe, sau đó chấm thuốc sát khuẩn và kê toa thuốc (kháng sinh, thuốc chống viêm và giảm đau)

Chích rạch áp xe được áp dụng cho tất cả các trường hợp áp xe răng cấp tính. Đây là phương pháp được thực hiện đầu tiên nhằm kiểm soát kịp thời sự lây lan của vi khuẩn và dự phòng các biến chứng nguy hiểm.

2. Phẫu thuật điều trị áp xe chân răng mãn tính

Sau khi áp xe cấp được kiểm soát, bệnh nhân cần quay lại phòng khám để được kiểm tra tình trạng răng áp xe. Dựa vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định nhổ răng, điều trị nội nha hoặc phẫu thuật vạt để loại bỏ mô hoại tử.

Phương pháp này chống chỉ định với bệnh nhân có bệnh toàn thân hoặc bệnh nhân đang có các bệnh răng miệng cấp tính (viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản cấp,…).

phẫu thuật áp xe răng
Trong trường hợp áp xe răng mãn tính, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật vạt để loại bỏ các mô hoại tử

Quy trình phẫu thuật điều trị áp xe quanh răng mãn tính (phẫu thuật vạt để loại bỏ mô hoại tử):

  • Chụp phim X-Quang để đánh giá tình trạng quanh răng
  • Sau đó, sử dụng thám châm xác định vị trí ổ áp xe để lựa chọn đường rạch phù hợp
  • Gây tê tại chỗ và lấy cao răng
  • Sau khi lấy cao răng, bác sĩ tiến hành tạo vạt lợi thông qua 2 đường rạch (rạch đường rạch gần xa qua nhú kẽ răng để quá trình tách vạt diễn ra thuận lợi hoặc rạch hai đường rạch đứng từ bờ lợi đến nếp niêm mạc má).
  • Sau khi thực hiện đường rạch, bác sĩ sẽ quan sát và đánh giá tình trạng. Sau đó, tiến hành nạo phần mô hạt để bộc lộ chân răng. Kế tiếp lấy cao răng, làm nhẵn chân răng, nạo xoang, bỏ mép xương mỏng giữa bờ xương ổ răng và xoang
  • Cầm máu bằng miếng gạc hình chữ U đến khi ngừng chảy máu
  • Cuối cùng, khâu đóng vạt và đắp xi măng phẫu thuật

Phẫu thuật áp xe răng có nguy hiểm không?

So với điều trị bảo tồn, phẫu thuật tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ hơn. Thực tế, phẫu thuật áp xe răng có thể gây ra một số biến chứng như:

1. Chảy máu kéo dài

Chảy máu kéo dài là biến chứng thường gặp sau khi can thiệp phẫu thuật áp xe răng. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở người mắc bệnh khó đông máu hoặc chăm sóc không đúng cách khiến vết mổ chảy máu dai dẳng. Nếu nhận thấy vết mổ chảy máu liên tục trong vài giờ, lượng máu không thuyên giảm, nên liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Chảu máu là biến chứng không quá nghiêm trọng. Để xử lý tình trạng này, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm dung dịch cầm máu vào vết thương. Tuy nhiên, chảy máu kéo dài có thể khiến vết thương chậm lành và có nguy cơ nhiễm trùng cao. Do đó, bạn nên chú ý các biểu hiện bất thường sau khi phẫu thuật để phát hiện và xử trí kịp thời.

2. Nhiễm trùng lan rộng

Trong một số trường hợp, phẫu thuật áp xe răng có thể khiến nhiễm trùng ở chân răng lan rộng ra những cơ quan khác như mô nướu, thân răng, sàn miệng, mặt dưới lưỡi,… Biến chứng này thường biểu hiện qua các dấu hiệu như sốt, đau nhức răng dữ dội, ớn lạnh,…

Để phòng tránh các tình huống rủi ro, nên đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra khi nhận thấy các triệu chứng nói trên. Đối với nhiễm trùng lan rộng, giải pháp là sử dụng kháng sinh và chăm sóc tại chỗ (giữ vệ sinh răng miệng, sử dụng thuốc sát khuẩn dạng bôi hoặc súc miệng).

Chăm sóc sau khi phẫu thuật áp xe chân răng

Chế độ chăm sóc ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ phục hồi sau khi phẫu thuật áp xe chân răng. Ngoài ra, chăm sóc đúng cách còn giúp phòng ngừa các biến chứng và rủi ro hậu phẫu.

Hướng dẫn chăm sóc sau khi phẫu thuật áp xe chân răng:

1. Dùng thuốc theo hướng dẫn

Sau khi phẫu thuật, bác sĩ thường chỉ định kháng sinh, thuốc chống viêm và giảm đau. Mục đích của sử dụng thuốc là giảm đau nhức và cải thiện các triệu chứng khó chịu, đồng thời ngăn ngừa viêm nhiễm tái phát và lan tỏa rộng.

phẫu thuật áp xe răng
Nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng ngừa các biến chứng sau khi phẫu thuật áp xe răng

Vì vậy, bạn nên sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để phòng ngừa biến chứng nhiễm trùng. Tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc – đặc biệt là kháng sinh. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ kháng thuốc và tái phát hiện tượng viêm nhiễm.

2. Vệ sinh răng miệng đúng cách

Vệ sinh răng miệng đúng cách có thể ngăn ngừa viêm nhiễm và đảm bảo quá trình lành thương của mô nướu, chân răng. Ngoài ra, giữ gìn vệ sinh răng miệng còn ngăn chặn vi khuẩn phát triển và phòng ngừa các bệnh nha khoa thường gặp.

phẫu thuật áp xe răng
Vệ sinh răng miệng đúng cách giúp phòng ngừa viêm nhiễm và đảm bảo quá trình lành thương của răng

Cách vệ sinh răng miệng sau khi phẫu thuật áp xe chân răng:

  • Chải răng nhẹ nhàng 2 – 3 lần/ ngày để làm sạch mảng bám và thức ăn thừa. Tránh chải mạnh vào vùng răng mới phẫu thuật để hạn chế đau nhức và chảy máu.
  • Trong vài ngày đầu cần kiêng súc miệng quá mạnh. Tình trạng này khiến cho vết thương chậm cầm máu và có nguy cơ chảy máu tái phát.
  • Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng. Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng ở kẽ răng vừa mới phẫu thuật.
  • Uống nhiều nước và nhai kẹo cao su không đường để kích thích tiết nước bọt. Nước bọt có vai trò kháng khuẩn, trung hòa axit từ thức ăn, vi khuẩn và đẩy nhanh quá trình lành thương của răng.

3. Chú ý thói quen ăn uống, sinh hoạt

Ngoài sử dụng thuốc và vệ sinh răng miệng đúng cách, bạn cũng cần chú ý một số thói quen ăn uống và sinh hoạt sau khi phẫu thuật áp xe chân răng. Nếu không chú ý đến những thói quen này, vết thương dễ bị kích thích dẫn đến chảy máu, đau nhức và nhiễm trùng.

phẫu thuật áp xe răng
Để vết thương nhanh hồi phục, nên dùng các món ăn mềm, lỏng và ít gia vị

Điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt sau khi phẫu thuật áp xe chân răng:

  • Tránh thức ăn khô cứng, nhiều gia vị như muối, ớt, tiêu, mù tạt, tỏi,… Các món ăn này có thể kích thích lên vết mổ gây đau nhức, khó chịu và làm chậm tốc độ lành thương.
  • Hạn chế món ăn chứa nhiều đường, thức uống chứa axit và cồn. Các loại thức uống và món ăn này có thể làm tăng số lượng hại khuẩn trong khoang miệng, dẫn đến nguy cơ viêm nhiễm và mưng mủ vết thương.
  • Nên dùng các món ăn nguội, mềm, lỏng và dễ nhai nuốt để giảm áp lực lên răng trong thời gian sau phẫu thuật. Điều này còn tạo điều kiện để răng có thời gian phục hồi và tái tạo hoàn toàn.
  • Tăng cường bổ sung rau xanh, sữa chua và các loại trái cây không chứa axit. Vitamin, khoáng chất, đạm và probiotic trong các loại thực phẩm này rất tốt cho sức khỏe răng miệng. Hơn nữa, vitamin và chất khoáng còn giúp nâng cao hệ miễn dịch, giảm tình trạng mệt mỏi và uể oải do áp xe răng gây ra.
  • Để quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi, cần tránh thức khuya, hút thuốc lá và căng thẳng quá mức.
  • Hạn chế vận động mạnh và gắng sức trong 1 – 2 ngày đầu sau phẫu thuật. Các hoạt động này có thể kích thích vết mổ dẫn đến cảm giác đau nhức và thậm chí có thể gây tái phát tình trạng chảy máu.

Phẫu thuật áp xe răng được áp dụng trong cả giai đoạn cấp và mãn tính. Phương pháp này có thể giải quyết ổ viêm nhiễm, loại bỏ mô hoại tử và kiểm soát tình trạng vi khuẩn lan rộng gây tổn thương các cơ quan kế cận. Tuy nhiên, cần có kế hoạch chăm sóc sau khi phẫu thuật để đảm bảo quá trình lành thương và hạn chế biến chứng.

Tham khảo thêm:

4/5 - (2 bình chọn)

Đánh giá của khách hàng

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá của bạn*

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!